Trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng? Một số các giải pháp nâng cao chất lượng trồng rừng thay thế?
Trong những năm qua, với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nhiều địa bàn trên đất nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi, xúc tiến các dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng, thương mại, dịch vụ, du lịch cùng các lĩnh vực khác. Trong số đó, nhiều dự án đầu tư trên diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chính vì vậy mà trong giai đoạn hiện nay việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được đánh giá là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm mục đích có thể duy trì sự ổn định diện tích rừng, đảm bảo phát triển bền vững và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về việc trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng?
Mục lục bài viết
1. Trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng:
Theo Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc quản lý, thực hiện trách nhiệm trồng rừng thay thế được thực hiện theo nguyên tắc cơ bản như sau:
– Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
– Cần phải có phương án trồng rừng thay thế được cấp có thẩm quyền phê duyệt với diện tích ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác.
– Hoặc cần có chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế.
Các chủ thể là những chủ đầu tư dự án sẽ có trách nhiệm cần phải tự tổ chức trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền để có thể trồng rừng thay thế theo quy định cụ thể tại Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cac quy định hiện hành của Nhà nước. Các chủ thể là những chủ đầu tư tự tổ chức trồng rừng thay thế phải có diện tích đất chưa có rừng được Nhà nước giao, cho thuê để trồng rừng theo quy định của pháp luật. Kinh phí trồng rừng thay thế sẽ được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án; đơn giá trồng rừng thay thế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể căn cứ theo quy định pháp luật.
Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được áp dụng với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Theo Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác sẽ có trách nhiệm cần phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả trồng rừng thay thế trên địa bàn.
Tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT có nghĩa vụ phải trồng rừng thay thế. Trong trường hợp các chủ dự án không có điều kiện tự trồng rừng thay thế thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để tổ chức trồng rừng theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT. Đối với trường hợp Chủ dự án tự trồng rừng thay thế nhưng còn thiếu so với diện tích phải trồng do không có đủ diện tích đất để tự trồng rừng thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đối với phần diện tích còn thiếu.
Bên cạnh đó thì việc xác định diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác được thực hiện theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Kinh phí trồng rừng thay thế sẽ do Chủ dự án nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng được ưu tiên sử dụng theo thứ tự cụ thể như sau: Trồng rừng đặc dụng; trồng rừng phòng hộ; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; điều chuyển kinh phí để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại địa phương khác. Kinh phí trồng rừng thay thế được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Lâm sản khai thác khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc nghiệm thu trồng rừng thay thế được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý đầu tư công trình lâm sinh và các quy định hiện hành của Nhà nước. Chi phí nghiệm thu được xác định trong tổng dự toán trồng rừng thay thế.
Như vậy, ta nhận thấy rằng, hiện nay, đối với việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được pháp luật quy định khá cụ thể và chi tiết. Việc đưa ra các quy định này có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình bảo vệ và quản lý rừng của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như đảm bảo sự phát triển của hệ thống rừng trên đất nước ta. Các chủ thể là những chủ đầu tư dự án có thể lập phương án, tổ chức trồng rừng thay thế khi được cơ quan chức năng phê duyệt hoặc thực hiện phương án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của nơi lập phương án, tổ chức trồng rừng thay thế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập xảy ra trong nhiều năm trở lại đây. Trên địa bàn nhiều nơi, trong nhiều năm qua, một số chủ đầu tư dự án chậm hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Việc bố trí đất trồng rừng cũng như giám sát của các cơ quan chức năng đối với trồng rừng thay thế đã bị buông lỏng. Đa phần diện tích tự trồng của các chủ dự án không thành rừng.
2. Một số các giải pháp nâng cao chất lượng trồng rừng thay thế:
Một số các giải pháp nâng cao chất lượng trồng rừng thay thế cụ thể đó là:
– Cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương. Các cấp, ngành và địa phương cần phải thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về trồng rừng thay thế khi làm mất rừng.
– Chi Cục kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng với chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) cần phải chủ động phối hợp với nhau trong suốt quá trình thực hiện trồng rừng thay thế, việc phối hợp sẽ cần phải bắt đầu từ khâu quy hoạch đến đến công tác trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ. Việc đánh giá, nghiệm thu từng phần sẽ cần phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn cấp huyện. Chi Cục kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng với chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) sẽ phải thường xuyên trao đổi các thông tin liên quan nhằm có sự phối hợp, vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng khi xảy ra trường hợp xâm phạm diện tích rừng, tranh chất đất rừng…
– Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân ngay từ ban đầu, ràng buộc các đơn vị thi công phải sử dụng lao động địa phương ngay từ giai đoạn trồng, đến chăm sóc, quản lý, bảo vệ và thực hiện giao nhận khoáng sau 10 năm kết thúc dự án.
– Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tổ chức đánh giá tổng thể diện tích đã trồng rừng thay thế, đối với diện tích có tỷ lệ cây sống thấp, phát triển không hiệu quả, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cần khẩn trương trồng dặm với loại cây thích hợp, nhằm mục đích có thể đảm bảo về mật độ theo thiết kế kỹ thuật, khả năng sinh trưởng đồng đều giữa các loại cây trên cùng diện tích.
– Đối với diện tích sắp triển khai trồng rừng thay thế, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành khảo sát, chọn địa điểm, lập hồ sơ thiết kế đảm bảo theo quy định, trong đó chú trọng khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, thực địa để xây dựng phương án trồng mới hay khoanh nuôi có trồng bổ sung; tránh tình trạng bố trí đất trồng chồng lấn với đất sản xuất lâu đời của người dân; ưu tiên lựa chọn giống cây bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; cũng với đó là phải đáp ứng được mục tiêu của rừng thay thế sau khi thành rừng.
– Bên cạnh đó sẽ cần phải điều chỉnh quy trình kỹ thuật trong giai đoạn chăm sóc và giai đoạn quản lý, bảo vệ cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, đặc biệt là các nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, thực bì, cỏ dại, dây leo phát triển nhanh. Cần phải đề ra giải pháp tháo gỡ phần diện tích rừng do các chủ đầu tư hợp đồng trực tiếp với các Ban quản lý rừng thực hiện trước đây nhưng hiện nay bị bỏ hoang, không được chăm sóc, bảo vệ do hết kinh phí, tránh lãng phí, thất thoát rừng.
– Ngoài ra cũng cần phải chú trọng khâu lựa cho cây giống, đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Không những thế cũng cần tổ chức các lớp tập huấn để nhằm mục đích có thể giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng, chăm sóc rừng cho các đối tượng là người lao động, hạn chế tình trạng người lao động thiếu cẩn thận, không nhận biết loại cây trồng dẫn đến phát nhầm cây rừng, xử lý thực bì, cỏ dại, dây leo qua loa, chưa đảm bảo kỹ thuật. Đưa ra các giải pháp căn cơ, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nhằm mục đích có thể kịp thời ngăn chặn việc phá hoại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển rừng trồng.
– Để có thể nâng cao chất lượng trồng rừng thay thế cần phải thực hiện việc tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí đảm bảo theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ dự án, đơn vị thi công chủ động tạm ứng kinh phí, thanh quyết toán các hạng mục công trình đã hoàn thành theo đúng tiến độ, xác lập hồ sơ đầy đủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Cùng với đó là sẽ cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc lập dự án thiết kế – dự toán khảo sát hiện trường và thuyết minh dự án của các đơn vị tư vấn thiết kế, khi phát hiện sai phạm cần kịp thời xử lý theo quy định pháp luật.