Quy định về quản lý hoạt động cho vay ngang hàng tại Anh? Kinh nghiệm về quản lý hoạt động cho vay ngang hàng P2P Lending của Vương quốc Anh?
Trong lĩnh lực cho vay ngang hàng không thể không đề cập đến nước Anh, một quốc gia đóng góp nhiều bước đi đầu tiên trong lĩnh vực tài chính này. Nếu so sánh về quy mô, thị trường cho vay ngang hàng tại Anh có độ lớn không bằng thị trường Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên hiệu quả hoạt động của thị trường lại được đánh giá cao, với ý kiến phản hồi từ người sử dụng tương đối khả quan.
Với sự ra đời của Zopa năm 2005, nước Anh trở thành nước đầu tiên xuất hiện hoạt động cho vay ngang hàng và bắt đầu với việc tài trợ các khoản vay tín chấp cá nhân. Ban đầu, ZOPA chỉ cung cấp Platform theo đúng nghĩa là trung gian kết nối giữa người cho vay và người vay (chủ yếu là cá nhân). Tuy nhiên, càng về sau, có thêm nhiều nhà cung cấp khác như Funding Circle, Rateseter ... tham gia thị trường.
Về hoạt động quản lý điều hành, Hiệp hội cho vay ngang hàng tại Anh (Peer–to–Peer Finance Association–P2PFA) được thành lập vào năm 2011 với tư cách là cơ quan đại diện và kiểm soát nội bộ cho hoạt động cho vay ngang hàng tại Anh. P2PFA theo đuổi mục tiêu là thúc đẩy các tiêu chuẩn cao về hành vi kinh doanh (chủ yếu thông qua các nguyên tắc hoạt động của P2PFA) của các thành viên; đồng thời làm việc với các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý để đảm bảo một chế độ điều tiết và quản lý có hiệu quả. P2PFA có vai trò lớn trong việc tiêu chuẩn hóa hoạt động cho vay ngang hàng tại Anh.
Với tiêu chuẩn thành viên và hệ thống nguyên tắc hoạt động thống nhất, chi tiết và chặt chẽ, các công ty cho vay ngang hàng tham gia P2PFA phải là các công ty có hoạt động hiệu quả, tuân thủ luật pháp, coi trọng lợi ích của khách hàng và minh bạch. Như vậy, P2PFA là tổ chức mang tính tiêu chuẩn cao. Hơn thế nữa, với chế độ thông tin công khai và đầy đủ, P2PFA còn có vai trò quảng bá hình ảnh của mô hình cho vay ngang hàng tại Anh nói chung và các công ty cho vay ngang hàng trong tổ chức nói riêng, củng cố niềm tin của các NĐT vào lĩnh vực cho vay ngang hàng tại Anh. Hiện nay, tổ chức này đã ngừng hoạt động nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và quản lý các tổ chức cho vay ngang hàng tại Anh.
Năm 2014, nước Anh một lần nữa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng hệ thống các quy định luật pháp về hoạt động cho vay ngang hàng. Theo đó, các nền tảng cho vay ngang hàng phải được cấp phép hoạt động thông qua. Cơ Quan Kiểm Soát Ngành Tài Chính (Financial Conduct Authority – FCA) mới có thể cấp tín dụng và trở thành thành viên của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia. Năm 2014, Cơ quan Kiểm soát Tài chính (Financial Conduct Authority – FCA) của nước Anh đã ban hành Bộ luật quản lý hình thức P2P Lending để loại hình cho vay này phù hợp với thực tiễn.
FCA đã công bố một loạt các hoạt động được quy định mới liên quan đến cho vay P2P mang lại tính hợp pháp cao hơn cho mô hình kinh doanh và toàn bộ ngành. Động thái này nhằm thúc đẩy nhu cầu và nhận thức về loại hình kinh doanh này. Các quy định được ban hành yêu cầu hoạt động cho vay ngang hàng phải tuân theo tất cả các quy định mà các mô hình trung gian tài chính khác phải tuân theo, bao gồm các điều khoản liên quan đến tiền gửi của khách hàng, tiêu chuẩn vốn tối thiểu, hoạt động rửa tiền, kế hoạch dự phòng rủi ro và các yêu cầu khác. Các quy định liên quan đến mô hình cho vay ngang hàng tập trung đặc biệt vào việc đảm bảo rằng các NĐT tiếp cận được nguồn thông tin rõ ràng, công bằng và cân xứng và việc thực hiện các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng cơ bản.
