Vụ án hành chính là gì? Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo Tố tụng hành chính? Những lưu ý khi tiến hành khởi kiện vụ án hành chính?
Hiện nay, số lượng vụ án hành chính đang ngày một gia tăng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù là một vụ án dân sự hay hành chính thì đều có các đối tượng khởi kiện nhất định. Vậy, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo Tố tụng hành chính là gì?
Cơ sở pháp lý: Luật tố tụng hành chính 2015
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1. Vụ án hành chính là gì?
Theo các văn bản pháp luật hiện hành thì chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về khái niệm “ vụ án hành chính là gì”. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng vụ án hành chính là vụ án phát sinh khi cá nhân, cơ quan tổ chức khởi kiện yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc,….. Cụ thể tranh chấp ở đây là về tính hợp pháp của các quyết định hành chính và hành vi hành chính này theo quy định của pháp luật.
Một vụ án hành chính phát sinh khi :
Một là, có hành vi khởi kiện của cá nhân, tổ chức, cơ quan. Căn cứ theo quy định tại điều 5, luật tố tụng hành chính 2015 “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này”. Với quy định này, có thể hiểu vụ án hành chính xuất phát từ tranh chấp giữa chủ thể và đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Các đối tượng quản lý hành chính nay được khởi kiện vụ án hành chính khi có sự xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Sự xâm phạm này phải xuất phát từ các quyết định hành chính hoặc các hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước và những người có thẩm quyền trong các cơ quan này không tuân thủ theo quy định của pháp luật và gây ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.
Hai là, việc khởi kiện đó của các cá nhân, tổ chức, cơ quan phải được cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là tòa án thụ lý giải quyết. Chỉ khi tòa án thụ lý giải quyết thì mới hình thành vụ án hành chính. Để đảm bảo sự khách quan, công bằng pháp luật cũng quy định nếu thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án không được phép từ chối giải quyết.
Các vụ án hành chính thường có đối tượng chỉ bao gồm “quyết định hành chính” và “hành vi hành chính” do người có thẩm quyền trong các cơ quan công quyền ban hành hoặc thực hiện. Một bên chủ thể trong vụ án hành chính là chủ thể có thẩm quyền của các cơ quan nhà nước. Các chủ thể này mang một phần quyền lực nhà nước dựa trên thẩm quyền của mình vì vậy mối quan hệ giữa hai bên chủ thể trong vụ án hành chính không ngang bằng nhau.
Căn cứ theo quy định tại điều 23 Luật tố tụng hành chính 2015, có thể hiểu do tính chất phức tạp của vụ án hành chính, nên sự tham gia tố tụng của Viện kiểm sát để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết án hành chính là bắt buộc đối với tất cả vụ án ngay từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết án.
Tóm lại, vụ án hành chính được hiểu là việc các chủ thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình.
2. Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo Tố tụng hành chính?
Pháp luật đã có quy định rất cụ thể và chi tiết về vấn đề đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, cụ thể là theo quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 , quy định về đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính như sau:
“Điều 30. Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1.Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
2.Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
3.Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
4.Khiếu kiện danh sách cử tri.”
Theo quy định này có thể hiểu các đối tượng khởi kiện vụ án hành chính bao gồm:
Một là, quyết định hành chính
Các cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành rất nhiều quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Các quyết định hành chính này bao gồm ba loại là quyết định chủ đạo, quyết định quy phạm và quyết định cá biệt. Trong đó, quyết định hành chính cá biệt được coi là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Có thể hiểu quyết định hành chính cá biệt là văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cơ quan, tổ chức đó có thẩm quyền ban hành, áp dụng một lần với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Các cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền khởi kiện khi cho rằng quyết định hành chính cá biệt này xâm phạm đến quyền, lợi ích của mình.
