Pháp luật là hệ thống các quy phạm pháp luật, là nguyên tắc điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Pháp luật góp phần thúc đẩy, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Hệ thống pháp luật bao gồm luật công và luật tư. Vậy luật tư là gì? Luật công là gì?
Mục lục bài viết
1. Luật công là gì?
– Luật công là một phần của luật pháp mà cai quản quan hệ giữa cá nhân và chính phủ, và những quan hệ giữa các cá nhân mà có liên quan trực tiếp đến xã hội.
– Luật công điều chỉnh các quan hệ xã hội có sự không cân xứng với nhau. Ở đó, các chủ thể tham gia trong quan hệ này bao gồm cơ quan Nhà nước, chính phủ và các cá nhân, tổ chức khác. Có thể thấy, các quan hệ mà luật công điều chỉnh không có sự trao đổi, bình đẳng: Cơ quan Nhà nước, chính phủ có thể ra quyết định về quyền của cá nhân. Một bên ra quyết định về quyền và nghĩa vụ (tức ban hành), một bên chỉ có thể chấp thuận làm theo (thực thi). Trong mô hình luật công, các cá nhân, tổ chức chỉ có quyền và nghĩa vụ thực thi pháp luật. Còn những quy định áp dụng luật do cơ quan Nhà nước đưa ra (Tất nhiên sự ra quyết định của cơ quan Nhà nước, chính phủ phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi đến mức tối đa cho mọi công dân).
– Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành pháp luật. Người dân là đối tượng thực thi luật. Tuy nhiên, theo học thuyết Pháp quyền, nhà cầm quyền chỉ có thể làm việc trong vòng pháp luật. Chính phủ phải tuân theo luật pháp. Một công dân không hài lòng với một quyết định của nhà cầm quyền, có thể kháng cáo lên
Luật công bao gồm ba bộ phận chính là luật hiến pháp, luật hành chính và luật hình sự:
– Luật hiến pháp bao gồm các ngành khác nhau của nhà nước: Hành pháp, lập pháp và tư pháp. Luật hiến pháp được xem là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, là quy chuẩn để điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật khác khi xảy ra tranh chấp, và cần một bộ luật mang tính quy chuẩn chung để điều chỉnh . Luật Hiến pháp là một ngành luật gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ cơ bản về tổ chức quyền lực Nhà nước, về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, chế độ bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân, về quốc tịch….. Đây là ngành luật chủ đạo, cơ bản nhất trong hệ thống pháp luật của một quốc gia, nó điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng nhất, cơ bản nhất và tất cả những ngành luật khác đề hình thành trên những nguyên tắc của hiến pháp.
– Luật hành chính được coi là một nhánh của luật công. Luật hành chính là bộ phận luật pháp quản lí hoạt động của các cơ quan hành chính của chính quyền. Hoạt động của cơ quan chính phủ có thể bao gồm việc hoạch định chính sách, xét xử, hoặc thực hiện một chương trình nghị sự về quản lý cụ thể. Là một bộ phận luật pháp, luật hành chính liên quan đến việc ra quyết định các đơn vị hành chính của chính phủ thuộc một chương trình quy định quốc gia trong các lĩnh vực như luật cảnh sát, thương mại quốc tế, sản xuất, Môi trường, thuế, phát thanh, nhập cư và vận tải. Luật hành chính quy định chung về thủ tục hành chính; quản lý nhà nước về dịch vụ công và cung ứng dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công; các vấn đề khác của hành chính công được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Luật hình sự là luật có chung tính chất là xác định những hành vi mà xã hội đó không muốn xảy ra, và đề ra những hình phạt riêng biệt và nặng nề hơn bình thường nếu thành viên xã hội đó phạm vào. Luật hình sự liên quan đến các biện pháp trừng phạt của nhà nước đối với các cá nhân hoặc công ty nhằm đạt được công bằng và trật tự xã hội.
