Vay tiền qua app là gì? Các thủ đoạn khủng bố thường gặp khi vay tiền qua app? Vay tiền qua app bị khủng bố thì trình báo ở đâu?
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như khó khăn trong việc tìm việc làm hậu khủng hoảng kinh tế, nhiều người dân có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Nắm bắt được tâm lý của người dân, một số đối tượng đã xây dựng hệ thống vay tiền qua các app điện tử với thủ tục được quảng cáo là nhanh, gọn, không cần thế chấp tài sản đảm bảo. Chính vì vậy, vay tiền qua app hiện đang là một hình thức vay tiền khá phổ biến. Vậy khi vay tiền qua app bị khủng bố nên làm gì? Trình báo ở đâu?
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1.Vay tiền qua app là gì?
Ứng dụng cho vay tiền trực tuyến hay còn gọi là app vay tiền online là một ứng dụng được cài đặt trên các điện thoại thông minh để đăng ký vay tín chấp. Thông qua các app này người vay chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản như tạo lập tài khoản, đăng nhập theo hướng dẫn mà không cần phải ra trực tiếp tại các trụ sở giao dịch hay ký kết hợp đồng. Hơn thế nữa, các app vay tiền không yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm cho khoản vay mà chỉ cần cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để chứng minh uy tín của mình. Tuy nhiên, các app này giao diện rất sơ sài, không nêu rõ về vấn đề lãi suất, hay điều khoản thỏa thuận.
Vay tiền qua app là hình thức vay tiền khá phổ biến hiện nay nhờ nhiều ưu điểm hơn so với hình thức vay thông thường, tuy nhiên nhiều người vẫn khá lo ngại trước hình thức này bởi có rất nhiều tổ chức tín dụng đen lừa đảo khách hàng, khiến nhiều người phải mắc những khoản nợ khổng lồ.
Hiện nay, một số app cho vay phổ biến có thể kể đến như:, F88, FE Credit, Doctor Đồng, Senmo, Crezu, Money Cat, MoMo,…
Trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều app cho vay tiền nhanh, có rất nhiều app uy tín hỗ trợ tốt nhu cầu vay nhanh của người dân với lãi suất hợp lý và thời gian giải ngân nhanh chóng. Để đánh giá một app cho vay tiền có uy tín hay không thì cần căn cứ vào một số đặc điểm như:
Thứ nhất, app cho vay tiền đó được hình thành và phát triển bởi các công ty có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp, có mã số thuế, địa chỉ trụ sở cụ thể và các thông tin liên hệ rõ ràng hay không. Bạn nên kiểm tra thông tin này trước khi xác định vay.
Thứ hai, App cho vay tiền đó có được nhiều người tin dùng và lựa chọn. Để kiểm chứng thông tin này ta có thể nhập thông tin app trên google hoặc đọc review ngay tại CH Play và App Store
Thứ ba, Các app vay tiền đó có công khai, minh bạch hay không, điều khoản thỏa thuận vay có rõ ràng hay không. Một số app lừa đảo sẽ đưa cho bạn các thông tin, điều khoản tương tự như một bản hợp đồng nhưng dài đến cả trăm trang, các điều khoản chồng chéo, gây nhầm lẫn, quyền lợi và nghĩa vụ trộn lẫn với nhau, đưa những điều khoản không quan trọng lên trước để nhằm làm cho người vay thấy dài và lười đọc hoặc có đọc cũng không hiểu mình có quyền và nghĩa vụ gì. Đặc biệt lưu ý phần mục chữ ký, vì là cá nhân bình thường nên sẽ không có chữ ký điện tử, nếu chúng yêu cầu chữ ký điện tử thì là lừa đảo.
