Khái niệm về Cán bộ, công chức, viên chức? Điều kiện đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức? Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức? Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng? Trường hợp nào cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo?
Ông Quách Văn Hùng, công tác tại phòng cảnh sát giao thông, công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình được cơ quan cử đi học hai năm thì trong thời gian đi học tập anh có được hưởng phụ cấp không? Nếu vẫn được hưởng thì có trường hợp nào buộc thôi hưởng trợ cấp không?
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
– Luật cán bộ, công chức 2008;
– Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
– Thông tư 36/2018/TT/BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng àvaf quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm về Cán bộ, công chức, viên chức:
- 2 2. Điều kiện đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức:
- 3 3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức:
- 4 4. Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng:
- 5 5. Trường hợp nào cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo?
1. Khái niệm về Cán bộ, công chức, viên chức:
– Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
– Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
– Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức:
– Đối với cán bộ, công chức:
+ Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ;
+ Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu;
+ Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;
+ Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
– Đối với viên chức:
– Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có);
+ Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;
+ Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
– Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.
3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức:
– Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước cấp, kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, của cán bộ, công chức, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
– Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.
– Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
-Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng.
(Điều 36 Nghị định 101/2017/NĐ-CP)
4. Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng:
– Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước:
+ Được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định;
+ Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục;
+ Được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật;
+ Được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng.
-.Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan, đơn vị.
– Trong trường hợp Cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số, ngoài những quyền lợi được hưởng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 37 Nghị định 101/2017/NĐ-CP, được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo bồi dưỡng thì trong suốt khoảng thời gian đi đào tạo đó họ vẫn được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ đúng theo quy định của pháp luật.
– Các khoản phí mà cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hỗ trợ khi được cử đi đào tạo được quy định tại Điều 4 Thông tư 36/2018/TT-BTC
Như vậy cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập sẽ được cơ quan hỗ trợ các khoản phí như: Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại,… theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp nào cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo?
– Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ- CP như sau:
+ Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
+ Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
+ Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này 101/2017/NĐ-CP
– Khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm những điều nêu trên thì sẽ phải đền bù những khoản chi phí như sau:
+ Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).
– Cách tính chi phí đền bù:
+ Đối với trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 7 Nghị định này, cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù;
+ Đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:
S = F/T1 x (T1 – T2)
Trong đó:
– S là chi phí đền bù
– F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;
– T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
– T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.
Ví dụ: Anh B được cơ quan cử đi đào tạo tại Nga 02 năm (= 24 tháng), chi phí hết 60 triệu đồng. Theo cam kết, anh B phải phục vụ sau khi đi học về ít nhất là 48 tháng. Sau khi tốt nghiệp, anh B đã phục vụ cho cơ quan được 24 tháng. Sau đó, anh B tự ý bỏ việc. Chi phí đào tạo mà anh A phải đến bù là:
S = 30 triệu đồng/ 48 tháng * (48 tháng – 24 tháng) = 30 triệu đồng
Lưu ý: Cán bộ, công chức, viên chức có thể được giảm chi phí đền bù khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây: Mỗi năm công tác của cán bộ, công chức, viên chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo) được tính giảm 1% chi phí đền bù. Trường hợp là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được tính giảm tối đa 1,5% chi phí đến bù.
Như vậy trong trường hợp của ông Quách Văn Hùng công tác tại phòng cảnh sát giao thông, công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình được cơ quan cử đi học hai năm thì trong thời gian đi học tập anh sẽ được hưởng phụ cấp theo đúng quy định của pháp luật và nếu anh Hùng tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết theo đúng quy định thì sẽ phải đền bù chi phí đào tạo.