Việc bảo lãnh đi Mỹ theo diện con nuôi đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm. Vậy, bảo lãnh người thân theo diện con nuôi định cư tại Mỹ có khó không? Quy định về điều kiện, thủ tục bảo lãnh con nuôi đi Mỹ như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện người được nhận nuôi và người nhận nuôi để bão lãnh đi Mỹ:
1.1. Điều kiện của người được nhận nuôi:
- Độ tuổi:
+ Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010, người được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là người chưa có năng lực hành vi đầy đủ, chưa nhận thức được đầy đủ hành vi của mình, vì vậy việc thiết lập quan hệ nuôi con nuôi sẽ được đảm bảo cho người con nuôi có được sự giám hộ của cha mẹ nuôi.
+ Ngoài ra, trẻ từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn được nhận làm con nuôi trong trường hợp được cha dượng, mẹ kế; được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
- Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng:
Như vậy, theo quy định của pháp luật chỉ cho phép một người độc thân hoặc hai vợ chồng nhận con nuôi. Trường hợp người đang có vợ hoặc chồng tự đứng ra nhận nuôi con nuôi riêng thì sẽ không được chấp nhận, việc nhận nuôi con nuôi cần có sự thống nhất của cả hai vợ, chồng. Đây cũng là điều luật nhằm đảm bảo cho trẻ được nhận nuôi có một môi trường gia đình trọn vẹn và hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.
1.2. Điều kiện của người nhận con nuôi:
Để việc nhận nuôi con nuôi và bảo lãnh con nuôi đi Mỹ thì người nhận con nuôi hay còn gọi là cha mẹ nuôi phải đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010, cụ thể như sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ:
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định tại Điều 19 Bộ luật dân sự 2015: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Do đó, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải đáp ứng đủ hai điều kiện:
+ Là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên
+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự (người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, người bị Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự); và không phải là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự); không phải là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
Quy định này của pháp luật là cần thiết, đảm bảo sự thể hiện ý chí tự nguyện của người nhận nuôi con nuôi, cũng như đảm bảo họ có đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nếu người nhận nuôi không có đủ năng lực hành vi dân sự, bị mất hay hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không thể đảm nhiệm vai trò của người mẹ hay người cha, không thể hiện ý chí một cách tự nguyện, đúng đắn trong việc nhận nuôi con nuôi, cũng như không thể đảm bảo được tốt nhất quyền lợi của người được nhận làm con nuôi.
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên:
Đây là điều kiện cần thiết cho cha mẹ nuôi có thể đảm đương trách nhiệm làm cha, làm mẹ với con. Về mặt sinh học, giữa hai thế hệ luôn có một khoảng cách nhất định về tuổi tác thì mới có thể đảm bảo được sự tôn trọng và khả năng nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Hơn nữa, quy định này cũng nhằm tránh những trường hợp người nhận nuôi con nuôi lạm dụng tình dục với người con nuôi.
- Có đủ điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi:
Cụ thể, người nhận nuôi con nuôi đảm bảo về điều kiện vật chất (kinh tế): phải có công việc ổn định, mức thu nhập ổn định… để có thể đảm bảo cho người con nuôi có cuộc sống ổn định và đầy đủ.
Về yếu tố tinh thần, trước hết người nhận nuôi con nuôi phải có sức khỏe để đảm bảo rằng học có thể chăm sóc tốt cho đứa trẻ. Nếu không có sức khỏe thì việc nhận nuôi con nuôi lúc này trái với mục đích của việc nuôi con nuôi và con nuôi sẽ không được chăm sóc. Hơn nữa, cha mẹ nuôi cũng cần có thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, cho con nuôi cảm nhận được tình cảm yêu thương từ cha mẹ, từ gia đình thân thiết. Đó là điều kiện rất cần trong quá trình phát triển, lớn lên của đứa trẻ
- Có tư cách đạo đức tốt:
Quy định này của pháp luật rất có ý nghĩa bởi lẽ, tư cách đạo đức của cha mẹ nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trên thực tế, nhiều người nhận nuôi con nuôi đã không thực hiện tròn nghĩa vụ làm cha mẹ, phân biệt giữa con nuôi và con đẻ dẫn đến ngược đãi con nuôi, tạo không khí căng thẳng, xáo trộn trong gia đình.
- Ngoài những điều kiện cần đáp ứng trên, tại Khoản 2 Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 cũng quy định những người sau đây không được nhận nuôi con nuôi, cụ thể:
+ Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
+ Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh
+ Đang chấp hành hình phạt tù
+ Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
2. Bảo lãnh con nuôi đi Mỹ cần những điều kiện nào?
Theo Luật di trú Mỹ, để được bảo lãnh con nuôi đi Mỹ thì cần những điều kiện nhất định sau đây:
- Con nuôi phải được nhận nuôi trước 16 tuổi và phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục nhận nuôi tại địa điểm cư trú
- Con nuôi và cha mẹ phải ở chung với nhau trong thời gian 2 năm, không phân biệt giai đoạn trước hay sau khi nhận nuôi
- Con nuôi phải chịu sự giám hộ của ba mẹ trong thời gian đủ 2 năm
- Cha hoặc mẹ phải là công dân Mỹ, thường trú nhân hiện đang sinh sống tại Mỹ.
3. Thủ tục bảo lãnh con nuôi đi Mỹ như thế nào?
Để có thể bảo lãnh con nuôi đi Mỹ, thủ tục cần những bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ xin visa cho con nuôi
Việc xin visa cha mẹ có thể tìm đến một bên cung cấp dịch vụ và làm theo hướng dẫn để xin visa định cư ở nước ngoài cho con, sau đó con nuôi có thể chung sống chung với cha mẹ và gia đình.
Bước 2: Nhận giấy khai sinh của con
Sau khi thực hiện xong thủ tục nhận nuôi con nuôi, được trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi, cha mẹ sẽ nhận được giấy khai sinh của con. Sau đó, khi có giấy tờ đủ cha mẹ sẽ làm thủ tục xin hộ chiếu cho con.
Bước 3: Xin cấp hộ chiếu cho con nuôi
Cha, mẹ chuẩn bị 1 bộ hồ sơ xin hộ chiếu cho con nuôi gồm:
- Mẫu đơn xin hộ chiếu
- Quyết định nhận nuôi con nuôi (bản sao công chứng)
- Giấy khai sinh của con nuôi (bản sao công chứng)
- 02 ảnh mới chụp, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng
- Hộ chiếu của cha, mẹ nuôi (bản sao công chứng)
Thời gian xin hộ chiếu Việt Nam sẽ mất thời gian khoảng từ 2 tuần – 1 tháng để nhận được hộ chiếu hợp pháp.
Bước 4: Xin visa định cư tại Mỹ
Sau khi hoàn tất thủ tục cấp giấy tờ trên cho con nuôi, cha mẹ nuôi cần thực hiện bước tiếp theo là xin visa định cư tại Mỹ cho con ở Đại sứ quán.
Tại bước này, cha mẹ nuôi cần chứng minh mối quan hệ và khả năng tài chính của gia đình thông qua kê khai bảng lương của 6 tháng lương gần nhất; các giấy tờ minh chứng cho công việc hiện tại có thể thông qua
Sau đó, Lãnh sự quán sẽ xem xét các bằng chứng và cấp visa nếu như đúng và đủ thủ tục.
4. Thời gian làm thủ tục bảo lãnh con nuôi sang Mỹ:
Theo luật di trú Mỹ, khi nộp hồ sơ thì thường Sở di trú Mỹ (USCIS) sẽ xem xét, đánh giá về điều kiện của người bảo lãnh có phù hợp hay đủ điều kiện theo luật định để được nhận con nuôi cũng như không có dấu hiệu gian dối lợi dụng việc cho – nhận con nuôi và thủ tục cần bổ sung giấy tờ gì thêm không.
Về hồ sơ, xét mẫu đơn I-800A khi bảo lãnh con nuôi sang Mỹ khoảng 15 ngày kể từ ngày thông báo cho cha mẹ về kết quả hồ sơ.
Xét mẫu đơn I-600A, thời gian xét duyệt là 18 tháng kể từ ngày nộp đơn. Trong thời gian này, cơ quan có thẩm quyền xem xét về tình hình của người con nuôi, xác định về điều kiện nhận con nuôi của cha mẹ nuôi như khả năng tài chính, điều kiện về tinh thần, tư cách đạo đức… có phù hợp và đáp ứng chăm sóc người con nuôi, tạo cho người được nhận nuôi một môi trường sống hài hòa, tốt đẹp không.
Tóm lại, điều kiện cũng như quy trình xin thủ tục bảo lãnh con nuôi sang Mỹ cũng sẽ phải trải qua một quá trình khá dài và phức tạp. Sau khi bảo lãnh con nuôi sang Mỹ thành công, cha mẹ sẽ phải hoàn thành hết mọi nghĩa vụ của mình đối với người con nuôi. Và như vậy, con nuôi về mặt pháp lý đã mang đầy đủ quyền và nghĩa vụ như một người con ruột, hình thành nên mối quan hệ cha mẹ – con được pháp luật bảo vệ.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, theo quy định của Luật di trú Mỹ, khi người con nuôi được bảo lãnh hoàn tất sang Mỹ, được hưởng đầy đủ quyền lợi di trú theo cha mẹ nuôi thì người con nuôi đó sẽ không được bảo lãnh cho cha mẹ ruột hoặc anh chị em ruột nữa.
THAM KHẢO THÊM: