Khái niệm biển số xe, biển số xe giả và cách phát hiện biển số xe giả? Quy định pháp luật về xử phạt khi mua bán, sử dụng biển số xe giả?
Như chúng ta thường thấy, các phương tiện giao thông được lưu hành đều phải đăng ký và gắn biển số. Biển số xe vừa là các dãy số để phân biệt các loại xe, phần vùng xe cũng như để cơ quan nhà nước quản lý được các phương tiện trên toàn quốc. Biển số xe phải được cơ quan có thẩm quyền cấp đối với từng loại xe, xe phải được đăng ký mới được cấp biển số xe, mỗi xe chỉ có một biển số xe duy nhất. Trên thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp sử dụng biển số xe giả tràn lan. Vậy làm cách nào để phát hiện được biển số giả và quy định của pháp luật về việc sử dụng biển số xe giả như thế nào?
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
–
–
–
Mục lục bài viết
1. Biển số xe giả là gì?
– Mỗi loại phương tiện giao thông từ xe máy điện, xe máy, ô tô… các loại phương tiện khác có đăng ký quyền sở hữu đều được đăng ký để cấp biển số xe.
Biển số xe hay còn gọi là biển kiểm soát xe, biển số xe thông thường theo quy định sẽ là một dãy bao gồm chữ số và số. Những chữ cái và dãy số này có thể cho biết vùng và địa phương quản lý, khi nhập biển số xe trên hệ thống thì còn có thể biết được chủ sở hữu phương tiện, nơi cư trú của chủ sở hữu, loại xe, thời gian đã mua xe, đăng ký xe. Biển số xe được gắn lên xe theo đúng kích thước và gắn phía sau hoặc cả phía trước xe và được ghi vào giấy đăng ký xe.
Về chất liệu của biển số xe thì tại Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành thì biển số xe các phương tiện được quy định phải được in trên chất liệu kim loại, có màng phản quang, ký hiệu bảo mật Công an hiệu đóng chìm do đơn vị được Bộ Công an cấp phép sản xuất biển số, các biển số xe sẽ do Cục Cảnh sát giao thông quản lý; riêng biển số xe đăng ký tạm thời được in trên giấy.
– Như vậy, từ đó có thể hiểu biển số xe giả là biển số xe không được cấp theo thủ tục vừa nêu trên được xem là biển số giả và không hợp lệ. Biển số xe thông thường được Bộ Công An cấp phép sản xuất và được đăng ký lên hệ thống, biển số xe giả là biển số xe tự người dân sản xuất, làm giả giống với biển số thật để nhằm mục đích sử dụng biển số xe giả nhằm qua mặt cơ quan nhà nước. Biển số xe giả càng ngày càng được làm với thủ đoạn tinh vi.
2. Cách phát hiện biển số xe giả:
– Cách nhận biết biển số xe giả: Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA biển số xe được quy định làm bằng kim loại và có lớp phản quang theo quy định, biển số giả được sản xuất trái phép và làm bằng thủ công nên những đường nét thiết kế sẽ không sắc sảo, chất lượng sơn của biển số khá kém và dễ bong tróc cũng như chất lượng phản quang trên biển số kém. Quốc huy được dập chìm trên biển cũng là một dấu hiệu để nhận biết biển thật hay biển giả. Ở biển số xe thật, dấu quốc huy được dập chìm chính giữa mặt trước và mặt sau sẽ bị lún, còn đối với biển số giả, dấu quốc huy vẫn được dập chìm ở mặt trước chính giữa nhưng mặt sau không bị lún. Về kích thước biển số, rất khó để phân biệt biển số xe thật hay giả đối với việc phân biệt kích thước khi việc làm giả ngày càng tinh vi. Với những chi tiết này là chưa đủ để chúng ta phân biệt biển số thật hay giả do việc làm biển giả ngày càng tinh vi. Việc phân biệt biển thật và biển giả được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sẽ có một số dấu hiệu nhận biết đặc biệt khác, các dấu hiệu này chỉ có những người có kinh nghiệm mới phân biệt được.
3. Quy định về xử phạt khi mua bán, sử dụng biển số xe giả:
Qua phân tích ở trên có thể thấy biển số xe phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Biển số được cấp đúng sẽ hợp pháp và sẽ quản lý được các phương tiện giao thông.
Mục đích của việc sử dụng biển số xe giả: biển số xe thật gắn với xe và cơ quan nhà nước sẽ kiểm soát được thông tin chủ của xe. Vì đặc điểm này mà biển số giả được sử dụng, nhiều trường hợp những người phạm tội trộm cắp xe của người khác sau đó sử dụng biển số giả để qua mặt cơ quan công an trong quá trình truy tìm chiếc xe bị mất. Cũng có những trường hợp nhiều đối tượng muốn thực hiện hành vi phạm tội và để tránh bị phát hiện nên sử dụng biển số giả để không bị phát hiện hành tung của mình. Cũng có trường hợp liên quan đến xe trả góp ngân hàng nhưng người mua trả góp không thể trả được và ngân hàng ra quyết định thu hồi giấy sử dụng xe, trường hợp này nhiều người sử dụng biển số xe giả để gắn vào xe và lưu thông. Nhiều trường hợp chủ xe có hai xe, khi xe trả góp bị tạm dừng sử dụng thì chủ xe làm biển giả giống với biển số xe còn lại của mình để lưu thông.
Những hành vi sản xuất, sử dụng bằng giả nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tại Khoản 22 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 thì về sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Các văn bản khác đã quy định về mức xử phạt đối với những hành vi này.
Tuy nhiên pháp luật nước ta về hành vi này vẫn còn đang khá nhẹ nhàng với những hành vi sản xuất, sử dụng biển số xe giả với mức phạt còn khá thấp. Cho đến hiện nay, các văn bản pháp luật chưa có quy định hình thức xử phạt đối với người điều khiển xe; hiện nay chưa có quy định về hình phạt đối với chủ sở hữu xe được gắn biển số giả.
– Đối với lái Ô tô gắn biển số giả 04 – 06 triệu đồng (Điểm d khoản 5 Điều 16) 04 – 06 triệu đồng (Điểm g khoản 8 Điều 30) 08 – 12 triệu đồng (Điểm g khoản 8 Điều 30).
– Đối với lái Xe máy gắn biển số giả 300.000 – 400.000 đồng (Điểm c khoản 2 Điều 17) 800.000 – 02 triệu đồng (Điểm k khoản 5 Điều 30) 1,6 – 04 triệu đồng (Điểm k khoản 5 Điều 30).
– Đối với lái xe máy kéo gắn biển số giả (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng 01 – 02 triệu đồng (Điểm đ khoản 2 Điều 19) 04 – 06 triệu đồng (Điểm g khoản 8 Điều 30) 08 – 12 triệu đồng (Điểm g khoản 8 Điều 30).
Những người sản xuất và mua, sử dụng biển số có thể bị khởi tố trách nhiệm hình sự. Theo đó tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 quy định về hành vi làm giả con con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cụ thể luật quy định như sau:
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Cấu thành tội phạm đối với tội làm giả con con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
– Khách thể: hành vi làm giả biển số xe xâm phạm đến việc quản lý các biển số xe của cơ quan nhà nước, đối tượng của tội phạm này là biển số xe.
– Mặt khách quan: Ở đây pháp luật chia làm hai hành vi: hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
Đối với việc làm biển số xe giả: biển số xe phải được Bộ công an cấp phép sản xuất và cấp khi đăng ký xe, việc sản xuất biển số xe phải được sản xuất theo đúng quy định của pháp luật. Việc căn cứ biển số xe có phải làm giả hay không phải căn cứ vào những dấu hiệu đặc trưng mà cơ quan sản xuất biển số xe quản lý.
Hậu quả của hành vi làm giả biển số xe không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản của phạm tội này, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả biển số xe hoặc sử dụng biển số xe giả là tội phạm đã hoàn thành. Nhưng hậu quả lại là tình tiết định khung hình phạt. Do đó, việc xác định hậu quả do hành vi làm giả biển số nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức gây ra là rất cần thiết.
Đối với hành vi sử dụng biển số giả: người phạm tội có hành vi sử dụng biển số giả không nhằm chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác như: trốn thoát khỏi hành vi phạm tội như trộm cắp xe, mang xe biển số giả đi thực hiện hành vi phạm tội.
– Mặt chủ quan: hành vi sản xuất, sử dụng biển số giả được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi làm giả biển số xe là hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra hoặc không cần biết hậu quả của hành vi đó như thế nào.
– Chủ thể: chủ thể thực hiện hành vi phạm tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự.
– Về hình phạt đối với tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu được quy định như sau:
+ Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tùy thuộc vào những tình tiết khác mà các hành vi này có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm hoặc nặng hơn là bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.