Các chính sách liên quan tới tài sản công là một trong các chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị của các nguồn lực của quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Vậy thực trạng quản lý tài sản công ở Việt Nam? Giải pháp thực hiện quản lý tài sản công ở Việt Nam là gì?
Mục lục bài viết
1. Kết quả quản lý tài sản công ở Việt Nam:
Một là: Hiện nay đối với việc quản lý tài sản công đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ để thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có những tiến triển rất hợp lý và hiệu quả hơn khi xác định được đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đồng bộ gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý tài sản công, thiết lập cơ chế thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán đối với tài sản công, nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước nắm chắc, nắm đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản công…
Hai là: với những thành tựu đó đã tạo ra cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Vậy nên ta thấy vấn đề về phân cấp quản lý tài sản công được thực hiện xuyên suốt từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đến nay theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản. Việc phân định thẩm quyền quyết định cụ thể trong nội bộ Bộ, ngành, địa phương do Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân và UBND cấp tỉnh quyết định. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quyết định các nội dung liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Ba là: Công tác quản lý, sử dụng tài sản công từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện; nhận thức và thực tiễn thực hiện có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Bốn là: Bên cạnh các điểm đã đạt được như trên thì vấn đề tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng là một nội dung đang có sự phát triển với tổng số thu từ nhà, đất hàng năm chiếm khoảng 12% tổng thu ngân sách nhà nước điều này góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của Nhà nước, đặc biệt là đảm bảo cân đối ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, thông qua các nguồn thu từ khai thác, xử lý tài sản công, nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất.
2. Những hạn chế, tồn tại khi quản lý tài sản công:
Bên cạnh những thành tích và kết quả đã đạt được trong công tác quản lý tài sản công thì hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn chưa đầy đủ. Theo đó có số loại tài sản hoặc lĩnh vực còn thiếu các văn bản để điều chỉnh làm cơ sở tổ chức thực hiện như các văn bản quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng như đối với hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng kỹ thuật… Một số nội dung về khai thác tài sản công để lắp đặt máy ATM, trạm thu phát tín hiệu BTS, đặt tấm pin năng lượng mặt trời… chưa được quy định cụ thể.
Không những vậy còn có những hạn chế trong cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn có điểm chưa hợp lý như dồn nhiều thẩm quyền cho cơ quan quản lý cấp trên cụ thể như việc bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thu hồi nhà, đất của các cơ quan trung ương đang được dồn lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính… Hay có một số nội dung cũng chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm do có một số nội dung còn phải xin ý kiến thỏa thuận hoặc thẩm định của các cơ quan như việc sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết; việc mua sắm tài sản công tại một số bộ, địa phương…, từ các hạn chế này sẽ dẫn tới thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh đó thì việc quản lý, sử dụng tài sản công tuy đã có những kết quả và thành tích đạt được rất tích cực, bên cạnh đó cũng không thể tránh được những khiếm khuyết như là Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị không ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công để tổ chức thực hiện, dẫn đến không xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bộ phận, cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với tài sản được giao quản lý và tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, xe ô tô chậm cả ở khâu lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện phương án, có rất nhiều trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa lập Đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến độ kiểm kê, phân loại, giao tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi cho đối tượng quản lý không hoàn thành theo đúng tiến độ quy định…
Một điểm hạn chế rất quan trọng nữa cần xem xét đó chính là với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, đầy đủ, kịp thời, trong thời gian gần đây công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công từng bước được chú trọng, tuy nhiên chưa được quan tâm một cách đúng mức và thường xuyên liên tục nên việc phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công còn hạn chế, xảy ra một số các vi phạm kéo dài dẫn đến việc khắc phục và xử lý các hậu quả rất khó khăn, phức tạp.
Cuối cùng là thực trạng về hạn chế trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công hiện hành chưa bao quát, tổng hợp đầy đủ các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (còn thiếu thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản công tại doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên). Kỷ luật trong việc đăng nhập, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu còn chưa nghiêm.
3. Giải pháp quản lý tài sản công ở Việt Nam:
Thứ nhất, cần tiến hành các giải pháp để hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công:
Đối với nội dung này theo chúng tôi thì cần phải tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng như đối với cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng y tế, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch, hạ tầng văn hóa…
Trong đó, Bộ Tài chính xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng cấp nước sạch; các Bộ: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các văn bản quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác các tài sản hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của các Bộ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành về khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan; trên cơ sở đó, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định việc khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan theo thẩm quyền.
Không những vậy cần phải tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành để kiến nghị tiếp tục hoàn thiện.
Thứ hai, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát:
Cụ thể công tác quản lý và giám sát với mục đích để xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Xây dựng cơ chế vận hành Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.