Thứ tư, lãi suất có cao hay không và có rõ ràng hay không. Nhiều người khi vay, vì thấy thủ tục đơn giản, nhanh gọn nên sẵn sàng chấp nhận với mức lãi suất cao hơn so với các ngân hàng nhà nước nhưng lại không biết “ họa” là từ lãi suất này mà ra, cần tìm hiểu về quy trình, thời hạn và cách tính lãi suất và lãi trả chậm trước khi đăng ký vay, tránh trường hợp sau này trả mãi không hết lãi, lãi mẹ đẻ lãi con….
Như vậy, hình thức vay tiền qua app không phải lừa đảo, tuy nhiên, khi xác định vay tiền qua các app bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị cho vay tiền qua app trước khi đăng ký vay, đọc kỹ hợp đồng vay trước khi ký, đặc biệt là thông tin về lãi suất cũng như các chi phí phát sinh,… để tránh trường hợp vay phải những app lừa đảo, tiền mất tật mang.
2. Khủng bố là gì?
Xét về tính chất khách quan, khủng bố trực tiếp xâm phạm quyền nhân thân của con người như việc một cá nhân, tổ chức cố tình xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể cũng như tự do ý chí của người khác.
Xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng có thể hiểu là một hình thức khủng bố nặng nhất, có thể là đánh, chém, giết người. Tự ý tước đi tính mạng của người khác. Các đối tượng khủng bố này thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do mâu thuẫn cá nhân, đe dọa, uy hiếp, do công việc,….
Ngoài việc xâm phạm đến tình mạng chúng còn có thể khủng bố về mặt tinh thần như việc làm cho người khác bị rối loạn tâm thần, lo lắng, sợ hãi vì danh dự, uy tín của mình đang bị đe dọa, sợ mọi người đánh giá, chỉ trích,… đặc biệt là trong xã hội hiện nay, danh dự, nhân phẩm là thứ mà con người ta luôn lo lắng bị ảnh hưởng nhất bởi nó quyết định chỗ đứng, vị trí của một người. Nắm được tâm lý đó, các đối tượng có ý định khủng bố thường tấn công về mặt tinh thần nhiều hơn.
3. Các thủ đoạn khủng bố thường gặp khi vay tiền qua app?
Khi vay tiền qua app nhưng gặp phải những app lừa đảo thì người vay sẽ vừa bị lộ thông tin cá nhân do chụp ảnh chứng minh dân dân và ảnh chân dung gửi cho các app vừa bị ảnh hưởng về mặt tinh thần, danh dự của mình.
Đối với các app lừa đảo thì hoặc là vay lãi suất “ cắt cổ” lãi chồng lãi, dẫn tời người vay không thể trả được hoặc là lừa đảo đấy thông tin cá nhân của người vay hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người vay để dụ người vay nạp tiền ngược lại cho bọn chúng để chứng minh thu nhập,… Dù rơi vào trường hợp nào đi nữa thì người vay cũng luôn phải đối mặt với sự khủng bố của những app cho vay tiền này.
Các thủ đoạn mà bọn chúng thường dùng đó là: gọi điện liên tục nhắc nợ, không kể ngày đêm, dùng những lời lẽ để lăng mạ, chửi bậy, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người vay. Việc gọi điện liên tục sẽ khiến cho người vay cảm thấy phiền, đặc biệt là những người kinh doanh, công việc liên quan đến việc trao đổi qua điện thoại nhiều sẽ khiến cho họ không thể làm ăn được. Mục đích của việc gọi điện là khiến cho người vay phiền, không làm được việc khác, tạo áp lực từ đó để người vay phải trả nợ cho bọn chúng. Việc gọi điện thoại không chỉ dừng lại ở việc gọi trực tiếp cho người vay mà còn gọi đến cả những người thân, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn,… việc này sẽ nhân đôi áp lực cho người vay tiền. Nhiều người vì không chịu được sự phiền phức đó đã phải bán tài sản để trả nợ nhưng khi trả rồi vẫn tiếp tục bị làm phiền để đòi trả thêm lãi trả chậm,… còn một số người thì chấp nhận bỏ sim điện thoại đang dùng đó.
