Yêu cầu tất yếu trong xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, bảo đảm khả năng huy động tạo thành sức mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu rõ hơn về tiềm lực quốc phòng là gì? Xây dựng tiềm lực quốc phòng?
Mục lục bài viết
1. Quốc phòng là gì? Tiềm lực quốc phòng là gì?
Theo Khoản 1, 2 Điều 2 Luật Quốc phòng 2018 thì khái niệm quốc phòng, tiềm lực quốc phòng được quy định cụ thể như sau:
Quốc phòng được hiểu là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Hoạt động quốc phòng phải thực hiện theo các nguyên tắc sau:
– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.
– Củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
– Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.
– Kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng.
– Kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại.
Quốc phòng an ninh chính là hai yếu tố cần phải được xây dựng một cách ổn định, vững chắc. Khi chúng ta kết hợp giữa an ninh cùng với quốc phòng, dường như đã là sự hiển nhiên, rất khách quan và nó giúp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước được hoàn thiện hơn. Mặc dù là hai phạm trù phát triển độc lập những lại cùng có mục tiêu chung, cùng nhau hỗ trợ và thúc đẩy nhau, nhằm mang lại cuộc sống bình yên, hòa bình và văn minh cho người dân.
2. Tiềm lực quốc phòng tiếng Anh là gì?
Tiềm lực quốc phòng tiếng Anh là: Defense potential.
3. Xây dựng tiềm lực quốc phòng:
Tiềm lực quốc phòng bao gồm: tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học và công nghệ và tiềm lực quân sự. Việc xây dựng tiềm lực quốc phòng chính là xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học và công nghệ và tiềm lực quân sự. Cụ thể:
– Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần:
Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần được hiểu chính là thành tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, chứa đựng trong tố chất con người, trong truyền thống lịch sử – văn hoá dân tộc và trong hệ thống chính trị. Đây là khả năng tiềm tàng về chính trị tinh thần có thể huy động nhằm tạo ra sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tiềm lực này biểu hiện ở nhận thức, ý chí, niềm tin, tâm lý, tình cảm của nhân dân và lực lượng vũ trang trước nhiệm vụ quốc phòng của đất nước.
– Xây dựng tiềm lực kinh tế:
Xây dựng tiềm lực kinh tế được hiểu là khả năng tiềm tàng về kinh tế (bao gồm cả kinh tế quân sự) có thể huy động để phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở vật chất của các tiềm lực khác, thể hiện ở khối lượng, năng xuất, chất lượng, hiệu quả của nền sản xuất xã hội, ở nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, nguồn dự trữ tài nguyên, chất lượng, trình độ lực lượng lao động…
Trong lĩnh vực quốc phòng, tiềm lực kinh tế được biểu hiện ở các mặt chủ yếu như khối lượng nhân lực, vật lực, tài lực của nền kinh tế có thể động viên cho việc xử lý các tình huống trong cả thời bình và thời chiến. Tiềm lực kinh tế còn thể hiện ở tính cơ động và sức sống của nền kinh tế, khả năng bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thử thách ác liệt của chiến tranh.
Xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân của đất nước sẽ được thực hiện thông qua kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh bảo vệ Tổ quốc; phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) theo quy hoạch, kế hoạch đã xác định; xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng, quốc phòng – kinh tế tại các hướng chiến lược trọng điểm.
Xây dựng tiềm lực kinh tế để phục vụ quốc phòng là đầu tư thích đáng cho công nghiệp quốc phòng. Nền công nghiệp quốc phòng phải thực sự là bộ phận công nghiệp quốc gia do Bộ Quốc phòng quản lý.
– Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ:
Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ được hiểu là khả năng tiềm tàng về khoa học và công nghệ (cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ…) có thể huy động nhằm mục đích để có thểgiải quyết những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của xã hội và xử lý các tình huống quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Tiềm lực khoa học và công nghệ là thành tố có vai trò ngày càng quan trọng trong tiềm lực quốc phòng.
Tiềm lực đó được biểu hiện ở trình độ và khả năng phát triển khoa học; số lượng và chất lượng các nhà khoa học; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực quốc phòng. Tiềm lực khoa học và công nghệ tác động trực tiếp đến sự phát triển của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang, công tác chỉ huy và quản lý bộ đội…
Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của nền quốc phòng toàn dân gắn bó chặt chẽ với sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Nhà nước Việt Nam coi đầu tư phát triển khoa học – công nghệ là nền tảng và động lực phát triển kinh tế – xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm nền tảng vững chắc cho tiềm lực khoa học và công nghệ của nền quốc phòng toàn dân…
Trong những năm qua, khoa học – kỹ thuật và nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng được quan tâm phát triển, tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và chiến thuật để đối phó có hiệu quả với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao.
– Xây dựng tiềm lực quân sự:
Xây dựng tiềm lực quân sự được hiểu là khả năng về vật chất và tinh thần có thể huy động để tạo thành sức mạnh phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong cả thời bình và thời chiến. Tiềm lực quân sự cũng chính là nòng cốt của tiềm lực quốc phòng, được xây dựng trên nền tảng của tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế và tiềm lực khoa học và công nghệ. Tiềm lực quân sự không chỉ thể hiện ở khả năng duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển sức mạnh chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang mà còn biểu hiện ở nguồn dự trữ về sức người, sức của phục vụ cho nhiệm vụ quân sự.
Nhà nước Việt Nam xây dựng tiềm lực quân sự theo kế hoạch chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Năng lực chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang thể hiện ở tổ chức, biên chế, trang bị, cơ sở bảo đảm hậu cần, nghệ thuật quân sự và khoa học – kỹ thuật thường xuyên được quan tâm duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển, đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Tiềm lực quân sự bao gồm cả hai yếu tố cơ bản là con người và vũ khí, trang bị trong đó ta nhận thấy yếu tố con người là yếu tố quyết định. Việt Nam có tiềm lực quân sự mạnh một phần nhờ nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Nhà nước Việt Nam quan tâm xây dựng đội ngũ sĩ quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các thanh niên sau khi phục vụ quân đội sẽ là lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng động viên bổ sung cho lực lượng thường trực khi cần.
Tiềm lực quân sự còn thể hiện ở khả năng động viên công nghiệp, nông nghiệp, khoa học – kỹ thuật, giao thông vận tải và các ngành dịch vụ công cộng khác để đáp ứng yêu cầu quốc phòng. Xây dựng tiềm lực quân sự được gắn chặt với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá tư tưởng… là cơ sở để từ đó sẽ có thể xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự.
Nhà nước Việt Nam chủ trương gắn việc xây dựng tiềm lực quân sự với việc xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học và công nghệ.