Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo luật hình sự một số nước trên thế giới: Liên bang Nga, Thụy Điển, Trung Quốc, Pháp, Đức và Ba Lan.
Qua nghiên cứu luật hình sự các nước trên thế giới cho thấy, luật hình sự một số nước có đề cập đến vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Nội dung cụ thể như sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Liên bang Nga:
- 2 2. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Thụy Điển:
- 3 3. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Trung Quốc:
- 4 4. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Pháp:
- 5 5. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Đức:
- 6 6. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Ba Lan:
1. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Liên bang Nga:
Khoản 1 Điều 31 quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (có tài liệu dịch là tự đình chỉ tội phạm) là trường hợp một người chấm dứt việc chuẩn bị phạm tội hoặc chấm dứt hành động (không hành động, phạm tội nếu người đó nhận thức tội phạm có thể được thực hiện đến cùng “. Khoản 2 Điều 31, “Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Khoản 3 Điều 31 “Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi mà người đó đã thực hiện trên thực tế có dấu hiệu cấu thành một tội phạm khác”.
Khoản 4 Điều 31 “Người tổ chức và người xúi giục thực hiện tội phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng biết được hoặc bằng những biện pháp khác ngăn chặn được người thực hành thực hiện tội phạm đến cùng. Người giúp sức không phải chịu TNHS nếu đã thực hiện tất cả những biện pháp để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm”. Khoản 5 Điều 31 quy định “những hành động của người tổ chức hoặc người xúi giục được quy định tại Khoản 4 Điều này không ngăn chặn được người thực hành thực hiện tội phạm thì khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể xem những biện pháp mà họ đã thực hiện là tình tiết giảm nhẹ hình phạt”.
Theo quy định này thì khái niệm tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định khá cụ thể, đó là trường hợp một người ý thức được khả năng thực hiện tội phạm đến cùng nhưng đã tự chấm dứt việc chuẩn bị phạm tội hoặc chấm dứt hành động (không hành động) trực tiếp nhằm thực hiện tội phạm. Hành động “không hành động” ở đây có thể hiểu là hành vi im lặng, bỏ mặc cho hành vi vi phạm pháp luật khác diễn ra, điều này cho thấy BLHS Liên bang Nga đã nghiên cứu rất kỹ, rất chi tiết. BLHS Liên bang Nga không quy định việc khách quan có gì ngăn cản hay không mà chỉ quy định là chủ thể có nhận thức được khả năng thực hiện tội phạm đến cùng hay không. Đây là điểm khác biệt so với Luật hình sự Việt Nam.
Như vậy, cũng giống như nhà làm luật Việt Nam, nhà làm luật Liên bang Nga xác định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội gồm hai dấu hiệu đặc trưng là tự nguyện và dứt khoát chấm dứt việc phạm tội. Tuy nhiên, các quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được nhà làm luật Liên bang Nga thiết kế chi tiết hơn, bởi những quy định đó không chỉ đề cập đến người một mình thực hiện tội phạm hay người thực hành trong đồng phạm, mà còn đề cập đến người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức trong đồng phạm.
2. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Thụy Điển:
Khoản 4, Điều 3, Chương 23 quy định: “Hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và đồng phạm không áp dụng đối với người không tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc đã tự nguyện ngăn chặn không cho tội phạm thực hiện đến cùng”.
Như vậy, Luật hình sự của Thụy Điển quy định áp dụng cho chủ thể đã tự nguyện không thực hiện tiếp tội phạm trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và đề cập đến cả trường hợp đồng phạm. Trong trường hợp tội phạm đã hoàn thành nhưng người phạm tội đã ngăn chặn không cho tội phạm được thực hiện đến cùng cũng là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm.
3. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Trung Quốc:
Khoản 3, Điều 24 quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự nguyện không thực hiện tội phạm đến cùng hoặc tự nguyện áp dụng biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc xảy ra những hậu quả phạm tội; Đối với hành vị tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội chưa gây ra thiệt hại, thì áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn”.
Theo luật hình sự của Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa quy định thì, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là xuất phát từ ý chí của chủ thể đã dừng hành vi của mình không thực hiện tội phạm đến cùng cũng như đã tự nguyện áp dụng biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn làm cho hậu quả của tội phạm không xảy ra, thời điểm tự nguyện chấm dứt tội phạm bao gồm cả giai đoạn tội phạm hoàn thành.
4. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Pháp:
Trong phần chung BLHS Cộng hòa Pháp, nhà làm luật không quy định chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Tuy nhiên, nội dung của chế định này lại được nhà làm luật thể hiện tại một số điều luật thuộc phần các tội phạm. Chẳng hạn, theo Điều 422–1 BLHS Cộng hòa Pháp, người có chủ ý thực hiện hành vi khủng bố mà dừng lại không thực hiện, đã thông báo trước cho cơ quan hành chính hoặc tư pháp để ngăn chặn tội phạm và trong trường hợp cần thiết là để truy bắt những người phạm tội khác thì được miễn trách nhiệm hình sự. Điều luật này được quy định ở Mục về chủ nghĩa khủng bố và xét về bản chất pháp lý, đây là quy phạm bảo đảm miễn hình phạt cho những người có khuynh hướng khủng bố nhằm phòng ngừa riêng hơn là để quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
5. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Đức:
Theo điều 24, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, tội phạm phải ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, người phạm tội phải tự nguyện chấm dứt việc phạm tội và có những hành vi thiết thực thể hiện không thực hiện tội phạm đến cùng
Tại Khoản 1 ghi nhận hai trường hợp chấm dứt phạm tội không phải chịu hình phạt (a) đơn thuần dừng lại không thực hiện tiếp nếu là trường hợp chưa đạt chưa kết thúc (b) không chỉ đơn thuần dừng lại mà phải có hành động tích cực ngăn cản không cho tội phạm phát triển thành tội phạm hoàn thành nếu là trường hợp chưa đạt đã kết thúc (Luật hình sự Việt Nam mới chỉ quy định trường hợp thứ nhất). Ở cả hai trường hợp này người phạm tội đều phải có thái độ tự nguyện trong việc dừng lại hoặc trong việc có hành động tích cực ngăn chặn.