Quy định tăng cường mức độ an toàn của thị trường bằng cách yêu cầu bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải có các biện pháp đảm bảo quyền lợi của người đầu tư và người đi vay trong trường hợp Platform có vấn đề vận hành, minh bạch trong thông tin ... Đặc biệt, nhà cung cấp dịch vụ được khuyến khích thành lập quỹ dự trữ để bù đắp tổn thất cho nhà đầu tư khi người vay không trả được nợ hoặc chậm trả. Nhà cung cấp dịch vụ cũng được khuyến khích tham gia vào các chính sách bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các nền tảng cho vay ngang hàng phải đáp ứng nhiều quy định của Cẩm nang FCA (The FCA Handbook), bao gồm các văn bản khác nhau quy định khung pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng như các nguyên tắc cho các doanh nghiệp (Principles for Businesses –PRIN); Các điều khoản chung (General Provisions – GEN) – các tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp về sự tương tác của họ với FCA; Các hệ thống quản lý và kiểm soát quản lý cao cấp (Senior Management Arrangements, Systems and Controls –SYSC9); Tài liệu tín dụng tiêu dùng” (The Consumer Credit Sourcebook–CONC10), một tài liệu chuyên biệt về các hoạt động quy định liên quan đến tín dụng; Hệ thống hướng dẫn về Tín dụng Tiêu dùng (Consumer Credit Sourcebook – CONC) – các quy tắc và hướng dẫn của FCA về tín dụng tiêu dùng hay các quy tắc Kinh Doanh (Conduct of Business Sourcebook COBS) – quy định và hướng dẫn của FCA về các doanh nghiệp đầu tư được chỉ định“, bao gồm việc vận hành một nền tảng cho vay ngang hàng (liên quan đến người cho vay),..
Khác với Mỹ, trong khuôn khổ pháp lý của Anh thì bên cho vay ngang hàng có thể thực hiện cho vay cũng như tra cứu thông tin tín dụng từ cơ sở dữ liệu quốc gia mà không cần phải trở thành đối tác của Ngân Hàng. Các công ty cho vay ngang hàng đuợc yêu cầu phải xin cấp phép từ FCA. Để nhận được giấy phép của FCA, công ty cho vay ngang hàng phải có trang web vận hành hoặc gần với web vận hành cùng với nguồn tài chính đầy đủ. Công ty cần có mức vốn tối thiểu theo yêu cầu và một kế hoạch dự phòng trong trường hợp có nợ xấu. Hoạt động cho vay ngang hàng phải tuân theo Hệ thống hướng dẫn về Tín dụng Tiêu dùng (CONC) khi cấp tín dụng cho cá nhân. CONC yêu cầu các công ty cho vay ngang hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người đi vay thông tin về sự phù hợp của khoản vay, cách thức thanh toán khoản vay, và những hậu quả có thể xảy ra khi không hoàn trả lãi và gốc khoản vay.
Trước khi hợp đồng cho vay ngang hàng được thực hiện, công ty cho vay ngang hàng phải thực hiện chấm điểm tín dụng và khả năng thanh toán của người đi vay. Việc đánh giá phải dựa trên những nguồn thông tin quan trọng, như thông tin từ bên đi vay và cơ quan tham chiếu tín dụng. Nếu khách hàng thanh toán lãi và gốc nợ chậm, thì công ty cho vay ngang hàng cần liên lạc với bên đi vay và khuyến khích họ thảo luận về tình trạng khoản vay của họ. Sự xúc tiến và quảng cáo sản phẩm phải công bằng và rõ ràng. Thông tin phải được trình bày rõ ràng để NĐT có thể dễ dàng hiểu rõ, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Hơn nữa, các công ty cho vay ngang hàng không được giảm thiểu hóa các rủi ro liên quan đến khoản vay trong các hoạt động xúc tiến và quảng cáo.
