Chế tài là yếu tố không thể thiếu trong hệ thống các công cụ pháp lý điều chỉnh quan hệ kinh doanh, thương mại nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy phạm pháp luật thương mại. Chế tài trong thương mại là một thuật ngữ được sử dụng trong Luật thương mại hiện hành của Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Chế tài thương mại là gì?
– Trong khoa học pháp lý, chế tài là thuật ngữ có lịch sử lâu đời. Thuật ngữ chế tài bắt nguồn từ tiếng La tinh là Sanctio (phán quyết nghiêm khắc nhất), theo nghĩa nguyên thủy là hình thức trừng phạt nghiêm khắc nhất dành cho những người vi phạm luật lệ. Ngày nay, thuật ngữ chế tài được sử dụng rộng rãi trong khoa học pháp lý. Hiểu theo nghĩa rộng, chế tài là các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với việc thực thi các quy phạm pháp luật,
– Như vậy, có thể thấy chế tài trong thương mại theo pháp luật thực định của Việt Nam là chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại, xác định những hậu quả pháp lý bất lợi của bên có hành vi vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng có thể là việc không thực hiện hợp đồng, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật (khoản 12 Điều 3 LTM năm 2005). Theo cách hiểu của LTM năm 2005, chế tài trong thương mại xác định những hậu quả pháp lý bất lợi được áp dụng đối với bên có hành vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng trong thương mại hoặc theo quy định của pháp luật. Trong khuôn khổ Chương này, dưới đây sử dụng thuật ngữ chế tài trong thương mại theo nghĩa mà LTM năm 2005 quy định là chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại.
– Chế tài thương mại tên tiếng Anh là: ” Trade sanctions”
2. Những loại chế tài thương mại:
– Những loại chế tài thương mại bao gồm:
2.1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng:
Khi một bên trong hợp đồng không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng thì bên này buộc phải thực hiện đúng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện. Nếu không họ sẽ phải trả tiền đền bù, bồi thường thiệt hại hay các chế tài khác. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng đảm bảo thực hiện trên thực tế hợp đồng để các bên đạt được lợi ích mà họ mong muốn từ việc kí kết và thực hiện hợp đồng.
– Theo quy định của LTM hiện hành, khi một bên vi phạm hợp đồng, bên kia hoàn toàn có quyền buộc bên đó thực hiện đúng hợp đồng đã thỏa thuận. Trên thực tế, một khi đã có hành vi vi phạm hợp đồng, tức là hợp đồng đã không được thực hiện đúng như thỏa thuận thì việc yêu cầu thực hiện chính xác như trong hợp đồng gần như là điều không thể, vì đã có sự vi phạm nội dung nào đó của hợp đồng như giao hàng chậm, hàng không đủ số lượng hay không đúng chất lượng… Cho dù bên vi phạm có thực hiện thì cũng không thể đúng hoàn toàn theo thỏa thuận, chí ít là cũng chậm so với thời hạn.
– Theo quy định của LTM năm 2005, buộc thực hiện đúng hợp đồng được thực hiện theo các bước sau đây:
– Bước 1: Khắc phục vi phạm để hợp đồng được thực hiện đúng theo thỏa thuận: Nếu bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
+ Nếu bên vi phạm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Hàng khác trong trường hợp này phải là mặt hàng đúng chủng loại với hàng đã giao và đảm bảo đúng chất lượng theo thỏa thuận.
– Bước 2 : được tiến hành trong trường hợp bước 1 không thể thực hiện được: đó là thay thế hàng hóa, dịch vụ đã thỏa thuận bằng hàng hoá, dịch vụ khác chủng loại, hay trả bằng tiền. Tuy nhiên, để thực hiện việc thay thế này nhất thiết phải được sự đồng ý của bên bị vi phạm. Bởi lẽ có thể bên bị vi phạm chỉ quan tâm đến đúng loại hàng hoá, dịch vụ đã thỏa thuận chứ không phải là các mặt hàng, dịch vụ thay thế khác hoặc tiền.
2.2. Phạt vi phạm hợp đồng:
– Phạt vi phạm là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt nhất định do vi phạm hợp đồng. Ở Việt Nam, đây là chế tài tiền tệ được xây dựng nhằm hai mục đích: (i) răn đe, phòng ngừa vi phạm và giáo dục ý thức tuân thủ các cam kết đã ghi nhận trong hợp đồng; (ii) trừng phạt bên có hành vi vi phạm hợp đồng.
– Theo pháp luật Việt Nam, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận (khoản 1 Điều 418 BLDS năm 2015, Điều 300 LTM năm 2005). Chế tài phạt vi phạm chỉ có thể được áp dụng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận; nếu hợp đồng không thỏa thuận, pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng đó cũng không quy định cụ thể về phạt vi phạm thì không được áp dụng chế tài này.
