Thực thiễn về mô hình hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending)? Thực tiễn thực hiện quy định về chủ thể tham gia và thủ tục cho vay ngang hàng tại Việt Nam?
Mục lục bài viết
1. Về mô hình hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending):
Theo số liệu của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95%. Tính chung, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng. Con số này được cho là thấp trong khi nhóm doanh nghiệp này chiếm từ 95–96% tổng số doanh nghiệp. Điều đó đã cho thấy sự bất cập trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tình trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi là do nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, đặc biệt là thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi trong khi đây lại là yếu tố tiên quyết để có thể đáp ứng điều kiện để được ngân hàng chấp thuận cho vay. Hơn nữa điều kiện cho vay của hệ thống ngân hàng ngày càng khắt khe, thời hạn quyết định cho vay kéo dài, nhất là sau thời gian khủng hoảng tài chính năm 2008–2009. Vì vậy, phát triển mô hình CVNH có thể là một giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề huy động vốn vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không chỉ là một trong những loại hình tài chính có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ, CVNH còn là hình thức cung cấp tài chính nhanh chóng và tiện lợi cho các khách hàng vay cá nhân cũng như các tổ chức. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,15% so với cuối năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong 5 năm qua, TDTD tăng trung bình 20%/năm, còn nếu so năm 2012, dư nợ TDTD đã tăng 2,5 lần. Tăng trưởng bình quân của cho vay tiêu dùng giai đoạn 2010–2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%. Nhìn vào thống kê trên, không quá khó hiểu khi tín dụng tiêu dùng trở thành miếng bánh béo bở để các ngân hàng và công ty tài chính đua tranh. Thực tế, không chỉ khối công ty tài chính, mà hầu hết ngân hàng đều đang đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, bởi biên lợi nhuận trong cho vay tiêu dùng cao hơn đáng kể so với các loại hình tín dụng khác.
Nhu cầu vay tiền của người dân để chi tiêu, mua sắm rất lớn, nhưng không dễ đáp ứng được điều kiện của các tổ chức tín dụng. Các công ty CVNH cung cấp các khoản vay với số tiền nhỏ và thời gian ngắn. Đây là yếu tố giúp các cá nhân gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng có thể vay vốn một cách thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, tạo ra sức ép cạnh tranh đối với các ngân hàng, góp phần đẩy mạnh cải thiện năng suất và chất lượng dịch vụ của các ngân hàng.
Mặc dù đem lại những thành tựu nhất định tuy nhiên trên thực tế hiện nay, tại Việt Nam, một số nền tảng hoạt động không tuân thủ đúng bản chất của mô hình CVNH. Một số công ty tự giới thiệu là hoạt động theo mô hình CVNH nhưng lại không hoạt động theo đúng mô hình chuẩn và phù hợp với bản chất của ngành, cho thấy những dấu hiệu thiếu chuyên nghiệp và hiểu biết trong quá trình kinh doanh của các công ty muốn hoạt động trong lĩnh vực CVNH.
Lý giải cho hiện tượng này có thể do pháp luật không cấm nhưng cũng không có các quy định pháp lý cụ thể về mô hình P2P lending cùng với đó là do bởi sự thiếu hiểu biết của người thiết lập nền tảng, hoặc do người thiết lập nền tảng cố tình cung cấp các dịch vụ không đạt chuẩn mô hình CVNH dẫn tới sự xuất hiện một số nền tảng hoạt động không tuân thủ đúng bản chất của mô hình CVNH. Về bản chất, CVNH là hoạt động vay và cho vay trực tiếp, do đó hai chủ thể quan trọng trong mô hình này là bên vay (NĐT) và bên cho vay, đồng thời các thông tin của bên vay và cho vay cũng cần được công khai đến đối tác giao dịch.
Có thể thấy tuy trên trang web của SHA và Trust Cirle có giới thiệu là hoạt động trong lĩnh vực CVNH, nhưng trên thực tế hai nền tảng này không hoạt động đúng bản chất của mô hình CVNH, khi SHA chỉ cung cấp dịch vụ cho vay, còn Trust 90 ciple chỉ cung cấp dịch vụ tiết kiệm (đầu tư). Đại diện Nexttech Group chia sẻ, hiện nay đang có hiện tượng dịch vụ cho vay ngang hàng từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Các ông chủ nước ngoài thuê người Việt Nam lập doanh nghiệp và tên để cho vay tiền online. Điều đáng nói là hoạt động cho vay ngang hàng ngoài việc mời gọi khách hàng vay còn phải kêu gọi nhà đầu tư cho vay. Tuy nhiên các doanh nghiệp do người nước ngoài đứng sau chỉ hoạt động cho vay mà không có hoạt động kêu gọi người cho vay. Như vậy, đây không phải là mô hình vay ngang hàng.
