Khái quát về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển? Các vấn đề về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển?
Trước lợi nhuận mà ngành thương mại hàng hải mang lại cũng như mức độ và số lượng rủi ro phải ứng phó, các chủ tàu, các nhà buôn bán, những người vận tải luôn luôn tìm kiếm những hình thức bảo đảm an toàn cho quyền lợi của mình. Từ đó, ngay từ thế kỷ thứ 5 TCN, hình thức sơ khai nhất về bảo hiểm đã được manh nha và sau này bảo hiểm được xem là một trong những nội dung trọng điểm nhất khi nhắc đến hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển?
Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển hay còn gọi là bảo hiểm hàng hải là loại hình bảo hiểm rủi ro tổn thất ở trên biển , trên bộ hoặc nội thuỷ mà có liên quan tới hành trình đường biển.
Ra đời từ sự đòi hỏi của thực tại khách quan, bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển có tác dụng to lớn đến thương mại quốc tế nói riêng và đời sống kinh tế – xã hội mỗi quốc gia nói chung. Tác dụng này thể hiện ở chỗ:
– Bù đắp một phần hay toàn bộ, những mất mát hay hư hại, về hàng hoá và các chi phí liên quan, cho chủ hàng tham gia bảo hiểm khi xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm, từ đó giúp họ nhanh chóng ổn định hoạt động kinh doanh.
– Thông qua hoạt động của nghiệp vụ bảo hiểm này mà hàng năm một số vốn lớn ( được tập trung từ những người tham gia bảo hiểm ) được sử dụng để đầu tư phát triển kinh tế.
– Người kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm này hàng năm đóng góp một phần đáng kể cho ngân sách nhà nước thông qua thuế.
– Vì quyền lợi của mình mà người bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm thực hiện các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất từ đó giảm thiểu hậu quả có thể xảy ra.
– Nghiệp vụ bảo hiểm này sẽ là chỗ dựa tinh thận giúp chủ hàng an tâm hơn khi kinh doanh hàng hoá xuất nhập khẩu nhờ cung cấp một cơ chế bảo vệ hữu hiệu cho hàng hoá của họ khi có rủi ro xảy ra.
– Sự ra đời của nghiệp vụ bảo hiểm này là một nhân tố hết sức quan trọng cho việc thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển bởi nó hạn chế những nhược điểm và phát huy những ưu điểm của phương thức vận tải đường biển.
2. Các vấn đề về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển?
Thứ nhất, sự cần thiết của bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển:
– Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ra đời đã đáp ứng được nhu cầu bảo đảm an toàn cho cho các chủ hàng, từ đó tạo động lực thúc đẩy thương mại trong nước phát triển.
– Việc vận chuyển hàng hoá bằng đường biển, góp phần phát triển tốt mối quan hệ kinh tế quốc tế giữa các nước, thực hiện đường lối kinh tế đối ngoại của nhà nước; góp phần tăng thu ngoại tệ…
– Giúp cho quá trình thông thương hàng hoá diễn ra suôn sẻ, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động ngoại thương phát triển theo kịp các nước trong khu vực. Đồng thời tạo động lực giúp cho thị trường bảo hiểm trong nước phát triển, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tài chính để thu hút khách hàng trong nước và quốc tế.
Thứ hai, rủi ro trong báo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển:
– Rủi ro thông thường được bảo hiểm:
Rủi ro là khả năng có thể gây ra hư hỏng, thiệt hại hoặc huỷ hoại đối tượng bảo hiểm.
Trong bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển rủi ro được bảo hiểm phải là những thiên tai, tai nạn bất ngờ của biển gây ra hư hại hàng hoá và phương tiện vận chuyển chứ không phải là mọi rủi ro trên biển. Nhìn chung các rủi ro thông thường được bảo hiểm bao gồm:
+ Tổn thất hoặc nhiễm bẩn xảy ra cho đối tượng được bảo hiểm có thể quy hợp lý cho: Cháy, nổ; Tàu hay sà lan mắc cạn, đắm hay lật úp; Đâm va với bất kể vật thể nào bên ngoài không kể nước; Dỡ hàng tại một cảng hoặc tại một địa điểm lánh nạn; Động đất, núi lửa phun, sét; Hy sinh tổn thất chung; Ném, (đổ) hàng xuống biển; Nước biển sông hồ xâm nhập vào hầm hàng; Tổn thất toàn bộ của bất kỳ kiện hàng nào rơi khỏi tàu hoặc rơi trong khi đang xếp hàng lên hay dỡ hàng khỏi tàu hoặc xà lan; Hàng hoá được bảo hiểm bị mất do tàu hoặc phương tiện chở hàng bị mất tích.
