Vị trí, vai trò của việc hợp tác giữa các quốc gia trong việc bảo vệ môi trường biển biển Đông? Thực tiễn hợp tác giữa các quốc gia nhằm bảo vệ môi trường biển ở khu vực Biển Đông?
Mục lục bài viết
1. Vị trí, vai trò của việc hợp tác giữa các quốc gia trong việc bảo vệ môi trường biển biển Đông:
Giống như các khu vực ven biển khác trên thế giới, tài nguyên biển và ven biển ở khu vực biển Đông đang bị đe dọa do một loạt các yếu tố bao gồm dân số ven biển tăng nhanh, công nghiệp hóa không có kế hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng, thay đổi định cư, biến đổi khí hậu, gia tăng du lịch ven biển và nghèo đói..
Vấn đề bảo vệ môi trường biển nói chung cũng như vấn đề hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường biển nói riêng ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và các quốc gia trong khu vực. Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh – quốc phòng góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Công ước UNCLOS 1982 đã dành một dung lượng khá lớn quy định về những vấn đề cơ bản trong việc bảo vệ môi trường biển tại các vùng biển quốc tế cũng như vùng biển quốc gia. Đặc biệt, UNCLOS đã đề cập đến vấn đề hợp tác trên phạm vị thế giới và khu vực trong việc bảo vệ môi trường biển. Trong vấn đề hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển, UNCLOS đã xây dựng khung pháp lý cho các quốc gia làm cơ sở cho việc hình thành, soạn thảo các quy tắc, quy phạm, tập quán… phù hợp với công ước, có tính đến các đặc điểm của từng khu vực. Việt Nam đã là thành viên của UNCLOS và một số điều ước quốc tế khác điều chỉnh lĩnh vực bảo vệ môi trường biển. Do vậy vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng luôn được đề cập chi tiết trong các chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Với tầm quan trọng của biển, nhu cầu phát triển ngày càng cao, tiến ra biển trở thành trào lưu mạnh của các quốc gia có biển. Với xu hướng này, ngày càng có nhiều đường biên giới xuất hiện trên biển, tình hình này không ngăn cản được một nhận thức chung được hình thành đó là biển cả là một môi trường đồng nhất, là tài sản chung của nhân loại, đòi hỏi có sự hợp tác cao giữa các quốc gia nhằm giữ gìn biển trong lành. Trong một thế giới ngày càng phức tạp hơn với nhiều vấn đề về tài nguyên và môi trường biển vượt qua khỏi phạm vi quốc gia, hợp tác quốc tế không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn mà là một sự cần thiết của các quốc gia. Trong những năm qua, các quốc gia trên thế giới cũng không ngừng thúc đẩy hợp tác quốc tế song phương và địa phương về biển trên phạm vi toàn cầu và khu vực.
Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm nay, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hoá. Để bảo vệ môi trường biển Đông cần phải có sự hợp tác chung tay của các quốc gia trong khu vực. Vì:
– Thứ nhất, môi trường biển Đông đem lại lợi ích cho các quốc gia trong khu vực (như đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch biển, thương mại đường biển, các ngành khai thác khoáng sản …) thế nên bản thân mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ nó.
– Thứ hai, không có một quốc gia, vùng lãnh thổ nào có đủ khả năng một mình có thể bảo vệ được môi trường biển Đông cả. Để bảo vệ môi trường biển, cần có sự hợp sức, đồng lòng của các quốc gia trong khu vực thì mới có thể bảo vệ được môi trường biển bền vững.
– Thứ ba, bảo vệ môi trường biển Đông là bảo vệ môi trường chung của các quốc gia trong khu vực, tức là bảo vệ tương lai của người dân trong khu vực. Đó cũng là không gian sinh tồn của nhiều sinh vật cũng như con người.
– Thứ tư, môi trường biển Đông nếu bị ô nhiễm có thể gây ra những hệ quả nguy hiểm cho các vùng biển khác.
Do vậy, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực biển Đông có vai trò rất quan trọng nhằm góp phần xây dựng vùng biển xanh, phát triển bền vững. Đó là xu hướng tất yếu cho một tương lai bền vững và thịnh vượng cho các quốc gia trong khu vực.