Bên cạnh đó, biến tướng của mô hình cho vay ngang hàng đã xuất hiện tại Việt Nam gây hệ lụy bất ổn định kinh tế xã hội. Mô hình P2P lending không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia do sự thiếu hiểu biết của người đi vay và cho vay, sự chuyên nghiệp và đạo đức của các công ty CVNH mà còn có thể gây ra mất ổn định kinh tế xã hội khi xuất hiện những biến tướng của mô hình để lại những hệ lụy kéo dài và hết sức nặng nề. Ngân hàng Nhà nước cho biết một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.
Chẳng hạn một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp. Nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các nền tảng P2P lending để cho vay với mức lãi suất rất cao. Đặc biệt, xuất hiện các sàn giao dịch, công ty cho vay P2P lending được dựng lên để lừa đảo, huy động tiền rồi “mất tích” sau một thời gian hoạt động khiến các nhà đầu tư mất tiền...
Thực tế cho thấy, những biến tướng dễ xảy ra phần nhiều tới từ các công ty nước ngoài có nguồn lực tài chính mạnh, đặc biệt là các công ty Trung Quốc tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.Trên thực tế, nhiều app cho vay qua mạng sau khi bị điều tra thì ông chủ đứng sau là người Trung Quốc. Chẳng hạn 4/2020, Công an TP.HCM đã khởi tố bắt tạm giam 5 bị can trong đường dây cho vay lãi nặng qua app với lãi suất lên 90%/tháng. Kết quả điều tra xác định, 3 công ty gồm Công ty TNHH dịch vụ tư vấn V., Công ty TNHH CNTT B.M.V và Công ty TNHH tư vấn tài chính Đ.P do hai người Trung Quốc tên là Li và Miao làm chủ nhưng thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, thành lập vào khoảng tháng 4.2019. Hai người này thuê 2 nhân viên quản lý là người Trung Quốc và thuê một số lao động Việt Nam làm phiên dịch, kế toán, nhân viên. Thủ đoạn chính của nhóm này là Li và Miao tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động để cho vay tiền mang tên “vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”. Qua ứng dụng “Vaytocdo”, khách hàng được vay từ 1,7 – 2,75 triệu đồng nhưng với 1,7 triệu đồng, thực chất người vay chỉ nhận được 1,42 triệu đồng vì trừ phí dịch vụ hết 272.000 đồng.8 ngày sau khi nhận tiền, người vay phải trả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 10.000 đồng. Còn vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay chỉ được vay tối đa 1,5 triệu đồng và chỉ được nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước của 1 tuần. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày từ 2 – 5%. Tính ra, mức cho vay qua ứng dụng là 3%/ngày, 90%/tháng. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, chỉ sau gần 6 tháng hoạt động đã có đến 60.000 người vay qua 3 ứng dụng nói trên với tổng số tiền lên đến 100 tỉ đồng. Hay vụ việc vào tháng 6/2020, Công an TP.HCM cũng điều tra vụ việc tại Công ty TNHH Cashwagon cho người dân vay tiền qua app với lãi cao và thực hiện các hành vi “khủng bố” khách hàng không trả nợ. Ví dụ, để vay 5 triệu đồng ở Cashwagon, app chỉ giải ngân cho vay 3,5 triệu đồng, số tiền 1,5 triệu đồng bị trừ trước là phí, người vay phải trả đủ 5 triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn 7 – 14 ngày theo đăng ký. Cơ quan công an xác định thực chất Công ty TNHH Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech (công ty giải ngân tiền cho vay) dựng lên để “hợp thức hóa”, làm bình phong che đậy hoạt động “tín dụng đen” trên mạng. Hay trong tháng 7/2020, Công an Q.4 (TP.HCM) cũng triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app VNCard, ABLOAN do người Trung Quốc điều hành. Công ty TNHH đầu tư tư vấn tài chính Thái Bình Dương do vợ của Tôn Dục Tân (Sun YuXin) đứng tên giấy phép kinh doanh.
Dù đã có nhiều dịch vụ cho vay qua mạng bị xử lý hình sự nhưng hoạt động này vẫn nở rộ và được quảng bá công khai trên mạng, có thể thấy như trang Senmo, Senmo được giới thiệu thuộc Công ty Gofingo, chuyên tư vấn và giải pháp tài chính, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tài chính trên thị trường châu Âu và châu Á, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019. Tại đây, khách hàng vay lần đầu, hệ thống sẽ xét duyệt cho vay từ 100.000 – 4 triệu đồng trong 10 ngày.