+ Căn cứ để áp dụng chế tài phạt vi phạm là có hành vi vi phạm hợp đồng và có thỏa thuận của các bên. LTM năm 2005 đã bỏ yếu tố lỗi như một căn cứ xác định trách nhiệm phạt vi phạm cũng như bồi thường thiệt hại. Nếu như chế tài hình sự, hành chính đòi hỏi phải chứng minh lỗi, trong quan hệ hợp đồng do luật tự điều chỉnh có cách tiếp cận khác, đó là trách nhiệm của nhà kinh doanh không phụ thuộc vào lỗi, tức là đối với họ lỗi được coi là suy đoán. Bởi lẽ thương nhân là người kinh doanh chuyên nghiệp, buộc phải luôn thể hiện sự quan tâm và cẩn trọng cao nhất có thể để thực hiện các nghĩa vụ của mình nên khi đã có hành vi vi phạm hợp đồng thì đương nhiên coi như họ có lỗi, trừ khi họ chứng minh được là mình không có lỗi.
2.3. Bồi thường thiệt hại theo hợp đồng:
+ Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm tài sản, theo đó bên vi phạm hợp đồng dẫn tới gây thiệt hại phải trả một khoản tiền bồi thường cho bên bị vi phạm nhằm khôi phục lợi ích vật chất cho bên bị vi phạm.
+ Mục đích của việc trả tiền bồi thường là để bù đắp cho bên bị vi phạm và bị thiệt hại, chứ không phải để trừng phạt bên vi phạm trong quan hệ hợp đồng. Xuất phát từ quan điểm không thể để bên bị vi phạm bị tổn thất về vật chất khi bên kia vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, chế tài bồi thường thiệt hại bằng tiền cần được áp dụng sao cho bên bị vi phạm được hưởng những gì họ đáng ra được hưởng nếu hợp đồng không bị vi phạm.
+ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được coi là nghĩa vụ mới của bên vi phạm thay thế cho nghĩa vụ không được thực hiện hoặc bổ sung cho nghĩa vụ không được thực hiện đúng. Vấn đề bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra khi bên bị vi phạm có thiệt hại thực tế. Vì thế, mức bồi thường phải được tính toán đầy đủ, bao gồm tổn thất thực tế mà bên bị vi phạm gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia và khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ mà bên bị vi phạm có thể nhận được nếu bên kia thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình. Do mang tính bù đắp nên số tiền phải bồi thường không thể vượt quá số tiền thiệt hại thực tế. Đây là nguyên tắc xác định mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, từ đó hạn chế mức bồi thường không lớn hơn mức thiệt hại của bên bị vi phạm.
2.4. Hủy bỏ hợp đồng:
– Hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực (Điều 312 LTM năm 2005).
– Việc hủy hợp đồng thường được áp dụng khi hợp đồng chưa được thực hiện. Trong trường hợp hợp đồng đang thực hiện thì áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng. Sau khi hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi hủy bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.
– Chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp: (i) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; hoặc (ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Trường hợp thứ nhất, các bên phải thỏa thuận trước trong hợp đồng điều kiện để hủy bỏ hợp đồng là một hoặc một số hành vi vi phạm nhất định và chỉ khi xảy ra các hành vi vi phạm đó, bên vi phạm mới được yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Trong trường hợp thứ hai, không cần các bên phải thỏa thuận trước về điều kiện hủy bỏ mà chỉ cần một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
2.5. Tạm ngừng, đình chỉ thực hiện hợp đồng:
– Tạm ngừng thực hiện hợp đồng: Đây là chế tài mới quy định trong LTM năm 2005. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện nhưng vẫn còn hiệu lực và hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên LTM không chỉ rõ điều kiện để tiếp tục thực hiện hợp đồng.
– Về nguyên tắc, nguyên nhân nào khiến hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì khi đã loại trừ và xử lý được nguyên nhân đó, hợp đồng phải được tiếp tục thực hiện. Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng được áp dụng khi rơi vào các trường hợp sau đây: (i) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng; hoặc (ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Bên bị vi phạm dẫn tới việc phải tạm ngừng thực hiện hợp đồng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
– Đình chỉ thực hiện hợp đồng: Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; (ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Đình chỉ thực hiện khác tạm ngừng thực hiện ở chỗ hợp đồng không có cơ hội tiếp tục được thực hiện, hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được
– Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng về bản chất giống chế tài đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo Điều 428 BLDS năm 2015.
– Tạm ngừng và đình chỉ thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng là các hành vi pháp lý đơn phương của bên bị vi phạm khi có đủ điều kiện theo pháp luật quy định. Mặc dù pháp luật cho phép bên bị vi phạm hợp đồng có quyền tạm ngừng, đình chỉ thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng nhưng để tránh sự lạm dụng chế tài từ phía bên bị vi phạm, bên bị vi phạm có nghĩa vụ