Hợp đồng học nghề là hình thức thể hiện sự đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng phát triển của người học nghề, tạo cho người học nghề có cách nhìn mới tư duy mới, phát huy tính sáng tạo trong công việc. Cùng bài viết tìm hiểu học nghề là gì? Hợp đồng học nghề là gì? Đặc điểm và ý nghĩa?
Mục lục bài viết
1. Học nghề là gì?
Học nghề là hình thức đào tạo nghề phổ biến hiện nay, pháp luật cũng điều chỉnh khá chi tiết về vấn đề liên quan đến học nghề như về nội dung, phân loại, mục đích học nghề... Học nghề được xem là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ lao động, đan xen với quan hệ lao động hay phát sinh trước để tạo điều kiện cho quan hệ lao động hình thành. Do đó, khi khái quát về học nghề, chúng ta có thể xác định dưới góc độ pháp luật lao động, học nghề là một trong các chế định của luật lao động, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, quy định về quyền học nghề; điều kiện của người học nghề; quyền dạy nghề, điều kiện của người dạy nghề; hợp đồng học nghề và những vấn đề liên quan tới hợp đồng học nghề và dạy nghề.
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa về kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ nó đặt ra cho mỗi nước những thuận lợi nhưng đồng thời là những khó khăn thách thức hết sức gay gắt và vấn đề lao động – giải quyết việc làm cho người lao động là một trong các thách thức chung của các nước. Để giải quyết việc làm cho người lao động, Nhà nước có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Một trong những biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp, trong đó có học và dạy nghề. Chính vì vậy, học nghề có vai trò quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm hiện nay thể hiện ở cả khía cạnh kinh tế và xã hội.
Dựa vào các tiêu chí khác nhau, học nghề được phân ra nhiều loại. Dựa theo trình độ nghề, học nghề được chia thành ba cấp độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Theo cách thức tổ chức dạy và học nghề, học nghề được chia thành: học nghề được tổ chức thành lớp học và học nghề theo hình thức kèm cặp tại doanh nghiệp. Dựa vào mục tiêu của người học, học nghề được chia thành hai loại: học nghề để tự tạo việc làm và học nghề để tham gia quan hệ lao động. Học nghề càng quan trọng thì hợp đồng học nghề càng quan trọng hơn. Hợp đồng học nghề là hình thức pháp lý thiết lập và duy trì quan hệ dạy và học nghề theo quy định của pháp luật lao động. Nó là cơ sở pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ học nghề. Ở mỗi quốc gia khác nhau, khái niệm hợp đồng học nghề được hiểu theo các cách khác nhau. Pháp luật Singapore coi hợp đồng học nghề là hợp đồng dịch vụ.
“Hợp đồng dịch vụ” là thỏa thuận nào dù là thỏa thuận miệng hay thỏa thuận bằng văn bản, được diễn đạt hay được ngầm hiểu bởi một người đồng ý thuê một người khác như người lao động làm thuê và người đó đồng ý phục vụ người sử dụng lao động như một người lao động. Hợp đồng dịch vụ bao gồm cả hợp đồng hay thỏa thuận học nghề.
Theo quy định trên, pháp luật Singapore đã đồng nhất khái niệm hợp đồng học nghề với hợp đồng lao động và gọi chung là hợp đồng dịch vụ. Còn đối với pháp luật Hàn Quốc và Nhật Bản, hợp đồng học nghề chính là sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa hai chủ thể khi người lao động tham gia vào hoạt động đào tạo phát triển kỹ năng nghề. Tại Việt Nam, hợp đồng học nghề được coi là một loại hợp đồng nên mang bản chất của một hợp đồng thông thường. Nội dung cơ bản của một hợp đồng học nghề bao gồm: Tên nghề học, kỹ năng nghề đạt được, nơi học và nơi thực tập, thời gian hoàn thành khóa học, mức học phí và phương thức thanh toán học phí, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng.