Hai là, hành vi hành chính
Hành vi hành chính được hiểu là các hành vi của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện một nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. ( Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 )
Theo đó, có thể hiểu hành vi hành chính được coi là một dạng của quyết định hành chính. Nó có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện hành vi hành chính khi cho rằng hành vi đó xâm phạm đến quyền, lợi ích của mình.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quyết định hành chính và hành vi hành chính đề thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, theo quy định trên có thể thấy ngoại trừ một số trường hợp như: đó là quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật hoặc quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng hoặc quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức
Ba là, là quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống
Quyết định kỷ luật buộc thôi việc hiểu là các là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính chỉ là những quyết định kỷ luật buộc thôi việc chỉ áp dụng đối với các công chức giữ chức vụ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.
Bốn là, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
Theo quy định của pháp luật, có thể hiểu vụ việc cạnh tranh là các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Khi xảy ra vụ việc cạnh tranh, các bên không có quyền khởi kiện vụ án hành chính.Thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là do Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh giải quyết đối. Kết quả của việc giải quyết vụ việc cạnh tranh là quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Các cá nhân, cơ quan, tổ chức chỉ có quyền khởi kiện vụ án hành chính về quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Nghĩa là, khi có quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nếu không đồng ý với quyết định các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thể khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, kết quả của hoạt động giải quyết khiếu nại này là quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Khi các cá nhân, tổ chức, cơ quan này không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đó thì mới được khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Năm là, Các cá nhân, tổ chức cơ quan có thể khởi kiện vụ án hành chính liên quan đến danh sách cử tri
Theo quy định của pháp luật, có thể xác định danh sách cử tri có thể bị khởi kiện bao gồm: Danh sách cử tri bầu cử Đại biểu Quốc hội; Danh sách cử tri bầu cử Hội đồng nhân dân; Danh sách cử tri trưng cầu ý dân.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định khá cụ thể về vấn đề thời hiệu khởi kiện của từng đối tượng khởi kiện
Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC 2015, thì thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính liên quan đến đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính là : 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính liên quan đến đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh,30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh,
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính liên quan đến đối tượng khởi kiện là danh sách cử tri là: từ ngày nhận được
Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức, cơ quan khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định như sau:
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính liên quan đến đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính là: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính liên quan đến đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính là: 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Nếu các cá nhân, tổ chức, cơ quan không khởi kiện được trong thời hạn quy định vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Tóm lại, có thể hiểu thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính sẽ tùy thuộc vào đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
3. Những lưu ý khi tiến hành khởi kiện vụ án hành chính:
Khi khởi kiện vụ án hành chính ngoài việc đảm bảo điều kiện về đối tượng khởi kiện, khi tiến hành khởi kiện vụ án hành chính các cá nhân, tổ chức, cơ quan cũng cần lưu ý cũng đảm bảo những điều kiện còn lại như:
Một là, về chủ thể khởi kiện phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể khởi kiện theo quy định của luật tố tụng hành chính.
Hai là, về thời hiệu khởi kiện. Vấn đề thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khởi kiện vụ án hành chính. Bởi nó quyết định việc khởi kiện đó có được tòa án thụ lý giải quyết hay không.
Ba là, vấn đề về thủ tục tiền tố tụng: các cá nhân, tổ chức và cơ quan cần tìm hiểu kỹ về các vấn đề liên quan đến thủ tục tiền tố tụng để đảm bảo đơn khởi kiện được thụ lý giải quyết. Ví dụ, đối với khởi kiện danh sách cử tri thì chủ thể cần thực hiện việc khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền trước. Chỉ khi đã thực hiện việc khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó mới được quyền khởi kiện, chứ không được khởi kiện ngay
Bốn là, vấn đề liên quan đến những vụ án chưa được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, bằng sự phân tích và lập luận cũng như các căn cứ pháp lý đưa ra ở trên ta có thể xác định các đối tượng khởi kiện vụ án hành chính bào gồm các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại vụ việc cạnh tranh, quyết định xử lý kỷ luật và danh sách cử tri.