Về phòng, chống tham nhũng? Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định như thế nào?
Tham nhũng không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà diễn ra ở tất cả các quốc gia, tham nhũng diễn ra ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, nó tồn tại và phát triển thường xuyên hàng ngày, hàng giờ, nó len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội và đụng chạm hầu hết đến lợi ích của người dân. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng ra đời nhằm ngăn chẵn những hành vi tham nhũng đó. Và những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Về khái niệm phòng, chống tham nhũng:
Phòng, chống tham nhũng là tổng thể các biện pháp mà một nhà nước áp dụng để phòng ngừa (phòng), phát hiện, ngăn chặn và xử lý (chống) tham nhũng. Những biện pháp đó có thể là lập pháp (ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh những hành vi tham nhũng), hành pháp (thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng), tư pháp (xử lý những hành vi tham nhũng theo luật định), hoặc những biện pháp giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm
của những chủ thể có liên quan về vấn đề này.
Như vậy, phòng, chống tham nhũng bao gồm hai lĩnh vực hoạt động:
Một là, phòng ngừa tham nhũng là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân công dân nhằm làm bớt đi các điều kiện tham nhũng, bao gồm các hoạt động như: Ban hành các văn bản để điều chỉnh hành vi tham nhũng; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan; minh bạch tài sản thu nhận; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, cải cách hành chính…
Hai là, chống tham nhũng là hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân công dân trong phát hiện tham nhũng và xử lý tham nhũng, bao gồm các hoạt động như: khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát, kiểm tra, thanh tra; điều tra, truy tố, xét xử…
2. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định như thế nào:
Các chiến lược thực thi có thể bao gồm việc sửa đổi pháp luật và thể chế để làm tăng khả năng phát hiện và xử phạt tham nhũng. Tăng cường quyền hạn và phạm vi của Cơ quan điều tra tham nhũng, cơ quan độc lập chịu trách nhiệm điều tra tham nhũng.
Việt Nam có khoảng 45 văn bản liên quan đến phòng, chống tham nhũng đang có hiệu lực thi hành và một số pháp luật khác liên quan. Trong hệ thống văn bản này, đáng chú ý nhất là Luật số 36/2018/QH14 về phòng, chống tham nhũng.
Pháp luật về phòng, chống tham nhũng không chỉ quy định đối tượng có hành vi tham nhũng bị xử lý mà quy định cả các đối tượng khác có hành vi vi phạm liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ hay trách nhiệm của mình mà pháp luật đã có quy định. Tại Điều 92
“Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.” (Khoản 1 Điều 92). Đối tượng có thể bị xử lý liên quan đến việc thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng rất đa dạng. Tuy nhiên, đối với cán bộ, công chức, viên chức (là nhóm chủ yếu trong số những người có chức vụ, quyền hạn) thì hình thức xử lý phổ biến đối với họ (nếu chưa đến mức xử lý hình sự) thì hình thức kỷ luật đối với họ là buộc thôi việc, cho nghỉ hưu và chuyển công tác.
“Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.” (Khoản 2) Theo quy định này, thì các hình thức xử lý đối với hành vi tham nhũng đó chính là xử lý kỷ luật; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hình thức xử lý này tương ứng với mức độ vi phạm của người có hành vi tham nhũng, nó thể hiện tính răn đe, trừng trị những cá nhân có hành vi tham nhũng.
” Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.” (Khoản 3 Điều 92) Quy định này thể hiện rõ nét hơn tính nghiêm minh của pháp luật. Bản thân là những người lãnh đạo trong cơ quan, mà cấp trưởng, cấp phó lại là người có hành vi tham nhũng sẽ kéo theo vô vàn những vấn đề tiêu cực trong chính cơ quan đó, như việc chính các cá nhân làm việc trong cơ quan cũng sẽ thực hiện những hành vi tham nhũng như lãnh đạo cơ quan mình. Bản thân mỗi người lành đạo phải làm gương cho các cán bộ trong cơ quan mình, vì lẽ đó, mà mỗi cá nhân làm lãnh đạo, cấp trưởng, cấp phó của đơn vị mà có hành vi tham nhũng sẽ phải xem xét những mức kỷ thuật cao hơn, nhằm thể hiện tính răn đe, làm gương cho các cá nhân cấp dưới.
“Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.” (Khoản 4 Điều 92)
Quy định này nhằm khuyến khích các cá nhân có hành vi tham nhũng tự giác khai nhận, hợp tác với cơ quan nhà nước khách trong việc xử lý hành vi tham nhũng cũng như tài sản tham nhũng. Dựa trên cơ sở biết sai, tự nhận sai và sẵn sàng nhận sai, các cá nhân này sẽ được xem xét để giảm trách nhiệm khi bị xử lý vì hành vi tham nhũng. Việc giảm nhẹ trách nhiệm sẽ căn cứ vào mức độ khai báo, sự trung thực, tự giác, hợp tác của các cá nhân đó. Quy định này thể hiện tính khoan hồng của Nhà nước đối với các cá nhân có ý thực nhận lỗi về hành vi của mình.
“Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.” (Khoản 5 Điều 92) Quy định này là quy định được dành riêng cho các cá nhân có vị trí làm việc đặc biệt, nó chính là quy định tước đi quyền của các cá nhân này khi họ có hành vi tham nhũng. Bản thân các cá nhân làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước mà lại có hành vi tham nhũng, điều này đi ngược lại nguyên tắc, nhiệm vụ của họ khi đương nhiệm, do đó, họ sẽ đương nhiên sẽ bị tước đi những quyền đại biểu Quốc hội, đại bổi Hội đồng nhân dân bởi lẽ họ không còn đủ tư cách để làm “người đại diện cho nhân dân”.
Nếu hành vi vi phạm đến mức độ nguy hiểm cao gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự.
Hai là, quy định về xử lý tài sản tham nhũng. Tham nhũng về bản chất là một hành vi có tính chất vụ lợi và một trong những hậu quả mà tham nhũng gây ra là tài sản công bị chiếm đoạt. Chính vì vậy, mục tiêu quan trọng của đấu tranh chống tham nhũng là phải bảo vệ được lợi ích của Nhà nước cũng như lợi ích của tập thể và cá nhân. Chống tham nhũng cần quan tâm đến việc tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng, tránh tình trạng chỉ quan tâm đến việc xử lý người vi phạm về kỷ luật hay hình sự mà chưa quan tâm hoặc có biện pháp hữu hiệu để thu hồi lại số tài sản mà kẻ tham nhũng đã chiếm đoạt và có được từ việc thực hiện hành vi tham nhũng. Việc xử lý tài sản tham nhũng phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
“Điều 93. Xử lý tài sản tham nhũng
1. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.
2. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Về cơ bản, những nguyên tắc trên đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật hiện hành. Trong việc xử lý tài sản của người đưa hối lộ đó là khuyến khích người đưa hối lộ khai báo, phát giác hành vi nhận hối lộ. Mặc dù, còn khá nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề xử lý đối với người có hành vi hối lộ nhưng nhìn chung đều nhất trí rằng cần có quy định theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm cho người đưa hối lộ để khuyến khích họ phát giác hành vi nhận hối lộ.