Người chấm dứt phạm tội chỉ không phải chịu hình phạt về hành vi phạm tội chưa đạt. Nếu hành vi đó đã cấu thành tội phạm hoàn thành khác thì họ phải chịu hình phạt về tội này,
Ngoài quy định chế định chấm dứt phạm tội trong phần chung của BLHS và được áp dụng cho trường hợp phạm tội chưa đạt, Luật hình sự Cộng hòa Liên bang Đức còn quy định chế định tương tự được áp dụng cho trường hợp tội phạm hoàn thành trong phần các tội phạm BLHS. Chế định này có tên là “Hối cải tích cực” và được quy định cho tội phạm cụ thể đặc biệt nhất định tại Điều 310 BLHS.
6. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo BLHS Ba Lan:
Khi chia các giai đoạn phạm tội (cố ý) thành chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tội phạm hoàn thành, nhà làm luật Cộng hòa Ba Lan phân biệt tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Tất nhiên, ở những quốc gia nơi mà chuẩn bị phạm tội không được coi là giai đoạn phạm tội độc lập thì vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ở giai đoạn này không được pháp luật hình sự điều chỉnh.
Điều 17 BLHS Cộng hòa Ba Lan quy định: “Người tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi chuẩn bị phạm tội, nhất là đã tự tiêu hủy các phương tiện, công cụ đã chuẩn bị hoặc ngăn chặn việc sử dụng chúng trong tương lai, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Mặc dù trong điều luật này dấu hiệu dứt khoát chấm dứt không được thể hiện một cách rõ ràng, song có thể coi
việc tiêu hủy các phương tiện, công cụ như là một minh chứng cho sự quyết tâm của chủ thể trong việc chấm dứt việc phạm tội.
Theo Điều 15 BLHS Cộng hòa Ba Lan, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hoặc ngăn chặn được hậu quả (vốn là dấu hiệu bắt buộc) của tội phạm, thì không bị truy cứu TNHS. Như vậy, trong điều luật này, nhà làm luật không phản ánh tiêu chí lý trí (nhận thức) của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vốn được hiểu là người phạm tội nhận thức có thể thực hiện tội phạm đến cùng vì không có gì ngăn cản, song đã không thực hiện đến cùng và dứt khoát dừng lại.
Qua so sánh nội dung một số quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của luật hình sự một số nước trên thế giới và Việt Nam ta thấy:
Pháp luật hình sự một số nước cũng đều có các quy định tương ứng về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội như Luật hình sự Việt Nam. Có nước quy định cụ thể khái niệm này (Nga, Trung Quốc), nhưng cũng có nước không quy định cụ thể trực tiếp mà quy định gián tiếp thông qua việc quy định về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt (Pháp, Đức). Phần lớn ghi nhận quy định này trong phần quy định về các giai đoạn thực hiện tội phạm tại phần Chung của BLHS.
Về điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhiều nước có quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ngay cả trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành hoặc tội phạm đã hoàn thành nhưng người phạm tội đã ngăn chặn không để tội phạm tiếp tục xảy ra hoặc ngăn chặn được hậu quả và hậu quả của tội phạm vẫn chưa xảy ra (Ba Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển)
Về điều kiện chủ quan, qua các quy định tại Điều 31 BLHS của Nga, Điều 43 BLHS Nhật Bản, Điều 3 BLHS Thụy Điển và Điều 21 BLHS Trung Quốc, cho thấy luật hình sự của các nước cũng đều quy định việc không thực hiện tiếp tội phạm là do ý chí chủ quan của người phạm tội, họ đã tự nguyện không thực hiện tội phạm một cách dứt khoát và vĩnh viễn. Tuy nhiên, sự thể hiện cụ thể trong PLHS của mỗi nước có sự khác nhau, trong PLHS của Thụy Điển quy định “không tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc đã tự nguyện ngắn chặn không cho tội phạm được thực hiện đến cùng”, BLHS của Trung Quốc
cũng quy định tương tự như của Thụy Điển “tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng hoặc dùng biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa việc xảy ra những hậu quả của tội phạm”. BLHS Nhật Bản chỉ nêu tên gọi của trường hợp này mà không nêu cụ thể. BLHS của Nga quy định “tự giác và dứt khoát”, ý chí của người thực hiện tội phạm còn được thể hiện rõ hơn trong việc quy định “nếu người tự đình chỉ tội phạm ý thức được khả năng thực hiện tội phạm đến cùng”, khả năng ở đây chúng ta có thể hiểu đó là các điều kiện bên ngoài và nó phải được chủ thể đánh giá xem có thực hiện được tội phạm tiếp hay không ?.
Về các điều kiện khách quan, pháp luật hình sự của các nước không quy định cụ thể các điều kiện khách quan mà nó được thể hiện thông qua điều kiện chủ quan.
Nhìn chung, Chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định trong BLHS của Việt Nam là đầy đủ và chặt chẽ hơn cả, cho thấy kỹ thuật lập pháp của nước ta đang tiến gần với kỹ thuật lập pháp của thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chế định này đã được hoàn thiện một cách tuyệt đối mà cần phải tiếp thu có chọn lọc những điểm hợp lý và tiến bộ của luật hình sự các nước.