Chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một trong các chế định nhỏ thể hiện tính nhân đạo của Luật hình sự Việt Nam, thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước là khoan hồng đối với những người có ý định phạm tội nhưng tự ý chấm dứt hành vi phạm tội của mình.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trước năm 1985:
Chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội lần đầu tiên được quy định tại Điều 20, Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là “...có âm mưu phạm tội nhưng đã tự nguyện không thực hiện tội phạm...”. Ở đây, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được gọi là tự nguyện không thực hiện âm mưu phạm tội.
Từ thực tế xét xử tại Tòa án nhân dân tối cao giai đoạn 1960–1985 (tính từ khi thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đến khi thông qua BLHS lần thứ nhất), một số báo cáo tổng kết chuyên môn cũng đã đề cập đến vấn đề này, như:
Tại Bản báo cáo tổng kết chuyên đề “Về thực tiễn xét xử loại tội giết người” số 452/HS2 ngày 10/8/1970 của Tòa án nhân dân tối cao có nội dung:
“Trường hợp mặc dù đã rõ ràng can phạm có ý định giết người hoặc khi không xác định được rõ ràng ý thức của mình nhưng nếu được nửa chừng hành động, can phạm thấy nạn nhân đã bị thương tích, chủ động tự mình chấm dứt tấn công, tuy biết rằng còn có thể hành động, chỉ nên định là tội cố ý gây thương tích, không nên định là tội giết người chưa đạt”.
Tại Bản báo cáo tổng kết thực tiễn vận dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong công tác xét xử về hình sự năm 1976 của Tòa án nhân dân tối cao cũng có quy định:
“Có trường hợp ngăn chặn hậu quả thiệt hại của một tội đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc tức là trường hợp tự nguyện nửa chừng chấm dứt tội phạm. Nhiều Tòa án đã giải quyết đúng đắn trường hợp này, không xử người có hành vi phạm tội mà họ đã đình chỉ thực hiện mà chỉ xét TNHS của họ đối với hậu quả thực tế mà họ đã gây ra”.
Như vậy, trong giai đoạn từ năm 1960–1985, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định tản mạn trong các văn bản pháp quy, chưa được quy định một cách tập trung thống nhất. Mỗi văn bản chỉ quy định cho từng trường hợp phạm tội riêng biệt mà chưa có quy định chung cho tất cả các loại tội, các văn bản này cũng chưa có sự nhất quán trong việc sử dụng thuật ngữ. Chẳng hạn, Điều 20 Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967 gọi là “tự nguyện”, Bản báo cáo tổng kết số 452/HS2 năm 1970 gọi là “tự mình chấm dứt” và tại Bản báo cáo tổng kết năm 1976 thì gọi là “đình chỉ”. Điều này cho thấy mỗi thuật ngữ trên mới chỉ thể hiện được một phần bản chất của chế định này. Vì vậy, đòi hỏi phải tìm ra một thuật ngữ mang tính khái quát hơn, thể hiện được đầy đủ bản chất của chế định.
2. Khái niệm tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Bộ luật hình sự:
Trong lần pháp điển hóa lần thứ nhất, BLHS năm 1985 là BLHS đầu tiên đã nâng khái niệm tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thành một chế định riêng tại Điều 16, theo đó tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được hiểu là: “Tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”. Trong quá trình áp dụng chế định này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 và Nghị quyết số 01–HĐTP/NQ ngày 19/04/1989 hướng dẫn về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người thực hành tội phạm và hướng dẫn về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong các trường hợp có đồng phạm.
Đến lần pháp điển hóa lần thứ hai, BLHS năm 1999, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định tại Điều 19 của Bộ luật và về cơ bản nó không có gì thay đổi so với quy định tại Điều 16, BLHS năm 1985.
Đến lần pháp điển hóa lần thứ ba, BLHS năm 2015, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định tại Điều 16 của Bộ luật và về nội dung không có gì thay đổi so với quy định tại Điều 19, BLHS năm 1999. Đó là: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”. Qua mỗi lần pháp điển hóa thì khái niệm tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ngày càng được rõ ràng và đầy đủ hơn.