Do lần đầu vay nên lãi suất 0%, nhưng đóng phí mở tài khoản 50.000 đồng (áp dụng 1 lần duy nhất) và phí dịch vụ thông báo tin nhắn 20.000 đồng. Khi vay lại lần 2 trở đi, khách sẽ được duyệt khoản vay cao hơn, tối đa lên 10 triệu đồng từ 10 – 30 ngày. Một ví dụ mà trang web này đưa ra nếu khách vay 2 triệu đồng, trong vòng 90 ngày, lãi và phí dịch vụ là 800.000 đồng/tháng, quy đổi tương đương 40%/tháng. Còn trên trang cho vay Tamo.vn thuộc về Công ty TNHH Sofi Solutions, nếu khách hàng vay 10 triệu đồng thì sau 1 tháng tổng số tiền phải trả lên 14,56 triệu đồng, tương đương lãi suất và phí là 45,6%/tháng.
Bộ Công an cũng đưa ra thông tin về các công ty hoạt động không đúng bản chất là trung gian kết nối giữa người có nhu cầu vay với người có nhu cầu cho vay (không tham gia vào mối quan hệ vay nợ), mà cấu kết với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính bán dữ liệu, thông tin cá nhân của những người vay để quảng cáo, môi giới... theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống hoặc chính các chủ sở hữu công ty này đồng thời là chủ cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính. Một số ứng dụng cho vay ngang hàng còn lách lãi suất bằng cách thu thêm các khoản phí dịch vụ, đưa lãi suất cộng phí có thể lên đến 700%/năm.
Những biến tướng này xuất hiện do pháp luật Việt Nam không cấm nhưng lại chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, cũng như quy định cụ thể để điều chỉnh mô hình P2P này. Có thể nói, bên cạnh những thành tựu đạt được, mô hình cho vay ngang hàng còn có nhiều bất cập trong bối cảnh không có khung pháp lý như hiện nay, tác động và gây rủi ro cho các bên tham gia vào mô hình này. Không những thế những biến tướng của mô hình này còn dẫn đến rối loạn thị trường tài chính và bất ổn xã hội, đưa ra thách thức cho các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý.
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về cho vay ngang hàng ngày 6/3/2019, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Dự thảo Quyết định thể hiện rõ quan điểm Nhà nước nghiêm cấm và sẽ xử lý nghiêm các hành vi biến tướng của mô hình kinh doanh mới này. Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty P2P lending ở Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản về khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan
Trước thực trạng và rủi ro do thiếu khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng, cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý. Ngân hàng nhà nước đã đề xuất và chính phủ đang xây dựng nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính, cho vay ngang hàng để làm cơ sở thực tiễn xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với loại hình kinh doanh này trong thời gian tới.
Cuối năm 2020, Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo lấy ý kiến quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Dự thảo nêu rõ đã thực hiện giám sát các hoạt động thí điểm như công ty fintech cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P lending). Thời gian thử nghiệm các giải pháp này kéo dài 1 – 2 năm.
Nhìn chung, mô hình P2P lending hiện có xu hướng gia tăng mạnh tại Việt Nam. hoạt động cho vay P2P đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, xuất hiện những biến tướng đem đến hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội đối với Việt Nam. Điều đó đưa ra yêu cầu cấp thiết cần xem xét các biện pháp giảm thiểu rủi ro hoặc hoàn thiện khung pháp lý cụ thể điều chỉnh hoạt động này sớm trong bối cảnh Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào để điều chỉnh hoạt động này. Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết để cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép thí điểm thực hiện để có thể tiến tới tổng kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý; lãnh đạo các bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp khẳng định đây là xu hướng mới và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai tại Việt Nam vì những lợi ích và tiện ích mang lại cho các bên liên quan.
Trước những bất cập thực tiễn của hoạt động P2P lending cho thấy sự cần thiết để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý rủi ro, bảo đảm quyền lợi cho các bên, đặc biệt đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của người dân, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
2. Về chủ thể tham gia mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending)
* Rủi ro về bất cân xứng thông tin giao dịch cho vay
Do Việt Nam chưa có các khung pháp lý cụ thể cũng như chưa có nhiều thông tin về lĩnh vực CVNH dưới hình thức nghiên cứu, báo cáo mang tính chất phân tích cụ thể và đầy đủ, dẫn đến các nhà đầu tư và người đi vay ngang hàng không có đủ kiến thức và thông tin chuẩn xác và chính thống khiến họ gặp rủi ro khi tham gia mô hình cho vay này. Chất lượng thông tin cung cấp cho khách hàng của các công ty CVNH chưa có sự đồng đều.
