Luật cơ bản Chính sách Biển của Nhật Bản được ban hành năm 2007 cùng với việc Nhật Bản tham gia rất tích cực trong việc hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển
Nhật Bản có đường bờ biển dài với hàng nghìn hòn đảo, vấn đề sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của Chiến lược biển quốc gia. Ngay từ năm 1945, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Kế hoạch phát triển tổng thể lần thứ nhất với vác vùng công nghiệp trọng điểm tập trung ở các vùng bờ biển. Tháng 4/2007, Nhật Bản cũng đã xây dựng và hoàn thiện các chính sách và kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước về biển, ban hành Luật Cơ bản về chính sách Biển, quy định Kế hoạch cơ bản về chính sách biển được rà soát 5 năm 1 lần theo thực trạng biển (Kế hoạch cơ bản về chính sách biển lần đầu được thông qua năm 2008).
Luật cơ bản về Chính sách Biển gồm 38 điều, được kết cấu làm 04 chương và 02 điều khoản bổ sung về ngày có hiệu lực và yêu cầu đánh giá việc thực thi. Luật này quy định các nguyên tắc cơ bản, trách nhiệm của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và công dân; việc xây dựng kế hoạch cơ bản liên quan đến các đại dương và các vấn đề cơ bản khác liên quan đến các biện pháp thực thi; thiết lập Cơ quan chỉ đạo thực hiện chính sách đại dương nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội, đời sống của công dân, thúc đẩy sự hòa hợp giữa đại dương và con người, giữa phát triển tích cực, hòa bình với sử dụng biển một cách bền vững trên cơ sở UNCLOS và các điều ước quốc tế khác có liên quan.
Luật cơ bản Chính sách Biển của Nhật Bản được ban hành năm 2007 nói trên tập trung vào các nội dung: (1) xác định trách nhiệm của chính quyền các cấp, của các địa phương, doanh nghiệp và người dân đối với những vấn đề liên quan đến biển; (2) đưa ra các nguyên tắc, quy định trong việc xử lý mối quan hệ giữa phát triển, sử dụng tài nguyên biển với bảo tồn, bảo vệ môi trường biển; (3) bảo đảm an ninh, an toàn trên biển; (4) thúc đẩy nghiên cứu khoa học về biển; (5) phát triển các ngành công nghiệp biển; (6) quản trị toàn diện, tổng hợp biển; (7) hợp tác quốc tế về biển…
Việc ban hành Luật cơ bản về chính sách Biển được thúc đẩy bởi một loạt các vấn đề liên quan đến biển đang ngày trở nên cấp bách vào thời điểm đó. Ví dụ như biển ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực phẩm, tài nguyên và năng lượng, vận chuyển hàng hoá và duy trì môi trường sống. Các vấn đề khác bao gồm ô nhiễm môi trường biển, suy giảm nguồn lợi thuỷ sản… Luật cơ bản về chính sách biển đã vạch ra các nguyên tắc chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến đại dương và đặt ra nền tảng cho chính sách biển, bao gồm cả việc xây dựng kế hoạch cơ bản về biển [80]. Bên cạnh đó, Luật cơ bản về chính sách biển đã đặt ra mục tiêu đưa nước Nhật “trở thành nước đại dương mới” với định hướng phát huy biển làm giàu cho đất nước, trẻ em được thừa hưởng biển giàu có, thử thách với biển còn chưa được khai phá, tăng cường khoa học công nghệ để hiểu về biển, đi tiên phong và gắn với hòa bình, xây dựng nguyên tắc chung về biển; để biển gần hơn với con người, đào tạo con người để giữ biển.
Để đạt được điều này, Chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy ứng dụng công nghiệp biển; phát triển tri thức khoa học công nghệ; thúc đẩy chính sách quốc tế; đào tạo nhân lực về biển và tăng cường nhận thức cho người dân; liên kết, hợp tác quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất là duy trì và bảo vệ môi trường biển bằng chính sách thực hiện bảo vệ môi trường biển trên cơ sở khuôn khổ pháp luật quốc tế về mục tiêu phát triển biền vững SDGs (xác lập khu vực bảo tồn biển thích hợp, giảm thiểu rác thải ra biển, bảo vệ dải san hô); quản lý một cách toàn diện khu vực ven biển, duy trì năng suất cao và tính đa dạng sinh học [81].
Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành 3 kế hoạch cơ bản thực hiện chính sách đại dương. Kế hoạch cơ bản lần 1 vào tháng 3 năm 2008; lần 2 vào tháng 4 năm 2013; lần 3 vào tháng 5 năm 2018.
Một trong các biện pháp, giải pháp chính để thực hiện kế hoạch lần 3 là duy trì và bảo tồn môi trường biển, trong đó sử dụng các khuôn khổ quốc tế như SDGs và tăng cường hợp tác quốc tế theo hướng thượng tôn pháp luật và dựa trên nghiên cứu khoa học trong bảo vệ môi trường biển nhằm hiện thực hóa lợi ích quốc gia.
Về hợp tác quốc tế, ngay từ Điều 1 mục đích của đạo luật cơ bản của Nhật Bản đã nêu “điều quan trọng là phải hiện thực hóa một Nhà nước đại dương mới trong việc hài hòa giữa phát triển và sử dụng đại dương một cách hòa bình và tích cực với việc bảo tồn môi trường biển, dưới sự hợp tác quốc tế, khi Nhà nước ta được bao bọc bởi các đại dương, dựa trên Công tước của Liên hợp quốc về Luật Biển và các hiệp định quốc tế khác cũng như các nỗ lực quốc tế về thực hiện bền vững phát triển và sử dụng các đại dương”.
Đảm bảo điều phối quốc tế và thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển được quy định tại Điều 27 của Luật cơ bản của Nhật Bản:
“Quốc gia sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự phối hợp quốc tế liên quan đến đại dương, bao gồm cả việc chủ quan tham gia vào việc hình thành các hiệp định quốc tế và các biện pháp khác liên quan đến đại dương cũng như việc thực hiện các hiệp định khác. Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết, liên quan đến đại dương, thúc đẩy tập đoàn quốc tế liên quan đến tài nguyên đại dương, môi trường biển, Khảo sát Đại dương, Khoa học và Công nghệ Đại dương, kiểm soát tội phạm trên biển, Phòng chống thiên tai, cứu hộ hàng hải và các hoạt động khác, để hoàn thành vai trò tích cực trong xã hội quốc tế”.
Dựa trên các quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường biển Nhật Bản đã tích cực tham gia vào các tổ chức liên chính phủ bao gồm song phương, đa phương, tiểu khu vực, khu vực và toàn cầu. Ngoài việc đóng góp tích cực vào việc thiết lập mạng lưới bảo vệ đại dương nói chung, bảo vệ môi trường biển trong khu vực nói riêng, dựa trên sự hợp tác và điều phối quốc tế, Nhật Bản đã thu thập thêm nhiều kiến thức khoa học qua việc trao đổi và sử dụng kiến thức đó để thực hiện các chính sách hợp lý thông qua các Tổ chức bảo vệ môi trường biển quốc tế và khu vực mà Nhật Bản là thành viên như UNEP, PEMSEA, NOWPAP, GEF, IMO… Trong đó nổi bật như:
– Kế hoạch Hành động Bảo vệ, Quản lý và Phát triển Môi trường Biển và Bờ biển của Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (NOWPAP) do bốn nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên bang Nga khởi xướng năm 1994, với mục đích sử dụng, phát triển và quản lý một cách khôn ngoan môi trường biển và ven biển để đạt được lợi ích lâu dài nhất cho các cộng đồng con người trong khu vực, đồng thời bảo vệ sức khỏe con người, toàn vẹn sinh thái và sự bền vững của khu vực cho các thế hệ tương lai. Đây là một phần của Chương trình Vùng biển của Chương trình Môi trường Liên | hợp quốc (UNEP). NOWPAP làm việc thông qua bốn Trung tâm Hoạt động Khu vực (RAC), mỗi Trung tâm đặt tại một quốc gia Thành viên và được điều phối bởi Đơn vị Điều phối Khu vực (RCU), các hoạt động của NOWPAP đang tập trung vào bốn lĩnh vực cốt lõi nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái ngày càng tăng của môi trường biển và ven biển tại một trong những khu vực bị tác động nhiều nhất bởi các hoạt động của con người và biến đổi tự nhiên:
(1) Hỗ trợ quản lý tổng hợp lưu vực sông và ven biển dựa trên hệ sinh thái
(2) Đánh giá hiện trạng môi trường biển và ven biển
(3) Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm trên đất liền và trên biển
(4) Bảo tồn đa dạng sinh học biển và ven biển
Trong đó một trong những mục tiêu trung hạn trong giai đoạn 2018-2023 của NOWPAP là Tăng cường và hiệu quả hợp tác khu vực trong quản lý bền vững môi trường biển và ven biển.
– Hợp tác ba bên trong lĩnh vực môi trường giữa Nhật Bản cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc ở khu vực Đông Bắc Á. Hội nghị Bộ trưởng ba bến (TEMM) lần đầu tiên tổ chức vào tháng 1 năm 1999, là cơ chế hợp tác môi trường cấp cao nhất ở Đông Bắc Á. Kể từ khi TEMM1 tổ chức lần đầu tại Seoul, Hàn Quốc, hợp tác môi trường của ba nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc thiết lập mục tiêu và chương trình nghị sự, phát triển và thực thi. TEMM đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác môi trường khu vực và phát triển bền vững và đang trở thành định hướng kết quả quan trọng nhất cơ chế hợp tác môi trường khu vực Đông Bắc Á. bảo vệ môi trường biển là một trong nội dung hoạt động chính của TEMM cụ thể: Ba nước hỗ trợ hợp tác bảo vệ môi trường biển trong khuôn khổ TEMM và NOWPAP. Hội thảo chung TEMM-NOWPAP về xả rác biển đã được tổ chức mỗi năm một lần kể từ năm 2015 và cuộc họp đầu mối về xả rác biển đã được tổ chức hàng năm. Trong Hội thảo chung, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về các nghiên cứu hiện tại và tương lai của mỗi quốc gia về rác biển bao gồm vi nhựa, đồng thời nhận thấy tầm quan trọng của việc tiến bộ hơn nữa trong các nghiên cứu bao gồm hài hòa các phương pháp giám sát về vi nhựa. Ba nước đã chia sẻ tiến độ và kế hoạch hàng năm của mỗi nước về các hoạt động chính sách và hoạt động nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy sự hài hòa của phương pháp giám sát vi nhựa trong cuộc họp đầu mối.
Các đại dương được điều chỉnh bởi các quy tắc quốc tế từ lâu đã được nhiều quốc gia trên thế giới tranh luận, thống nhất và hành động, trong đó nổi bật nhất là UNCLOS mà Nhật Bản là thành viên. Điểm mấu chốt đầu tiên là các quốc gia phải tuân thủ đầy đủ các quy tắc này, và thiết lập quyền tài phán trên biển. Duy trì và củng cố trật tự trên biển thông qua hợp tác quốc tế, một cách tự do và cởi mở phù hợp với các quy tắc này, sẽ cho phép thiết lập một cộng đồng quốc tế hòa bình và ổn định hơn. Ngoài UNCLOS, Nhật Bản đã tham gia ký kết nhiều hiệp ước môi trường biển khác như Công ước London năm 1972, Nghị định thư London năm 1996, MARPOL 73/78, Nghị định thư năm 1997, Công ước quốc tế về chuẩn bị ứng phó và hợp tác ô nhiễm dầu OPRC năm 1990, Nghị định thư tiếp theo về chuẩn bị ứng phó và hợp tác hoạt động đối phó với các sự cố ô nhiễm bởi các chất độc hại và nguy hiểm năm 2000 (OPRC-HNS Protocol)…qua đó thể hiện rõ chính sách, pháp luật của Nhật Bản trong việc bảo vệ môi trường biển cùng cộng đồng quốc tế.