Thông tin người nộp thuế là gì? Các trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin về chủ thể là người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế? Các trường hợp công khai thông tin người nộp thuế?
Thông tin người nộp thuế được biết đến chính là tập hợp thông tin, dữ liệu về chủ thể là những người nộp thuế được thu thập, sắp xếp, lưu trữ, khai thác và sử dụng. Để nhằm mục đích có thể thu thập, xử lý, quản lý thông tin người nộp thuế cần có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chắc hẳn hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế cho cơ quan thuế.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thông tin người nộp thuế là gì?
- 2 2. Các trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin về chủ thể là người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế:
- 3 3. Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế:
- 4 4. Các trường hợp công khai thông tin người nộp thuế:
1. Thông tin người nộp thuế là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt, thông tin được hiểu cơ bản chính là: “thông tin là tất cả các sự kiện, sự việc, ý tưởng, nhận xét, phân tích làm gia tăng sự hiểu biết của con người. Thông tin được hình thành trong quá trình giao tiếp của con người, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ngân hàng dữ liệu…”.
Trong lĩnh vực thuế, thông tin người nộp thuế thực chất được bao gồm tên người nộp thuế, tên tổ chức, cơ quan nộp thuế, địa chỉ, mã số thuế, thu nhập chịu thuế,… để cơ quan quản lý thuế định danh được người nộp thuế cũng như xác định nghĩa vụ thuế mà các đối tượng này cần hoàn thành. Thêm vào đó, khi cập nhật thông tin người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế cũng xác định được các khoản hoàn thuế hay thu nhập được miễn thuế, giảm thuế, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người nộp thuế.
Theo Khoản 2 Điều 95 Luật Quản lý thuế năm 2019, thông tin người nộp thuế còn được hiểu chính là cơ sở quan trọng để thực hiện quản lý thuế, đánh giá dự báo tình hình, xây dựng chính sách về thuế, đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của người nộp thuế, ngăn ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
2. Các trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin về chủ thể là người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế:
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, trong các trường hợp cụ thể được nêu sau đây thì cơ quan quản lý nhà nước theo quy định sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin về chủ thể là người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Cụ thể:
Thứ nhất: Trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã:
– Hai cơ quan cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã có trách nhiệm gửi thông tin người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế về:
+ Cấp mới, thay đổi, tạm ngừng kinh doanh; tiếp tục hoạt động sau tạm ngừng kinh doanh.
+ Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
+ Khôi phục tình trạng pháp lý sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể hoặc phá sản.
+ Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã của doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Phương thức gửi thông tin: gửi bằng phương thức điện tử qua hệ thống trao đổi thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
– Thời hạn gửi thông tin: trong 01 ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.
Thứ hai: Trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước:
Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp tại Điểm a Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) đều có trách nhiệm gửi thông tin người nộp thuế cho Cục Thuế tỉnh, thành phố nơi chủ thể là người nộp thuế đóng trụ sở.
– Các thông tin được gửi sẽ bao gồm các thông tin sau đây:
+ Cấp mới, thay đổi, tạm ngừng kinh doanh; tiếp tục hoạt động sau tạm ngừng kinh doanh.
+ Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
+ Khôi phục tình trạng pháp lý sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc giấy phép của người nộp thuế
– Phương thức gửi thông tin: bằng phương thức điện tử.
– Thời hạn gửi thông tin: trong thời 01 ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ghi nhận trên Hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc trong thời hạn 07 ngày làm việc đối với trường hợp chưa truyền nhận thông tin bằng phương thức điện tử.
3. Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế:
3.1. Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin:
Theo Điều 97 Luật quản lý thuế 2019 quy định trách nhiệm của người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin như sau:
– Người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, đúng thời hạn thông tin trong hồ sơ thuế, thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
– Người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin có nghĩa vụ cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc thông qua kết nối mạng với các hệ thống thông tin của cơ quan quản lý thuế theo yêu cầu.
3.2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế:
Trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế được quy định cụ thể như sau:
– Các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế:
+ Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động có trách nhiệm cung cấp thông tin về nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân cho cơ quan quản lý thuế trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày cấp và cung cấp thông tin khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
+ Kho bạc Nhà nước cung cấp thông tin về số tiền thuế đã nộp, đã hoàn của người nộp thuế.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế:
+ Ngân hàng thương mại cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
+ Cơ quan quản lý nhà nước về nhà, đất cung cấp thông tin về hiện trạng sử dụng đất, sở hữu nhà của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân, cá nhân kinh doanh.
+
+ Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm cung cấp thông tin về chi trả thu nhập và số tiền thuế khấu trừ của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của Việt Nam và nước ngoài; thông tin về quản lý thị trường.
– Trách nhiệm cung cấp thông tin của các chủ thể khác được quy định như sau:
+ Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế thông qua kết nối mạng trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử hàng ngày qua hệ thống thông tin người nộp thuế hoặc thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
4. Các trường hợp công khai thông tin người nộp thuế:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, các trường hợp sau đây cơ quan quản lý thuế công khai thông tin về chủ thể là người nộp thuế:
– Trốn thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh; phát hành, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
– Không nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
– Ngừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
– Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân khác.
– Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật như: Từ chối không cung cấp thông tin tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
– Chống, ngăn cản công chức thuế, công chức hải quan thi hành công vụ.
– Quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước hoặc hết thời hạn chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành.
– Cá nhân, tổ chức không chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.
– Các thông tin khác được công khai theo quy định của pháp luật.