Bảo hiểm liên kết chung là gì? Đặc điểm của bảo hiểm liên kết chung? Quyền lợi của bảo hiểm liên kết chung? Phân biệt Bảo hiểm liên kết chung với bảo hiểm liên kết đơn vị?
Rủi ro đến là điều khó ai có thể kiểm soát được nhưng chúng ta có thể giảm bớt rủi ro bằng cách chuyển giao rủi ro. Bảo hiểm – chuyển giao rủi ro có nhiều loại mà dựa vào tính chất cũng như nguồn lợi của nó mang lại để chúng ta có thể lựa chọn loại hình phù hợp. Khác với bảo hiểm trước kia, ngoài việc bảo vệ khách hàng, bảo hiểm liên kết chung còn giúp khách hàng tiết kiệm và đầu tư an toàn. Vậy Bảo hiểm liên kết chung là gì? Bảo hiểm liên kết chung khác gì so với bảo hiểm liên kết đơn vị?
Căn cứ pháp lý
– Thông tư 135/2012/TT-BTC hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị;
–
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm liên kết chung là gì?
– Bảo hiểm liên kết chung là một trong những loại hình của bảo hiểm nhân thọ. Với loại hình này thì phí và quyền lợi của bảo hiểm rủi ro được tách biệt với phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm mua sản phẩm này sẽ chủ động trong việc xác định phí và số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời, kết hợp đầu tư sinh lời bằng cách tách riêng một phần phí bảo hiểm để tham gia vào Quỹ liên kết chung.
Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 52/2016/TT-BTC quỹ liên kết chung là quỹ được hình thành từ nguồn phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và thuộc quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm. Tài sản của quỹ liên kết chung không phân chia mà xác định chung cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm được liên kết. Kết quả đầu tư mà khách hàng được hưởng phụ thuộc vào kết quả đầu tư của Quỹ liên kết chung. Tuy nhiên các công ty bảo hiểm cam kết mức lãi suất đầu tư tối thiểu, giúp khách hàng giảm thiểu những rủi ro đầu tư và duy trì kế hoạch tài chính ổn định.
– Bảo hiểm liên kết đơn vị là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, đồng thời có cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách biệt giữa hai phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Đồng thời, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp quyền lợi bảo hiểm rủi ro và đầu tư sinh lời bằng cách tham gia vào Quỹ liên kết đơn vị.
Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 135/2012/TT-BTC quỹ liên kết đơn vị là quỹ được hình thành từ nguồn phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị và là một phần của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm.
Phí bảo hiểm đóng thêm:
Ngoài phần phí bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể đóng thêm phí bảo hiểm để tham gia vào quỹ liên kết chung.
Toàn bộ phí bảo hiểm đóng thêm sẽ được đầu tư vào quỹ liên kết chung sau khi trừ đi một khoản phí ban đầu.
Trong mỗi năm hợp đồng, tổng số phí bảo hiểm đóng thêm không được vượt quá 5 lần mức phí bảo hiểm năm đầu đối với hợp đồng đóng phí định kỳ hoặc không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu đối với hợp đồng đóng phí một lần.
Giá trị hoàn lại:
Giá trị hoàn lại của một hợp đồng bảo hiểm liên kết chung được xác định là giá trị hợp đồng đó trong quỹ liên kết chung vào ngày huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm trừ đi phí huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm.
Điều kiện đối với doanh nghiệp triển khai bảo hiểm liên kết chung:
Hiện nay, điều kiện bán bảo hiểm liên kết chung mà doanh nghiệp bảo hiểm cần đáp ứng Theo Điều 4, Thông tư 52/2016/TT – BTC, cụ thể:
- Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 100 tỷ đồng.
- Có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để quản lý và kiểm soát quỹ liên kết chung một cách thận trọng và hiệu quả.
- Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được Bộ Tài chính phê chuẩn theo quy định.
2. Đặc điểm của bảo hiểm liên kết chung:
Đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được quy định theo Điều 2, Thông tư 52/2016/TT-BTC:
– Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
– Bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ quỹ liên kết chung của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không thấp hơn tỷ suất đầu tư tối thiểu được doanh nghiệp bảo hiểm cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.
– Doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng các khoản phí do bên mua bảo hiểm trả theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
3. Quyền lợi của bảo hiểm liên kết chung:
Quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm liên kết chung bao gồm quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi đầu tư.
– Quyền lợi bảo hiểm rủi ro:
+ Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về quyền lợi bảo hiểm rủi ro nhưng phải bảo đảm số tiền bảo hiểm tối thiểu không thấp hơn 5 lần phí bảo hiểm định kỳ năm đầu đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ hoặc không thấp hơn 125% số phí bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần.
+ Quy định về quyền lợi tối thiểu trong trường hợp tử vong không áp dụng đối với các Khoản phí bảo hiểm đóng thêm tại điều 7 Thông tư 52/2016/TT-BTC:
Một, ngoài phần phí bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể đóng thêm phí bảo hiểm để tham gia vào quỹ liên kết chung.