Sự không đồng đều trong việc cung cấp thông tin cho khách hàng thể hiện ở số lượng và chất lượng thông tin mà các nền tảng đang cung cấp. Bên cạnh các trang web uy tín như Tima và Lendbiz cung cấp các thông tin khá đầy đủ, chi tiết và có phần tương đồng với các nền tảng CVNH quốc tế, như công khai thông tin các dự án hồ sơ vay vốn, các thông tin về các loại dịch vụ cung cấp, điều kiện và hồ sơ thủ tục liên quan đến quá trình giao dịch thì còn tồn tại các trang web còn lại cung cấp với thông tin chưa đầy đủ làm ảnh hưởng đến chất lượng vay vốn và đầu tư của các bên.
Đối với người cho vay, người đi vay phải đối mặt với rủi ro tiềm ẩn do thông tin tín dụng không minh bạch như việc không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải và nguy cơ bị mất an toàn thông tin cá nhân hoặc đối mặt với rủi ro không công bằng về lãi suất. Trước khi một cá nhân được chấp thuận vay vốn từ công ty cho vay ngang hàng, tất cả các thông tin xung quanh cá nhân này sẽ được thu thập qua phần mềm được lập trình.
Không chỉ dừng lại là thông tin, lý lịch, tiểu sử, hay hoạt động trên các mạng xã hội ... mà còn là thông tin liên hệ của những người thân trong gia đình. Vấn đề phát sinh là khi người đi vay không trả được nợ, thì những người liên quan tới người đi vay cũng dễ bị quấy nhiễu, làm phiền để đòi nợ. Đó là chưa kể những rủi ro khi thông tin cá nhân bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật.
Bên cạnh đó, người đi vay phải đối mặt với rủi ro về lãi suất, quảng cáo sai sự thật và bị đòi nợ kiểu tín dụng đen. Trong quá trình thực hiện hợp đồng vay và trả lãi suất, người vay phải trả các chi phí khác ngoài các khoản lãi suất đi vay như phí dịch vụ, phí tư vấn và phí bảo hiểm,v.v. và nếu người vay không trả được lãi, mức phạt lãi rất lớn, gây rủi ro lớn cho người đi vay. Các công ty này đưa ra nhiều hình thức phạt làm độn chi phí cho người vay rất lớn như lãi suất phạt chậm trả tiền lãi, gốc... Do đó, nếu không tỉnh táo người vay sẽ rơi vào bẫy lãi suất của các công ty cho vay ngang hàng.
Ví dụ như khi truy cập vào trang doctordong.vn và nhận được lời quảng cáo chỉ cần chứng minh nhân dân là hoàn thành thủ thục vay trong 5 phút. Ứng dụng này lãi suất 0% và 0% phí vay cho khoản vay đầu tiên, có nghĩa là khách hàng lần đầu giao dịch và hạn mức vay lên tới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là những lời “quảng cáo“, còn thực tế nếu cộng chi phí dịch vụ, phí tư vấn, bảo hiểm... người vay phải trả lãi suất lên tới gần 45%/tháng. Đây là mức lãi suất cao hơn nhiều lần nếu vay nóng trên thị trường tiền mặt hiện nay. Hay tại ứng dụng ứng dụng VD online, nếu vay 1.5 triệu đồng thì nhận về chỉ là 900 nghìn đồng, 600 nghìn đồng còn lại được thông báo là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước cho 7 ngày. Đến bạn phải trả nguyên số tiền gốc là 1,5 triệu đồng, nếu trả chậm sẽ chịu mức phạt lên đến 5% mỗi ngày.
* Bất cập trong bảo vệ nhà đầu tư
Mặc dù hoạt động cho vay ngang hàng góp phần giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư, tạo nguồn thu khá hấp dẫn nhưng chưa có cơ chế quản lý rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư khi có tranh chấp xảy ra
Trước hết, có thể thấy hoạt động cho vay P2P lending tại Việt Nam góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư, tạo nguồn thu khá hấp dẫn do lãi suất thường cao hơn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trái phiếu thông thường cũng như tạo điều kiện cho các NĐT tham gia với số vốn nhỏ. Hiện nay, tại thị trường Việt Nam đã có những công ty P2P lending uy tín với những gói sản phẩm đặc thù. Nhà đầu tư muốn cho vay đối với các doanh nghiệp có thể tìm hiểu sàn Lendbiz, Eloan…; muốn cho vay các cá nhân có thể tìm hiểu sàn Fiin, Tima...với số vốn nhỏ và lợi nhuận hấp dẫn.
Tại Vaymuon, khách hàng có thể tham gia đầu tư với số vốn đầu tư tối thiểu chỉ là 1 triệu đồng với cam kết bảo toàn vốn, cam kết bảo đảm an toàn 100% của công ty. Lợi nhuận tối đa nhà đầu tư có thể đạt được là 15%/năm – 18%/năm với quy trình đầu tư đơn giản, thời gian vay linh động để nhà đầu tư lựa chọn tùy ý.
