Quy định về người tham gia giao thông? Đâm chó mèo, gia súc chạy qua đường có phải bồi thường?
Khi tham gia giao thông đường bộ, chúng ta hẳn không ít lần chứng kiến được những con chó, con mèo hay súc vật khác chạy ngang qua đường và cũng vì thế mà không ít trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đi qua đâm phải các động vật này. Vậy khi tình huống này xảy ra, người điều khiển phương tiện giao thông đâm phải chó, mèo, súc vật khác chạy qua đường có phải bồi thường không?
Căn cứ pháp lý:
–
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Quy định về người tham gia giao thông:
Khoản 22 điều 3 Luật Giao thông đường bộ có quy định rõ về những người tham gia giao thông đường bộ, cụ thể:
“Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”.
1.1. Người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Người điều khiển phương tiện bao gồm những người điều khiển các loại xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ. Người lái xe chính chính là người sử dụng phương tiện và cũng chính là người điều khiển các loại xe trên.
Đối với những người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy:
– Chỉ được phép chở một người, trừ những trường hợp như sau thì sẽ được chở tối đa hai người như chở người bị bệnh, bị nạn đi cấp cứu; thực hiện hành vi áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em có độ tuổi dưới 14 tuổi
– Người điều khiển phương tiện, những người ngồi trên xe mô tô (bao gồm xe hai bánh và ba bánh), xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách của pháp luật quy định.
– Những người điều khiển xe mô (bao gồm xe hai bánh và ba bánh), xe gắn máy không được thực hiện tất cả các hành vi sau đây:
+ Thực hiện hành vi đi xe dàn hàng ngang, hàng đôi, hàng ba;
+ Đi xe mà người đang điều khiển vào phần đường chỉ dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
+ Sử dụng ô, điện thoại di động, các thiết bị âm thanh, trừ những thiết bị trợ thính;
+ Sử dụng xe để thực hiện hành vi kéo, đẩy những xe khác, vật khác hoặc mang, vác và chở những vật cồng kềnh;
+ Người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện hành vi buông cả hai tay hoặc điều khiển xe bằng một bánh đối với xe hai bánh và bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
+ Thực hiện những hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
– Những người ngồi trên xe mô tô (bao gồm xe hai bánh và ba bánh), xe gắn máy khi tham gia giao thông không được phép thực hiện tất cả các hành vi sau đây:
+ Mang hoặc vác những đồ vật cồng kềnh;
+ Sử dụng ô che;
+ Bám hoặc kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
+ Đứng trên yên của phương tiện, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của phương tiện;
+ Những hành vi khác gây đến mất trật tự, an toàn giao thông.
Đối với những người điều khiển, người ngồi trên xe đạp những người điều khiển xe thô sơ khác:
– Người điều khiển phương tiện giao thông là xe đạp thì chỉ được phép chở một người, trừ trường hợp được phép chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được phép chở tối đa là hai người.
– Người điều khiển phương tiện là xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi dành cho phần đường cho các loại xe thô sơ thì bắt buộc phải đi đúng phần đường của mình; khi điều khiển xe vào ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước xe và phía sau xe.
– Hàng hóa được xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm được an toàn, không được gây cản trở đến giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.
– Người điều khiển phương tiện, người ngồi trên xe là xe đạp máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm được cài quai đúng quy cách của pháp luật quy định.
1.2. Người điều khiển, dẫn dắt súc vật:
Đối với người điều khiển phương tiện là xe súc vật kéo bắt buộc phải có các biện pháp bảo đảm vệ sinh trên đường bộ
Điều 34 Luật giao thông 2008 quy định rõ:
“Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn”.
Như vậy, khi một cá nhân thực hiện hành vi dẫn dắt súc vật (như chó, mèo,..) trên đường bộ thì chủ sở hữu súc vật đó bắt buộc phải dẫn súc vật đi sát mép đường, đảm bảo vệ sinh khi dắt súc vật tham gia trên đường bộ, khi chủ sở hữu súc vật dẫn súc vật đi ngang qua đường thì bắt buộc phải quan sát. Đặc biệt chủ sở hữu súc vật không được phép dắt súc vật đi vào những phần đường dành cho xe cơ giới và không được phép thả rông súc vật trên đường bộ
1.3. Người đi bộ:
– Người đi bộ phải đi trên phần đường thuộc hè phố hoặc lề đường trừ trường hợp đường giao thông không có hè phố hoặc lề đường thì người đi bộ phải đi sát vào mép đường.
– Người đi bộ chỉ được phép qua đường ở tại những nơi có đèn tín hiệu hay có những vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, đường hầm dành riêng cho người đi bộ và phải tuân thủ những tín hiệu chỉ dẫn.
