Để có thể tồn tại thì con người cần có những nhu yếu phẩm, những vật dụng cần thiết phục vụ đời sống. Quá trình sử dụng những nhu yếu phẩm hay vật dụng thường ngày đều có sự phát sinh rác thải, chất thải. Vậy các khái niệm rác thải, chất thải được hiểu như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm chất thải, rác thải là gì?
Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2020 thì khái niệm chất thải (hay còn gọi là rác thải) được hiểu là các chất thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác của con người, bao gồm các chất thải ở các dạng rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác. Trong đó chất thải rắn được hiểu là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải.
Chất thải cũng có chất thải nguy hại và chất thải thông thường. Các chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác, các chất thải này phải được xử lý đúng quy trình tránh rò rỉ gây nguy hại đến sức khỏe môi trường.
2. Phân loại rác thải:
Theo như những quy định nêu trên thì rác thải bao gồm rác thải ở dạng rắn, lỏng, khí và ở các dạng khác. Cụ thể như sau:
– Chất thải rắn sinh hoạt:
Căn cứ Điều 75 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt thì chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:
+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
+ Chất thải thực phẩm;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác.
– Chất thải rắn công nghiệp thông thường:
Căn cứ Điều 81 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định phân loại, lưu giữ, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường thì chất rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành các nhóm sau đây:
+ Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất;
+ Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng;
+ Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
– Chất thải nguy hại: loại chất thải này bao gồm các chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
– Nước thải: nước thải là chất thải dạng lỏng, bao gồm các loại nước thải từ các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp.
– Bụi, khí thải và các chất thải khác: là các chất thải ở dạng bụi, dạng khí từ sinh hoạt hay các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc phân loại rác thải thứ nhất dựa vào trạng thái tồn tại vật chất, thứ hai dựa vào các đặc điểm chung của các loại rác thải để tiến hành xử lý rác thải đúng cách đối với từng loại rác thải. Những loại rác thải nguy hại cần phải được nhận dạng và xử lý theo đúng quy định pháp luật để có thể đảm bảo sức khỏe của con người cũng như bảo vệ môi trường khỏi sự ảnh hưởng của các chất nguy hiểm.
3. Trách nhiệm thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt:
Chất thải rắn sinh hoạt là loại rác thải thường thấy nhất trong cuộc sống, sinh hoạt của con người. Mọi hoạt động của con người đều tạo ra rác, từ rác thải ăn uống, nhu cầu sinh hoạt hằng ngày đều tạo ra các chất thải sinh hoạt rắn. Cũng như mọi loại chất thải khác thì chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý đúng quy định.
Tại Điều 77 Luật bảo vệ môi trường 2020 thì việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện theo quy định sau:
– Lựa chọn cơ sở xử lý rác: Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cho các địa phương thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong trường hợp các địa phương không thể lựa chọn các cơ sở thu gom, xử lý rác thải thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật để giải quyết tình hình rác thải.
– Yêu cầu đối với các hộ gia đình là phải phân loại, sử dụng bao bì đúng quy định. Đối với những trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định thì cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của những hộ gia đình này. Cơ sở thu gom xử lý rác đồng thời phải
– Để thống nhất về việc thu gom rác thải tại các địa phương thì Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi. Việc thực hiện theo thời gian, địa điểm này sẽ thống nhất được thời gian gom rác thải, đảm bảo việc xử lý rác thải và không để tồn đọng rác thải gây ô nhiễm ra môi trường.
– Yêu cầu đối với các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt: các cơ sở này phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về việc vận chuyển rác thải: việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tránh việc vận chuyển rác thải ảnh hưởng đến các khu dân cư, phù hợp với lịch trình xử lý rác thải của các địa phương, tránh tồn đọng rác thải tại các địa điểm tập kết rác thải.
– Yêu cầu đối với hộ gia đình, cá nhân: những hộ gia đình, cá nhân có rác có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định đã được cơ sở thu gom rác thải và Ủy ban nhân dân xã công bố.
– Chất thải rắn sinh hoạt được phân ra thành: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải rắn không có khả năng tái chế. Vì thế mà các chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải, phù hợp với từng loại rác thải sinh hoạt.
– Yêu cầu đối với Ủy ban nhân dân cấp xã trong quá trình thu gom, xử lý rác:
+ Là cơ quan đứng đầu và thực hiện việc quản lý khu dân cư địa phương thế nên Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân cũng như của cơ sở thu gom, xử lý rác thải. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng đứng đầu của mình, tiến hành chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt, sau khi đã đưa ra được phương án phù hợp thì tiến hành công bố các thông tin này đến cho toàn thể người dân trong xã được biết.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp xúc với các quy định của pháp luật về thu gom, xử lý rác thải nên cần phải dướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định, tránh việc vứt rác sai quy định dẫn đến ô nhiễm môi trường; Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt để làm gương cho những hộ gia đình, cá nhân khác, thực hiện nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống xanh, sạch, đẹp.
Việc bảo vệ môi trường là của mọi cá nhân chúng ta, môi trường là nơi chúng ta sống, nuôi sống chúng ta. Chất thải là điều tất yếu nhưng làm thế nào để hạn chế chất thải và phân loại xử lý rác thải thế nào để đúng quy định pháp luật và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người. Những hành vi vi phạm pháp luật về phân loại rác thải hay làm ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm, đó còn là ý thức mà mỗi công dân nên có để chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu các nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu. Mỗi hành động nhỏ đều góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Luật bảo vệ môi trường 2020.