Người có công với cách mạng là ai? Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng?
Đất nước được hoà bình như ngày nay tất cả là nhờ vào đường lối của Đảng, sự hy sinh anh dũng, cống hiến của ông cha ta với nước nhà. Để thể hiện lòng biết ơn, Đảng và Nhà nước đã xây dựng những chính sách nhằm chăm lo cho sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng cũng như thân nhân của họ. Vậy người có công với cách mạng là những ai? Chính sách ưu đãi đối với những đối tượng này như thế nào?
Căn cứ pháp lý: Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Người có công với cách mạng là ai?
Căn cứ theo quy định của pháp luật về Ưu đãi người có công với cách mạng thì người có công với cách mạng là những đối tượng sau đây:
– Những người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: những đối tượng này được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 khi có một trong các điều kiện, tiêu chuẩn sau:
+ Những đối tượng này đã tham gia một tổ chức cách mạng trước ngày 01/01/ 1945;
+ Những đối tượng này được kết nạp hoặc được kết nạp lại vào Đảng Cộng sản Đông Dương trước ngày 19/08/1945.
– Những người hoạt động cách mạng bắt đầu từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945: những đối tượng này được cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện xem xét công nhận là người hoạt động cách mạng bắt đầu từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 khi có một trong các điều kiện, tiêu chuẩn sau:
+ Những đối tượng này đã tham gia vào tổ chức cách mạng hay lực lượng vũ trang cấp huyện hoặc là tương đương trở lên trong thời gian từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa và sau đó người đó lại tiếp tục tham gia một trong hai cuộc kháng chiến;
+ Những đối tượng này đã hoạt động tại cơ sở trong thời gian từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa của từng địa phương sau đó tiếp tục tham gia một trong hai cuộc kháng chiến và khi hoạt động tại cơ sở trong khoảng thời gian những đối tượng này giữ chức vụ như Bí thư, Chủ tịch, Chủ nhiệm Việt Minh và những chức vụ khác mà pháp luật quy định.
+ Người hoạt động cách mạng quy định trên không tiếp tục tham gia hoạt động một trong hai cuộc kháng chiến do các yêu cầu về giảm chính, phục viên hoặc không đủ sức khỏe.
– Những người liệt sĩ: những người đã hy sinh vì tổ quốc thì được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ khi là một trong các trường hợp sau:
+ Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu nhằm bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
+ Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong các địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn mà có chiến sự, địa bàn mà tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;
+ Trực tiếp đấu tranh chính trị, trực tiếp đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
+ Dũng cảm thực hiện các công việc cấp, bách và nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;
+ Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật về người có công với cách mạng
– Những bà mẹ Việt Nam anh hùng: là những người được nhà nước tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định của pháp luật.
– Những anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: là những người được Nhà nước tặng hoặc được nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” theo quy định của pháp luật.
– Những anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến: là những người được Nhà nước tặng hoặc được nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ kháng chiến vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động và sản xuất phục vụ kháng chiến.
– Những thương binh, bao gồm có cả thương binh loại B được nhà nước công nhận trước ngày 31/12/1993; những người hưởng chính sách như thương binh: những đối tượng này bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân hay những sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ trong Công an nhân dân mà bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể đạt từ 21% trở lên thì được cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền xem xét công nhận là thương binh và được cấp “Giấy chứng nhận thương binh” và “Huy hiệu thương binh” khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu nhằm bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
+ Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong các địa bàn địch chiếm đóng, các địa bàn có chiến sự, những địa bàn tiếp giáp với vùng địch chiếm đóng;
+ Làm nghĩa vụ quốc tế;
+ Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật về người có công với cách mạng
– Những bệnh binh: những người có chức danh sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hay hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân hay sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân mà bị mắc các bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể tư 61% trở lên trong khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà lại không đủ các điều kiện để hưởng chế độ hưu trí thì được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” khi họ thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
– Những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
– Những người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
– Những người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc hay làm nghĩa vụ quốc tế;
– Những người có công giúp đỡ cách mạng.
2. Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng:
Đối với chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thì tùy từng đối tượng, những người có công với cách mạng và thân nhân của họ sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi chủ yếu như sau:
– Tất cả các đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần;
– Được hưởng chính sách về bảo hiểm y tế: Nhà nước thực hiện đóng bảo hiểm y tế theo đúng quy định của pháp luật về chế độ bảo hiểm y tế cho những người có công với cách mạng, cho thân nhân và những người phục vụ người có công với cách mạng theo đúng quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
– Được điều dưỡng phục hồi sức khỏe: đối với điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, những đối tượng mà theo quy định được hưởng chính sách này sẽ được hưởng như sau:
+ Những đối tượng phải thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà: được hưởng mức chi bằng 0,9 lần với mức chuẩn/01 người/01 lần và được nhà nước chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng.
+ Những đối tượng phải thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung: được hưởng mức chi bằng 1,8 lần với mức chuẩn/01 người/01 lần. Những khoản được chi bao gồm: Tiền ăn trong suốt thời gian điều dưỡng; các loại thuốc thiết yếu; các quà tặng cho các đối tượng; các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong suốt thời gian điều dưỡng theo quy định của pháp luật.
– Được cấp các phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình hay các phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo quy định của pháp luật:
+ Đối với chính sách này mức hỗ trợ để các đối tượng mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình hay phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
+ Những đối tượng sau được nhà nước hỗ trợ những khoản tiền đi lại là 5.000 đồng/01 km/01 người nhưng tối đa là 1.400.000 đồng/người/01 niên hạn:
Người đi làm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình
Người đi điều trị phục hồi chức năng theo chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên.
– Được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm
– Được hỗ trợ để được theo học đến trình độ đại học tại những cơ sở giáo dục thuộc trong hệ thống giáo dục quốc dân:
+ Những đối tượng theo học tại cơ sở giáo dục mầm non: được nhà nước trợ cấp 0,2 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm.
+ Những đối tượng theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, tại giáo dục thường xuyên, tại trường dự bị đại học, tại trường năng khiếu, tại trường lớp dành cho người khuyết tật: được nhà nước trợ cấp 0,4 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm
+ Những đối tượng theo học tại các cơ sở phổ thông dân tộc nội trú, cơ giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: được nhà nước trợ cấp 0,4 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm.
– Được hỗ trợ cải thiện về nhà ở căn cứ vào những công lao, căn cứ vào hoàn cảnh của từng người hoặc căn cứ khi có khó khăn về nhà ở;
– Được miễn hoặc được giảm tiền sử dụng đất khi đối tượng được Nhà nước giao đất ở, khi đối tượng chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi đối tượng được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;
– Được ưu tiên về vấn đề giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; được nhà nước ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;
– Được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh;
– Được miễn hoặc được giảm thuế theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra những đối tượng có công với cách mạng còn được nhà nước hỗ trợ những khoản sau:
– Hỗ trợ di chuyển hài cốt của liệt sĩ
– Hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ
– Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ
– Trợ cấp mai táng
– Trợ cấp thờ cúng liệt sĩ: với 1.400.000 đồng/liệt sĩ/năm
– Những hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.