Quy định về lễ phục mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của học sinh, sinh viên? Hiệu trưởng trường Đại học phải mặc lễ phục như thế nào khi tham gia lễ tốt nghiệp?
Lễ tốt nghiệp là một nghi lễ quan trọng đánh dấu điểm kết thúc của quá trình đào tạo đối với nhà trường và có ý nghĩa lớn đối với cuộc đời của mỗi học sinh, sinh viên,… Do đó, việc mặc bộ lễ phục trong lễ tốt nghiệp là điều vinh dự đối với cả các thầy cô và các học sinh, sinh viên. Vậy liệu pháp luật có quy định chi tiết về vấn đề lễ phục tốt nghiệp hay không là một vấn đề đáng bàn.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về lễ phục mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của học sinh, sinh viên:
- 2 2. Hiệu trưởng trường Đại học phải mặc lễ phục như thế nào khi tham gia lễ tốt nghiệp?
- 3 3. Có nên phán xét chủ quan vấn đề này lễ phục của Hiệu trưởng khi không có vi phạm pháp luật?
- 4 4. Nhà trường ban hành quy chế lễ phục thì có cần phải xin ý kiến đơn vị chủ quản không?
1. Quy định về lễ phục mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của học sinh, sinh viên:
– Căn cứ pháp lý: Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT ngày 30/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên.
– Lễ phục là gì?
Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT quy định về lễ phục đối với học sinh, sinh viên như sau:
“Điều 2. Đồng phục, lễ phục
Lễ phục là trang phục được sử dụng cho học sinh, sinh viên của một trường (hoặc một ngành) mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp, tạo sự trang trọng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào của người học, tôn vinh nghề nghiệp, thể hiện nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Lễ phục bao gồm: áo, mũ và biểu trưng (logo) của trường (nếu có).”
– Nguyên tắc mặc lễ phục: được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT như sau:
“a) Bảo đảm tính thống nhất trong từng trường hoặc từng ngành đào tạo.
b) Đảm bảo tính thẩm mỹ, tính giáo dục trong các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp.
c) Đảm bảo phân biệt người tốt nghiệp các trình độ được đào tạo: trung cấp, đại học.
d) Đảm bảo tính khoa học, thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.”
– Tiêu chuẩn lễ phục: được quy định tại Điều 5 Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT như sau:
“1. Áo: áo khoác ngoài nhẹ, rộng, dài quá đầu gối, chất liệu vải thoáng, mát, trang trí lịch sự, trang trọng thích hợp cho dùng cả mùa hè và mùa đông, thể hiện tính hiện đại và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.
2. Mũ: màu của mũ phù hợp với màu của áo, đảm bảo tính thẩm mỹ, trang trọng.
3. Biểu trưng (logo) của trường được gắn ở ngực áo bên trái.
4. Khi nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng: bộ comple màu sẫm, áo sơ mi, cravat đối với nam; bộ comple hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ.”
Các quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn lễ phục nêu trên được coi là căn cứ để Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp quyết định việc mặc đồng phục, lễ phục, quy định về kiểu dáng, màu sắc và chỉ đạo tổ chức mặc lễ phục của học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong nhà trường. Việc xây dựng quy định về lễ phục cũng phải tùy theo khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được sự đồng thuận về chủ trương của Hội đồng trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên nhà trường (nếu có).
2. Hiệu trưởng trường Đại học phải mặc lễ phục như thế nào khi tham gia lễ tốt nghiệp?
Hiện nay, pháp luật chỉ quy định về lễ phục đối với học sinh, sinh viên mà chưa có quy định mang tính quy phạm về lễ phục đối với Hiệu trưởng trường Đại học khi tham gia vào buổi lễ tốt nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, có các trường Đại học đã căn cứ quy định pháp luật và tình hình thực tế tại nhà trường để ban hành quy định cụ thể, áp dụng trong phạm vi toàn trường.
– Chẳng hạn:
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2379/QĐ-ĐHKT ngày 27/07/2022 Quy định quản lý và sử dụng bộ lễ phục, nghỉ lễ và trình tự thực hiện Lễ trao bằng tại Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN. Theo đó, bộ lễ phục dành cho Hiệu trưởng gồm: Áo nhung, mũ và găng tay đồng màu đỏ. Phụ kiện kèm theo có cây quyền trượng và vòng đeo cổ (theo điểm a Điều 5 Quyết định 2379/QĐ-ĐHKT ngày 27/07/2022).
Ngoài ra, nghi lễ thực hiện Lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN cũng được quy định tại Điều 10 Quyết định 2379/QĐ-ĐHKT ngày 27/07/2022, cụ thể như sau:
“1. Đội hình của Ban nghi lễ
– Số lượng của Ban nghi lễ gồm 11 thành viên, trong đó Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng (trường hợp Hiệu trưởng uỷ quyền) là Chủ lễ.
– Chủ lễ đứng phía trước, Ban nghi lễ xếp hai hàng dọc song song đứng phía sau, tư thế trang nghiêm, giữ đều khoảng cách phù hợp. Chủ lễ tay phải nâng cao cây quyền trượng trước ngực, thể hiện sự uy nghi, tôn nghiêm và biểu tượng của sức mạnh tập thể, đeo vòng cổ, cùng Ban nghi lễ tiến vào Hội trường.
– Ban nghi lễ tiến vào Hội trường để thực hiện nghi thức trong Lễ trao bằng tốt nghiệp theo điều hành của Ban tổ chức.
2. Đội hình của Đội nghi lễ
– Số lượng của Đội nghi lễ gồm 11 thành viên (hoặc tùy theo quyết định của Ban tổ chức), trong đó có 1 đội trưởng.
– Đội trưởng cầm cờ đứng phía trước, đội nghi lễ xếp hai hàng dọc song song đứng phía sau, tư thế trang nghiêm, giữ đều khoảng cách phù hợp.
– Đội nghi lễ rước cờ đi trước Ban nghi lễ, cùng tiến vào Hội trường và thực hiện nghi thức trong Lễ trao bằng tốt nghiệp theo điều hành của Ban tổ chức.
3. Nghi lễ thực hiện Lễ trao bằng
– Ban tổ chức mời Ban nghi lễ và Đội nghi lễ tiến vào Hội trường để thực hiện các nghi thức trong Lễ trao bằng tốt nghiệp.
– Ban nghi lễ rước quyền trượng, Đội nghi lễ rước cờ tiến lên sân khấu. Chủ lễ cầm quyền trượng, đội trưởng đội nghi lễ cầm cờ đứng giữa sân khấu hội trường, kế bên là 5 thành viên Ban nghi lễ, 5 thành viên Đội nghi lễ chia đều 2 bên thành một hàng ngang trên sân khấu để ra mắt hội trường.
– Sau khi ra mắt theo điều hành của Ban tổ chức, Ban nghi lễ và Đội nghi lễ về phía dưới ghế hội trường. Ban tổ chức thực hiện Nghi lễ tại Điều 11.”
Như vậy, tùy thuộc vào tính chất, đặc thù ngành nghề đào tạo, mỗi trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có thể tự quyết định bộ lễ phục phù hợp, đảm bảo thẩm mỹ nhưng vẫn tạo sự trang trọng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào của người học, tôn vinh nghề nghiệp, thể hiện nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam.
3. Có nên phán xét chủ quan vấn đề này lễ phục của Hiệu trưởng khi không có vi phạm pháp luật?
Theo quan điểm của tác giả, việc góp ý đối với các vấn đề xã hội giúp mọi người có cái nhìn đa chiều về một vấn đề là một điều tích cực, tuy nhiên, nên chăng việc góp ý nên thực hiện một cách nhẹ nhàng, thiện chí. Bởi lẽ từ trước đến nay chưa có một quy chuẩn nào đối với bộ lễ phục đối với Hiệu trưởng tại lễ tốt nghiệp, việc mặc bộ lễ phục chưa phù hợp với số đông thị hiếu cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, xét về khía cạnh đạo đức hay thuần phong mỹ tục thì có lẽ cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh và đảm bảo sự khách quan đối với các chủ thể có liên quan.
4. Nhà trường ban hành quy chế lễ phục thì có cần phải xin ý kiến đơn vị chủ quản không?
Thông thường, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp độc lập sẽ tự ban hành quy chế, quy định hoặc các văn bản quản lý nội bộ khác để quản lý các hoạt động nội bộ của nhà trường, trong đó có cả quy định liên quan đến việc quản lý và sử dụng bộ lễ phục, nghỉ lễ và trình tự thực hiện Lễ trao bằng.
Tuy nhiên, đối với các trường là thành viên của trường Đại học khác (chẳng hạn: Trường Đại học Kinh tế là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, là một cơ sở đào tạo bậc đại học và sau đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học chuyên ngành kinh tế học và kinh doanh học hàng đầu của Việt Nam) thì tùy thuộc vào quy định nội bộ hoặc quy chế phối hợp giữa trường đại học và đơn vị chủ quản, căn cứ quyền và nghĩa vụ của Hiệu trưởng và đơn vị chủ quản, các văn bản quản lý nội bộ của nhà trường (như quy chế, quy định, quy trình, nội quy,…) trước khi ban hành sẽ phải trình Lãnh đạo của đơn vị chủ quản xem xét, đồng ý rồi mới phê duyệt ban hành.