Kiểm tra hành chính trong cơ quan hành chính nhà nước là gì? Vai trò và ý nghĩa của hoạt động kiểm tra hành chính.
Quản lý hành chính có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong vận hành, hoạt động của mỗi quốc gia. Kể từ khi nhà nước xuất hiện đã cần phải có bộ phận quản lý hành chính cho nhà nước. Sự phát triển của pháp luật đã góp phần đẩy mạnh công tác kiểm tra hành chính. Vậy những nội dung, đặc điểm chính của hoạt động kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước được thể hiện như thế nào? Bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích và làm rõ cho bạn đọc về vấn đề này.
Tổng đài Luật sư
Mục lục bài viết
- 1 1. Kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước là gì?
- 2 2. Chủ thể thực hiện kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước:
- 3 3. Đặc điểm của hoạt động kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước:
- 4 4. Vai trò của hoạt động kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước:
- 5 5. Ý nghĩa của hoạt động kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước:
1. Kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước là gì?
– Kiểm tra hành chính là một trong những chức năng cần thiết của hoạt động quản lý nhà nước. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra để quản lý hoạt động hành chính của nhà nước.
– Đây được xem là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hoạt động kiểm tra, xem xét, đánh giá các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Đồng thời, nó cũng là biện pháp để đảm bảo pháp chế và kỷ luật trong công tác quản lý hành chính nhà nước nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
– Kiểm tra hành chính đảm bảo tính ổn định, hợp pháp, quy củ trong quá trình quản lý hành chính Nhà nước. Cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý hành chính sẽ phải làm việc chất lượng, khoa học, chính quy.
2. Chủ thể thực hiện kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước:
– Mỗi chủ thể thực hiện kiểm tra hành chính được xác định rõ trách nhiệm và có nghĩa vụ thực hiện kiểm tra theo đúng quy định và lệnh được giao. Theo đó, Chủ thể được thực hiện kiểm tra hành chính là các cơ quan hành chính nhà nước và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước bao gồm:
+ Cơ quan hành chính Nhà nước trung ương: Chính phủ, các Bộ đứng đầu lĩnh vực kiểm tra, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ
+ Cơ quan tại địa phương: UBND cấp huyện, cấp xã, cơ quan các ban ngành, người đứng đầu trong các cơ quan đó và các cá nhân được giao trách nhiệm.
– Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, bên kiểm tra có quyền:
+ Ra quyết định có tính chất bắt buộc đối với bên bị kiểm tra, buộc bên bị kiểm tra áp dụng biện pháp khắc phục sai sót trong hoạt động;
+ Bãi bỏ những văn bản không hợp pháp của bên bị kiểm tra (chỉ áp dụng trong trường hợp cơ quan cấp trên kiểm tra hoạt động của cơ quan cấp dưới);
+ Đình chỉ thi hành văn bản của bên bị kiểm tra cho đến khi cơ quan thẩm quyền kết luận về tính hợp pháp của văn bản đó;
+ Áp dụng những biện pháp cưỡng chế nhất định theo quy định của pháp luật;
+ Yêu cầu lãnh đạo cơ quan bị kiểm tra cung cấp thông tin, văn bản và giải trình;
+ Yêu cầu các nhà chuyên môn tham gia vào hoạt động kiểm tra.
– Ngược lại, cơ quan, nhân viên nhà nước cũng phải triệt để tuân thủ pháp luật trong quá trình kiểm tra, không được cản trở hoạt động hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chủ thể thực hiện kiểm tra hành chính phải thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Chủ thể thực hiện kiểm tra phải làm việc một cách khách quan, nghiêm túc để đảm bảo tính ổn định, chuẩn xác trong quá trình quản lý hành chính nhà nước. Trong trường hợp chủ thể thực hiện kiểm tra hành chính không tiến hành kiểm tra theo đúng quy định và nhiệm vụ được giao sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
3. Đặc điểm của hoạt động kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước:
Kiểm tra hành chính là là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hoạt động kiểm tra, xem xét, đánh giá các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Vì vậy, hoạt động này có những đặc điểm cụ thể như sau:
– Đối tượng chịu sự kiểm tra hành chính rất rộng, vừa là các cơ quan hành chính nhà nước, vừa là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng quản lý của hệ thống hành chính mà vừa là nhân dân.
– Kiểm tra hành chính là hoạt động thường xuyên diễn ra của cơ quan hành chính Nhà nước.
– Chủ thể tiến hành kiểm tra là Chính phủ, Bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân và những người đứng đầu các cơ quan đó.
– Hoạt động kiểm tra hành chính luôn mang tính quyền lực nhà nước, buộc các đối tượng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
– Hoạt động kiểm tra hành chính được tiến hành dưới nhiều hình và có thể tiến hành kiểm tra thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất.
Đây là những đặc điểm chủ yếu của hoạt động kiểm tra hành chính. Chúng được xem là những thuộc tính quan trọng của hoạt động này, hình thành quá trình kiểm tra hành chính chính quy và toàn vẹn theo đúng tính chất khách quan của pháp luật.
4. Vai trò của hoạt động kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước:
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống của con người ngày càng nâng cao. Pháp luật luôn gắn liền với đời sống xã hội. Vì vậy, sự phát triển đời sống cá thế luôn gắn liền với các chế tài luật pháp. Hay nói cách khác, các thủ tục hành chính luôn có mặt, song hành trong đời sống của mỗi công dân: thủ tục đăng ký khai sinh, căn cước công dân, mua bán đất đai, đăng ký kết hôn, đổi tên, nhập khẩu,…Do đó, hoạt động kiểm tra hành chính có vai trò vô cùng quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước.
Hoạt động kiểm tra hành chính được đóng vai trò quan trọng trong việc:
– Góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành chính. Sai phạm xảy ra ở cái hai bên: cơ quan, tổ chức quản lý hành chính và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Việc hoạt động kiểm tra hành chính liên tục, thường xuyên sẽ phát hiện kịp thời những hành vi sau phạm. Từ đó đưa ra những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, tránh những hệ lụy sau này. Điều này góp phần to lớn trong việc xây dựng lĩnh vực hành chính trong sạch, minh bạch.
– Đảm bảo công tác quản lý xã hội được áp dụng theo đúng hiến pháp và pháp luật theo đúng quy định của nhà nước đồng thời hợp với mục tiêu phát triển của Đảng. Mọi công dân Việt Nam, mọi hoạt động trong đời sống, xã hội phải được thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp là kim chỉ nam định hướng mọi hoạt động của cá nhân. Vì vậy, việc kiểm tra hoạt động hành chính trong quản lý hành chính nhà nước sẽ góp phần điều chỉnh phương hướng hoạt động của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Từ đó giúp đẩy mạnh công tác quản lý xã hội theo đúng hiến pháp và pháp luật.
– Đảm bảo các chức năng trong quản lý hành chính Nhà nước được thi hành và áp dụng rộng rãi góp phần xây dựng một xã hội ổn định, phồn vinh. Hành chính là lĩnh vực pháp luật chuyên sâu, gắn bó sâu sắc và mật thiết trong đời sống vật chất và tinh thần của mỗi cá nhân. Vậy nên, việc kiểm tra hành chính nhà nước sẽ đảm bảo tính khách quan trong công tác vận hành, góp phần xây dựng một xã hội ổn định, phồn vinh, mà ở đó, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức sẽ được hỗ trợ những nhu cầu trong lĩnh vực hành chính, được hợp thức hóa những giấy tờ, thủ tục liên quan một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất.
– Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra hành chính sẽ nhanh chóng phát hiện ra những thiếu sót và sai phạm. Từ đó, hiệu lực quản lý hành chính nhà nước sẽ được đẩy mạnh và nâng cao.
5. Ý nghĩa của hoạt động kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính nhà nước:
Hoạt động kiểm tra hành chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước.
– Nó tạo động lực đẩy mạnh chất lượng quản lý hành chính ở Việt Nam.
– Giúp quá trình tiến hành các thủ tục hành chính được diễn ra nhanh gọn, hiệu quả, tránh những sai phạm không đáng có trong công tác vận hành. Việc siết chặt quản lý buộc cán bộ, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải làm đúng trách nhiệm của mình. Từ đó, góp phần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
– Như đã nói, hành chính là lĩnh vực tồn tại xuyên suốt trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Công tác kiểm tra, quản lý hành chính được đẩy mạnh, sẽ đảm bảo tính ổn định, khách quan của pháp luật. Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội ổn định, phồn vinh.
Kiểm tra hành chính trong quản lý hành chính có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý nhà nước và pháp luật. Với những đặc điểm đã phân tích ở trên, hoạt động kiểm tra hành chính càng được đẩy mạnh, thì càng thúc đẩy sự phát triển, ổn định của xã hội nói chung và pháp luật Việt Nam nói chung. Vậy nên, Nhà nước và pháp luật cần đưa ra những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kiểm tra hành chính nhằm đạt được mục đích cao nhất trong công tác vận hành Nhà nước, đó là: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.