Lực lượng dự bị động viên là một bộ phận khá quan trọng trong quân đội nhân dân Việt Nam. Vậy, lực lượng dự bị động viên là gì? Pháp luật quy định như thế nào về lực lượng dự bị?
Mục lục bài viết
1. Lực lượng dự bị động viên là gì?
Căn cứ theo quy định tại Luật lực lượng dự bị động viên năm 2019 có thể hiểu Lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị (bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của
Tóm lại lực lượng dự bị động viên hiểu một cách đơn giản nhất là lực lượng bao gồm các quân nhân dự bị đăng ký theo quy định của pháp luật và những phương tiện kỹ thuật dự bị mà cơ quan nhà nước trang bị cho.
2. Quy định của pháp luật về lực lượng dự bị?
2.1. Về trách nhiệm của quân nhân dự bị:
Thứ nhất, trách nhiệm của quân nhân dự bị trong lực lượng dự bị động viên được quy định rất cụ thể và chi tiết tại điều 4 Luật lực lượng dự bị động viên 2019 Quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra sức khỏe;
b) Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;
c) Thực hiện chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên và nhiệm vụ do người chỉ huy giao;
d) Thực hiện lệnh huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
Theo quy định này có thể hiểu, lực lượng dự bị động viên phải có trách nhiệm ngay cả với sức khỏe của chính mình, khi tham gia vào lực lượng dự bị động viên các quân nhân phải tiến hành kiểm tra sức khỏe thường xuyên, các chế độ sinh hoạt phải thực hiện theo chỉ huy,…. để đảm bảo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, Trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên nghiêm cấm các hành vi sau đây:
Một là, Quân nhân dự bị, nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được huy động, điều động không được trốn tránh thực hiện trách nhiệm.
Hai là, Quân nhân trong lực lượng dự bị động viên không được chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Ba là, Nếu không có trong kế hoạch được phê duyệt thì không được huy động, điều động lực lượng dự bị động viên
Bốn là, Quân nhân trong lực lượng dự bị động viên lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Năm là, Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
2.2. Quy định về huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên:
Căn cứ theo quy định tại điều 24 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 quy định về các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên đó là:
+ Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ.
+ Khi thi hành lệnh thiết quân luật.
+ Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.
+ Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
Như vậy, với quy định này có thể hiểu không phải huy động lực lượng động viên lúc nào cũng được mà nó phải thuộc vào những trường hợp mà pháp luật cho phép huy động.
Khi thực hiện việc huy động lực lượng động viên thì phải có quyết định huy động. Quyết định, lệnh huy động lực lượng dự bị động viên phải thông báo đúng thời hạn, chính xác. Việc thông báo được tiến hành theo hệ thống hành chính từ trung ương đến cơ sở và từ Bộ Quốc phòng đến cơ quan quân sự các cấp, đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân.
Quy trình huy động lực lượng dự bị động viên khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Lực lượng dự bị động viên, cụ thể theo quy định này thì có thể hiểu việc huy động lực lượng dự bị động viên được diễn ra như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị huy động ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sau đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra lệnh huy động đơn vị dự bị động viên ở từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Còn đối với trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Lực lượng dự bị động viên.
Khi thực hiện việc huy động lực lượng dự bị động viên không thể thiếu vai trò của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức: Các cơ quan này có trách nhiệm trong việc tập trung, vận chuyển, bàn giao lực lượng dự bị động viên cho đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân; tổ chức tiếp nhận lực lượng dự bị động viên sau khi thực hiện xong nhiệm vụ.
Ngoài ra còn có các đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân: Cơ quan này sẽ tiếp nhận lực lượng dự bị động viên được bổ sung; bàn giao lực lượng dự bị động viên cho Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức sau khi thực hiện xong nhiệm vụ.
3. Quy định về chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị:
Căn cứ theo quy định tại điều 30 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019, với quân nhân dự bị trong lực lượng dự bị động viên có các chế độ, chính sách cụ thể như sau:
Một là, quân nhân trong lực lượng dự bị động viên có chế độ tiền lương và phụ cấp, cụ thể:
Đối với các quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì việc chi trả lương và phụ cấp như sau: được trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe. Nếu mức lương, phụ cấp thấp hơn mức lương, phụ cấp áp dụng trong Quân đội nhân dân thì đơn vị Quân đội nhân dân trả phần chênh lệch cho các đối tượng này. Đới với các quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định thì việc chi trả lương và phụ cấp thực hiện như sau: được đơn vị Quân đội nhân dân cấp một khoản phụ cấp theo ngày làm việc trên cơ sở mức tiền lương cơ bản của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tại ngũ. Hoặc các quân nhân này có thể được chi trả bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.
Hai là, trong quá trình hoạt động, thực hiện nhiệm vụ tại lực lượng dự bị động viên các quân nhân dự bị được cấp hoặc mượn quân trang, đồ dùng sinh hoạt và bảo đảm tiền ăn theo chế độ hiện hành đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
Ba là, về chế độ nghỉ phép: đối với các quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức nếu đang nghỉ phép năm mà được gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, huy động khi chưa đến mức tổng động viên. Trong trường hợp động viên cục bộ thì những ngày phép còn lại được nghỉ tiếp sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc được nghỉ bù vào thời gian thích hợp.
Bốn là, chế độ được công nhận là thương binh hoặc liệt sỹ khi quân nhân dự bị khi thực hiện nhiệm vụ bị thương hoặc hy sinh. Lúc này bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Năm là, chế độ làm việc nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật: Trường hợp nếu quân nhân dự bị khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng chế độ, chính sách như đối với người lao động làm cùng công việc.
Sáu là, Quân nhân dự bị cũng có các chế độ liên quan đến việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Như vậy, từ những phân tích và các căn cứ pháp lý nêu trên có thể thấy pháp luật nước ta có quy định rất cụ thể và chi tiết về lực lượng dự bị động viên, đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ của các quân nhân thực hiện nhiệm vụ trong lực lượng dự bị động viên.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Luật lực lượng dự bị động viên năm 2019.