Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp. Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Nội dung bản mô tả kiểu dáng công nghiệp và hướng dẫn cách viết. Hồ sơ, thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Quy trình đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải trải qua quá trình chuẩn bị hồ sơ và thủ tục rất khắt khe. Trong đó cần lưu ý đến bản mô tả kiểu dáng công nghiệp. Dưới đây là hướng dẫn cách viết bản mô tả kiểu dáng công nghiệp chuẩn:
Mục lục bài viết
1. Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp:
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có tính mới
– Có tính sáng tạo
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Trong đó:
* Tính mới của kiểu dáng công nghiệp:
– Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
– Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
– Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
– Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
+ Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ
+ Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học
+ Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
* Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp:
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
* Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp:
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Những đối tượng sau không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp, bao gồm:
– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có
– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp
– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
2. Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
* Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
– Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình
– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ
* Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với kiểu dáng công nghiệp được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước
* Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý
* Người có quyền đăng ký quy định trên có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký
3. Nội dung bản mô tả kiểu dáng công nghiệp:
Trong bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, cần xác định những nội dung cơ bản sau:
– Tên sản phẩm hoặc bộ phận sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp
– Phân loại Kiểu dáng công nghiệp
– Lĩnh vực sử dụng của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp
– Các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết
– Liệt kê ảnh chụp hoặc hình vẽ
– Bản chất của kiểu dáng công nghiệp
4. Hướng dẫn viết bản mô tả kiểu dáng công nghiệp:
Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp cần có nội dung rõ ràng như sau:
– Tiêu đề: Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp
– Tên kiểu dáng công nghiệp: Ví dụ như Lọ hoa, Hộp đựng sản phẩm,…
– Lĩnh vực sử dụng của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp: Ví dụ như sử dụng đựng hoa, đựng nước, đựng dụng cụ gia đình,…
– Phân loại Kiểu dáng công nghiệp: Theo bảng phân loại quốc tế
– Các kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất đã biết: Không có
– Liệt kê ảnh chụp Kiểu dáng công nghiệp
Trong đó, hình ảnh trong bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, bao gồm:
+ Ảnh 1: Ảnh chụp tổng thể của Kiểu dáng công nghiệp
+ Ảnh 2: Ảnh chụp mặt trước của Kiểu dáng công nghiệp
+ Ảnh 3: Ảnh chụp mặt sau của Kiểu dáng công nghiệp
+ Ảnh 4: Ảnh chụp mặt trái của Kiểu dáng công nghiệp
+ Ảnh 5: Ảnh chụp mặt phải của Kiểu dáng công nghiệp
+ Ảnh 6: Ảnh chụp mặt trên của Kiểu dáng công nghiệp
+ Ảnh 7: Ảnh chụp mặt dưới của Kiểu dáng công nghiệp
Lưu ý về ảnh chụp:
+ Cần liệt kê tất cả, lần lượt các ảnh chụp (ảnh chụp tổng thể, mặt trước, mặt sau, bên phải, bên trái, từ trên xuống, từ dưới lên), hình vẽ, phối cảnh 3 chiều, hình chiếu mặt cắt kiểu dáng của sản phẩm theo thứ tự trong tờ khai
+ Ảnh chụp, bản vẽ phải rõ ràng, sắc nét, bản vẽ phải được thể hiện bằng đường nét liền, nền của ảnh chụp, bản vẽ phải có màu đồng nhất với nhau và cùng tương phản với kiểu dáng công nghiệp
+ Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một tỷ lệ
+ Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một tỷ lệ. Kích thước của kiểu dáng công nghiệp trong ảnh chụp, bản vẽ không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 190mm x 277mm
+ Ảnh chụp, bản vẽ phải được thể hiện theo cùng một chiều và lần lượt theo thứ tự: hình phối cảnh của kiểu dáng công nghiệp đó, hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp từ phía trước, phía sau, từ bên phải, bên trái, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên và các hình phải được thể hiện chính diện
+ Với các kiểu dáng công nghiệp có hình đối xứng thì ảnh chụp, hình vẽ có thể không cần thể hiện thêm các hình chiếu đối xứng, với điều kiện cần nêu rõ điều đó trong phần liệt kê ảnh chụp, bản vẽ thuộc bản mô tả
– Mô tả kiểu dáng công nghiệp như sau:
+ Kiểu dáng công nghiệp gồm các phần…
+ Mô tả cụ thể từng phần một cách chi tiết
+ Bản chất của kiểu dáng công nghiệp: Trong đó cần nêu rõ đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ, và có sự khác biệt với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.
– Yêu cầu bảo hộ: Bảo hộ tổng thể kiểu dáng công nghiệp như được thể hiện trên bộ bản vẽ và phần mô tả
5. Hồ sơ, thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp, gồm những giấy tờ sau:
– 02 tờ khai yêu cầu cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được sao theo mẫu Cục Sở hữu trí tuệ ban hành
– 02 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp
– 02 Bộ ảnh chụp hoặc bộ ảnh vẽ kiểu dáng công nghiệp
– Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Giấy chứng nhận quyền thừa kế; Giấy chứng nhận hoặc Thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn; Hợp đồng giao việc hoặc
– Tài liệu xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu, nếu đăng ký kiểu dáng công nghiệp có chứa nhãn hiệu
– Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày tại triển lãm (nếu trong đơn có yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế)
– Giấy uỷ quyền (nếu có)
– Chứng từ nộp phí nộp đơn và phí công bố đơn.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Người có nhu cầu nộp đơn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 02 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng theo địa chỉ sau đây:
– Cục Sở hữu trí tuệ: Số 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội
– Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
– Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
– Thẩm định hồ sơ:
Kiểm tra tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không.
– Thời gian thẩm định: trong vòng 1 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Bước 4: Cấp văn bằng bảo hộ:
– Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ
– Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.