Dán Poster quảng cáo mỹ phẩm có phải xin phép không? Xử phạt khi quảng cáo Poster mỹ phẩm không xin phép? Thủ tục xin cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm?
Theo quy định của Luật quảng cáo, khi người quảng cáo muốn dán poster quảng cáo mỹ phẩm có phải xin phép hay không? Trường hợp dán tại nhiều nơi và nhiều tỉnh thành thì thủ tục xin phép như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin quy định pháp luật cho bạn đọc.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Dán Poster quảng cáo mỹ phẩm có phải xin phép không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh/chị, Hiện công ty bên em đang dự định thực hiện dán Poster quảng cáo (SP mỹ phẩm) tại nhiều tỉnh khác nhau. Poster cho sản phẩm đã đăng ký và có số giấy phép tại Sở y tế HCM. Vậy nếu muốn dán poster tại các địa phương khác có cần thông báo cho các SYT tại địa phương thực hiện hay không và cách thực hiện cũng như mẫu như thế nào. Rất cảm ơn sự tư vấn/giúp đỡ của anh/chị.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 12
– Người quảng cáo có các quyền sau:
a) Quảng cáo về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình;
b) Quyết định hình thức và phương thức quảng cáo;
c) Được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã phê duyệt;
d) Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
– Người quảng cáo có các nghĩa vụ sau:
a) Cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo thông tin trung thực, cần thiết, chính xác về cơ quan, tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin đó;
b) Bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo;
c) Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện và liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện;
d) Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
– Ngoài ra, người quảng cáo thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi bạn tiến hành việc dán poster quảng cáo cho sản phẩm của mình thì trước hết bạn cần đảm bảo nội dung quảng cáo là các thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về sản phẩm của mình; bảo đảm chất lượng hàng hoá phải phù hợp với nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm về quảng cáo của mình…
Điều 20 Luật quảng cáo 2012 quy định về điều kiện quảng cáo như sau:
– Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
– Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
– Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;
Theo quy định tại Điều 20 Luật quảng cáo 2012 nêu trên, hoạt động quảng cáo hàng hoá của bạn phải đảm bảo kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm theo quy định của pháp luật; đối với sản phẩm quảng cáo là mỹ phẩm thì phải có phiếu công bố mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế.
Căn cứ Điều 30 Luật quảng cáo 2012 quy định về trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn như sau:
– Trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do
Như vậy, theo quy định về trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo nêu trên thì bạn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.
Do đó, khi bạn được cấp phép quảng cáo của Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh thì bạn chỉ có thể thực hiện dán poster tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Còn trường hợp bạn quảng cáo tại địa phương khác thì bạn phải làm thủ tục xin cấp phép tại địa phương đó trước khi thực hiện 15 ngày.
2. Xử phạt khi quảng cáo Poster mỹ phẩm không xin phép:
Căn cứ quy định trên, khi cá nhân, tổ chức muốn quảng cáo mỹ phẩm theo hình thức poster thì phải xin phép bởi đây là một trong những loại hình quảng cáo có điều kiện, doanh nghiệp chỉ có thể tiến hành hoạt động quảng cáo mỹ phẩm khi đã được cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Trường hợp tiến hành quảng cáo mỹ phẩm sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 49 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Cụ thể mức xử phạt như sau:
– Đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy tiếp nhận nhưng khi quảng cáo ở địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi quảng cáo biết: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng một trong các thông tin: Tên mỹ phẩm. tính năng, công dụng của mỹ phẩm và các cảnh báo theo quy định khi quảng cáo trên báo nói, báo hình.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;
– Quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn;
– Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng; công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
– Ngoài ra, người quảng cáo phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm c khoản 3, khoản 4 Điều này;
b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
3. Thủ tục xin cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm:
Thủ tục xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm được tiến hành theo các bước sau đây:
Bước 1: Lập tài khoản nộp hồ sơ xin giấy phép quảng cáo
Hiện nay, thủ tục xin giấy phép quảng cáo đều thực hiện nộp online tại cổng thông tin của cơ quan cấp xác nhận. Theo đó, mọi người cần lập tài khoản để nộp hồ sơ;
Sở y tế tỉnh/thành phố là nơi cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm cho sản phẩm mỹ phẩm sản xuất.
Bước 2: Chuẩn bị những hồ sơ quảng cáo mỹ phẩm bằng poster
– Văn bản đề nghị xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm;
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;
– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
– Mẫu nhãn sản phẩm mỹ phẩm và hình ảnh sản phẩm;
– Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo: maket dự kiến quảng cáo kèm theo bản ghi hình ảnh maket này để phục vụ quá trình thẩm xét hồ sơ ;
( Nếu quảng cáo bằng Video/TVC: kịch bản quảng cáo và TVC quảng cáo kèm theo bản ghi nội dung Video để phục vụ quá trình thẩm xét hồ sơ)
– Ngoài ra còn có giấy tờ khác phụ thuộc vào từng hồ sơ khi thực hiện xin giấy phép quảng cáo
Bước 4: Nộp hồ sơ xin giấy phép quảng cáo
Sau khi đã đăng ký xong tài khoản và chuẩn bị xong hồ sơ đăng ký xin giấy phép quảng cáo, doanh nghiệp sẽ tiến hành nộp hồ sơ xin giấy phép quảng cáo trên cổng thông tin dịch vụ công để được cơ quan cấp phép thẩm định hồ sơ.
Bước 4: Thẩm định hồ sơ xin giấy phép quảng cáo tại cơ quan cấp phép
– Sở y tế tỉnh/thành phố là nơi cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm cho sản phẩm mỹ phẩm sản xuất.
– Thời hạn giải quyết hồ sơ: 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ,
– cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm.
– Trả hồ sơ nếu không hợp lệ: Trong trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do và trả lời bằng văn bản.
Bước 5: Doanh nghiệp tiến hành quảng cáo theo nội dung đã được xác nhận
Sau khi được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, doanh nghiệp sẽ tiến hành quảng cáo theo nội dung đã được cấp phép.