– Trong trường hợp không có đèn tín hiệu hay không có vạch kẻ đường hoặc cầu vượt, đường hầm dành cho người đi bộ thì những người đi bộ phải quan sát các phương tiện đang đi tới và chỉ được qua đường khi giao thông đã bảo đảm an toàn và phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông khi qua đường.
– Người đi bộ khi tham gia giao thông không được phép vượt qua dải phân cách, không được đu bám vào các phương tiện giao thông đang chạy trên đường; khi người đi bộ mang vác những vật cồng kềnh thì phải bảo đảm an toàn và không được gây trở ngại cho người và các phương tiện tham gia giao thông khác trên đường bộ.
– Đối với trẻ em dưới 7 tuổi khi tham gia giao thông tại các đường đô thị, các đường thường xuyên có các xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người tham gia giao thông có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
2. Đâm chó mèo, gia súc chạy qua đường có phải bồi thường?
Theo như phân tích trên và căn cứ vào quy định của pháp luật thì đối với chó, mèo hoặc các gia súc khác thì chủ sở hữu của nó phải có trách nhiệm trông chừng, quản lý, không được phép dắt chúng đi vào những phần đường dành cho xe cơ giới; không được phép thả rông chúng trên đường bộ và khi chủ sở hữu dắt chúng đi trên đường bộ thì phải cho chúng đi sát mép đường.
Khi chủ sở hữu của những súc vật đó không tuân thủ đúng quy định làm cho súc vật của mình chạy lung tung trên đường dẫn tới hậu quả là xảy ra tai nạn giao thông thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người đang tham gia giao thông đâm phải chó, mèo hay các gia súc khác trên đường thì phải xem xét, điều tra lỗi thuộc về bên nào để xác định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc tệ hơn nữa có thể là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu đó chính là trách nhiệm của các cá nhân hoặc tổ chức khi có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe; xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín; xâm phạm đến tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà có thiệt hại xảy ra.
Tại điều 584
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Theo đó, để xác định xem có hay không về vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài dân sự thì phải dựa trên các cơ sở sau:
– Phải có hành vi gây thiệt hại;
– Phải có thiệt hại xảy ra do chính hành vi gây thiệt hại gây nên;
– Có mối quan hệ nhân quả giữa những hành vi gây thiệt hại và thiệt hại thực tế xảy ra
– Không thuộc các trường hợp không được bồi thường thiệt hại theo quy định.
Đặc biệt, về vấn đề xác định lỗi, nếu lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại hoặc hành vi gây thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng mà đã dùng đủ mọi biện pháp nhằm khắc phục nhưng thiệt hại vẫn xảy ra thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong trường hợp người tham gia giao thông đâm phải chó, mèo, gia súc khác chạy qua đường thì trước hết phải xem xét và điều tra về lỗi của từng bên.
Trường hợp lỗi do bên chủ sở hữu quản lý súc vật thuộc sở hữu của mình không đúng theo quy định của pháp luật như thả rông chó, mèo, súc vật khác đi trên đường dẫn đến vấn đề người tham gia giao thông trên đường đâm phải và có hậu quả thiệt hại xảy ra đồng thời người điều khiển phương tiện được xác định hoàn toàn không có lỗi thì chủ sở hữu của chó, mèo, súc vật đó phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại đó chính là người điều khiển phương tiện đâm phải chó, mèo, súc vật khác (bồi thường về tài sản bị hư hại, sức khoẻ bị xâm phạm,…) .Đối với người điều khiển phương tiện đâm phải súc vật thì không phải bồi thường cho chủ sở hữu súc vật vì trong trường hợp này được xác định bên đâm phải chó mèo hoàn toàn không có lỗi.
Trường hợp lỗi hỗn hợp (lỗi cả hai bên), về bên chủ sở hữu chó, mèo, súc vật khác có lỗi về phương diện không quản lý chó, mèo, súc vật của mình theo đúng quy định của pháp luật, để cho chúng chạy lung tung, thả rông chúng trên đường dẫn tới người đi đường đâm phải, còn về bên người điều khiển phương tiện do có lỗi trong việc tốc độ di chuyển cũng như không quan sát khi tham gia giao thông thì trong trường hợp này cả hai bên sẽ cùng phải chịu trách nhiệm với nhau tương ứng với phần lỗi của mình. Nếu hai bên không thể tự thoả thuận được về vấn đề bồi thường dân sự thì cả hai bên đều có quyền yêu cầu toà án giải quyết để xác định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.