2. Thực tiễn hợp tác giữa các quốc gia nhằm bảo vệ môi trường biển ở khu vực Biển Đông:
2.1. Chủ trương, chính sách hợp tác bảo vệ môi trường biển của các quốc gia ở khu vực biển Đông:
Là khu vực có hệ sinh thái phong phú và nguồn tài nguyên đa dạng, hợp tác môi trường đã được các nước ASEAN quan tâm và thúc đẩy rất sớm. Từ năm 1977, ASEAN đã bắt tay vào việc soạn thảo Chương trình môi trường tiểu khu vực ASEAN (ASEP I) với sự giúp đỡ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đánh dấu mở đầu quá trình hợp tác bảo vệ môi trường trong khu vực. Năm 1981, ASEAN lần đầu tiên thông qua Chương trình Môi trường và ra bản Tuyên bố đầu tiên tại Malina-Philippin, trong đó nêu ra các mục tiêu và định hướng hợp tác của khu vực, Tuyên bố Bangkok về môi trường ASEAN (1984), Tuyên bố ASEAN về các công viên và các khu bảo tồn di sản (1984), Hiệp định bảo tồn tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (1985), Giải pháp Jakarta về phải triển bền vững (1987), Hiệp ước Kuala Lumpur về môi trường và phát triển (1990), Giải pháp Singapore về môi trường và phát triển pháp Bandar Seri Begawan về Môi trường và phát triển (1994), Tuyên bố Jakarta về môi trường và phát triển (1997).
Bên cạnh các tuyên bố, giải pháp, kế hoạch chi tiết và tầm nhìn kể trên, từ năm 2003 tới nay, Asean đã ra những văn bản hợp tác dưới dạng các tuyên bố chung đề cập trực tiếp hợp tác bảo vệ môi trường biển như Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Môi trường Asean về cuộc họp lần thứ 11 của Hội nghị các bên về Công ước đa dạng sinh học (2012), Tuyên bố chung Asean về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các bên lần thứ 22 (COP22) về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2016, Tuyên bố chung Asean tại cuộc họp lần thứ 13 của Hội nghị các bên của Công ước về đa dạng sinh học (CBD COP 13) ngày 6/9/2016, Tuyên bố chung của Asean về biến đổi khí hậu tại phiên họp thứ 23 Hội nghị các bên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) năm 2017.
Đối với khu vực ASEAN (các quốc gia trong khu vực biển Đông hầu hết thuộc Asean ngoại trừ Trung Quốc và Đài Loan), nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên biển và ven biển đối với sinh kế của người dân ASEAN, các nhà Lãnh đạo ASEAN quyết tâm thúc đẩy việc bảo tồn và quản lý bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển. Cam kết của các nhà Lãnh đạo ASEAN được thể hiện trong Kế hoạch chi tiết về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (Kế hoạch chi tiết ASCC) 2025 sẽ đóng vai trò là nhiệm vụ chỉ đạo của Nhóm Công tác ASEAN về Môi trường Biển và Bờ biển (AWGCME) [71]. Chủ trương hợp tác Asean với các quốc gia bên ngoài đóng vai trò quan trọng thông qua các cơ chế hợp tác như ARF, EAS, ADMM+ với sự hỗ trợ của một số đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ…
Trong khuôn khổ của Diễn đàn khu vực Asean (ARF), vấn đề bảo vệ môi trường biển đã được đưa ra trong một số báo cáo chủ tịch của các hội nghị. Lần đầu vào năm 1998 trong Báo cáo Chủ tịch ARF lần thứ 5. Ba năm sau, tại Mỹ hoạt động đầu tiên về bảo vệ môi trường biển với hội thảo quản lý môi trường về chất thải phát sinh trên tàu biển được tổ chức vào tháng 6/2001. Vào tháng 3/2014 tại Mỹ, với chủ đề “Hợp tác bảo vệ môi trường biển: Chuẩn bị và ứng phó với các sự cố ô nhiễm có liên quan đến các chất độc hại” tiếp tục được tổ chức trong hội thảo an ninh biển ARF. Tuyên bố ARF về tăng cường hợp tác về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại Hội nghị ARF lần thứ 22 vào tháng 8/2015 tại Malaysia. Hội nghị ARF lần thứ 24 diễn ra tháng 8/2017 tại Philippin, Bộ trưởng của các nước tham gia đã ghi nhận yêu cầu tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế cũng như đối thoại mang tính xây dựng về an ninh biển, an toàn biển, bảo vệ môi trường biển, vấn đề đánh cá bất hợp pháp và các loại tội phạm trên biển thông qua ARF và các cơ chế do Asean dẫn dắt. Tháng 8/2018 tại Singapore, các nước tiếp tục nhấn mạnh đến bảo vệ môi trường biển trong khuôn khổ ARF lần thứ 25.
