Quy định của pháp luật về trẻ em bị bỏ rơi? Điều kiện nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi? Trình tự, thủ tục nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi?
Hiện nay, xuất phát từ những khó khăn trong việc mang thai nên nhu cầu nhận con nuôi khá phổ biến của các gia đình trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, việc nhận con nuôi cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Vậy muốn nhận nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, điều kiện và thủ tục thế nào?
Cơ sở pháp lý:
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về trẻ em bị bỏ rơi:
Mặc dù không có một văn bản nào định nghĩa trẻ bị bỏ rơi là gì, tuy nhiên ta có thể hiểu mỗi đứa bé sinh ra đều có cha, có mẹ và được đăng ký khai sinh, trẻ em bị bỏ rơi là trẻ em không xác định được cha mẹ đẻ. Trẻ em bị bỏ rơi chỉ không được nhận tình yêu thương của cha mẹ, còn vẫn được công bằng về mặt pháp luật. Cụ thể, tại Điều 7 Luật Nuôi con nuôi khẳng định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Như vậy, trẻ em bị bỏ rơi là những trẻ em không xác định được cha mẹ đẻ là ai, bị bỏ rơi do nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau.
Cha mẹ có thể bỏ rơi đứa bé nhưng nhà nước và pháp luật thì không. Pháp luật đã quy định rất cụ thể, trường hợp nếu phát hiện trẻ em bị bỏ rơi thì người phát hiện phải báo với cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có quy định như sau:
“1. Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.
Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.
Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ, nếu có; họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập.
Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.
Sau khi lập biên bản theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.
2.Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.
Có thể thấy, pháp luật quy định rất chi tiết và cụ thể về vấn đề phát hiện, trình tự thủ tục giải quyết, khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi. Việc quy định cụ thể như vậy nhằm đảm bảo quyền công dân cho mọi đứa trẻ, trẻ em bị bỏ rơi là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bất hạnh hơn so với những đứa trẻ khác. Nhà nước có những quy định như trên cũng phần nào xác định rõ trách nhiệm của các công dân và các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp phát hiện trẻ em bị bỏ rơi cần làm gì, thực hiện ra sao, tránh việc chồng chéo cũng như không giải quyết.
2. Điều kiện nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi:
Như đã nêu ở trên, nhà nước rất khuyến khích việc một cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cụ thể là những trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. Tuy nhiên, để được nhận nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thì cũng cần phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi như sau:
“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.
2.Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3.Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này.”
Theo quy định này, có thể hiểu một người muốn nhận một trẻ em bị bỏ rơi làm con nuôi thì cũng phải đáp ứng những điều kiện như nhận con nuôi bình thường. Cha, mẹ nhận nuôi con phải là người hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và phải hơn con từ 20 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, để nuôi dưỡng chăm sóc một đứa trẻ thì luôn cần phải có điều kiện kinh tế ổn định và sức khỏe tốt. Một người suốt ngày ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo, thời gian chăm sóc cho bản thân còn không có thì hiển nhiên không đủ điều kiện để chăm sóc cho một đứa trẻ tốt được. Và hơn tất cả, người nhận nuôi con phải là người có tư cách đạo đức tốt, biết ứng nhân xử thế để dạy con những điều tốt, điều hay chứ không phải là những người thiên hướng bạo lực gia đình, “ vào tù ra tội”…..
Nếu không đáp ứng được một trong số các điều kiện nêu trên thì bạn không thể nhận con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi.
3. Trình tự, thủ tục nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi:
Về hồ sơ:
Người muốn nhận con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Đơn xin nhận con nuôi theo mẫu
– Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế của người nhận nuôi
– Bản sao sổ hộ khẩu của người nhận nuôi
– Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận nuôi
– Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân của người nhận nuôi
–
– Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định.
– Người được nhận nuôi trong trường hợp là trẻ em bị bỏ rơi cần các giấy tờ sau:
– Giấy khai sinh của trẻ em bị bỏ rơi
– Giấy khám sức khỏe của con do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp
– Biên bản xác nhận của ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi
Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng, chụp không quá 06 tháng;
Về thẩm quyền giải quyết việc nhận con nuôi là trẻ bị bỏ rơi:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận nuôi đang cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết việc nhận con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi
Về trình tự, thủ tục nhận con nuôi là trẻ bị bỏ rơi
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người nhận con nuôi chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ như đã nêu ở trên
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ thì nộp hồ sơ tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi để tiến hành làm thủ tục nhận con nuôi..
Sau khi nhận được hồ sơ, ủy ban nhân dân có thẩm quyền sẽ kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và đáp ứng được các điều kiện nhận con nuôi thì ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận và tổ chức giao nhận con nuôi.
Trường hợp nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc hồ sơ bị thiếu giấy tờ thì bộ phận tiếp nhận hồ sơ của ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho người nộp hồ sơ biết và bổ sung. Khi từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi và nêu rõ lý do.
Sau khi thực hiện xong việc đăng ký nuôi con nuôi và kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ với con, giữa con nuôi với các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi…
Như vậy, pháp luật đã có quy định rất cụ thể về điều kiện và thủ tục nhận con nuôi trong trường hợp con là trẻ em bị bỏ rơi. Người nhận con nuôi cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại điều 14 luật nuôi con nuôi 2010 và thực hiện thủ tục nhận con nuôi theo quy định tại điều 17 luật này.