Quyền trẻ em được chăm sóc thay thế được quy định trong pháp luật Việt Nam như thế nào? Quyền trẻ em được chăm sóc thay thế theo Luật trẻ em năm 2016?
Trước bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước ngày càng biến đổi cùng sự toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã bộc lộ nhiều vấn đề mới tác động đến công tác bảo vệ trẻ em và chăm sóc thay thế cho trẻ em, đòi hỏi hệ thống pháp luật quốc gia cần có những điều chỉnh phù hợp trước tình hình mới. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 sau hơn mười năm thực hiện cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của các vấn đề mới phát sinh. Vì vậy, Luật Trẻ em năm 2016 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 05 tháng 4 năm 2016.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đổi thành Luật Trẻ em. Tên gọi này vừa ngắn gọn vừa bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù. Luật Trẻ em năm 2016 mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi lẫn phạm vi, theo đó, Điều 1 Luật quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi chứ không phải công dân Việt Nam dưới 16 tuổi như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Như vậy, đối tượng áp dụng của Luật năm 2016 đã được mở rộng bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, người không quốc tịch. Đồng thời, Luật bổ sung các khái niệm mới về bảo vệ trẻ em, như: Chăm sóc thay thế, người chăm sóc trẻ em; xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em. Những khái niệm mới này nhằm thống nhất nhận thức, tạo cơ sở chuẩn mực pháp lý trong việc đánh giá các hành vi của xã hội trước thực tiễn bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay, đồng thời cũng là cơ sở để thực hiện quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế, phát hiện sai phạm hoặc hành vi xâm hại tới trẻ em được chăm sóc thay thế, cụ thể Điều 4 Luật quy định:
– Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
– Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em.
– Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
– Người chăm sóc trẻ em là người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, bao gồm người giám hộ của trẻ em, người nhận chăm sóc thay thế hoặc người được giao trách nhiệm cùng với cha, mẹ của trẻ em cấp dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
– Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
– Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
– Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động, trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
– Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
– Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
– Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.
– Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em là việc xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em. .
Luật cũng quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực. Tháng hành động vì trẻ em diễn ra định kỳ vào tháng 6 và Quỹ Bảo trợ Trẻ em cũng được quy định trong Luật để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và vận động nguồn lực cho trẻ em.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật trẻ em năm 2016 quy định các nhóm quyền của trẻ em như: quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư, quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn. Lần đầu tiên, quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi của trẻ được quy định độc lập và ngang hàng với các quyền khác của trẻ em, cụ thể quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi quy định tại Điều 13: “Trẻ em được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ; không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi” .
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật lần này là quy định cụ thể về chăm sóc thay thế về các vấn đề: Các yêu cầu đối với việc thực hiện chăm sóc thay thế; Các hình thức chăm sóc thay thế; Các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế;
Điều kiện chăm sóc thay thế; Trách nhiệm và quyền của người nhận chăm sóc thay thế; Đăng ký nhận chăm sóc thay thế; Thẩm quyền quyết định chăm sóc thay thế; Đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội; Theo dõi, đánh giá trẻ em được nhận chăm sóc thay thế; Chấm dứt việc chăm sóc thay thế.
– Các yêu cầu đối với việc thực hiện chăm sóc thay thế (Điều 60): Chăm sóc thay thế phải dựa trên nhu cầu, hoàn cảnh, giới tính, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ của trẻ em và bảo đảm quyền của trẻ. Bảo đảm an toàn cho trẻ em, bảo đảm ổn định, liên tục và gắn kết giữa trẻ em với người chăm sóc trẻ em. Phải xem xét ý kiến, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của trẻ em tùy theo độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em; với trẻ em đủ 07 tuổi trở lên phải lấy ý kiến của trẻ em. Ưu tiên trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, họ hàng. Trường hợp trẻ em có anh, chị, em ruột thì được ưu tiên sống cùng nhau. Bảo đảm duy trì liên hệ, đoàn tụ giữa trẻ em với cha, mẹ, các thành viên khác trong gia đình khi đủ điều kiện.
– Các hình thức chăm sóc thay thế (Điều 61): Có bốn hình thức chăm sóc thay thế đó là chăm sóc thay thế bởi người thân thích; chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích; chăm sóc thay thế bằng hình thức nhận con nuôi, việc nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi; chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội.
– Các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế (Điều 62): Trẻ em được chăm sóc thay thế là trẻ em mồ côi cả cha và mẹ hoặc trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không có nơi nương tựa; trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em, cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em; trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang cần được ưu tiên bảo vệ; trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ.
– Điều kiện chăm sóc thay thế (Điều 63): Việc quyết định giao chăm sóc thay thế phải bảo đảm các yêu cầu về chăm sóc thay thế và được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ đối với trường hợp trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa. Việc chăm sóc thay thế đối với trẻ em còn cả cha và mẹ hoặc chỉ còn cha hoặc mẹ nhưng không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha và mẹ, cha hoặc mẹ, trừ trường hợp trẻ em được áp dụng biện pháp can thiệp bảo vệ trẻ hoặc khi cha, mẹ bị hạn chế quyền. Ngoài ra các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế phải bảo đảm các điều kiện sau:
- Cá nhân, người đại diện gia đình là người cư trú tại Việt Nam; đảm bảo về mặt sức khỏe và có đầy đủ năng lực hành vi; tư cách đạo đức tốt và không bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; không thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em; không bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác, ngược đãi hoặc hành hạ người khác, dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
- Có chỗ ở và khả năng tài chính phù hợp để bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
- Chăm sóc trẻ em trên cơ sở tự nguyện và có sự đồng thuận giữa các thành viên trong gia đình về việc nhận chăm sóc trẻ em; đồng thời các thành viên trong gia đình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em.
- Người thân thích nhận trẻ em chăm sóc thay thế phải là người thành niên; các trường hợp khác phải hơn trẻ em từ 20 tuổi trở lên.
– Trách nhiệm và quyền của người nhận chăm sóc thay thế (Điều 64): Người nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm và quyền sau:
- Bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống an toàn, thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em phù hợp với điều kiện của người nhận chăm sóc thay thế.
Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về tình hình sức khỏe thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em sau 06 tháng kể từ ngày nhận chăm sóc thay thế và hằng năm; trường hợp có vấn đề đột xuất, phát sinh thì phảithông báo kịp thời.- Được ưu tiên vay vốn, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm để ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe khi gặp khó khăn.
- Được nhà nước hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và được nhận hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để thực hiện việc chăm sóc thay thế.
– Đăng ký nhận chăm sóc thay thế (Điều 65): Cá nhân, gia đình có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận trẻ em về chăm sóc thay thế theo quy định đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế có đủ điều kiện và gửi đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý danh sách, điều phối việc lựa chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trên địa bàn khi có trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế. Đối với trường hợp người thân thích của trẻ em khi nhận chăm sóc thay thế thì không cần phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú nhưng phải thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để ra quyết định giao chăm sóc thay thế.
– Thẩm quyền quyết định chăm sóc thay thế (Điều 66): Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Trường hợp trẻ em được nhận chăm sóc thay thế không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật và người nhận chăm sóc thay thế đồng ý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cử người nhận chăm sóc thay thế đồng thời là người giám hộ cho trẻ em. Đối với trường hợp trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao trẻ em cho cơ sở trợ giúp xã hội thuộc cấp huyện quản lý, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định giao trẻ em cho cơ sở trợ giúp xã hội thuộc cấp tỉnh quản lý. Ngoài ra,
– Đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội (Điều 67): Trẻ được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội trong trường hợp đang trong thời gian làm thủ tục để trẻ em được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, không lựa chọn được cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế hoặc trong trường hợp can thiệp khẩn cấp cách ly trẻ khỏi môi trường xâm hại trẻ.