Hội nghị cấp cao Đông Á – EAS cũng là cơ chế khu vực thể hiện nhận thức giữa Asean và các nước đối tác về bảo vệ môi trường biển. Nếu như vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường nói chung được thể hiện ngay tại Tuyên bố KualaLumpur 2005 thì hợp tác bảo vệ môi trường biển cũng mới chỉ thực sự được EAS đề cập trong Tuyên bố Chủ tịch EAS lần thứ 6 vào năm 2011 với việc các nước EAS ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác biển, trong đó có môi trường biển [66]. Đặc biệt, Hội nghị Bộ trưởng EAS lần thứ 3 ngày 02/7/2013 đã thông qua Điều khoản tham chiếu của Nhóm nghiên cứu Kênh II EAS về tăng cường an ninh lương thực thông qua quản lý nghề cá bền vững và bảo tồn môi trường biển trong Tuyên bố Chủ tịch EAS lần thứ 9 năm 2013.
Trong đó thành công nhất của EAS trong chủ trương hợp tác bảo vệ môi trường biển là cơ chế này đã ra “Tuyên bố EAS về tăng cường hợp tác biển khu vực” tại EAS lần thứ 10 tại Malaysia ngày 22/11/2015. Theo đó, các bên đã thống nhất đưa ra 5 nhóm ưu tiên hợp tác biển, trong đó có 2 nhóm ưu tiên hợp tác trực tiếp về bảo vệ môi trường biển, bao gồm nhóm ưu tiên tăng cường hợp tác phát triển kinh tế biển bền vững và nhóm ưu tiên tăng cường hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu về các vấn đề biển.
Trên tinh thần của Tuyên bố EAS về tăng cường hợp tác biển khu vực 2015, tại Hội nghị EAS lần thứ 12 các quốc gia tham dự đã thông qua trên nguyên tắc việc bổ sung “hợp tác biển” thành lĩnh vực ưu tiên mới của EAS với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành viên EAS trong chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển (như vấn đề cướp biển, cướp có vũ trang, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm biển, tại nạn hàng hải…) thông qua các cơ chế do Asean dẫn dắt như AMF, EAMF, ARF, ADMM và ADMM+.
Trong khuôn khổ của ADMM+, ngay từ năm đầu thành lập 2010, cơ chế này đã nhận thức tầm quan trọng của cơ chế trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thảm hoạ và diễn tập y tế quân sự hướng tới xây dựng năng lực khu vực trong việc giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có mội trường biển, đặc biệt là trong quản lý thảm học. Vào năm 2011 tại cuộc họp của các nước ADMM+ đã thống nhất thành lập 6 nhóm công tác chuyên gia, trong đó có nhóm về an ninh biển nói chung và đến Hội nghị lần thứ tư, Kế hoạch công tác giai đoạn 2017 -2020 của nhóm công tác chuyên gia về an ninh biển đã được ban hành trong Tuyên bố Chủ tịch ADMM+ lần 4 năm 2017. Hợp tác bảo vệ môi trường biển là một nội dung quan trọng của tiến trình ADMM+. Tuy nhiên, do đặc thù của cơ chế này, các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có môi trường biển được thảo luận từ góc độ an ninh biển nói chung.
2.2. Thực tiễn cơ chế hợp tác giữa các quốc gia trong bảo vệ môi trường ở biển Đông:
Như học viên đã trình bày ở trên, các cơ chế hợp tác ở cấp độ khu vực bao gồm Đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á – PEMSEA, Nhóm công tác Asean về môi trường bờ biển và biển – AWGCME, Trung tâm Asean về đang dạng sinh học – ACB, Diễn đàn tham vấn nghề cá Asean – AFCF… Ngoài ra còn có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông – DOC cũng là cơ chế quan trọng trong hợp tác bảo vệ môi trường biển.
