Cơ quan, tổ chức nào được giao quản lý, sử dụng tài sản công? Quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công? Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công?
Hiện nay có thể nói công tác quản lý, sử dụng tài sản công đang rất được sự quan tâm của Đảng và nhà nước để làm sao vừa có thể quản lý hiệu quả tài sản công và hạn chế những bất cập liên quan tới tài sản công của Nhà nước. Pháp luật quy định cụ thể về các cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản công theo đó nên các cơ quan này phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đúng quy định.
Tổng đài Luật sư
Mục lục bài viết
1. Cơ quan, tổ chức nào được giao quản lý, sử dụng tài sản công?
Căn cứ theo quy định tại điều 21. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công Luật quản lý sử dụng tài sản công quy định cụ thể như sau:
1. Cơ quan nhà nước.
2. Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.
5. Tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.
Như vậy ta thấy ở đây pháp luật quy định cụ thể có 05 cơ quan và đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công và theo quy định này thì các cơ quan này phải chịu trách nhiệm quản lý cũng như về thiệt hại nếu xảy ra do quản lý hoặc các vấn đề liên quan tới vi phạm quản lý tài sản công.
Như đã biết thì tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm có các loại tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… có thể thấy phạm vi quản lý của các cơ quan này cũng khá rộng vì các loại tài sản hiện nay cũng khá nhiều loại khác nhau nên các cư quan quản lý tài sản công cần phải thực hiện đúng phạm vi và trách nhiệm của mình đối với việc quản lý và sử dụng tài sản công tránh gây lãng phí và thiệt hại tài sản công.
2. Quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công:
Căn cứ theo quy định tai Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công Luật quản lý tài sản công 2017 quy định cụ thể như sau:
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các quyền sau đây:
a) Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao;
b) Giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công được giao quản lý, sử dụng;
c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
d) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các nghĩa vụ sau đây:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao;
b) Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao;
d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật;
đ) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy căn cứ theo quy định này ta thấy pháp luật đã đưa ra những quyền và nghĩa vụ mà các cơ quan và tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công phải thực hiện theo đó nên người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương là người lãnh đạo, quản lý, chịu trách nhiệm cao nhất của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương đó. Theo quy định này cũng cho thấy được thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu gắn liền với nhau bởi thực tế thì với việc quản lý thì không thể có quyền mà không chịu trách nhiệm, cũng không thể đòi hỏi trách nhiệm mà không giao quyền tương ứng.
Vậy nên cần có những quy định rõ ràng hơn và cụ thể khi đưa ra trách nhiệm cũng như vai trò, và thực thi trong phạm vi quyền hạn của người đứng đầu, từ đó có cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm khi có khuyết điểm hoặc sai phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với việc giao quản lý và sử dụng tài sản công.
Trong tình hình nhiệm vụ hiện nay, để có thể quản lý tài sản công được tốt hơn thì Đảng và Nhà nước cần đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.
Theo đó để có những thành công và kết quả thực hiện tốt hơn thì việc đổi mới quản lý, sử dụng tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc cung cấp các dịch vụ cơ bản và thiết yếu cho xã hội ngày càng tốt hơn.
Căn cứ theo các quy định nêu trên ta thấy hiện nay công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã dần đi vào nề nếp. Phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập đã ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó phân định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong từng khâu, từng việc từ đầu tư xây dựng, mua sắm, bảo quản, bảo vệ, sửa chữa, bảo dưỡng đến xử lý tài sản. Việc sử dụng tài sản công sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức đã từng bước được khắc phục.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công:
Một là, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó cần tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc:
+ Pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu).
+ Giải pháp cũng rất cần thiết đó chính là tiến hành cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.
+ Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.
Hai là, chúng ta cần tăng quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập trong sử dụng tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực trong cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện sử dụng các thế mạnh về tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực để cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó đề ra các quy định phân cấp quản lý tài sản công cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp xử lý tài sản công ở đơn vị, địa phương mình.
Ba là, thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu về tài sản công trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục – đào tạo để bảo đảm hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công tại đơn vị và tình hình sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo chuẩn quốc tế.
Bốn là, tại các đơn vị sự nghiệp công lập cần có kế hoạch xây dựng danh mục cụ thể tài sản công thuộc phạm vi quản lý được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật; tránh sử dụng tài sản công sai mục đích. Không những vậy đối với các đơn vị ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công phải phù hợp, khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc phân quyền, bất kiêm nhiệm, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, bộ phận tham gia quy trình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản.
Năm là, thực hiện cần có kế hạch để công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết một cách thường xuyê và tiến hành tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc công khai, minh bạch tình hình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành.