Chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ? Kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ?
Trong những năm gần đây, trong quá trình phát triển đất nước, công tác đo đạc và bản đồ có vai trò quan trọng. Công tác này phục vụ cho các ngành, các cấp trong phát triển kinh tế – xã hội, quản lý lãnh thổ, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoạt động của công tác đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản nhằm mục đích chính đó là có thể bảo đảm thông tin, số liệu đo đạc mặt đất, cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Với vai trò quan trọng như vậy thì việc kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ cũng có ý nghĩa to lớn.
Mục lục bài viết
1. Chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ:
Khoản 1 Điều 34 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 quy định việc quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Khoản 2 Điều 34 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 cũng quy định việc kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ trong sản xuất được thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đo đạc và bản đồ và thiết kế kỹ thuật được phê duyệt.
Sản phẩm đo đạc và bản đồ sản xuất trong nước, nhập khẩu lưu thông trên thị trường phải bảo đảm chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật.
Đo đạc được hiểu là việc thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu để xác định vị trí, hình dạng, kích thước và thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý.
Bản đồ được hiểu là mô hình khái quát thể hiện các đối tượng địa lý ở tỷ lệ nhất định, theo quy tắc toán học, bằng hệ thống ký hiệu quy ước, dựa trên kết quả xử lý thông tin, dữ liệu từ quá trình đo đạc.
Hoạt động đo đạc và bản đồ được hiểu là việc đo đạc các đối tượng địa lý; xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu địa lý; thành lập bản đồ, sản xuất sản phẩm đo đạc và bản đồ khác. Hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản và hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành.
2. Kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ:
Nội dung và phương pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm theo quy định tại Điều 10 Thông tư 24/2018/TT-BTNMT có nội dung sau đây:
– Về nội dung, mức kiểm tra:
Đối với sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản được quy định tại Phụ lục 1a ban hành kèm theo Thông tư 24/2018/TT-BTNMT.
Đối với sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa có quy định cụ thể về nội dung, mức kiểm tra thì thực hiện theo quy định tại Phụ lục 1b ban hành kèm theo Thông tư 24/2018/TT-BTNMT.
Trường hợp tăng, giảm nội dung, mức kiểm tra cho phù hợp với tiêu chí chất lượng phải được quy định trong đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Phương pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm cụ thể như sau:
+ Công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm có thể được thực hiện ở nội nghiệp, ngoại nghiệp hoặc cả hai tùy thuộc vào từng hạng mục sản phẩm cụ thể. Trong một số trường hợp phải thực hiện lại nội dung công việc của quá trình sản xuất để so sánh, đối chiếu, đánh giá chất lượng sản phẩm so với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và nội dung đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán đã được phê duyệt.
+ Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm được phép sử dụng thiết bị, công nghệ và các nguồn tư liệu, dữ liệu khác như: ảnh viễn thám, các loại bản đồ chuyên đề mới nhất để thực hiện đánh giá chất lượng sản phẩm. Trường hợp có mâu thuẫn phải kiểm tra tại thực địa.
+ Tùy thuộc vào quy trình công nghệ, loại hình sản phẩm, phần mềm sử dụng trong thi công, việc kiểm tra có thể được thực hiện bằng phương pháp tự động, bán tự động hoặc thủ công để đảm bảo việc đánh giá chất lượng sản phẩm được khách quan, đầy đủ, chính xác.
+ Đối với các hạng mục công việc kiểm tra mang tính xác suất, phạm vi lấy mẫu kiểm tra phải được phân bố đều trong toàn bộ phạm vi thi công.
+ Đối với các loại sản phẩm có thể thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng bằng phương pháp tổng hợp thì đơn vị thực hiện kiểm tra cấp chủ đầu tư lập phương án kiểm tra chất lượng trình chủ đầu tư phê duyệt.
– Ghi nhận kết quả kiểm tra:
+ Kết thúc quá trình kiểm tra phải tiến hành ghi nhận kết quả kiểm tra. Kết quả kiểm tra được ghi nhận bằng Phiếu ghi ý kiểm tra. Phiếu ghi ý kiến kiểm tra phải được lập riêng cho từng hạng mục theo Mẫu số 4 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 24/2018/TT-BTNMT và phải thể hiện được các căn cứ cụ thể để đánh giá, kết luận chất lượng sản phẩm. Đối với các chỉ tiêu đánh giá chất lượng thông qua phép đo thì phải có số liệu, kết quả đo cụ thể.
+ Trên cơ sở các Phiếu ghi ý kiểm tra, thực hiện tổng hợp đánh giá chất lượng cho từng hạng mục và tiến hành lập Biên bản kiểm tra chất lượng của từng hạng mục theo Mẫu số 5 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 24/2018/TT-BTNMT.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm cấp đơn vị thi công được quy định như sau:
Đơn vị thi công sử dụng tổ chức chuyên môn kỹ thuật hoặc giao trách nhiệm cho người phụ trách kỹ thuật để tự kiểm tra chất lượng đối với tất cả các hạng mục công việc, sản phẩm do mình thi công.
Trước khi tiến hành kiểm tra chất lượng, phải
Kết thúc việc kiểm tra chất lượng sản phẩm đối với từng hạng mục công việc, đơn vị thi công gửi sản phẩm đã được kiểm tra đạt chất lượng theo quy định, Phiếu ghi ý kiến kiểm tra, Biên bản kiểm tra chất lượng và công văn đề nghị kiểm tra chất lượng sản phẩm theo Mẫu số 16 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này tới đơn vị kiểm tra cấp chủ đầu tư.