Bộ luật Lao động qua các năm chưa đưa ra khái niệm rõ ràng, cụ thể về hợp đồng học nghề, trong đó Điều 24 Bộ luật lao động năm 1994 trước đây chỉ ghi nhận “Việc học nghề phải có hợp đồng học nghề bằng văn bản hoặc bằng miệng giữa người học nghề với người dạy nghề hoặc đại diện cơ sở dạy nghề”. Quy định này chỉ xác định được hình thức của hợp đồng học nghề và các bên trong hợp đồng học nghề mà chưa nêu được bản chất của hợp đồng học nghề. Bộ luật lao động 2019 ra đời cho thấy đó là một bước tiến bộ rõ rệt, xác định quyền tự do của người lao động; cụ thể điều 59 Bộ luật lao động 2019 quy định: “Người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp tham gia đánh giá, kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình”; Điều 62 Bộ luật lao động 2019 quy định về việc ký kết hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động và người lao động.
2. Hợp đồng học nghề là gì?
Vậy hợp đồng học nghề là gì? Hợp đồng học nghề được định nghĩa dưới góc độ pháp lý là sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở dạy nghề với người học nghề.
Từ định nghĩa trên dễ nhận thấy, hợp đồng học nghề chính là bản “giao kèo” để ghi nhận quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia quan hệ học nghề.
Như vậy, Bộ luật lao động 2019 ra đời đã cụ thể hóa khái niệm hợp đồng học nghề được cụ thể, rõ ràng trong một văn bản pháp luật có giá trị cao nhất về luật chuyên ngành. Đây là cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa các bên dạy và học nghề, đồng thời cũng là căn cứ để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trong quan hệ học nghề. Nó thể hiện bản chất thỏa thuận giữa các chủ thể tham gia quan hệ học nghề, ràng buộc trách nhiệm hai bên không chỉ trong quá trình học nghề mà cả khi người học nghề tham gia quan hệ việc làm nếu trong hợp đồng học nghề ghi cơ sở dạy nghề cam kết bảo đảm việc làm cho người học nghề sau khi học xong.
3. Đặc điểm của hợp đồng học nghề:
Hợp đồng học nghề là một dạng đặc biệt của hợp đồng lao động, cho nên nó có tính chất của hợp đồng lao động là sự tự do, tự nguyện, bình đẳng của các chủ thể trong quan hệ, lại vừa mang đặc điểm riêng so với những thỏa thuận trong hợp đồng lao động thông thường. Những đặc điểm đó là:
Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng học nghề là việc dạy và học nghề.
Nếu như đối tượng của hợp đồng lao động là việc làm có trả công thì đối tượng của hợp đồng học nghề là công việc dạy và học kiến thức và kỹ năng một nghề nào đó. Khi tham gia quan hệ dạy– học nghề, người học nghề mong muốn có được kỹ năng một nghề nhất định để có thể tự tạo việc làm hoặc đi làm thuê. Để đạt được sự thành thạo một nghề nhất định, người học nghề phải trải qua quá trình học tập, tích lũy, rèn luyện kiến thức, kỹ năng thực hành cần thiết của nghề. Do đó, nội dung đầu tiên của hợp đồng học nghề là tên nghề học và đây cũng chính là mục tiêu công việc mà các chủ thể tham gia quan hệ học nghề hướng tới.
Thứ hai, hợp đồng học nghề mang tính chất song vụ.
Các bên tham gia trong quan hệ hợp đồng học nghề đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Người học nghề được đào tạo phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình nhưng cũng có nghĩa vụ phải cam kết làm việc cho doanh nghiệp sau khi được đào tạo trong một thời gian nhất định ghi trong hợp đồng học nghề. Cơ sở đào tạo nghề có quyền thu phí đào tạo nghề song có nghĩa vụ đào tạo nghề cho học viên, đối với doanh nghiệp mở cơ sở dạy nghề còn có nghĩa vụ “ trả công cho người học nghề khi họ trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm”. Do vậy, khi một bên chủ thể đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình thì có quyền yêu cầu chủ thể kia thực hiện các nghĩa vụ tương ứng.