– Rủi ro loại trừ:
Các rủi ro loại trừ thường bao gồm: Mất mát, hư hại hoặc chi phí được quy cho hành vi xấu cố ý của Người được bảo hiểm; Rò rỉ thông thường hoặc hao hụt trọng lượng hoặc giảm thể tích thông thường, hoặc biến chất ở đối tượng được bảo hiểm; Mất mát, hư hại hoặc chi phí gây ra bởi khuyết tật hoặc tính chất của đối tượng được bảo hiểm; Mất mát, hư hại hay chi phí phát sinh do tàu bè không đủ khả năng đi biển; tàu bè, phương tiện vận chuyển, container hay toa hàng không thích hợp cho việc chuyên chở an toàn đối tượng bảo hiểm. Nếu người được bảo hiểm hoặc những người làm công cho họ biết được riêng trạng thái không đủ khả năng đi biển hoặc trạng thái không thích hợp đó vào thời gian đối tượng bảo hiểm được xếp vào đối tượng như vậy.
– Rủi ro đặc biệt:
Rủi ro được bảo hiểm trong trường hợp đặc biệt: Rủi ro do chiến tranh, đình công, bạo loạn…(gọi chung là rủi ro chiến tranh) thường không được nhận bảo hiểm. Trong trường hợp chủ hàng yêu cầu, rủi ro chiến tranh sẽ được nhận bảo hiểm kèm theo rủi ro thông thường được bảo hiểm với điều kiện chủ hàng phải trả thêm phụ phí.
Thứ ba, điều kiện bảo hiểm:
Điều kiện bảo hiểm là những quy định phạm vi trách nhiệm của người bảo hiểm đối với tổn thất của hàng hoá. Hàng được bảo hiểm theo điều kiện bảo hiểm nào, chỉ những rủi ro tổn thất quy định trong điều kiện đó mới được bồi thường. Ngày 01/01/1963 ILU (Institute of London Underwriters) – Viện những người bảo hiểm Luân Đôn đã xuất bản ba điều kiện bảo hiểm hàng hoá là FPA, WA và AR. Các điều kiện bảo hiểm này được áp dụng rộng rãi trong hoạt động thương mại quốc tế.
Thứ tư, tổn thất trong bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển:
Tổn thất trong bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển là những thiệt hại, hư hỏng của hàng hoá được bảo hiểm do rủi ro:
Căn cứ vào quy mô, mức độ tổn thất có thể chia ra tổn thất bộ phận và tổn thất toàn bộ:
– Tổn thất bộ phận là một phần của đối tượng bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại. Tổn thất bộ phận có thể là tổn thất về số lượng, trọng lượng, thể tích, phẩm chất hoặc giá trị. Ví dụ: Xi măng bị mất 4 bao (400)kg, gạo bị ướt giảm giá trị thương mại 40%, chất lỏng xăng dầu rò rỉ, bay hơi…
– Tổn thất toàn bộ là toàn bộ đối tượng được bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị hư hỏng, mất mát, thiệt hại. Có hai loại tổn thất toàn bộ là tổn thất toàn bộ ước tính và tổn thất toàn bộ thực tế.
+ Tổn thất toàn bộ thực tế là toàn bộ đối tượng được bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị hư hỏng, mất mát, thiệt hại hoặc bị biến chất, biến dạng không còn như lúc mới được bảo hiểm hay bị mất đi, bị tước đoạt không lấy lại được nữa. Chỉ có “Tổn thất toàn bộ thực tế” trong bốn trường hợp sau:
Hàng hoá bị huỷ hoại hoàn toàn;
Hàng hoá bị tước đoạt không lấy lại được;
Hàng hoá không còn là vật thể bảo hiểm;
Hàng hoá ở trên tàu mà tàu được tuyên bố mất tích. Ví dụ: Một tàu chở cà phê xuất khẩu từ Hải Phòng sang Nhật Bản. Trên hành trình tàu gặp bão lớn. Cà phê bị ướt và vón cục. Nếu tiếp tục chở đến Nhật Bản thì cà phê sẽ bị hỏng toàn bộ (không còn giá trị thương mại). Trong trường hợp này, khi hàng đến Nhật Bản thì tổn thất toàn bộ là không thể tránh khỏi.
+ Tổn thất toàn bộ ước tính là trượng hợp đối tượng được bảo hiểm bị thiệt hại, mất mát chưa tới mức độ Tổn thất toàn bộ thực tế, nhưng không thể tránh khỏi Tổn thất toàn bộ thực tế; hoặc nếu bỏ thêm chi phí ra cứu chữa thì chi phí cứu chữa có thể bằng hoặc lớn hơn giá trị bảo hiểm. Ví dụ: Một tàu chở sắt thép xây dựng bị đắm trên hành trình do gặp bão. Nếu tiến hành trục vớt thì chi phí trục vớt có thể bằng hoặc lớn hơn giá trị ban đầu của lô hàng.
Nếu phân loại theo trách nhiệm bảo hiểm thì tổn thất bao gồm tổn thất riêng và tổn thất chung: Tổn thất riêng là tổn thất chỉ gây ra thiệt hại cho một hoặc một số quyền lợi của các chủ hàng và chủ tàu trên một con tàu. Tổn thất chung là những hy sinh hay chi phí đặc biệt được tiến hành một cách cố ý và hợp lý nhằm mục đích cứu tàu và hàng hoá chở trên tàu thoát khỏi một sự nguy hiểm chung, thực sụ đối với chúng.