Những điểm khác nhau giữa kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường? Những yếu tố cơ bản của kinh tế thị trường?
Mỗi một giai đoạn lịch sử khác nhau sẽ có một nền kinh tế phù hợp với giai đoạn đó, trước đây chúng ta biết đến nền kinh tế bao cấp với cơ chế kinh tế do nhà nước chỉ huy và ở hiện tại chúng ta đã chuyển qua nền kinh tế thị trường tức là kinh tế có sự tác động giữa người mua và người bán. Vậy giữa hai hình thức này có gì khác nhau không và Khác nhau giữa kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường cụ thể như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khác nhau giữa kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường:
Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Ở nền kinh tế thị trường, trong trường hợp lượng cầu hàng hoá lớn hơn lượng cung thì giá cả hàng hoá sẽ tăng lên, mức lợi nhuận cũng tăng khuyến khích người sản xuất tăng lượng cung. Đơn vị sản xuất nào có cơ chế sản xuất hiệu quả hơn đồng nghĩa với việc có tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho phép tăng quy mô sản xuất. Ngược lại, những đơn vị sản xuất có cơ chế sản xuất kém hiệu quả thì sẽ có tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mua nguồn lực sản xuất thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh kém, bị đào thải nhanh chóng
Trong khi đó, nền kinh tế bao cấp là nền kinh tế kế hoạch hoá – một đặc điểm của nền kinh tế theo chủ nghĩa cộng sản. Kinh tế tư nhân dần bị xoá bỏ trong nền kinh tế, nhường chỗ cho kinh tế nhà nước chỉ huy.
Trong nền kinh tế bao cấp, thương nghiệp tư nhân bị loại bỏ, hàng hoá được phân phối theo chế độ tem phiếu do nhà nước nắm toàn quyền điều hành, hạn chế đến thủ tiêu việc mua bán trên thị trường hoặc vận chuyển tự do hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác.
1.1. Đơn vị làm chủ:
Trong nền kinh tế thị trường sẽ có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp được tạo điều kiện để phát triển.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế bao cấp, nhà nước hoàn toàn độc quyền phối hàng hoá, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Cụ thể, chế độ hộ khẩu được thiết lập trong thời kỳ này để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người, tiêu biểu nhất là sổ gạo ấn định số lượng và mặt hàng được phép mua.
Đây cũng là một điểm khác nhau khá rõ rệt của kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường.
1.2. Vai trò của tiền tệ:
Vai trò của tiền tệ là đặc điểm khác nhau tiếp theo giữa hai hình thái kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường
Cụ thể, trong nền kinh tế bao cấp, việc phân phối hàng hoá chủ yếu dựa vào hệ thống tem phiếu. Mua hàng gì thì có tem phiếu hàng đó. Một phần tiêu biểu của thời kỳ bao cấp là đồng tiền Việt Nam bị mất giá. Lương của công nhân cũng được trả bằng hiện vặt thay vì tiền mặt.
Thị trường tự do bị xem là bất hợp pháp và bị hạn chế nên hàng hóa lưu thông trên thị trường chợ đen ít và giá rất cao. Người dân, cán bộ công nhân viên thường bán hàng tiêu dùng mà họ không sử dụng ra thị trường chợ đen.
Trong khi đó, hình thái kinh tế thị trường không sử dụng tem phiếu, tiền tệ được đẩy mạnh lưu thông và phát hành.
1.3. Văn hoá:
Trong nền kinh tế bao cấp, người dẫn ít được tiếp xúc với văn hoá phương Tây, văn học, phim, nhạc đều được kiểm duyệt gắt gao. Báo chí không có quảng cáo thương mại, giống nhau về quan điểm, tư tưởng, chỉ khác là phục vụ cho các đối tượng khác nhau, không chạy theo lợi nhuận vì được bao cấp.
Trong khi đó, ở nền kinh tế thị trường, tinh thần hội nhập được lan toả mạnh mẽ. Người dân được thoải mái tiếp cận với nhiều nền văn hoá, thoải mái hơn trong việc thưởng thức nghệ thuật tận hưởng cuộc sống. Các hoạt động quảng cáo thương mại được đẩy mạnh.
1.4. Xã hội:
Việt Nam là đất nước đã trải qua thời kỳ kinh tế bao cấp vì thế những biểu hiện về xã hội trong thời kỳ này còn được lưu lại rất rõ. Cụ thể, mặc dù không có luật chính thức, nhưng nhà nước khá thận trọng với người phương Tây, người nước ngoài vì khác biệt tư tưởng và các vấn đề an ninh. Người Việt phần lớn không được tiếp xúc với người ngoại quốc. Du lịch không được quan tâm, xuất nhập cảnh rất gắt gao.