Đăng ký trở thành nhà đầu tư chỉ trong 3 bước đơn giản: Tải app Nhà đầu tư của Vaymuon và đăng ký –> Mở ví điện tử Vimo.vn (miễn phí) để liên kết với app của nhà đầu tư –> Nhận tin nhắn các yêu cầu vay mới trong app Nhà đầu tư và Chấp nhận cho vay để thu về lợi nhuận. Tại Interloan, khách hàng cũng có thể đầu tư tối thiểu 1 triệu đồng với lợi nhuận tối đa từ 16%/ năm – 18%/năm. Với Fiin, nhà đầu tư 1 triệu đồng là đã có thể cho vay qua ứng dụng Finn và sẽ không phải trả bất kì khoản phí trung gian nào khi cho vay tại Finn. Tất cả các hợp đồng vay sẽ được Fiin đảm bảo 100%, khi đến hạn Finn sẽ thanh toán đầy đủ gốc và lãi cho nhà đầu tư với lợi nhuận tối đa có thể lên tới 18%/năm.
Ngoài ra có các công ty khác có số vốn tối thiểu lớn hơn 1 triệu đồng như cũng không quá lớn như Lendbiz với số vốn tối thiểu của gói Tài Lộc là 2 triệu đồng; trường hợp khách hàng tham gia chương trình ưu đãi phiên bản đầu tư đặc biệt thì số vốn tối thiểu mới là 5 triệu đồng với lợi nhuận hấp dẫn tùy từng gói dịch vụ như gói đầu tư ủy thác Phát Tài có lợi nhuận từ 12–15%; gói hợp tác đầu tư Phát Lộc có lợi nhuận từ 8,5 – 12%/năm; gói đầu tư Tài Lộc có lợi nhuận từ 15 20%/năm, hay như Tima với số vốn đầu tối thiểu 5 triệu đồng và có bảo lãnh thanh toán của Bảo hiểm Viettinbank 100% giá trị khoản vay với lợi nhuận cũng lên tới 18%/năm.
TIMA có thể xem các hồ sơ đăng ký vay vốn ngay tại trang web (nền tảng) CVNH, bên cạnh đó còn được có thể sử dụng nhiều dịch vụ khác như ước tính số tiền lãi tự động dựa trên số tiền và thời hạn đầu tư, dịch vụ thu hộ tiền gốc và lãi. TIMA còn cung cấp cho các NĐT nhiều tiện ích bổ sung khác như: Tổng đài tư vấn, thẩm định hồ sơ giao dịch, ký hợp đồng, chấm điểm tín dụng người đi vay. Các dịch vụ hỗ trợ hiện đại này có là một trong những yếu tố chính giúp các nhà đầu tư không có kinh nghiệm vẫn có thể đầu tư vào CVNH một cách hiệu quả. Mức lợi nhuận trên tương đương với lợi nhuận kỳ vọng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên sàn chứng khoán, và cao hơn từ 2–3 lần so với ngân hàng.
Xét tính tương đối giữa lợi nhuận và rủi ro, rõ ràng P2P lending đang mang đến mức lợi nhuận hấp dẫn hơn nhiều so với rủi ro khi đầu tư vào mô hình này. Nhờ việc áp dụng công nghệ hiện đại và các tính năng hữu ích đã giúp P2P lending rút ngắn thời gian của quy trình cũng như hồ sơ, thủ tục đầu tư và vay vốn. Nhà đầu tư sẽ không phải mất nhiều công sức để nghiên cứu hay tính toán, cũng như ngày đêm theo dõi các thông tin và chỉ số của thị trường. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ cần chọn lựa cơ hội đầu tư từ các gói sản phẩm có sẵn trên sàn P2P lending.
Sau đó, việc quản lý, cập nhật thông tin, báo cáo về tình hình các khoản đầu tư sẽ được cập nhật thường xuyên giúp nhà đầu tư chủ động hơn. Việc này giúp cho các nhà đầu tư mới cũng dễ dàng tham gia vào mô hình này. Tiên phong trong lĩnh vực P2P Lending hiện nay, sàn Lendbiz mới đây đã bổ sung tính năng eKYC (định danh trực tuyến) và e–Signature (chữ ký điện tử), giúp các nhà đầu tư định danh trực tuyến, ký kết các hợp đồng điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi. Hiện nay, tại Việt Nam, những ứng dụng P2P Lending còn có khả năng thiết lập lệnh đầu tư tự động theo yêu cầu, liên tục giữ nguồn vốn quay vòng và giúp nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận mà vẫn tiết kiệm tối đa thời gian.