Song song với quá trình pháp điển hóa từ năm 1985 đến nay, trong khoa học luật hình sự cũng có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Hòa thì “Chủ thể đã tự mình chủ động đình chỉ hành vi phạm tội, mặc dù không có gì ngăn cản người đó thực hiện tội phạm đến cùng”
Theo Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân năm 1995 thì “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là trường hợp người phạm tội tự nguyện ngừng hẳn việc thực hiện tội phạm mà không có gì ngăn cản”
Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 1999 thì “Tự mình không thực hiện tiếp tội phạm khi tội phạm chưa hoàn thành tuy không có gì ngăn cản”
Theo các tác giả Nguyễn Ngọc Điệp, Vũ Mạnh Thông thì “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là sự tự kiềm chế của một người để không thực hiện đến cùng hành vi phạm tội mà họ đã bắt đầu mặc dù họ biết là có khả năng làm việc đó và không có gì ngăn cản”
Theo cuốn Bình luận khoa học BLHS Việt Nam năm 1999 của Bộ Tư pháp thì “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”
Theo tác giả Lê Cảm thì “Tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm là trường hợp mà trong đó mặc dù người phạm tội có đầy đủ điều kiện khách quan thực hiện được tội phạm đến cùng nhưng đã tự mình đình chỉ hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc hành vi cố ý để thực hiện tội phạm, tuy không có gì ngăn cản”
Theo Giáo trình Luật Hình sự – Phần chung của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2003 thì “...đây là trường hợp chủ thể đã tự mình chủ động đình chỉ hành vi phạm tội, mặc dù không có gì ngăn cản người đó thực hiện tội phạm đến cùng”
Theo tác giả Trịnh Tiến Việt thì “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một chế định nhân đạo của Luật hình sự Việt Nam, thể hiện sự tự nguyện dứt khoát của một người không thực hiện ý định hoặc hành vi phạm tội của mình đến cùng mặc dù họ có khả năng thực hiện và điều kiện khách quan không có gì ngăn cản”
Theo Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Tập I, Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2010 thì “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tiếp tội phạm khi tội phạm chưa hoàn thành, tuy không có gì ngăn cản”
Theo tác giả Kim Dung đánh giá: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một khái niệm pháp lý mà trước đây chúng ta quen gọi là “tự nguyện đình chỉ”, đó là cách gọi tắt chứ bản thân nó chưa phản ánh cái gì cả. Đáng ra phải gọi là “tự ý đình chỉ việc thực hiện tội phạm”, nhưng việc gọi như vậy vẫn chưa rõ ràng, chưa nói lên được can phạm tự ý đình chỉ ở giai đoạn phạm tội nào. Vì vậy BLHS năm 1985 nêu khái niệm “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” là hoàn toàn chính xác và đầy đủ”
Đồng quan điểm với tác giả Kim Dung, có quan điểm cho rằng, một số tác giả sử dụng thuật ngữ “Tự nguyện đình chỉ thay cho thuật ngữ “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”, thì việc sử dụng thuật ngữ “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” là chính xác hơn, bởi vì, nếu sử dụng cụm từ “Tự nguyện đình chỉ” thì chưa thể hiện được người thực hiện hành vi phạm tội dừng lại ở giai đoạn nào. Hơn nữa, sử dụng cụm từ “tự ý” thay vì “tự nguyện” thể hiện đầy đủ hơn việc chủ thể từ bỏ hẳn ý định phạm tội mà không có gì ngăn cản. Điều đó cũng thể hiện được rằng ngay cả khi điều kiện và hoàn cảnh khách quan tác động vào người phạm tội (như hoàn cảnh của nạn nhân tác động làm người phạm tội thấy thương hại...) làm thay đổi ý chí của người phạm tội, từ đó họ đã không thực hiện đến cùng hành vi phạm tội của mình.
Nghiên cứu các khái niệm về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trên đây cho thấy, mặc dù còn có một số điểm khác nhau nhưng đều có một số điểm chung như sau:
Tuy các quan điểm có sự khác nhau nhất định nhưng các khái niệm đều nêu lên được điều kiện khách quan và điều kiện chủ quan của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là hoàn toàn do ý chí chủ quan của chủ thể và về khách quan không có gì ngăn cản, cản trở chủ thể thực hiện hành vi phạm tội.
Về thời điểm được coi là chấm dứt việc phạm tội là “không thực hiện tội phạm đến cùng” tức là ở các giai đoạn: chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành (Riêng tại Bản báo cáo tổng kết năm 1976 thì thời điểm được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là muộn hơn. Nó thừa nhận cả trường hợp người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi cần thiết, đã gây ra hậu quả thiệt hại, nhưng lại kịp thời ngăn chặn được thiệt hại thì vẫn được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội).
