Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá? Đóng mới, hoán cải, cho thuê, mua tàu cá tiếng Anh là gì? Thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá? Quyền và nghĩa vụ của cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá?
Nhằm tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trong bối cảnh ngành khai thác thủy sản đang triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Thủy sản 2017, các quy định có liên quan của pháp luật và thực hiện Chỉ thị số 49 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và các địa phương, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá.
Căn cứ pháp lý: Luật Thủy sản năm 2017.
Thực hiện rà soát, cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase). Hướng dẫn ngư dân thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá, đăng kiểm tàu cá. Không để tình trạng tàu cá đóng mới, cải hoán lắp đặt các loại máy kém chất lượng, máy động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa, đối với các máy tàu không rõ nguồn gốc xuất xứ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra an toàn kỹ thuật, phân cấp tàu cá.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá?
Điều 63 Luật thủy sản năm 2017 quy định, Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán;
– Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
– Có nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh;
– Có hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu.
Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá được phân loại như sau:
Cơ sở loại I: đóng mới, cải hoán tất cả các loại tàu cá theo vật liệu vỏ.
Cơ sở loại II: đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét theo vật liệu vỏ.
Cơ sở loại III: đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét theo vật liệu vỏ.
1.1. Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép
Căn cứ quy định tại Điều 51 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép phải đáp ứng điều kiện đó là:
– Có nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu theo Mục 1 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
– Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tối thiểu theo quy định tại Mục 4 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
– Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I, loại II); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại III).
1.2. Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ
Theo quy định tại Điều 52 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ phải đáp ứng điều kiện như sau:
– Có nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu theo Mục 2 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
– Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tối thiểu theo quy định tại Mục 5 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
– Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại II, loại III).
1.3. Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ vật liệu mới
Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ vật liệu mới cần đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 53 Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Cụ thể:
– Có nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu theo Mục 3 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
– Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tối thiểu theo quy định tại Mục 6 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
– Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I, loại II); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại III).
2. Đóng mới, hoán cải, cho thuê, mua tàu cá tiếng Anh là gì?
Đóng mới, hoán cải, cho thuê, mua tàu cá tiếng Anh là Building, converting, leasing, buying fishing vessels.
3. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 26/2019/NĐ-CP:
“Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản thuyết minh điều kiện cơ sở theo Mẫu số 02.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có địa điểm đóng mới, cải hoán tàu cá của cơ sở;
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở; trường hợp kiểm tra, đánh giá tại cơ sở không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục; sau khi khắc phục cơ sở có văn bản
c) Trường hợp hồ sơ và điều kiện cơ sở đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đánh giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo Mẫu số 04.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”.
4. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá
Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 65 Luật thủy sản năm 2017. Cụ thể:
“Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có quyền sau đây:
a) Đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định;
b) Thu chi phí đóng mới, cải hoán tàu cá theo thỏa thuận;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có nghĩa vụ sau đây:
a) Chỉ được đóng mới, cải hoán tàu cá thuộc diện phải có Giấy phép khai thác thủy sản khi tổ chức, cá nhân đề nghị đóng mới, cải hoán tàu cá có văn bản chấp thuận do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp;
b) Chịu sự giám sát kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm;
c) Đóng mới, cải hoán tàu cá theo đúng thiết kế được tổ chức đăng kiểm thẩm định, phê duyệt;
d) Chịu trách nhiệm về chất lượng tàu cá đóng mới, cải hoán;
đ) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về đóng mới, cải hoán tàu cá theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển cần tập trung kiểm soát chặt việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá theo quy định, đồng thời hướng dẫn ngư dân thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá. Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 49/CT-BNN-TCTS về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.
Tuy nhiên, hiện nay, đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản đang tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Có thể kể đến như: các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; nghề khai thác hải sản của ngư dân đa dạng, nhiều nghề với thời gian bám biển sản xuất dài ngày nhưng chất lượng tàu cá còn chưa cao, ảnh hưởng đến an toàn sản xuất trên biển. Đồng thời, công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu cá và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển vẫn còn một số bất cập, hạn chế.
Cụ thể, về công tác quản lý tàu cá, tiếp tục kiểm soát chặt việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của địa phương và hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi do Bộ NN&PTNT xác định, giao cho các địa phương.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hướng dẫn ngư dân thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá, chỉ đạo cơ sở đăng kiểm tàu cá thực hiện nghiêm túc việc đăng kiểm, phân cấp và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá theo đúng quy định. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.
Về công tác quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các công trình này và ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, cần chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động trên biển, đặc biệt là đối với các tàu cá vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép, không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Đồng thời, tổ chức trực ban 24/7 để theo dõi giám sát tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời cung cấp thông tin và cảnh báo cho tàu cá về tình hình thời tiết trên biển. Hướng dẫn ngư dân tránh trú bão đảm bảo an toàn và kết nối với các cơ quan chức năng có liên quan khác để hỗ trợ ngư dân trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển khi cần thiết.