Hai, toàn bộ phí bảo hiểm đóng thêm sẽ được đầu tư vào quỹ liên kết chung sau khi trừ đi một Khoản phí ban đầu.
Ba, trong mỗi năm hợp đồng, tổng số phí bảo hiểm đóng thêm không được vượt quá năm (05) lần mức phí bảo hiểm năm đầu đối với hợp đồng đóng phí định kỳ hoặc không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu đối với hợp đồng đóng phí một lần.
+ Doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp sản phẩm bảo hiểm bổ trợ cho sản phẩm bảo hiểm liên kết chung. Phương thức đóng phí bảo hiểm cho các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ sẽ do các bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng.
– Quyền lợi đầu tư: Bên mua bảo hiểm được hưởng quyền lợi từ kết quả đầu tư của quỹ liên kết chung với tỷ suất đầu tư tối thiểu quy định tại hợp đồng bảo hiểm.
4. Phân biệt Bảo hiểm liên kết chung với bảo hiểm liên kết đơn vị:
Thứ nhất, về những điểm giống nhau:
Nếu nghiên cứu sâu chúng ta sẽ nhận ra cả hai loại bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị đều được tách biệt nhau về phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư, nhằm đảm bảo cho quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Đây chính là ưu điểm riêng của tưng loại bảo hiểm liên kết, hỗ trợ người tiêu dùng nhận dạng được và mang lại nhiều lợi ích thực tế.
Nếu trong quá trình tham gia bảo hiểm (còn thời hạn hợp đồng), người tham gia bị thương tật hoặc không may mắn qua đời, công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền bảo hiểm như đã được thỏa thuận trước trong hợp đồng
Thứ hai, về những điểm khác nhau:
Dưới đây là những điểm khác nhau của bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị:
– Về loại quỹ đầu tư:
+ Đối với bảo hiểm liên kết chung: quỹ đầu tư là quỹ liên kết chung.
+ Đối với bảo hiểm liên kết đơn vị: Quỹ đầu tư là quỹ liên kết đơn vị.
– Về cách hưởng quyền lợi đầu tư:
+ Đối với bảo hiểm liên kết chung:
Một, không được lựa chọn quỹ đầu tư.
Hai, hưởng toàn bộ kết quả đầu tư của Quỹ liên kết chung và không thấp hơn lãi suất cam kết được ghi nhận trên hợp đồng bảo hiểm.
+ Đối với bảo hiểm liên kết đơn vị:
Một, được tùy chọn quỹ đầu tư.
Hai, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư nhưng chịu mọi rủi ro đầu tư từ các Quỹ liên kết đơn vị đã lựa chọn.
Ba, rủi ro tương ứng với khả năng sinh lời.
– Về quy định tổng số phí bảo hiểm đóng thêm (trong mỗi năm hợp đồng):
+ Đối với bảo hiểm liên kết chung:
Một, đóng phí định kỳ: Không được vượt quá 5 lần mức phí bảo hiểm năm đầu. Ví dụ: Năm đầu đóng 5 triệu, các năm tiếp theo bạn không được đóng quá 25 triệu/ năm.
Hai, đóng phí một lần: Không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu. Ví dụ: Năm đầu đóng 50 triệu, khi đóng phí một lần bạn không được đóng quá 25 triệu.
+ Đối với bảo hiểm liên kết đơn vị:
Một, đóng phí định kỳ: Không được vượt quá 10 lần mức phí bảo hiểm năm đầu. Ví dụ: Năm đầu đóng 5 triệu, các năm tiếp theo bạn không được đóng quá 50 triệu/ năm.
Hai, đóng phí một lần: Không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu. Ví dụ: Năm đầu đóng 50 triệu, khi đóng phí một lần bạn không được đóng quá 50 triệu.
Dựa vào những phân tích trên, việc triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung hay liên kết đơn vị sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và mức độ chấp nhận rủi ro của chính khách hàng.
– Nếu chưa chắc chắn hoặc chưa đủ tự tin và muốn sở hữu phương thức đầu tư an toàn, đảm bảo có lãi suất đầu tư tối thiểu hàng tháng thì nên chọn bảo hiểm liên kết chung.
– Nếu muốn tự đầu tư, tự quyết định khả năng sinh lời và có thể dự đoán, chấp nhận tỷ lệ rủi ro của khoản đầu tư, thì nên chọn bảo hiểm liên kết đơn vị.
Trên đây là những phân tích cơ bản về bảo hiểm liên kết chung và sự khác nhau giữa bảo hiểm liên kết chung với bảo hiểm liên kết đơn vị. Dựa vào những mục đích, nhu cầu của mình để chúng ta lựa chọn loại hình bảo hiểm phù hợp.