Tuy nhiên do P2P lending tại Việt Nam đang phát triển một cách tự phát khiến các nhà đầu tư như đang đứng ở đầu
Đáng chú ý, theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước, một số công ty P2P lending lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo và đưa ra thông tin không rõ ràng, sai lệch dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm về việc các hoạt động đầu tư/cho vay qua các nền tảng của công ty P2P lending đều được bảo hiểm rủi ro . Với nhà đầu tư, rủi ro mất tiền có thể xảy ra khi người đi vay mất khả năng thanh toán hoặc công ty cung cấp sàn giao dịch cho vay ngang hàng gặp rủi ro hoạt động. Đơn cử như không xác định được chính xác thông tin khách hàng, mất hoặc không truy cập được thông tin thay đổi của thành viên tham gia sàn giao dịch. Có thể lý giải điều này bởi những người tìm đến khoản vay trên P2P đa số là các cá nhân đã bị các tổ chức tín dụng và công ty tài chính từ chối cho vay. Điều này đồng nghĩa với việc những khoản tín dụng được cấp cho những đối tượng này khả năng mất vốn cao.
Hiện tại, chưa có hành lang pháp lý để quản lý hoạt động và rủi ro của mô hình này. Gần đây nhất cũng mới chỉ có công văn số 5228/NHNN–CSTT của Ngân hàng nhà nước gửi các Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đưa ra các khuyến nghị cho các tổ chức tín dụng thực hiện để đảm bảo an toàn hệ thống liên quan đến hoạt động cho vay ngang hàng P2P lending, theo đó Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các tổ chức tín dụng nghiên cứu, tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ hoạt động P2P lending để hướng dẫn, thông báo trong nội bộ tổ chức tín dụng (bao gồm cả các công ty con, công ty thành viên của tổ chức tín dụng) về các rủi ro tiềm ẩn của hoạt động này, bao gồm rủi ro pháp lý và các rủi ro khác phát sinh trong bối cảnh pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh hoạt động P2P lending.
Bên cạnh đó, NHNN khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng P2P lending. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng gần đây cũng đưa ra khuyến cáo đối với người tiêu dùng, cần cân nhắc kỹ càng trước khi cung cấp các thông tin cá nhân để thực hiện đăng ký khoản vay, nghiên cứu kỹ các mục đích sử dụng thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch cũng như nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng trước khi ký. Đặc biệt cân nhắc các chi phí phải trả khi tham gia vay trực tuyến, yêu cầu gửi bản sao hợp đồng sau khi ký.
Như vậy các biện pháp quản lý rủi ro mới chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo nên cẩn thận khi tham gia mô hình cho vay ngang hàng này. Từ đó cho thấy sự lo ngại rủi ro cho người cho vay khi không có điều kiện thẩm định khách hàng, không có cơ chế phòng ngừa rủi ro, không có biện pháp bảo vệ tiền vay và khi không tự đòi được các khoản đầu tư, không có cơ quan pháp luật bảo vệ trong khi đó các nền tảng P2P lending chỉ làm nhiệm vụ trung gian kết nối. Nếu xảy ra tranh chấp sẽ rất khó đòi được khoản tiền đã cho vay cũng như truy đòi trách nhiệm từ đơn vị cung cấp dịch vụ, người cho vay có thể mất trắng tiền và không thể đòi trách nhiệm bồi thường từ các công ty cung ứng dịch vụ P2P lending.
3. Về trình tự, thủ tục cho vay ngang hàng (P2P lending):
Với các công ty P2P lending truyền thống hiện nay tại Việt Nam thì cả nhà đầu tư hay người cho vay và người đi vay đều nhỏ lẻ. Nhà đầu tư tham gia vào các công ty này với số tiền dưới 10 triệu đồng. Người đi vay cũng tương tự vậy, với cá nhân chủ yếu là cung cấp các món vay nhỏ dưới 10 triệu đồng, thời hạn vay chủ yếu theo ngày, với doanh nghiệp món vay thường dưới 400 triệu đồng, thời hạn vay dưới 1 năm.
Do vậy, các công ty Fintech truyền thống tại Việt Nam hiện nay đang kết nối những nhu cầu vốn nhỏ, ngắn hạn. Các điều kiện vay vốn, yêu cầu về hồ sơ vay vốn mà các nền tảng P2P lending đưa ra hết sức đơn giản so với yêu cầu của các ngân hàng. Các công ty CVNH ở Việt Nam hiện đang cung cấp các dịch vụ liên quan đến cho vay với quy trình vay đơn giản và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay, nhờ ứng dụng công nghệ trong việc đánh giá xếp hạng khách hàng với quy trình rút gọn đồng thời cung cấp các khoản vay với số tiền nhỏ và thời gian ngắn. Đây là yếu tố giúp các cá nhân gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng có thể vay vốn một cách thuận lợi hơn.
Chẳng hạn như nền tảng Tima đưa ra các yêu cầu vay vốn vô cùng đơn giản như khách hàng trong độ tuổi lao động, đang sinh sống và làm việc thường xuyên trên địa bàn Hà Nội/TP.HCM. Có thu nhập ổn định, thường xuyên hàng tháng và sở hữu tài sản xe máy/ô tô hợp pháp, có đầy đủ giấy tờ đăng ký. Tại TIMA, hiện đang cung cấp gói vay tiền nhanh trong 1 giờ, hạn mức 2 – 3 triệu trong thời gian 3 – 12 tháng, là giải pháp tài chính phù hợp cho những khách hàng đang cần vay tiền gấp.
Hay tại Moneybank, khách hàng còn có thể vay với số tiền rất nhỏ, từ 1 triệu– 10 triệu, thời hạn vay từ 7–10 ngày với thời hạn duyệt vay trong 15 phút. Với mô hình CVNH TM, tại Lendbiz cung cấp các khoản vay từ 100 triệu–1 tỷ đồng với kỳ hạn vay từ 1–12 tháng. Nếu so sánh với hạn mức và kỳ hạn vay tối thiểu của một số ngân hàng thương mại, có thể thấy các khoản vay nhỏ và thời gian ngắn sẽ đáp ứng được nhu cầu vay của khách hàng một cách đa dạng hơn. Vaymuon.vn cũng cung cấp các gói vay từ 1 triệu– 10 triệu với thời hạn 30 ngày.
Từ các thông tin về quy trình vay vốn và đầu tư được giới thiệu trên trang web của các công ty CVNH, có thể thấy hầu hết các bước trong quá trình giao dịch và thanh toán thực hiện thông qua mạng Internet mà không cần gặp mặt đối tác hoặc các nhân viên của công ty CVNH. Điều này giúp các bên tham gia giao dịch tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại, đồng thời có thể thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Hơn nữa tất cả các sản giao dịch đều chỉ yêu cầu tối đa là hai loại giấy tờ để hoàn thành thủ tục vay vốn, cùng những điều kiện vay vốn hết sức cơ bản. Chính các điều kiện và thủ tục cho vay dễ dàng này, đã giúp rút ngắn thời gian phê duyệt khoản vay của các công ty CVNH.
Ngoài ra, các công ty CVNH cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giúp đơn giản hóa quá trình vay vốn của khách hàng. Hầu hết quá trình vay vốn của khách hàng đều có hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu thông qua các trang web của công ty CVNH. Do đó, quá trình vay vốn từ việc tham khảo lãi suất, tổng số tiền phải trả dựa trên số tiền và thời hạn vay mà người vay mong muốn, cho đến quá trình thanh toán khoản vay đều được đơn giản hóa. Minh chứng rõ nét cho điều đấy có thể thấy thông qua các nền tảng như Money Bank, Tima hay Fiin .
Tại Money Bank, nền tảng đã phủ sóng tại 63 tỉnh thành tại Việt Nam (trừ các huyện đảo). Người dùng được hỗ trợ 24/7 tại mọi miền tổ quốc. Kinh nghiệm về công nghệ tài chính tại Việt Nam từ năm 2013 giúp công ty lược bỏ được toàn bộ thủ tục vay rườm rà và hạn chế cho vay truyền thống, đưa khoản vay đến tay người dùng nhanh nhất mà không cần thế chấp. Nhờ công nghệ tài chính ưu việt, khoản vay giờ đây hoàn toàn có thể được giải ngân trong vòng 24 giờ. Người cần vốn có thể vay không cần thế chấp trực tiếp từ người đầu tư mà không thông qua bất kỳ trung gian nào, loại bỏ tất cả thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian tối đa.
Nhà đầu tư được đảm bảo an toàn nhờ công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến, hệ thống chấm điểm tín dụng được tin dùng bởi các chuyên gia quản trị rủi ro hàng đầu thế giới. Nhờ đó, người vay được vay không thế chấp với lãi suất thấp hơn, trong khi người đầu tư nhận lại lợi nhuận hấp dẫn. Khách hàng MoneyBank có thể thanh toán dễ dàng 24/7 tại bất kỳ PDG nào của ngân hàng và cửa hàng Viettel trên toàn quốc. Quy trình vay vốn còn đơn giản hơn thế khi chỉ gồm 3 bước: Đăng ký vay bằng việc Hoàn thành đơn đăng ký trực tuyến an toàn và đơn giản chỉ trong vài phút –> Nhận tiền trong ngày tại ngân hàng của khách hàng –> Thanh toán khoản vay vào ngày đáo hạn mà khách hàng đăng ký (tối đa đến 1 tháng).