Kết thúc nhiệm vụ hoặc kết thúc năm tài chính, đơn vị thi công phải lập Hồ sơ kiểm tra chất lượng thành 02 (hai) bộ, 01 (một) bộ gửi chủ đầu tư để phục vụ kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu; 01 (một) bộ lưu tại đơn vị thi công. Hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau:
– Báo cáo tổng kết kỹ thuật lập theo Mẫu số 6 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 24/2018/TT-BTNMT.
– Báo cáo kiểm tra chất lượng sản phẩm của đơn vị thi công theo Mẫu số 7 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 24/2018/TT-BTNMT.
– Biên bản kiểm tra chất lượng đối với từng hạng mục công việc, sản phẩm.
– Phiếu ghi ý kiến kiểm tra.
– Báo cáo những thay đổi về giải pháp công nghệ, khối lượng công việc, tiến độ thi công và những vấn đề khác (nếu có) so với đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán đã được phê duyệt và văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền trong thời gian thi công.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm cấp chủ đầu tư được quy định như sau:
Sau khi nhận được công văn đề nghị kiểm tra, Hồ sơ kiểm tra chất lượng của đơn vị thi công và sản phẩm kèm theo, chủ đầu tư sử dụng tổ chức chuyên môn kỹ thuật của mình hoặc thuê tổ chức có năng lực kiểm tra để thực hiện công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm cấp chủ đầu tư.
– Các bước kiểm tra bao gồm:
+ Kiểm tra tính đầy đủ, tính pháp lý, tính thống nhất, tính hợp lệ của Hồ sơ kiểm tra chất lượng cấp đơn vị thi công.
+ Phân tích, đánh giá nội dung báo cáo tổng kết kỹ thuật, báo cáo kiểm tra chất lượng sản phẩm và các biên bản kiểm tra chất lượng, phiếu ghi ý kiến kiểm tra, dữ liệu đo kiểm tra của cấp đơn vị thi công.
+ Đánh giá quy cách sản phẩm so với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và các quy định khác trong đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán đã được phê duyệt. Trường hợp chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, đơn vị thi công có trách nhiệm sửa chữa theo các ý kiến kiểm tra và gửi Báo cáo kèm theo sản phẩm đã được sửa chữa đến đơn vị kiểm tra. Đơn vị kiểm tra thực hiện kiểm tra lại sản phẩm và lập Bản xác nhận sửa chữa sản phẩm theo Mẫu số 11 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 24/2018/TT-BTNMT.
+ Xác định khối lượng của các hạng mục công việc, sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và các hạng mục công việc, sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng (nếu có).
+ Đánh giá, đề xuất xác định lại mức khó khăn các hạng mục công việc, sản phẩm đã thi công cho phù hợp quy định hiện hành và thực tế sản xuất;
+ Kết thúc nhiệm vụ hoặc kết thúc năm tài chính, đơn vị kiểm tra lập Báo cáo kiểm tra chất lượng sản phẩm theo Mẫu số 9 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp chủ đầu tư giao cho 02 (hai) đơn vị thực hiện việc giám sát và kiểm tra chất lượng sản phẩm thì lập Báo cáo kiểm tra chất lượng sản phẩm theo Mẫu số 3 và Mẫu số 8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 24/2018/TT-BTNMT.
– Kết thúc nhiệm vụ hoặc kết thúc năm tài chính đơn vị kiểm tra phải lập Hồ sơ kiểm tra chất lượng thành 02 (hai) bộ, 01 (một) bộ gửi chủ đầu tư phục vụ công tác thẩm định theo quy định tại Điều 15 của Thông tư 24/2018/TT-BTNMT, 01 (một) bộ lưu tại đơn vị kiểm tra. Hồ sơ bao gồm các loại tài liệu, giấy tờ sau:
+ Quyết định phê duyệt đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán; các văn bản giao kế hoạch, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền.
+ Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản giao nhiệm vụ, đặt hàng.
+ Báo cáo tổng kết kỹ thuật của đơn vị thi công.
+ Báo cáo kiểm tra chất lượng sản phẩm cấp chủ đầu tư.
+ Các báo cáo về khối lượng phát sinh, những vướng mắc đã giải quyết so với đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán của đơn vị thi công và văn bản giải quyết những phát sinh, giải quyết vướng mắc đó của chủ đầu tư (nếu có).
+ Báo cáo của đơn vị thi công về việc sửa chữa sản phẩm theo Mẫu số 10 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 24/2018/TT-BTNMT và văn bản xác nhận sửa chữa sản phẩm của Đơn vị kiểm tra cấp chủ đầu tư.
+ Biên bản giám sát thi công và Biên bản kiểm tra chất lượng của từng hạng mục công việc kèm theo Phiếu ghi ý kiến kiểm tra.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ có ý nghĩa quan trọng và đây thực chất chính là quá trình giám sát, xác định khối lượng thực hiện, đánh giá chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật; theo đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán đo đạc và bản đồ được phê duyệt và quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ:
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ được quy định như sau:
– Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về kết quả giám sát, kiểm tra chất lượng, nghiệm thu sản phẩm đo đạc và bản đồ.
– Chủ đầu tư dự án, đề án đo đạc và bản đồ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình quản lý.
Trong đó, giám sát được hiểu là một hoạt động của nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ để nhằm mục đích có thể theo dõi tiến độ thực hiện, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán đo đạc và bản đồ được phê duyệt.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ được hiểu cơ bản chính là quá trình giám sát, xác định khối lượng thực hiện, đánh giá chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật; theo đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật – dự toán đo đạc và bản đồ được phê duyệt.
Nghiệm thu được hiểu là việc xác nhận các hạng mục công việc đã hoàn thành, khối lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ đạt chất lượng trên cơ sở kết quả kiểm tra, thẩm định.