Trách nhiệm hình sự của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015? Phân biệt tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với tội phạm khác?
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm hình sự của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Trách nhiệm hình sự của người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định cụ thể theo Điều 240 BLHS với các khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính bao gồm: phạt tiền từ bị phạt từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 12 năm tù. Hình phạt bổ sung bao gồm: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, phạt tiền đối với người phạm tội có thể vừa là hình phạt chính hoặc vừa là hình phạt bổ sung. Khi bị phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm thì người phạm tội sẽ bị cấm làm những nghề có điều kiện thuận lợi cho hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác.
– Trách nhiệm hình sự của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 BLHS, khoản 1
Khoản 1 Điều Điều 240 BLHS là cấu thành cơ bản của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, khi người phạm tội thì đã làm lây lan dịch bệnh tại một đơn vị hành chính nhất định hoặc một khu vực lãnh thổ thì tội phạm được coi là hoàn thành, khi đó các cơ quan tư pháp tiến hành các thủ tục để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Tại tòa án khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử có thể lựa chọn phạt tiền hoặc tù có thời hạn để áp dụng đối với người phạm tội. Phạt tiền là phạt từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc phạt tù là từ 01 năm đến 05 năm.
Phạt tiền được áp dụng cho trường hợp phạm tội có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp và tù có thời hạn áp dụng cho trường hợp phạm tội có mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn. Chúng tôi cho rằng mức phạt tiền tối đa hiện nay là 200.000 đồng không còn phù hợp với tình hình và điều kiện xã hội, cần tăng lên trong thời gian tới.
– Trách nhiệm hình sự của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 BLHS, khoản 2
Khoản 2 Điều Điều 240 BLHS là cấu thành tăng nặng của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, khi người phạm tội với các tình tiết: “a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người” thì sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Theo quy định hiện hành về luật phòng chống dịch bệnh 2007 thì thẩm quyền công bố dịch bệnh thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo Luật phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho người thì:
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C; b) Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A–H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola), Lát–sa (Lassa) hoặc Mác–bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A–đê–nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A–míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt răng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay–chân–miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn, bệnh uốn ván; bệnh Ru–bê–ôn (Rubeen); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô–ta (Rota); bệnh do vi rút Zika ...”.
Theo đó, nhóm B là nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tuy nhiên mức độ nguy hiểm thấp hơn những bệnh truyền nhiễm ở nhóm A và có mức độ nguy hiểm cao hơn những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ–la–my–đi–a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can–đi–đa–an–bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô–ca–đi–a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi–tô–mê–ga–lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc–péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích–két–si–a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han ta (Hanta); bệnh do Tờ–ri–cô–mô–nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm, bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc–xác–ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác–đi–a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi–bờ–ri–ô Pa–ra–hê–mô–ly–ti–cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.
Trong trường hợp dịch bệnh gây chết 1 người thì người phạm tội sẽ bị phạt từ 5 đến 10 năm tù. Lỗi trong trường hợp làm chết người là lỗi vô ý, nếu người phạm tội gây chết người với lỗi cố ý thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh khác.
– Trách nhiệm hình sự của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 BLHS, khoản 3
Khoản 3 Điều Điều 240 BLHS là cấu thành tăng nặng của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, khi người phạm tội với các tình tiết: “a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên” thì phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.
Mức phạt cao nhất về hình phạt tù có thời hạn theo quy định tại Điều 240 BLHS là 12 năm, chúng tôi cho rằng mức phạt này là phù hợp với tình hình xã hội Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
2. Phân biệt tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với tội phạm khác:
2.1. Phân biệt tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS 2015)
Trong pháp luật hình sự Việt Nam, cùng với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người còn quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác có một số dấu hiệu giống tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như: hành vi phạm tội đều có thể gây thiệt hại đến sức khỏe hoặc tính mạng con người nhưng giữa hai tội phạm có sự khác biệt cơ bản về khách thể của tội phạm, đối tượng tác động của tội phạm và trên hết là mặt khách quan của tội phạm, trong đó hành vi khách quan là điểm khác nhau đặc trưng.
– Về khách thể của tội phạm: Khách thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe của con người, khách thể của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là chế độ nhà
nước về bảo vệ môi trường.
Đối tượng tác động của hai tội phạm hoàn toàn khác nhau: đối tượng tác động của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là thân thể con người, đối tượng tác động của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là động vật, thực vật, sản phẩm từ động vật, thực vật hoặc vật khác có chứa mầm bệnh có khả năng lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
– Về khách quan của tội phạm; mặt khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác và tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người tuy đều là những tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất mà hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc những hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hai tội là hoàn toàn khác nhau.
Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là hành vi tác động đến thân thể con người trái pháp luật và theo Điều 134 BLHS quy định về tội phạm thì chúng đề để lại tổn thương cơ thể mức độ nhất định. Trong khi đó thì hành vi khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà thông thường là tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11 % nhưng thuộc một trong các trường hợp sau (Điều 134 BLHS):
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; đ) Có tổ chức; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; i) Có tính chất côn đồ; k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. – Về chủ thể của tội phạm
Tội cố ý gây thương tích hoặc hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác và tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người đều có chủ thể bình thường, điều này có nghĩa rằng dấu hiệu pháp lí cần thiết cho chủ thể của tội phạm là năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
– Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội có sự khác biệt, tội cố ý gây thương tích hoặc hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác được thực hiện với lỗi cố ý còn tội tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được thực hiện với lỗi vô ý.
2.2. Phân biệt tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với tội vi phạm về quy định lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295 BLHS 2015)
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và tội vi phạm về quy định lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295 BLHS 2015) có sự giống nhau về chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm nhưng khác nhau về khách thể và mặt khách quan của tội phạm.
– Về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội vi phạm về quy định lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người là sự an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người, còn tôi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xâm phạm đến chế độ bảo vệ môi trường.
Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015: An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.
Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.
– Về mặt khách quan của tội phạm
Tội vi phạm về quy định lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người được chủ thể của tội phạm thực hiện khi không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn khi lao động hoặc tại nơi có hoạt động đông người dẫn đến thiệt hại cho người khác về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản.
Trong khi đó thì tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được thực hiện bằng các hành vi: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh vật phẩm có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người hoặc đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người từ đó làm lây lan dịch bệnh.
Vi phạm các quy định về vệ sinh lao động là hành vi vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp về chống tác động của yếu tố có hại, làm suy giảm sức khỏe, gây bệnh tật cho con người trong quá trình lao động như không đảm bảo các yếu tố về khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí,..) của môi trường lao động phòng chống cháy nổ, nhiễm độc, chống ồn chống rung trong quá trình lao động sản xuất.
Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người là hành vi vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn nơi đông người trong quá trình sản xuất, lao động.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid–19 hiện nay, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC PC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid–19 như sau:
Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid–19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự:
a) Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; b) Không tuân thủ quy định cách ly; c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát–xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid–19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Hậu quả đó là:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Trường hợp hậu quả xảy ra chưa nghiêm trọng theo quy định pháp luật, người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ–CP ngày 01/03/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Mặt chủ quan của tội phạm: Lối trong mặt chủ quan của hai tội đều là lối vô ý, chúng có thể là vô ý phạm tội vì quá tin hoặc lỗi vô ý phạm tội do cẩu thả.
– Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của hai tội phạm đều là chủ thể bình thường cần thiết phải có dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi luật định.