Sự thiếu thốn thời bao cấp khiến nạn ăn cắp vặt nảy sinh. Phân hóa giàu nghèo rất thấp. Giáo dục, y tế được bao cấp dù khá nghèo nàn về trang thiết bị. Không có nhiều loại hình giải trí nhưng con người ít chịu áp lực của công việc và nhu cầu vật chất hơn so với thời kỳ Đổi Mới.
Trong khi đó, ở nền kinh tế thị trường, tinh thần mở cửa với quốc tế được chú trọng. Du lịch được phát triển mạnh mẽ. Giáo dục, y tế được đầu tư đúng mực, đảm bảo chữa trị đầy đủ cho người dân. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường thường phân hoá giàu nghèo rất lớn. Người giàu sẽ ngày càng thâu tóm nhiều quyền lực và của cải. Ngược lại, người nghèo sẽ ngày càng nghèo hơn.
2. Những yếu tố cơ bản của kinh tế thị trường:
Thứ nhất, độc lập của các chủ thể trong nền kinh tế
Nền kinh tế thị trường đòi hỏi sự tồn tại của các chủ thể kinh tế độc lập dưới nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Các chủ thể này hoàn toàn động lập, tự chủ trong việc quyết định: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai? Họ tự chịu trách nhiệm đối với quyết định sản xuất kinh doanh của bản thân dựa trên những tín hiệu thị trường.
Về nguyên tắc, các chủ thể sở hữu và các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường là độc lập và bình đẳng với nhau trước pháp luật và trong hoạt động kinh doanh. Nhưng mỗi hình thức sở hữu và mỗi chủ thể sở hữu lại có vai trò, vị thế và chức năng đặc thù trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường.
Thứ hai, hệ thống đồng bộ các thị trường và thể chế tương ứng
Mọi nền kinh tế thị trường đều có các yếu tố cấu thành cơ bản là các thị trường, bao gồm các thị trường yếu tố [các thị trường đầu vào như thị trường đất đai, thị trường sức lao động, thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán), thị trường hàng hoá, thị trường khoa học – công nghệ] và thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Để nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả, phải bảo đảm hai yêu cầu:
– Sự hiện diện đầy đủ của tất cả các thị trường nói trên.
– Các thị trường phải vận hành đồng bộ.
Thứ ba, hệ thống giá cả được xác lập thông qua tương quan cung-cầu quyết định sự vận hành của nền kinh tế thị trường
Giá cả trên các loại thị trường được xác định dựa trên tương quan cung và cầu của từng thị trường đó. Tín hiện giá cả là căn cứ khách quan đối với các chủ thể kinh tế đưa ra các quyết định sản xuất-kinh doanh của mình trong môi trường cạnh tranh thị trường.
Nền kinh tế thị trường chỉ vận hành được một khi hệ thống giá cả được quyết định khách quan bởi thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận là động lực chủ yếu thúc đẩy nỗ lực hoạt động và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Để phục vụ mục tiêu đó, giá cả phải được thiết định trên các cơ sở khách quan và được điều tiết bằng cơ chế tự điều tiết (cạnh tranh tự do).
Thứ tư, cơ chế căn bản vận hành của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh tự do
Không có cạnh tranh tự do, không thể nói đến kinh tế thị trường. Về bản chất, cơ chế cạnh tranh thị trường là cơ chế tự điều chỉnh. Do vậy, nó còn được gọi là “bàn tay vô hình”. Cơ chế này giúp nền kinh tế tạo lập sự cân bằng mỗi khi bị trục trặc.
Thứ năm, vai trò điều tiết kinh tế của nhà nước
Thị trường có những khuyết tật và cơ chế thị trường có thể bị thất bại trong việc giải quyết một số vấn đề phát triển, ví dụ như khủng hoảng, đói nghèo, công bằng xã hội, môi trường, v.v. Để khắc phục chúng và tránh khỏi thất bại thị trường, nhà nước phải tham gia quản lý, điều tiết sự vận hành nền kinh tế. Nhà nước tham gia vào các quá trình kinh tế thị trường vừa với tư cách là bộ máy quản lý xã hội, vừa là một yếu tố nội tại của cơ chế vận hành kinh tế