– Theo dõi, đánh giá trẻ em được nhận chăm sóc thay thế (Điều 68): Quá trình trẻ được nhận chăm sóc thay thế không thể thiếu được cơ chế hỗ trợ người chăm sóc thay thế và cơ chế giám sát để đảm bảo can thiệp kịp thời khi trẻ có nguy cơ bị xâm hại và khi đã bị xâm hại. Cơ quan lao động – thương binh và xã hội cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn triển khai chính sách, biện pháp hỗ trợ người nhận chăm sóc thay thế và trẻ em được chăm sóc thay thế; rà soát danh sách trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội định kỳ 06 tháng; tiếp nhận kiến nghị của cơ sở trợ giúp xã hội để xem xét, quyết định hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển trẻ em sang hình thức chăm sóc thay thế phù hợp, thanh tra, kiểm tra việc chăm sóc thay thế tại gia đình và cơ sở trợ giúp xã hội; xử lý theo thẩm quyền trường hợp xâm hại trẻ em hoặc vi phạm tiêu chuẩn chăm sóc trẻ em; Ủy ban nhân dân cấp xã định kỳ 06 tháng đánh giá mức độ phù hợp của từng trường hợp trẻ em được chăm sóc thay thế tại gia đình tại địa phương, báo cáo lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện để có biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp.
– Chấm dứt việc chăm sóc thay thế (Điều 69): Việc chăm sóc thay thế chấm dứt trong trường hợp sau đây:
- Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ không còn đủ điều kiện chăm sóc trẻ.
- Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có các hành vi bị nghiêm cấm gây tổn hại cho trẻ em được nhận chăm sóc thay thế.
- Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế đề nghị chấm dứt việc chăm sóc thay thế trẻ.
- Trẻ em đang được chăm sóc thay thế có hành vi cố ý xâm phạm nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cá nhân, thành viên gia đình nhận chăm sóc thay thế.
- Trẻ em được trở về đoàn tụ gia đình khi gia đình bảo đảm an toàn, có đủ điều kiện nuôi dưỡng trẻ và thực hiện quyền của trẻ em.
- Trường hợp cá nhân hoặc thành viên trong gia đình nhận chăm sóc thay thế xâm hại trẻ em thì trẻ em được chuyển ra khỏi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế và áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em theo theo cấp độ can thiệp.
- Khi trẻ em muốn chấm dứt việc chăm sóc thay thế, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và người nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm xem xét để quyết định chấm dứt chăm sóc thay thế vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Người ra quyết định chăm sóc thay thế có thẩm quyền quyết định chấm dứt việc chăm sóc thay thế.
Sau Luật Trẻ em năm 2016 một số văn bản liên quan đến quyền trẻ em được ban hành để đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ, đặc biệt Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ–CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó tại chương V nghị định đã quy định chi tiết về chăm sóc thay thế cho trẻ em từ Điều 38 đến Điều 48 trên cơ sở các quy định của Luật Trẻ em; Thông tư số 14/2000/TT–BLĐTBXH ngày 28 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thực hiện các quy định về chăm sóc thay thế cho trẻ em, đây là văn bản quy phạm đầu tiên quy định riêng về chăm sóc thay thế được ban hành trong quá trình thực hiện quyền được chăm sóc thay thế của trẻ em từ trước tới nay; gần đây nhất là Quyết định số 23/QĐ–TTg ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030, đây là chương trình hành động quốc gia giai đoạn 10 năm lần thứ tư mà Nhà nước ta đã phê duyệt từ khi gia nhập Công ước về quyền trẻ em.
Bên cạnh các văn bản về quyền trẻ em, Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã nêu rõ mục đích hướng tới của việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình . Tại Điều 15 của Luật có quy định trường hợp trẻ em không được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình gốc thì cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em đó. Cụ thể như sau:
– Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.
– Trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng trẻ thì người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết. Sau khi hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.
– Trường hợp trẻ em ở các cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, cơ sở nuôi dưỡng lập danh sách gửi Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo 03 lần liên tiếp trên báo viết hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác của tỉnh. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Sở Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Sở Tư pháp gửi danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế cho Bộ Tư pháp.
– Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Bộ Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.
Từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung trong các bản Hiến pháp và quyền được chăm sóc thay thế của trẻ em nói riêng trong các văn bản quy phạm pháp luật đã liên tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo thành một hệ thống thống nhất. Đó là cơ sở pháp lý đòi hỏi Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, gia đình phải cùng chung tay tham gia vào thực hiện, đảm bảo quyền được bảo vệ của trẻ em, mọi hành vi vi phạm đều phải được xử lý theo quy định