2. Luật tư là gì?
Luật tư còn gọi là luật cá nhân hoặc quyền cá nhân, là một phần của hệ thống pháp luật dân luật, luật liên quan đến quan hệ giữa các cá nhân, hay là đến lợi ích của các cá nhân. Hay nói cách khác, luật tư là luật điều chỉnh các quyền, nghĩa vụ liên quan đến cá nhân công dân. Luật điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân. Trong mối quan hệ này, luật tư được xem là phước tiện điều chỉnh mâu thuẫn giữa các cá nhân với nhau. Trở thành trung gia, đưa ra những quy định tương xứng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Tại mối quan hệ này, không có sự xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, mà chỉ là sự tranh chấp quyền, lợi ích giữa các cá nhân với nhau. Hay nói cách khác, luật công liên quan đến đến lợi ích của nhà nước và lợi ích công cộng, hoặc quan hệ có tính thứ bậc (không bình đẳng) giữa nhà nước và công dân, còn luật tư liên quan đến lợi ích của các cá nhân với nhau, không liên quan đến lợi ích chung của Nhà nước, cộng đồng.
3. So sánh luật công và luật tư:
3.1. Điểm giống:
Đây đều là hệ thống luật điều chỉnh quan hệ pháp luật giữa các chủ thể khác nhau trong đời sống xã hội. Nó được xem là chế tài pháp lý để điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia, từ đó bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức liên quan.
3.2. Điểm khác:
– Luật công chi phối cá nhân, công dân hoặc tập đoàn và nhà nước, trong khi luật tư áp dụng cho cá nhân. Mối quan hệ điều chỉnh của luật công và luật tư hoàn toàn khác nhau. Trong khi luật công điều chỉnh các mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với cá nhân, tổ chức, thì luật tư điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân.
Luật công bảo vệ quyền lợi của cơ quan Nhà nước, cá nhân khi xảy ra xung đột. Sự chi phối của luật công mang tính chất duy trì, bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước, cộng đồng.
Ví dụ: Một cá nhân phạm tội giết người. Ngay lập tức, hành vi phạm tội của đối tượng này sẽ được luật công điều chỉnh. Sự điều chỉnh này là đưa ra các biện pháp, chế tài để xử lý tính phạm tội của chủ thể vi phạm. Từ đó, ngăn chặn hành vi tái diễn, gây nguy hiểm cho xã hội, bảo vệ trật tự công cộng và sự ổn định trong cộng đồng dân cư.
– Luật tư bảo vệ lợi ích chính đáng cho cá nhân trong quan hệ xung đột với cá nhân khác.
Ví dụ: Chị Nguyễn Thị L và chị Nguyễn Thị D xảy ra mâu thuẫn. Cụ thể, chị L vay của chị D 200 triệu đồng. Trong hợp đồng vay ghi rõ thời hạn chị L phải trả tiền gốc và lãi cho chị D là 23/4/2022. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5 năm 2022, chị L không trả tiền cho chị D. Chị D đòi thì chị L bảo không có tiền. Quá bức xúc, chị D đã khởi kiện kiện đòi nợ chị L ra tòa dân sự. Mối quan hệ mâu thuẫn giữa chị D và chị L được điều chỉnh bởi luật tư. Tại đây, luật tư sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị D, đó là yêu cầu chị L trả nợ.
– Luật công chi phối với phạm vi lớn hơn, trong khi luật tư liên quan đến phạm vi cụ thể hơn. Luật công điều chỉnh các quan hệ xâm phạm lợi ích giữa cá nhân với Nhà nước, cộng đồng, xã hội. Trong khi đó, luật tư điều chỉnh quan hệ mâu thuẫn lợi ích giữa các cá nhân với nhau.
– Luật công liên quan nhiều hơn đến các vấn đề ảnh hưởng đến công chúng hoặc chính nhà nước, trong khi đó, luật tư nhân tập trung nhiều hơn vào các vấn đề ảnh hưởng đến các cá nhân hoặc tập đoàn tư nhân. Hay nói cách khác, phạm vi của luật công mang tính chất cộng đồng, bảo vệ trật tự an ninh, lợi ích sống cho cộng đồng chung, Nhà nước và xã hội. Còn phạm vi của luật tư mang tính chất cá nhân, bảo vệ quyền lợi trong khuôn khổ mâu thuẫn, xung đột lợi ích của các nhân với nhau.
Nói tổng quát, luật tư liên quan đến quan hệ giữa các cá nhân, hoặc cá nhân và nhà nước trong quan hệ bình đẳng, còn luật công thì dính líu tới quan hệ giữa nhà nước và dân chúng nói chung.