Thứ ba, trách nhiệm của hai bên trong hợp đồng học nghề. Hợp đồng học nghề không những ràng buộc trách nhiệm của cả hai bên trong quan hệ học nghề, trong quá trình học mà có thể cả khi người học tham gia vào quan hệ lao động (trong trường hợp hợp đồng học nghề ghi cơ sở dạy nghề cam kết đảm bảo việc làm cho người học hoặc khi người lao động được đào tạo nghề trong cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp).
Nếu hai bên đã cam kết vấn đề việc làm trong hợp đồng học nghề, bên nào không thực hiện sẽ phải bồi thường theo mức thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Quy định như vậy nhằm đảm bảo cho quan hệ cung cầu về việc làm được cân đối, xác định rõ những nghề cần đào tạo để tiết kiệm trong đào tạo và giúp người học nghề có thể kiếm sống bằng chính nghề mình đã được học.
Thứ tư, về trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng học nghề.
Trong quan hệ học nghề, nếu chủ thể nào vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì phải có trách nhiệm bồi thường. Nếu bên người học nghề là vị thành niên vi phạm thì cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp phải đứng ra bồi thường. Như vậy, nếu vi phạm các điều khoản trong hợp đồng học nghề, trách nhiệm bồi thường thuộc về các chủ thể của hợp đồng hoặc người thứ ba theo quy định của pháp luật.
Phân loại hợp đồng học nghề: Với sự đa dạng về nội dung của hợp đồng và sự phụ thuộc vào cách tiếp cận vấn đề khác nhau hợp đồng học nghề có thể được phân chia thành từng loại khác nhau dựa trên những căn cứ, dấu hiệu đặc trưng cụ thể.
Dựa vào hình thức: Hợp đồng học nghề được chia thành hai loại: hợp đồng học nghề bằng văn bản và bằng lời nói.
Hợp đồng học nghề bằng văn bản là hình thức hợp đồng phổ biến hiện nay, có thể được sử dụng trong mọi trường hợp, không phân biệt loại hình đào tạo nghề, thời hạn học nghề, chủ thể giao kết hợp đồng. Để nâng cao giá trị pháp lý của hợp đồng học nghề, pháp luật quy định bắt buộc áp dụng hợp đồng học nghề trong trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào học nghề đề
làm việc cho doanh nghiệp và trường hợp học nghề tại cơ sở đào tạo nghề có vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng học nghề bằng văn bản phải được làm thành hai bản như nhau, mỗi bên giữ một bản. Đây là căn cứ quan trọng để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng khi tranh chấp về hợp đồng học nghề xảy ra.
Hợp đồng học nghề bằng lời nói được sử dụng trong trường hợp truyền nghề và kèm cặp nghề tại doanh nghiệp. Xét về tính hiệu quả và tính có căn cứ thì hợp đồng bằng lời nói có nhiều hạn chế hơn hợp đồng học nghề bằng văn bản. Do đó, Nhà nước giới hạn phạm vi áp dụng đồng thời khuyến khích các bên sử dụng hình thức hợp đồng học nghề bằng văn bản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp học nghề đơn giản, ít xảy ra mâu thuẫn pháp luật vẫn chấp nhận hình thức hợp đồng học nghề bằng lời nói.
Dựa theo giá trị pháp lý: Hợp đồng học nghề được chia thành hai loại: hợp đồng học nghề hợp pháp và hợp đồng học nghề vô hiệu.
Cách phân loại này nhằm mục đích giúp cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi nghi ngờ giá trị pháp lý của hợp đồng học nghề. Theo đó, hợp đồng học nghề hợp pháp là loại hợp đồng đáp ứng đầy đủ các điều
kiện luật định về điều kiện chủ thể giao kết, nguyên tắc giao kết, nội dung, | hình thức của hợp đồng...Còn hợp đồng học nghề vô hiệu thì ngược lại với hợp đồng được coi là hợp pháp. Tuy nhiên, mức độ vô hiệu của hợp đồng học nghề có hai loại: vô hiệu toàn bộ và vô hiệu từng phần. Hợp đồng học nghề vô hiệu từng phần là hợp đồng có một hoặc một số nội dung trong hợp đồng trái với quy định pháp luật. Trong trường hợp này, những nội dung khác của hợp đồng học nghề không bị ảnh hưởng giá trị pháp lý và những nội dung đó vẫn có hiệu lực. Ngược lại, hợp đồng học nghề vô hiệu toàn bộ thì tất cả nội dung trong hợp đồng đều không có giá trị pháp lý. Đó là trường hợp hợp đồng đào tạo nghề có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật như nghề học bị pháp luật cấm hay chủ thể của hợp đồng không đáp ứng các điều kiện luật định, vi phạm nguyên tắc giao kết, hình thức của hợp đồng không đúng theo quy định pháp luật...
