Bộ Tài chính được thành lập từ năm 1945 ngay sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công. Bộ Tài chính là một trong những cơ quan thuộc Chính phủ có bộ máy tổ chức trải rộng khắp đất nước từ Trung ương đến cấp cơ sở xã, phường, thị trấn. Cùng tìm hiểu nhiệm vụ, chức năng và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Mục lục bài viết
1. Bộ Tài chính là gì?
Tại Điều 1 Nghị định số 87/2017/NĐ-CP đã quy định cụ thể rằng: “Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính – ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, có thể thấy Bộ Tài chính chính là cơ quan trực thuộc của Chính phủ, là bộ phận không thể thiếu trong hệ thống các cơ quan của Nhà nước. Lĩnh vực hoạt động chính của Bộ Tài chính chính là Tài chính- ngân sách. Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp quản lý hai lĩnh vực tài chính và ngân sách trên toàn quốc. Bởi lẽ Chính phủ là cơ quan hành pháp, thực hiện quyền quản lý đối với mọi mặt của xã hội. Tuy nhiên, “mọi mặt của xã hội” bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế, thương mại, tài chính,. … đến văn hóa, giáo dục, y tế,…. Chính phủ đã chuyên biệt hóa quyền quản lý của mình cho các Bộ, và Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý chính về tài chính, ngân hàng.
2. Nhiệm vụ, chức năng của Bộ Tài chính:
Từ năm 2017 đến nay, cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính được thực hiện theo Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Chức năng chính, chủ đạo của Bộ Tài chính đó chính là quản lý nhà nước về Tài chính- ngân sách. Tài chính theo nghĩa rộng đó chính là quản lý tiền và bao gồm các hoạt động như đầu tư, vay, cho vay, lập ngân sách, tiết kiệm và dự báo. Có ba loại tài chính chính: (1) cá nhân, (2) doanh nghiệp và (3) công / chính phủ. Vai trò của Bộ Tài chính chủ yếu đó chính là việc quản lý tài chính công, của Nhà nước và can thiệp vào một số vấn đề liên quan đến tài chính của doanh nghiệp như các chính sách thuế, phí, …. Một khía cạnh trong chức năng quản lý của Bộ Tài chính đó chính là quản lý trong ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước hiểu đơn giản chính là các khoản thu, chi tiền tệ của nhà nước.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định số 87/2017/NĐ- CP. Theo đó, các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
– Trình các cơ quan có thẩm quyền các dự án luật, dự thảo nghị quyết, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định và các dự án, đề án. Là cơ quan quản lý chuyên trách về Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ xem xét các vấn đề cần điều chỉnh bằng pháp luật, tiến hành xây dựng các quy định cần thiết để điều chỉnh.
– Trình Chính phủ về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển về tài chính- ngân sách trong trung hạn, dài hạn và hằng năm.
– Ban hành các văn bản hướng dẫn về tài chính, ngân sách như thông tư, quyết định, chỉ thị,… Chính là cơ quan xây dựng các văn bản luật, việc Bộ Tài chính là cơ quan hướng dẫn cho các cơ quan cấp dưới, các chủ thể khác của xã hội là hoàn toàn hợp lý khi đây chính là cơ quan hiểu rõ nhất về văn bản luật được ban hành.
– Bên cạnh việc xây dựng, hướng dẫn các văn bản luật, thì Bộ Tài chính cũng thực hiện việc kiểm tra, giám sát thực hiện các văn bản luật đó.
– Quản lý ngân sách nhà nước. Nhiệm vụ này được thể hiện qua nhiều hoạt động khác nhau như lập kế hoạch tài chính quốc gia; xây dựng các phương án dự toán tăng thu ngân sách nhà nước; xây dựng dự thảo quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các cơ quan; quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng dự phòng ngân sách; phối hợp với các cơ quan khác về việc phân bổ, định mức ngân sách; hướng dẫn hoạt động lập kế hoạch tài chính- ngân sách; tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước,…
– Quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước: chủ trì, kiểm tra về công tác thu thuế, phí, lệ phí; chủ trì, phối hợp, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ phí; quyết định các vấn đề liên quan đến thuế như giảm thuế, miễn thuế, hoàn thuế,…; ban hành trình tự nghiệp vụ về thu, nộp thuế, phí, lệ phí; kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu ngân sách,…
– Quản lý quỹ ngân sách, quỹ dự trữ nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và quản lý ngân quỹ nhà nước
– Quản lý dự trữ quốc gia như tham gia vào việc xây dựng danh mục dự trữ quốc gia; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế- kỹ thuật; ban hành quy định về chế độ quản lý tài chính; đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động dự trữ; kiểm tra, thanh tra hoạt động dự trữ; ….