Như vậy, tổng kết tất cả các quan điểm khoa học khác nhau đã được dẫn ra trên đây, đồng thời trên cơ sở quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong các BLHS thực định. Theo quan điểm của chúng tôi, thống nhất với khái niệm về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định tại Điều 16 BLHS năm 2015. Đó là “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản”.
3. Những vấn đề trao đổi về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Theo quan điểm chúng tôi, khái niệm tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vẫn còn một số vấn đề cần trao đổi, làm rõ như sau:
Tại Điều 16 BLHS năm 2015 sử dụng cụm từ “việc phạm tội”, theo chúng tôi sử dụng cụm từ này là chưa chính xác, vì nó chỉ thể hiện được việc áp dụng chế định này đối với người trực tiếp thực hiện tội phạm (người thực hành) mà chưa thể hiện được việc tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi nguy hiểm cho xã hội của các dạng người đồng phạm khác (người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức), những người này không phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm mà hành vi của họ gián tiếp tác động đến khách thể của tội phạm thông qua hành vi của người thực hành. Bản thân thuật ngữ “việc phạm tội” cũng chưa có một khái niệm rõ ràng và thống nhất trong các quy định của pháp luật hình sự, trong khoa học luật hình sự cũng như trong thực tiễn áp dụng. Mặt khác, việc chấm dứt ở đây cần thiết phải thể hiện đó là chấm dứt hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm. Vì vậy, theo chúng tôi nên sử dụng thuật ngữ “tội phạm” thay cho thuật ngữ “việc phạm tội” trong tên gọi của chế định cũng như trong nội dung của chế định này. Sử dụng thuật ngữ “tội phạm” không chỉ bao hàm được cả trường hợp tự ý nửa chừng của các dạng người đồng phạm mà còn thống nhất với khái niệm về tội phạm được quy định cụ thể tại Điều 8 BLHS năm 2015, từ đó có cách hiểu thống nhất và đầy đủ hơn.
Tại Điều 16 BLHS năm 2015 dùng cụm từ “tuy không có gì ngăn cản” để thể hiện ý chí tự nguyện không thực hiện tội phạm đến cùng của người phạm tội. Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng nên thay cụm từ trên bằng cụm từ “mặc dù họ ý thức được khả năng thực hiện được tội phạm đến cùng”, vì cho rằng: việc sử dụng cụm từ “tuy không có gì ngăn cản” là không chính xác và không đúng với bản chất của chế định này. Vì đây là chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, việc xem xét chủ thể có thực sự tự ý hay không, chúng ta không chỉ căn cứ vào thực tế khách quan để đánh giá, mà phải xem xét thực tế khách quan đó có được chủ thể nhận thức hay không, trở ngại khách quan chỉ tác động đến quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng của một người khi họ nhận thức được điều đó.
Học viên đồng ý với quan điểm trên vì cho rằng: việc dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm hoàn toàn xuất phát từ ý chí chủ quan của người phạm tội, để đưa ra được quyết định dừng lại hay tiếp tục, chủ thể phải dựa vào nhận thức và đánh giá của mình về thực tại khách quan có gì ngăn cản hay không chứ không phải xác định xem thực tại khách quan không có gì ngăn cản việc tiếp tục thực hiện tội phạm. Đây là vấn đề rất khó và phức tạp trên thực tế khi xem xét, đánh giá tội danh, xem xét TNHS cho người phạm tội, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Xung quanh khái niệm về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đã được pháp luật hình sự quy định hiện nay, có quan điểm cho rằng cần mở rộng khái niệm này đối với cả trường hợp phạm tội mà chủ thể đã thực hiện hết những hành vi cho là cần thiết để đạt được mục đích đã được định trước nhưng hậu quả của tội phạm không xảy ra vì chủ thể đã có hành động tích cực ngăn chặn. Trong trường hợp này, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được mở rộng cả tới trường hợp tội phạm ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành. Theo chúng tôi, để khuyến khích hơn nữa người phạm tội từ bỏ ý định phạm tội và có những hành động tích cực ngăn chặn hậu quả của tội phạm khi nó chưa xảy ra là cần thiết. Vì vậy, nên coi đây cũng là một trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.