Chính phủ Anh cũng tham gia vào các nền tảng cho vay ngang hàng này để đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như thực hiện ưu đãi thuế cho các cá nhân cần vốn để đầu tư thông qua các bên cho vay. Bên cạnh đó, để khuyến khích hơn nữa các đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Một số chương trình giảm thuế tiêu biểu là: Chương trình Đầu tư Doanh nghiệp (EIS), Chương trình Đầu tư Doanh nghiệp hạt giống (“SEIS“), và Chương trình giảm thuế đầu tư (“SITR) và nhiều gói miễn thuế mà mô hình tài chính thay thế có thể được ưu đãi, ví dụ như chính sách miễn thuế ISAs, Chương trình Trợ cấp Cá nhân (PSA), Chương trình Trợ cấp cho Cá nhân Đầu tư (SIPPS) và SITR. Với chương trình này, các NĐT và lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ không phải trả thuế trên số tiền lãi mà họ kiếm được, và có thể được áp dụng khi họ đầu tư tại nhiều nền tảng cho vay ngang hàng khác nhau.
Do hoạt động cho vay ngang hàng ngày càng mở rộng cả về quy mô, đối tượng tham gia và tính chất nên đòi hỏi phải có chế độ quản lý riêng và phù hợp với bản chất của hoạt động cho vay ngang hàng vào những khoảng thời gian khác nhau. FCA đã luôn theo dõi tình hình thực tiễn P2P lending trên thị trường, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Kể từ khi các nền tảng cho vay bắt đầu đóng cửa và có dấu hiệu hoạt động tín dụng yếu hơn thì FCA vào năm 2019 đã ban hành một quy định mới nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của nhà đầu tư mới.
Tháng 6/2019, FCA có thay đổi về bộ quy tắc đối với nền tảng P2P lending đã được thiết lập, thay đổi này có hiệu lực từ ngày 9/12/2019, một trong những thay đổi quan trọng của bộ quy tắc này là những yếu tố bảo vệ nhà đầu tư, khi các nhà đầu tư chưa được tư vấn đầy đủ sẽ không thể sử dụng hơn 10% tài sản đầu tư của mình để đầu tư P2P lending. Điều này phần nào đã gây tranh cãi với nhóm nhà đầu tư ưa mạo hiểm khi họ cho rằng con số trên quá thấp và thực tế đang có nhiều nhà đầu tư sử dụng tỷ lệ tài sản cao hơn nhiều cho hoạt động cho vay ngang hàng.
Ngoài ra, kể từ ngày 9/12/2017, các nhà đầu tư phải được đánh giá có kiến thức và kinh nghiệm trước khi được phép tham gia đầu tư vào P2P lending, hơn thế nữa các nhà đầu tư là những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng sẽ bị hạn chế tham gia mô hình này. Điều đó hạn chế khả năng tiếp cận của nhà đầu tư mới. Bộ quy tắc cũng đòi hỏi các công ty P2P phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định và trình bày rõ ràng cách thức quản trị, hệ thống và nền tảng quản lý mà mình có khi quảng cáo đến khách hàng.
Bộ quy tắc mới cũng tập trung đặc biệt vào việc đánh giá rủi ro tín dụng, quản lý rủi ro và phương pháp định giá của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nền tảng có mô hình kinh doanh phức tạp. Hơn nữa hoạt động quảng bá cho mô hình P2P lending cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn; nhằm bảo vệ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia P2P lending được yêu cầu bắt buộc phải cung cấp cho khách hàng một lượng thông tin nhất định về nhà đầu tư khi cung cấp sản phẩm và doanh nghiệp tham gia P2P lending cũng phải có kế hoạch dự phòng khi rủi ro phá sản có thể xảy ra.
Có thể thấy, mặc dù các quy định mới của FCA có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của mô hình cho vay ngang hàng tại Anh, song đây là những quy định cần thiết góp phần bảo vệ nhà đầu tư và hỗ trợ thị trường P2P phát triển lành mạnh trong tương lai. Bước đi này có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển mạnh mẽ về mặt số lượng lẫn giá trị của hoạt động cho vay ngang hàng tại Anh.