– Quản lý tài sản công: là cơ quan thống nhất chung về quản lý tài sản công; xây dựng, ban hành các quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; quyết định về việc mua sắm, xác lập sở hữu, khai khác, thu hồi, … các tài sản công;…
– Về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: chủ trì trong việc ban hành chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, chế độ giám sát tài chính doanh nghiệp,…; thực hiện việc kiểm tra, giám sát cơ chế, chính sách; thẩm định việc đầu tư vốn; kiểm tra việc thực hiện vốn tại doanh nghiệp nhà nước,…
– Về quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
– Kế toán, kiểm toán: chủ trì trong việc ban hành chiến lược, chính sách phát triển kế toán, kiểm toán; ban hành các quy định chuyên môn trong kiểm toán, kế toán; xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện về cá nhân làm việc trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán; thẩm quyền trong việc kinh doanh các dịch vụ kiểm toán, kế toán,…
– Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán
– Quản lý nhà nước về bảo hiểm: Bộ Tài chính tham gia vào việc xây dựng các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, và các hoạt động định hướng phát triển thị trường bảo hiểm; giảm sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm,…
– Về quản lý tài chính các tổ chức tài chính và dịch vụ tài chính
– Về hải quan thì Bộ Tài chính tham gia vào việc xây dựng các văn bản pháp luật về lĩnh vực hải quan, ban hành các văn bản hướng dẫn và kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật hải quan.
– Quản lý về lĩnh vực giá
– Tổ chức và chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, công tác thống kê
– Nhiệm vụ trong hợp tác quốc tế;
– Nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ
– Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại
– Cải cách hành chính
– Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức
– Quản lý và tổ chức thực hiện công tác tài chính.
3. Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính:
Về cơ cấu, tổ chức: Bộ Tài chính hiện nay có 20 Vụ, Cục thuộc Bộ và 5 đơn vị cấp Tổng cục là cơ quan hành chính giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính và có 9 đơn vị sự nghiệp. Cụ thể bao gồm:
“1. Vụ Ngân sách nhà nước.
2. Vụ Đầu tư.
3. Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I).
4. Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp.
5. Vụ Chính sách thuế.
6. Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.
7. Vụ Hợp tác quốc tế.
8. Vụ Pháp chế.
9. Vụ Tổ chức cán bộ.
10. Vụ Thi đua – Khen thưởng.
11. Thanh tra.
12. Văn phòng.
13. Cục Quản lý công sản.
14. Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.
15. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
16. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.
17. Cục Quản lý giá.
18. Cục Tin học và Thống kê tài chính.
19. Cục Tài chính doanh nghiệp.
20. Cục Kế hoạch – Tài chính.
21. Tổng cục Thuế.
22. Tổng cục Hải quan.
23. Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
24. Kho bạc Nhà nước.
25. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
26. Viện Chiến lược và chính sách tài chính.
27. Thời báo Tài chính Việt Nam.
28. Tạp chí Tài chính.
29. Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.” (Điều 3 Nghị định số 87/2017/NĐ- CP)
Trong đó có 4 Tổng cục được tổ chức thống nhất theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương là Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và Kho bạc Nhà nước (trong đó có 62 Cục, Vụ, 11 đơn vị sự nghiệp ở các Tổng cục; 139 phòng tại các Cục, Vụ ở các Tổng cục; ở các địa phương có 183 Cục, 1.350 phòng, 1.354 Chi cục và tương đương ở các địa phương; có 381 tổ, đội hải quan và 2.943 đội thuế phường, xã). Các Tổng cục này có biên chế và quỹ lương thuộc Bộ Tài chính quản lý.
Ngoài ra còn có 06 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính gồm: Tập đoàn Bảo Việt, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm lưu ký chứng khoán; Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp Việt Nam, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam.
Về biên chế: tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính hiện nay khoảng hơn 71.000 người (trong đó: số cán bộ, công chức thuộc các cơ quan hành chính là 69.115 người; số viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp hơn 1.900 người). Ngoài ra, còn có 8.608 người lao động tại các doanh nghiệp thuộc Bộ.