Trích lục kết hôn là gì? Thủ tục xin cấp trích lục kết hôn? Thời hạn của trích lục kết hôn có hiệu lực bao lâu?
Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa hai cá nhân với nhau. Giấy đăng ký kết hôn được xem là loại văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh, tham gia vào các quan hệ, sự kiện pháp lý khác trong thực tiễn đời sống xã hội. Chính vì vậy, việc làm trích lục kết hôn có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng . Vậy trích lục kết hôn để làm gì? Trích lục kết hôn có thời hạn bao lâu?
Cơ sở pháp lý:
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Trích lục kết hôn là gì?
– Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng khi thỏa mãn các điều kiện kết hôn và thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn được
– Như vậy, giấy đăng ký kết hôn được xem là căn cứ pháp lý, xác nhận quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng về mặt pháp luật. Nó là minh chứng chứng minh quan hệ hôn nhân hợp pháp trong các sự kiện pháp lý có liên quan.
– Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18, Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Điều 62 Luật Hộ tịch 2014 trường hợp khi người dân bị mất cả 02 giấy đăng ký kết hôn (bản chính) sau ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì sẽ không được cấp lại giấy đăng ký kết hôn. Chính vì thế trong trường hợp làm mất giấy đăng ký kết hôn, ta cần làm trích lục kết hôn.
– Trích lục kết hôn là một dạng của trích lục hộ tịch. Khoản 9 Điều 4 Luật hộ tịch 2014 quy định cụ thể như sau:
“Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch”.
Giấy trích lục đăng ký kết hôn được hiểu là loại văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch; mà cụ thể ở đây là việc 02 công dân đã đăng ký kết hôn. Như vậy, có thể hiểu trích lục kết hôn là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp để chứng minh sự kiện kết hôn của cá nhân đã thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Trích lục kết hôn để làm gì?
Thực tế, có rất nhiều trường hợp làm mất bản gốc giấy đăng ký kết hôn. Vậy nên, công dụng chính của trích lục kết hôn cũng thường được sử dụng để thay thế giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và được dùng để ly hôn trong trường hợp bị mất/thất lạc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Văn bản này có giá trị pháp lý tương đương với giấy chứng nhận kết hôn.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn C và chị Đặng Thị L kết hôn năm 2016. Năm 2018, trong quá trình chuyển nhà, vợ chồng anh chị làm thất lạc giấy đăng ký kết hôn. Cuối năm 2018, anh chị thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong quá trình làm hợp đồng chuyển nhượng, văn phòng công chứng yêu cầu vợ chồng anh chị cần cung cấp giấy tờ theo quy định trong đó có đăng ký kết hôn của hai vợ chồng. Do đã bị mất giấy tờ nên vợ chồng anh C khá hoang mang. Tuy nhiên, công chứng viên hướng dẫn chỉ cần ra Ủy ban nhân dân xã/phường nơi đăng ký kết hôn xin bản trích lục đăng ký kết hôn là được. Sau khi thực hiện thủ tục xin trích lục đăng ký kết hôn – văn bản có giá trị pháp lý tương đương với giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, anh C và chị L đã có đầy đủ hồ sơ giấy tờ cần thiết để hoàn thành quá trình làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
3. Thủ tục trích lục đăng ký kết hôn:
Khoản 5, Điều 4 Luật hộ tịch 2014 quy định như sau:
” Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy trích lục kết hôn là Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch, bao gồm: Cơ quan đăng ký hộ tịch là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Để xin trích lục giấy chứng nhận kết hôn, công dân có thế đến đến cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch trước kia thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn; hoặc đến một trong những cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch để làm thủ tục.
– Quy trình xin trích lục đăng ký kết hôn thường bao gồm các bước cơ bản sau:
+ Bước 1: Soạn hồ sơ
Một bộ hồ sơ xin để thực hiện thủ tục trích lục giấy kết hôn gồm:
Tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch (theo mẫu);
Giấy tờ chứng thực cá nhân;
Sổ hộ khẩu của người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch;
Giấy tờ ủy quyền; trong trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục.
Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ phải xuất trình nêu trên.
+ Bước 2: Nộp hồ sơ
Người có yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch;
Người thực hiện yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch có thể trực tiếp nộp hồ sơ; cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch có thể trực tiếp gửi văn bản yêu cầu tại Cơ quản quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch có thẩm quyền hoặc gửi hồ sơ, văn bản yêu cầu qua hệ thống bưu chính.
Người làm công tác hộ tịch tiếp nhận hồ sơ của bạn sẽ xem xét thành phần hồ sơ; nội dung trong các văn bản đó để kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ còn thiếu thành phần; nội dung trong các văn bản còn chưa chính xác; họ sẽ hướng dẫn bạn điều chỉnh, bổ sung hồ sơ cần thiết. Trường hợp hồ sơ đã hợp lệ; thì bạn sẽ được cấp giấy biên nhận; đồng thời cũng chính là giấy hẹn trả kết quả thủ tục hành chính.
+ Bước 3: Nộp lệ phí
Bạn tiến hành nộp lệ phí cho cơ quan hộ tịch. Mức lệ phí cụ thể sẽ theo từng tỉnh quy định.
+ Bước 4: Nhận kết quả
Việc trả kết quả thông thường có thể diễn ra ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì sẽ trả kết quả cho bạn theo ngày trên giấy hẹn trả. Theo đúng ngày đó, bạn quay lại nơi nộp hồ sơ thể nhận kết quả.
Như vậy, thủ tục xin trích lục kết hôn khá đơn giản. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi nộp hồ sơ nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, công dân có thể dễ dàng xin được bản trích lục đăng ký kết hôn. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy hồ sơ đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch căn cứ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch, ghi nội dung bản sao trích lục hộ tịch, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch ký cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xin được văn bản trích lục thay thế giấy tờ gốc, nhằm đảm bảo hoàn thành các sự kiện pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.
4. Trích lục kết hôn có thời hạn bao lâu?
Hiện nay, pháp luật không có quy định nào quy định về việc hạn chế thời hạn của bản sao được cấp từ sổ gốc hay bản sao được chứng thực từ bản chính nên có thể hiểu giá trị của bản sao là vô thời hạn. Nhưng có thể hiểu cụ thể trên thực tiễn thì bản chính có giá trị bao lâu thì bản sao cũng có giá trị bấy nhiêu thời gian.
Như vậy, thời hạn của trích lục kết hôn tương đương với thời hạn của giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc.