Thẩm quyền chia, tách địa giới hành chính cấp tỉnh? Thủ tục chia, tách địa giới hành chính cấp tỉnh? Nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Bên cạnh những bất cập thì việc sáp nhập, chia, tách địa giới hành chính của đất nước trong từng giai đoạn đổi mới và phát triển đã góp phần mang lại một số kết quả tích cực. Qua đó, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao rõ rệt, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước về kinh tế và xã hội. Đồng thời việc điều chỉnh địa giới hành chính nhằm nâng cao tỉ lệ đô thị hóa, theo đó hệ thống kinh tế, quốc phòng an ninh, xã hội và đời sống của nhân dân được cải thiện và đảm bảo. Vậy đối với việc chia tách địa giới hành chính cấp tỉnh, chủ thể nào có thẩm quyền quyết định việc chia, tách và thủ tục như thế nào? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.
Căn cứ pháp lý
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ;- Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
- Thông tư 48/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp;
- Nghị định 34/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ nội vụ.
Mục lục bài viết
1. Thẩm quyền chia, tách địa giới hành chính cấp tỉnh:
Trước khi tìm hiểu về chủ thể có thẩm quyền chia, tách địa giới hành chính cấp tỉnh, chúng ta cần biết địa giới hành chính được định nghĩa là gì?
Theo đó, địa giới hành chính là “đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới, là cơ sở pháp lí phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lí dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở địa phương”.
Và căn cứ theo khoản 1, Điều 3 Thông tư 48/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp thì đường địa giới hành chính các cấp bao gồm đường địa giới hành chính cấp tỉnh, đường địa giới hành chính cấp huyện, đường địa giới hành chính cấp xã.
Vậy hiện nay, nước ta có bao nhiêu đơn vị hành chính cấp tỉnh?
Sau nhiều lần thực hiện việc chia, tách và sáp nhập lại thì tính đến nay Việt Nam có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó bao gồm 05 thành phố trực thuộc trung ương, đó là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 58 tỉnh (tương ứng với chữ số trên “bản đồ hành chính Việt Nam”).
Căn cứ theo quy định tại Điều 129 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cụ thể như sau:
“ Điều 129. Thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính, giải quyết tranhc hấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính.
1. Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh; giải quyết tanh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
3. Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”
Như vậy, căn cứ theo quy định được nêu ra ở trên, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chia, tách đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Thủ tục chia, tách địa giới hành chính cấp tỉnh:
Để thực hiện việc chia, tách địa giới hành chính cấp tỉnh cần thực hiện theo trình tự, thủ tục dưới đây:
Bước 1: Trình quyết định điều chỉnh địa giới hành chính
Căn cứ theo khoản 4, Điều 96
“Điều 96
Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
…
4. Trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;”
Theo đó, Chính phủ có nhiệm vụ trình Quốc hội quyết định việc chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh.
Bước 2: Xây dựng đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
Căn cứ theo điểm a, khoản 7 Điều 2 Nghị định 34/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ nội vụ như sau:
“Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
…
7. Về địa giới hành chính và phân loại đơn vị hành chính:
a) Thẩm định, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội các đề án về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên và việc giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính các cấp;”
Theo đó, Bộ nội vụ có nhiệm vụ thẩm định, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các đề án về việc chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Ngân hàng nhà nước bảo đảm thực hiện theo quy định của Chính phủ về kinh phí để xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính.
Bước 3: Lấy ý kiến nhân dân địa phương về việc điều chỉnh địa giới hành chính
Căn cứ theo khoản 2, Điều 110
“Điều 110
…
2. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.”
Nếu như trước đây việc điều chỉnh địa giới hành chính chỉ lấy ý kiến đại diện cử tri hay đại diện hộ gia đình nơi có thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính thì Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ việc điều chỉnh địa giới hành chính phải thực hiện lấy ý kiến nhân dân rộng rãi.
Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy kiến cử tri. Báo cáo lấy ý kiến cử tri phải thể hiện tổng số cử tri tham gia, số cử tri đồng ý và số cử tri không đồng ý. Báo cáo lấy ý kiến cử tri trên địa bàn nhân dân cấp huyện, cấp xã được gửi đến Hội đồng nhân dân cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp trên; báo cáo lấy ý kiến cử tri trên địa bàn nhân dân cấp tỉnh phải gửi đến Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. (khoản 6, Điều 131 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015)
Bước 4: Thông qua đề án điều chỉnh địa giới hành chính
Căn cứ Điều 132 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định như sau:
“Điều 132. Hội đồng nhân dân thông qua đề nghị thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
1. Sau khi lấy ý kiến cử tri về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, nếu có trên năm mươi phần trăm tổng số cử tri trên địa bàn tán thành thì cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính, có liên quan để lấy ý kiến.
2. Trên cơ sở ý kiến của cử tri địa phương, dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do cơ quan chịu trách nhiệm gửi đến, Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh có liên quan thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo trình tự từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh.
3. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được gửi đến Hội đồng nhân dân cấp huyện; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện được gửi đến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được gửi đến Bộ Nội vụ để tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền quyết định.”
Bước 5: Thẩm tra đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
Căn cứ theo khoản 1, Điều 133 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định như sau:
“Điều 133. Thẩm tra đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
1. Ủy ban pháp luật của Quốc hội thẩm tra đề án của Chính phủ về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh để báo cáo Quốc hội; thẩm tra đề án của Chính phủ về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.”
Theo đó, Uỷ ban pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra đề án của Chính phủ về việc chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh để báo cáo Quốc hội.
Căn cứ theo khoản 2, Điều 133 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về hồ sơ thẩm tra gồm có những giấy tờ sau:
Tờ trình về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;- Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
- Báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
- Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Dự thảo nghị quyết thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vịhành chính
Vậy thủ tục để thực hiện việc chia, tách đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đảm bảo thực hiện theo trình tự và thủ tục nêu trên.
3. Nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:
Mọi hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước khi tiến hành thực hiện luôn phải đảm bảo theo những trình tự, nguyên tắc của luật định. Theo đó việc chia, tách đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng phải được thực hiện theo nguyên tắc chung về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Căn cứ theo khoản 2, Điều 128 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt
- Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và của từng địa phương;
- Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;
- Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 của Luật này phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.
Như vậy khi thực hiện việc chia, tách đơn vị hành chính cấp tỉnh nói riêng và việc điều chỉnh đơn vị địa giới hành chính nói chung phải đảm bảo các nguyên tắc chung theo luật định được nêu như trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về thẩm quyền và thủ tục chia, tách đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ theo số hotline để được hỗ trợ và tư vấn.