Khai sinh là gì? Nội dung đăng ký khai sinh? Khai sinh muộn cho con có bị xử phạt không? Vấn đề xác định dân tộc cho con khi khai sinh? Trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh cho con? Nếu chưa đăng ký kết hôn thì có làm khai sinh cho con được không?
Khai sinh cho con là một thủ tục bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ vẫn thắc mắc khi làm thủ tục khai sinh cho con thì vấn đề xác định dân tộc sẽ theo cha hay mẹ. Bài viết sau đây luật Dương Gia sẽ tư vấn cụ thể cho khách hàng về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
Luật hộ tịch 2014
Nghị định 123/2015/NĐ-CP nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch
Thông tư 15/2015/TT – BTP thông tư quy định chi tiết về thi hành một số điều của luật hộ tịch 2014 và nghị định 123/2015/NĐ-CP và biện pháp thi hành luật hộ tịch.
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1. Khai sinh là gì? Nội dung đăng ký khai sinh?
Khai sinh là việc cha,mẹ khai báo với các cơ quan có thẩm quyền về việc con của mình được sinh ra, đăng ký khai sinh là một sự kiện hộ tịch bắt buộc phải thực hiện để xác nhận một cá nhân tồn tại trong xã hội.
Khi tiến hành đăng ký khai sinh cho con cha, mẹ cần khai đầy đủ các thông tin khai sinh theo quy định tại điều 14, Luật hộ tịch 2014, cụ thể như:
Thứ nhất, điền đầy đủ các thông tin của người được đăng ký khai sinh, cụ thể là các thông tin về họ, chữ đệm và tên đệm của con mình, giới tính nam hay nữ, ngày/tháng/năm sinh của con, nơi sinh của con cụ thể là con được sinh ra ở đâu thì ghi ở đấy, ví dụ sinh ra tại bệnh viện phụ sản trung ương thì phải ghi rõ nơi sinh là tại bệnh viện đó, thông tin về dân tộc của con và quốc tịch của con.
Thứ hai, sau phần mục thông tin của con, sẽ là phần thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Cũng bao gồm các thông tin như họ, chữ đệm và tên đầy đủ của cha và mẹ, năm sinh, dân tộc, quốc tịch và nơi cư trú của cha mẹ.
Lưu ý: Các thông tin này phải ghi đúng theo chứng minh nhân dân và giấy khai sinh của cha mẹ, trường hợp chứng minh nhân dân của cha mẹ và giấy khai sinh thông tin không trùng khớp thì phải tiến hành làm thủ tục đính chính lại thông tin để có sự đồng nhất, trong đó giấy khai sinh là hộ tịch gốc nên các giấy tờ khác phải theo thông tin của giấy khai sinh. Sau khi làm thủ tục đính chính xong mới làm đăng ký khai sinh cho con, tránh trường hợp sai thông tin dẫn đến hệ lụy sau này.
Thứ ba, Ghi rõ mã số định danh cá nhân của con. Mỗi cá nhân sinh ra đều có một mã số định danh bao gồm 12 số, 06 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, năm sinh của con, mã tỉnh, thành phố nơi sinh và 06 số là số ngẫu nhiên do Bộ công an cấp. Phần mục này sẽ do cán bộ ghi.
2. Khai sinh muộn cho con có bị xử phạt không?
Như đã nêu ở trên, việc đăng ký khai sinh cho con là một thủ tục bắt buộc và vấn đề về thời gian làm thủ tục khai sinh cho con cũng được quy định rất cụ thể tại điều 15, Luật hộ tịch 2014, theo đó có thể hiểu: cha, mẹ phải tiến hành khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày con được sinh ra.
Như vậy có thể hiểu, không phải muốn khai sinh cho con lúc nào cũng được, mà pháp luật đã giới hạn cụ thể là trong 60 ngày từ khi con được sinh ra là cha mẹ đã phải thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp vì một lý do nào đấy, cha mẹ không thể tự đi đăng ký khai sinh cho con được thì ông, bà hoặc người thân thích có thể đi đăng ký khai sinh cho con.
Tuy nhiên, khi ông, bà hoặc người thân thích muốn đi khai sinh cho con thì cần phải cung cấp được các giấy tờ chứng minh về quan hệ huyết thống và giấy ủy quyền theo đúng quy định tại điều 2, thông tư 15/2015 tt hướng dẫn luật hộ tịch. Theo đó, khi làm giấy ủy quyền cho ông, bà đi khai sinh hộ thì không cần phải tiến hành công chứng, chứng thực giấy ủy quyền này nhưng phải có các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với cha, mẹ của người được khai sinh.
Tóm lại, cha mẹ cần lưu ý khai sinh theo đúng thời hạn mà pháp luật đã quy định trong 60 ngày kể từ ngày con được sinh ra, nếu không thể tự mình đi đăng ký khai sinh cho con được thì có thể tiến hành ủy quyền cho ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại để đi đăng ký khai sinh cho con.
Trước đây, pháp luật có quy định về vấn đề nếu đăng ký khai sinh muộn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại
3. Vấn đề xác định dân tộc cho con khi khai sinh?
Theo quy định của pháp luật, xác định dân tộc cũng là một trong số những nội dung đăng ký khai sinh cho con. Việc xác định dân tộc con theo cha hay mẹ được quy định rất cụ thể tại khoản 1, điều 4, Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật hộ tịch. Theo quy định này, ta có thể hiểu cha mẹ được quyền thỏa thuận về vấn đề xác định dân tộc của con theo cha hay mẹ, nghĩa là cha mẹ tự thỏa thuận với nhau rằng con sẽ theo dân tộc của cha hay dân tộc của mẹ sau đó điền vào tờ khai đăng ký khai sinh. Nếu cha mẹ không thể tự thỏa thuận, thống nhất được với nhau về vấn đề dân tộc của con, ai cũng muốn con theo dân tộc của mình thì lúc này cán bộ tư pháp sẽ xác định theo tập quán.
Tập quán được hiểu là một thói quen được hình thành từ lâu đời của người dân sống trong một khu vực và được mọi người tuân theo.Xác định theo tập quán được hiểu là xem xét ở tại địa phương đó, mọi người thường có thói quen xác định dân tộc của con theo cha hay mẹ thì sẽ áp dụng theo. Ví dụ ở một số địa phương, khi con sinh ra mặc nhiên là con sẽ theo họ bố, tất cả các thông tin đều theo bố thì lúc này việc xác định dân tộc cho con nếu cha mẹ không thể tự thỏa thuận được cán bộ sẽ xác định theo thói quen lâu đời đó. Còn có những địa phương, đặc biệt là ở một số vùng có dân tộc thiểu số sinh sống theo chế độ mẫu hệ thì tất cả các thông tin của con theo mẹ.
Tóm lại, việc xác định dân tộc của con theo cha hay mẹ là do sự thỏa thuận của cha mẹ. Cha mẹ nên có sự thống nhất với nhau trước khi đi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con, tránh xảy ra tranh chấp, sửa chữa, đính chính giấy tờ gây mất thời gian. Nếu cha mẹ không thỏa thuận được thì cán bộ hộ tịch sẽ xác định theo tập quán nơi làm thủ tục đăng ký khai sinh.
4. Trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh cho con:
Bước 1: Cha, mẹ chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Các giấy tờ cần chuẩn bị bao gồm:
Thứ nhất, tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu
Thứ hai, bản chính giấy chứng sinh, trường hợp con không có giấy chứng sinh thì phải cung cấp văn bản xác nhận sự kiện sinh hoặc giấy cam đoan về sự kiện sinh.
Thứ ba, văn bản ủy quyền làm thủ tục đăng ký khai sinh trong trường hợp ông, bà đi đăng ký khai sinh cho cháu
Thứ tư, các giấy tờ chứng minh về nhân thân của cha, mẹ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Nếu ông bà đi đăng ký hộ thì phải xuất trình được các giấy tờ chứng minh nhân thân của ông, bà.
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cụ thể là UBND cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú của cha hoặc mẹ.
Bước 3: Cán bộ có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh
Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ kiểm tra các giấy tờ, hồ sơ, nếu đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận hồ sơ và ngày trả kết quả. Thông thường cán bộ hộ tịch sẽ lập giấy khai sinh và trình chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp luôn cho cha, mẹ. Tuy nhiên, có những trường hợp chủ tịch đi vắng chưa thể ký được thì cán bộ hộ tịch sẽ hẹn cha, mẹ sau 1, 2 ngày đến nhận kết quả. Trường hợp nếu hồ sơ không hợp lệ, sai sót thông tin hoặc thiếu giấy tờ cán bộ hộ tịch phải hướng dẫn cha, mẹ bổ sung thêm các giấy tờ còn thiếu vào trong hồ sơ.
Trước khi cấp giấy khai sinh cho người dân, cán bộ hộ tịch phải ghi tên người được đăng ký khai sinh vào trong sổ Hộ tịch để quản lý.
5. Nếu chưa đăng ký kết hôn thì có làm khai sinh cho con được không?
Theo quy định của pháp luật, khai sinh là quyền công dân của con, vì vậy việc bố mẹ có đăng ký kết hôn hay không không ảnh hưởng đến việc đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp nếu cha, mẹ chưa đăng ký kết hôn mà có con thì đứa con này sẽ xác định là con ngoài giá thú. Việc khai sinh sẽ do mẹ thực hiện và tất nhiên trên giấy khai sinh sẽ không có tên cha. Trường hợp chưa đăng ký kết hôn nhưng vẫn muốn có tên cha trên giấy khai sinh của con thì cần làm thủ tục xác nhận quan hệ cha con. Cụ thể là người cha cần phải đi xét nghiệm ADN tại trung tâm giám định ADN, sau đó mang kết quả ADN và các giấy tờ về nhân thân nộp cho UBND cấp xã nơi cư trú để làm thủ tục xác nhận quan hệ cha con. Sau khi làm thủ tục xác nhận quan hệ cha con xong thì có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con.
Hồ sơ giấy tờ đăng ký khai sinh và cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con trong trường hợp này cũng tương tự như hồ sơ đăng ký khai sinh như đã nêu trên, chỉ cần bổ sung thêm văn bản xác nhận quan hệ cha con theo quy định của pháp luật.
Việc đăng ký khai sinh cho con vừa là quyền vừa là trách nhiệm của cha mẹ, cha mẹ hoàn toàn có quyền tự thỏa thuận với nhau về vấn đề xác định dân tộc cho con theo cha hay theo mẹ khi đăng ký khai sinh.