Ngoài ra,các app còn dùng thủ đoạn đòi nợ khác như cắt ghép hình ảnh của người vay, đăng lên mạng xã hội như facebook, zalo,… in tờ rơi rải khắp nơi cư trú của người vay. Bọn chúng có thể đăng những thông tin không đúng sự thật hoặc cũng có thể đăng tin về việc người vay không trả tiền nhằm làm cho người vay cảm thấy danh dự, uy tín của mình đang bị đe dọa mà phải trả tiền hoặc từ sự tác động của những người xung quanh bị ảnh hưởng đó mà người vay phải trả tiền.
Có một số app vay tiền thậm chí còn dùng đến cả hình thức đe dọa về tính mạng, hắt chất bẩn như sơn, mắm tôm vào người, vào nhà của người vay tiền, hoặc cho người đến quấy rối không cho làm ăn, buôn bán,….
4. Vay tiền qua app bị khủng bố thì trình báo ở đâu?
Như đã trình bày ở phần trên, việc vay tiền qua app không phải tất cả đều là lừa đảo nhưng khi vay qua các app thì người vay nên kiểm chứng các thông tin và đảm bảo khả năng thanh toán của mình để tránh trường hợp bị khủng bố về mặt tinh thần cũng như tính mạng của mình. Khi không may trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo vay tiền qua app hoặc khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo thì cần trình báo đến cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm gồm: Cơ quan điều tra;Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;Viện kiểm sát các cấp; Các cơ quan, tổ chức khác: Công an xã, phường, thị trấn, ;
Như vậy, khi bị khủng bố do vay tiền qua app, người vay tiền có thể tìm đến một trong số các cơ quan nêu trên để trình báo, tố giác tội phạm. Lưu ý cần chuẩn bị cho mình những bằng chứng chứng cứ từ giấy tờ, tài liệu cho đến bản ghi âm, tin nhắn trao đổi về nội dung vay tiền cũng như chứng minh cho sự khủng bố của các app vay tiền đó.
Khi đã có các bằng chứng, chứng cứ trong tay, nếu người vay tiền muốn trình báo cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ tố giác tội phạm như: Đơn tố cáo lừa đảo vay tiền qua app;Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;Các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo qua app vay tiền.
Bước 2: Nộp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ đã chuẩn bị như đã nêu ở trên đến cơ quan có thẩm quyền. Có thể gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan chức năng hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi qua hộp thư điện tử.
Sau khi nhận được tin tố giác, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận và lấy lời khai của người vay tiền. Sau đó, có quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh vụ việc xem có dấu hiệu của tội phạm hay không để có căn cứ quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án đó.
Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố hoặc kiến nghị khởi tố trong phạm vi quyền hạn, thẩm quyền của mình.
Ngoài việc làm đơn trình bào trực tiếp, người vay còn có thể trình báo qua các số hotline của các cơ quan có thẩm quyền như:
* Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an:
– Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại Thành phố Hà Nội. Số điện thoại: 069.2342431
– Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh. Số điện thoại: 069.3336310
* Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Thành phố Hà Nội: Số điện thoại: 069.2321667
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh: Số điện thoại: 069.3376809
Ngoài các đường dây nóng của Bộ nêu trên, tại mỗi tỉnh thành người dân cũng có thể liên hệ với các đường dây nóng sau đấy:
Tại Thành phố Hà Nội, người dân liên hệ: Phòng An ninh điều tra: 0692194077;Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra: 0692196402;Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội: 02439422532, 0692196242, 0692196254, 0692196530 hoặc 0692196764;
Tại Thành phố Hồ Chí Minh người dân liên hệ các đường dây nóng sau: Phòng An ninh điều tra: 02838413744;Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra: 0693187680;
Như vậy, khi vay tiền qua các app online nếu bị các app này khủng bố thì người dân hoàn toàn có thể liên hệ tới các đường dây nóng đã nêu trên, hoặc nộp hồ sơ trực tiếp đến các cơ quan có thẩm quyền nêu trên để được giải quyết kịp thời , đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.