Nhà khoa học trẻ tài năng là gì? Tiêu chuẩn công nhận nhà khoa học trẻ tài năng? Các ưu đãi đối với nhà khoa học trẻ tài năng?
Khoa học là một lĩnh vực mang tính rộng lớn được nhiều người quan tâm, trong đó các nhà khoa học trẻ ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng, các công trình mà họ mang lại mang tính ứng dụng về lý luận cũng như thực tiễn đời sống xã hội. Các nhà khoa học trẻ tài năng theo quy định của pháp luật phải đáp ứng các tiêu chuẩn và chính vì những đóng góp của họ, pháp luật cũng ghi nhân các ưu đãi nhất định.
Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 27/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và
Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính ban hành.
Mục lục bài viết
1. Nhà khoa học trẻ tài năng là gì?
Nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi, có trình độ tiến sĩ trở lên, có kết quả học tập xuất sắc các năm học bậc đại học và đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP. Nhà khoa học trẻ tài năng là một trong những “danh hiệu” uy tín và mang lại cho cá nhân những ưu đãi vô cùng tốt, điều này là điều cần thiết trong chính sách trọng dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ.
Nhà khoa học trẻ tài năng trong Tiếng anh là “talented young scientist“.
2. Tiêu chuẩn công nhận nhà khoa học trẻ tài năng:
Tiêu chuẩn công nhận nhà khoa học trẻ tài năng là những tiêu chí, điều kiện để một cá nhân có thể được chủ thể có thẩm quyền công nhân là nhà khoa học trẻ tài năng, theo đó tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP đưa ra 02 tiêu chuẩn, cụ thể:
Thứ nhất, chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học và công nghệ trong nước hoặc quốc tế theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Một số giải thưởng như Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam,…Chủ trì công trình ở đây được hiểu là người lên ý tưởng, chỉ đạo, lên kế hoạch cho công trình.
Thứ hai, là tác giả chính ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc là tác giả của ít nhất 02 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có ít nhất 01 sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội; hoặc là chủ nhiệm một nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu mà kết quả/sản phẩm mang lại có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế – xã hội. Cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nếu không đáp ứng điều kiện này phải có ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước và có ít nhất 03 lần tham gia chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia hoặc tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành quốc tế. Tiêu chuẩn này đã có sự bổ sung so với tiêu chuẩn được ghi nhận trong Nghị định 40/2014/NĐ-CP, điều này càng cho thấy được tính chặt chẽ hơn trong việc công nhân nhà khoa học trẻ tài năng.
Các cá nhân chỉ cần đáp ứng một trong hai tiêu chuẩn mà không phải đồng thời cả hai tiêu chuẩn. Để được công nhận nhà khoa học trẻ tài năng, cá nhân phải chủ động gửi hồ sơ tới Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và người có thẩm quyền ra quyết định công nhận nhà khoa học trẻ tài năng là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
3. Các ưu đãi đối với nhà khoa học trẻ tài năng:
Nói về ưu đãi đối với các nhà khoa học trẻ tài năng tức là nói về những “lợi thế” trong chính sách trọng dụng nhân tài, nhân lực khoa học công nghệ. Nội dung ưu đãi đối với nhà học trẻ tài năng được ghi nhận trong cả Luật, Nghị định cho đến Thông tư, điều này cũng cho thấy được sự chú trọng của nhà nước đối với họ.
Dựa trên Điều 24 Nghị định 40/2014/NĐ-CP, Khoản 14 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP, Điều 27 Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC có thể liệt kê các ưu đãi đối với nhà khoa học trẻ tài năng như sau:
– Được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và được hưởng hệ số lương 5,08 (tương đương bậc 3/8 ngạch chuyên viên chính). Đây là ưu đãi đầu tiên và quan trọng trong việc sử dụng nhân lực là các nhà khoa học có kiến thức, trình độ, phục vụ cho hoạt động tại các cơ quan nhà nước.
– Được ưu tiên cử tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành khoa học và công nghệ tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; được ưu tiên cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ ở nước ngoài; được ưu tiên giao trực tiếp chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng thuộc lĩnh vực chuyên môn. Tính ưu tiên được thể hiện ở việc họ luôn là đối tượng được xem xét trước hết so với các cá nhân khác trong cùng một cơ quan, đơn vị, điều này cũng hoàn toàn hợp lý khi họ đã có nền tảng kiến thức vững chắc, tuổi trẻ, có khả năng tiếp thu và ứng dung các chứng trình đào tạo trong và ngoài nước.
– Được tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ xem xét giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước để thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Việc tổ chức chủ trì ở đây cũng được hiểu là việc lên ý tưởng, chỉ đạo, tiến hành thực hiện các nhiệm vụ mang tính đóng góp quan trọng đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
– Được xem xét hỗ trợ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
– Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài tối đa 1 lần trong 1 năm; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả khoa học và công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng ở trong nước và nước ngoài, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
– Nhà khoa học trẻ tài năng được xem xét cấp hoặc hỗ trợ kinh phí tối đa đến 300 triệu đồng/năm để thực hiện các nội dung sau:
+Cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực chuyên môn do nhà khoa học trẻ tài năng thành lập.
Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ công lập (đối với nhà khoa học trẻ tài năng thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) hoặc Giám đốc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) hoặc Giám đốc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (đối với nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập và địa phương không có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ) căn cứ đề nghị của nhà khoa học trẻ tài năng đối với hoạt động của nhóm nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực chuyên môn để xem xét việc cấp hoặc hỗ trợ kinh phí.
Việc được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí là ưu đãi quan trọng, quyết định đến sự tham gia của các nhà khoa học trẻ tài năng, họ dễ dàng quyết định hơn trong việc không bị chi phối bởi yếu tố tài chính. Nhìn chúng, các ưu đãi này vừa phải phục vụ cho sự phát triển của nhà khoa học, vừa phải đem lại được sự đóng góp cho họ đối với các nhà nước nói riêng và xã hội nói chung.
Có thể thấy rằng, có quy định về tiêu chuẩn hay ưu đãi đối với nhà khoa học trẻ tài năng rất cụ thể, chi tiết và được cho là phù hợp với tình hình phát triển khoa học công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách trọng dụng có thực sự đảm bảo hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả phía cơ quan nhà nước cũng như phía nhà khoa học. Điều quan trọng là các nhà khoa học trẻ tài năng phải luôn có tư tưởng phục sự cho đất nước, không ngừng trau dồi bản thân và có nhiều đóng góp cho lĩnh vực khoa học công nghệ nước nhà.