4. Ý nghĩa của hợp đồng học nghề:
Với tư cách là một loại hợp đồng, hợp đồng học nghề có ý nghĩa là hình thức để các bên xác lập và thực hiện một quan hệ pháp luật và là cơ sở pháp lý để các bên bảo vệ quyền lợi của mình khi tranh chấp xảy ra. Ngoài ra, dưới góc độ quan hệ học nghề, hợp đồng học nghề còn có ý nghĩa đối với bên thứ ba như cơ quan quản lý Nhà nước.... Chính vì vậy, việc ban hành một hợp đồng học nghề là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với các chủ thể sau:
Đối với Nhà nước
Công nghiệp hóa hiện đại hóa là quá trình ứng dụng những tiến bộ khoa học tiên tiến để phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại đưa nền kinh đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển thì vấn đề phát huy nội lực là giải pháp quyết định. Có nhiều yếu tố tác động tới nền kinh tế trong đó quan trọng nhất là nguồn lực con người. “Nguồn gốc của sự phồn vinh và phát triển lâu dài ở mỗi quốc gia nằm ở tiềm lực sáng tạo của mỗi cá nhân”. Hợp đồng học nghề được coi là công cụ pháp lý quan trọng trong việc tạo lập và phát triển thị trường lao động. Thị trường lao động đóng một vai trò quan trọng trong vận hành nền kinh tế thị trường. Hợp đồng học nghề là hình thức pháp lý phù hợp để đảm bảo sự bình đẳng, tự do và tự nguyện của các bên khi xác lập quan hệ học nghề. Hợp đồng học nghề là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động.
Đối với cơ sở đào tạo nghề
Hợp đồng học nghề là phương tiện pháp lý quan trọng để cơ sở đào tạo nghề thực hiện quyền giao kết hợp đồng với người học nghề. Trong khuôn khổ pháp luật cho phép, cơ sở đào tạo nghề có thể thoả thuận với người học
nghề các nội dung cụ thể của quan hệ học nghề cho phù hợp với điều kiện đào tạo của mình. Các bên cũng có thể thoả thuận thay đổi nội dung hợp đồng học nghề hoặc thoả thuận để chấm dứt hợp đồng học nghề trước thời hạn.
Đối với người học nghề
Ở Việt Nam, quyền về dạy và học nghề đã được ghi nhận trong Hiến Pháp 1992 và được coi là một quyền cơ bản của công dân: “Công dân có quyền học văn hoá và học nghề bằng nhiều hình thức” [Điều 59]. Trong Hiến Pháp 2013, lại được khẳng định “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” [Điều 35]. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung đến nay để cụ thể hóa vấn đề trên Bộ Luật Lao động 2019 đã quy định rõ ở chương 4 quy định về Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỷ năng nghề quy định cụ thể hơn: Học nghề, đào tạo nghề và bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Điều này cũng phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 và hợp đồng học nghề càng được khẳng định vị trí hơn.
Đối với người học nghề, hợp đồng học nghề có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi của người học nghề khi giao kết hợp đồng với cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, đối với người học nghề, hợp đồng học nghề còn là phương tiện pháp lý quan trọng để thực hiện quyền làm việc và quyền tự do việc làm của mình. Trong thời kỳ kinh tế thị trường, hoạt động lao động trong xã hội là các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đây cũng là lĩnh vực sử dụng lao động nhiều nhất và hợp đồng học nghề là phương tiện để người học nghề tự do lựa chọn nghề nghiệp, cơ sở đào tạo phù hợp với khả năng, sở thích và nhu cầu của mình.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: