Người tham gia giao thông gồm những đối tượng nào? Thuật ngữ tiếng Anh? Trách nhiệm của người tham gia giao thông? Các quy định pháp luật?
Tham gia giao thông là nhu cầu cơ bản của người dân trong hoạt động, nhiệm vụ hàng ngày. Tuy nhiên nhiều người chưa nắm được đối tượng tham gia giao thông là những đối tượng nào? Không chỉ những người đang sử dụng phương tiện mới là đang tham gia giao thông. Do đó, mỗi chúng ta cần biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia giao thông. Để đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn giao thông. Các trách nhiệm được quy định cụ thể ở nhóm văn bản pháp luật điều chỉnh liên quan đến hoạt động giao thông.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Giao thông đường bộ hợp nhất năm 2019.
Luật sư
Rất nhiều người hiện nay thường nhầm lẫn giữa việc chỉ có những người điều khiển xe trên đường thì mới được coi là đối tượng tham gia giao thông.
Mục lục bài viết
1. Người tham gia giao thông gồm những đối tượng nào?
+ Người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ;
+ Người điều khiển, dẫn dắt súc vật;
+ Người đi bộ trên đường bộ.
Do đó mà người tham gia giao thông không chỉ bao gồm nhóm người sử dụng phương tiện như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng ta di chuyển trên đường là đang tham gia giao thông.
Thế nào là phương tiện được sử dụng tham gia giao thông đường bộ?
– Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng:
+ Phương tiện giao thông đường bộ:
Bao gồm:
– Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Bao gồm
+ Xe ô tô;
+ Máy kéo;
+ Rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo;
+ Xe mô tô hai bánh;
+ Xe mô tô ba bánh;
+ Xe gắn máy, kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự.
– Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe đạp, kể cả xe đạp máy.
– Xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
+ Xe máy chuyên dùng:
Bao gồm:
– Xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp.
– Các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
2. Thuật ngữ tiếng Anh:
Người tham gia giao thông tiếng Anh là Participants traffic.
Trách nhiệm của người tham gia giao thông tiếng Anh là Responsibilities of road users.
3. Trách nhiệm của người tham gia giao thông:
Khi tham gia giao thông, người tham gia giao thông phải tuân thủ, chấp hành các quy định giao thông đường bộ. Phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông. Để giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Cũng như được pháp luật bảo vệ trong trường hợp có xung đột quyền lợi ích giữa các chủ thể cùng tham gia giao thông.
Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Căn cứ vào việc tuân thủ quy định khi tham gia giao thông để xác định quyền lợi, nghĩa vụ tương ứng.
Trong đó, trách nhiệm của người tham gia giao thông được xây dựng trên các quy tắc, các nghĩa vụ như sau:
3.1. Đối với người điều khiển phương tiện giao thông:
Các quy tắc về hướng đi và đường đi:
Người điều khiển phương tiện giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình. Phải đi đúng làn đường, phần đường quy định. Các phương tiện khác nhau phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông. Cụ thể:
– Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép. Khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
– Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
– Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Các quy tắc về hệ thống báo hiệu đường bộ và hiệu lệnh của người điều khiển giao thông:
– Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Cụ thể:
+ Phải chấp hành tín hiệu đèn giao thông: đèn xanh được đi, đèn vàng giảm tốc độ và đèn đỏ dừng lại.
+ Phải chấp hành các chỉ dẫn trên biển báo cũng như các báo hiệu trên đường. Như các chỉ dẫn được xây dựng bằng vạch kẻ đường, cọc tiêu, tường bảo vệ hoặc rào chắn.
– Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Hiệu lệnh này được coi là quy định cần áp dụng, có giá trị áp dụng cao hơn các biển báo, đèn báo cố định.
Các quy tắc về vượt xe:
– Khi vượt xe, người điều khiển xe phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi. Trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
– Người điều khiển xe chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải. Nếu có bất kỳ dấu hiệu không đảm bảo an toàn nêu trên thì người tham gia giao thông không được vượt.
Ngoài ra, người điều khiển xe cũng không được vượt trong trường hợp:
+ Trên cầu hẹp có một làn xe;
+ Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
+ Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
+ Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
+ Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
– Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua. Không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Quy tắc về chuyển hướng xe:
– Chỉ được chuyển hướng xe ở phạm vi không có biển báo cấm. Phải báo hiệu cho các phương tiện tham gia giao thông khác. Dần giảm tốc độ xe và có tín hiệu báo hướng rẽ trước một khoảng cách nhất định trước hướng rẽ. Đảm bảo khoảng thời gian
Quy tắc về lùi xe:
– Chỉ lùi xe ở các tuyến đường cho phép lùi xe. Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau. Phải đảm bảo có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi. Thực hiện chậm các thao tác và tiến hành đồng thời với quan sát.
-Không được lùi xe ở khu vực sau:
+ Các khu vực cấm dừng.
+ Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường.
+ Nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.
+ Nơi tầm nhìn bị che khuất.
+ Trong hầm đường bộ, đường cao tốc.
Quy tắc về dừng, đỗ xe:
Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
– Bên trái đường một chiều;
– Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
– Trên cầu, gầm cầu vượt;
– Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
– Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
– Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
– Nơi dừng của xe buýt;
– Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
– Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
– Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
– Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Ngoài ra, người điều khiển giao thông còn phải tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo hiệu quả an toàn giao thông, đảm bảo trật tự tham gia giao thông khác. Điển hình như:
+ Nhường đường cho xe ưu tiên.
+ Không được sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông.
+ Chở đúng số người quy định,… để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và trật tự an toàn giao thông của toàn xã hội. Tuân thủ quy định khi tham gia giao thông trước tiên là đảm bảo cho quyền lợi và an toàn của mọi người xung quanh.
3.2. Đối với người đi bộ trên đường bộ:
– Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường, phần đường đã được ngăn cách dành cho người đi bộ. Trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Không được tràn xuống nòng đường, dàn hàng ngang trên đường.
– Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ. Vẫn phải tuân thủ các quy định đèn báo giao thông và biện pháp bảo đảm an toàn khác.
+ Ở nơi không có biển báo, đèn báo phải quan sát các xe đang đi tới,. Chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Phải ra dấu hiệu xin đường cho các xe đi gần tới.
– Phải tuân thủ các quy định tham gia giao thông an toàn. Không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Đặc biệt là người thân có trách nhiệm trông giữ trẻ và đi kèm, quản lý trẻ tham gia giao thông an toàn.
3.3. Đối với người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ:
– Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường. Phải đảm bảo an toàn cho người đi phía bên ngoài đường. Đặc biệt là phải bảo đảm vệ sinh trên đường.
+ Trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn. Tránh để súc vật thả rông, gây cản trở giao thông cho người khác.
– Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới. Phải đi đúng phần đường, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Phải trông giữ, quản lý súc vật, chịu trách nhiệm nếu súc vật gây ảnh hưởng đến trật tự tham gia giao thông.