Vào năm 2003, PEMSEA đã ban hành chiến lược phát triển bền vững các vùng biển ở Đông Á (SDS-SEA). Đến năm 2007, Hội đồng Thuận lợi hoá môi trường toàn cầu đã thống nhất thực hiện giai đoạn 1 dự án 10 năm (2007-2017) thực hiện SDS SEA. Hiện nay, PEMSEA đang thực hiện Kế hoạch SDS-SEA IP 2018-2022 với ba chương trình quản lý ưu tiên và 3 chương trình quản trị về đa dạng sinh học, giảm thiểu rủi ro, giảm ô nhiễm, quản trị đại dương, quản trị tri thức và đầu tư kinh tế biển xanh.
Nhóm công tác Asean về môi trường biển và bờ biển AWGCME. Đây là diễn đàn tăng cường sự phối hợp giữa các sáng kiến của Asean và các sáng kiến liên quan đến biển của khu vực nhằm đảm bảo sự tiếp cận có sự phối hợp cao trong việc bảo tồn và quản lý bền vững môi trường biển và bờ biển. Trong thời gian qua, Asean đã phối hợp với các đối tác triển khai nhiều dự án bảo vệ môi trường biển. Dự án hợp tác môi trường Asean – Hàn Quốc đã thực hiện đến gian đoạn khôi phục các hệ sinh thái trên cạn và ngập mặn bị suy thoái và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực Asean.
Tháng 5/2016, Tổ chức hợp tác môi trường biển Hàn Quốc KOEM đã tổ chức khoá đào tạo Asean-Hàn Quốc cho những người ứng phó đầu tiên (cấp độ 1) và người giám sát hiện trường (cấp độ 2) về ứng phó với các sự cố tràn dầu… Thông qua bộ tiêu chuẩn chất lượng nước biển Asean vào năm 2002 với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Australia, Asean đã xuất bản bộ tiêu chuẩn chất lượng nước biển. Tại hội nghị Bộ trưởng Asean lần thứ 11 về môi trường ngày 29/10/2009 Asean đã ban hành Cơ chế Asean về tăng cường giám sát chống lại việc xả thải bất hợp pháp và xả thải từ các tàu chở dầu trên biển.
Trung tâm Asean về đa dạng sinh học ACB-2005 là một cơ chế quan trọng của Asean trong việc ứng phó với nguy cơ biến mất đa dạng sinh học. Đây là tổ chức liên chính phủ có chức năng hợp tác và phối hợp giữa các nước thành viên Asean, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn đa dạng sinh học, chia sẻ công bằng nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên. ACB đã và đang thực hiện nhiều dự án về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học của Asean với sự hợp tác của các đối tác trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc….
Cùng với đó là Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông 2002 (DOC) thông qua ngày 04/10/2002 tại Phnom Phenh – Campuchia cũng là cơ chế có tầm quan trọng về bảo vệ môi trường biển bởi nó liên quan đến cách hành xử của các bên liên quan, đặc biệt là giữa ASEAN và Trung Quốc ở biển Đông, trong đó có vấn đề môi trường biển. Tuyên bố thể hiện sự thống nhất của các bên rằng trong quá trình chờ giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên quan tâm thực hiện các nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin trên 10 lĩnh vực cụ thể, trong đó có nội dung bảo vệ môi trường biển.
Hiện nay, đứng trước tình hình dịch bệnh Covid đang lan rộng trên thế giới với mức độ nguy hiểm ngày càng cao và đối với các quốc gia trong khu vực cũng không phải ngoại lệ. Tính tới ngày 05/10/2021, tổng số ca tử vong tăng lên trên 265.400 người. Các quốc gia trong khu vực áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Kết quả phần nào mà con người dễ nhận thấy là lượng ô nhiễm không khí đã giảm đi một phần do các phương tiện bị hạn chế lưu thông. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rác thải nhựa lại là vấn đề lớn. Việc phải sử dụng nhiều túi nilon, hộp nhựa đựng đồ, rác thải y tế… đã khiến cho số lượng rác thải nhựa gia tăng khiến ô nhiễm môi trường trong đó có ô nhiễm môi trường biển trong khu vực biển Đông không những giảm mà còn gia tăng.