Hay như TIMA, tuy chỉ có phòng giao dịch tại các thành phố lớn là Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Nhưng có thể hỗ trợ các sản phẩm vay tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, tại TIMA có gói vay nhanh 1 giờ. Điều kiện sử dụng cũng vô cùng đơn giản, khách hàng chỉ cần là công dân Việt Nam trong độ tuổi 22 – 60, có thu nhập trung bình hàng tháng từ 2 triệu trở lên. Thủ tục vay dễ dàng, khách hàng không cần thế chấp tài sản, không cần trình diện các loại giấy tờ hồ sơ phức tạp, chỉ cần chứng minh được thu nhập của bản thân để được hỗ trợ cho vay.
Quy trình vay vốn cũng vô dùng đơn giản với 5 bước thực hiện đơn giản: Tải app “Tima vay 1H” –> Lựa chọn khoản vay (2 – 3 triệu) và thời gian vay (3 – 12 tháng) –> Đăng ký tài khoản vay với các thông tin: Số điện thoại, họ tên, số CMND, mật khẩu –> Hoàn thiện hồ sơ cá nhân online với các thủ tục cùng các thông tin cá nhân, CMND, thông tin về công việc, tài khoản ngân hàng và các thông tin tham chiếu (thông tin của 2 người thân – Quan hệ, họ tên, sđt) –> Kết nối facebook –> Quay video ký hợp đồng.
Tại Fiin hỗ trợ người dùng tại 50 tỉnh thành trên phạm vi toàn quốc, trừ một số tỉnh miền núi Phía Bắc và khu vực Tây Nguyên. Người dùng cần tải ứng dụng Fin, đăng ký và đăng nhập tài khoản trên ứng dụng Fiin để gửi hồ sơ online tới Fiin. Dựa trên thông tin, hồ sơ do người dùng cung cấp, và các thông tin thu thập khác, Fiin sẽ đánh giá điểm tín nhiệm và thông báo hạn mức có thể vay của người vay. Khi người vay tạo yêu cầu vay qua ứng dụng Fin và được nhà đầu tư chấp nhận xác lập giao dịch, dựa trên uỷ quyền của Nhà đầu tư thì Fiin sẽ chuyển tiền giải ngân tiền vay ngay lập tức cho người vay. Sau khi người dùng đăng ký và cập nhật thành công đầy đủ thông tin, hồ sơ của khách hàng sẽ được phê duyệt và trả kết quả trong 1 giờ.
Mặc dù những nền tảng P2P lending ở Việt Nam cũng đã góp phần hỗ trợ những cá nhân, những doanh nghiệp vừa và nhỏ cần giải ngân gấp nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn cũng như không chứng minh được quá nhiều giấy tờ theo như yêu cầu của Ngân hàng, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn với thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên với những điều kiện vay dễ dàng và thủ tục đơn giản, người vay tiền qua các ứng dụng cho vay ngang hàng nhận được tiền rất nhanh chóng, nhưng trái lại họ sẽ phải mất chi phí vay khá cao và chịu lãi lớn. Lãi suất cho vay lại cao hơn so với mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng. Điều này ngược lại với một số nước trên thế giới, ví dụ như Zopa của Anh luôn đảm bảo lãi suất mà họ đưa ra thấp hơn 20% so với lãi suất ngân hàng.
Do không có quy định điều chỉnh nên lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự thông qua hình thức cho vay P2P theo Bộ luật Dân sự 2015 do các bên thỏa thuận nhưng tối đa không quá 20% / năm khoản vay [17]. Theo Vụ Chính sách tiền tệ (2020), lãi suất cho vay thường không quá 20%/năm theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 nhưng đi kèm với rất nhiều loại phí như phí tư vấn, phí trả nợ trước hạn và tổng các khoản phí và lãi khách hàng phải trả thậm chí lên đến 30% – 50%/tháng. Trong trường hợp lãi suất trong giao dịch dân sự cao gấp năm lần mức lãi suất tối đa quy định tại Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc tái phạm mặc dù đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. đã bị xử phạt hành chính hoặc chưa được xóa án tích về cùng tội thì có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Hơn thế nữa, mặc dù có hệ thống chấm điểm riêng đối với hoạt động cho vay ngang hàng nhưng thực tế các công ty P2P lending vẫn chưa tiếp cận được với nguồn thông tin từ Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam để đánh giá khách hàng vay; hiện nay vẫn chưa có cơ chế giám sát và quản lý người vay sau khi giao dịch cho vay ngang hàng thành công để tránh rủi ro tín dụng. Hiện tại, tại Việt Nam chưa có bất cứ quy định cụ thể nào để quản lý dịch vụ CVNH.