Thủ tục, trình tự hỏi cung bị can là một thủ tục pháp luật hình sự trong qua trình điều tra, lấy lời khai, xét xử, thủ tục này yêu cầu các Điều tra viên phải luôn tuân thủ theo đúng nguyên tắc, đề cao tinh thần làm việc thận trọng, khách quan. Cùng bài viết tìm hiểu về hỏi cung bị can và quy định về hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hỏi cung bị can là gì?
- 2 2. Nguyên tắc khi hỏi cung bị can:
- 3 3. Thủ tục tiến hành hỏi cung bị can:
- 4 4. Quy định về biên bản hỏi cung bị can:
- 5 5. Quy định về việc hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự:
- 6 6. Luật sư tư vấn về việc lập biên bản khi hỏi cung bị can:
- 7 7. Vai trò của điều tra viên trong hoạt động hỏi cung bị can:
- 8 8. Hỏi cung bị can trong điều tra vụ án hình sự:
- 9 9. Quy định về ghi âm khi hỏi cung bị can:
- 10 10. Hỏi cung bị can theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:
1. Hỏi cung bị can là gì?
Hỏi cung bị can là một biện pháp, quá trình điều tra theo thủ tục, trình tự luật định đối với người đã bị khởi tố về hình sự (sau đây gọi là bị can) với mục đích tìm ra và làm sáng tỏ sự thật về hành vi có hay không phạm tội của cá nhân bị can hoặc những người có trách nhiệm liên quan (sau đây có thể gọi là đồng phạm). Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự, có yếu tố, căn cứ, dấu hiệu để cấu thành tội phạm. Để tiến hành thủ tục này, đảm bảo tính khách quan, xác thực, đúng người đúng tội các Điều tra viên cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định mà pháp luật đã đề ra. Cụ thể, luật quy định về hỏi cung bị can tại Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can, Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can để đảm bảo tính kịp thời trong công tác điều tra. Địa điểm hỏi cung bị can có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, nơi cơ quan điều tra đặt trụ sở hoặc tại nơi ở của người đó. Yêu cầu đối với nơi tiến hành điều tra là những nơi tạo điều kiện tốt nhất cho việc lấy lời khai và giúp ích cho việc ghi nhớ lại diễn biến, quá trình và hành vi phạm tội của bị can. Trước khi tiến hành hỏi cung bị can, Điều tra viên có nghĩa vụ phải
Trước khi thực hiện việc hỏi cung bị can lần đầu, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của bị can, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ về quyền và nghĩa vụ theo pháp luật đã quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc nắm rõ quyền quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật giúp bị can nhận thức rõ được trách nhiệm và quyền hạn của bản thân, qua đó giúp cho việc điều tra được tiến hành thuận lợi và đầy đủ, chính xác hơn.Trong biên bản điều tra phải ghi rõ về việc này. Trên thực tế, có nhiều vụ án gồm nhiều bị can, để đảm bảo tính khách quan, bí mật thông tin trong quá trình điều tra, Điều tra viên tiến hành hỏi riêng từng bị can, sắp xếp thời gian triệu tập bị can sao cho hợp lí và bố trí địa điểm hỏi cung cho phù hợp, không cho họ có cơ hội tiếp xúc với nhau.
Pháp luật Việt Nam quy định cá nhân, cơ quan có thẩm quyền không được tiến hành hỏi cung vào ban đêm, mọi hoạt động liên quan đến việc hỏi cung đều phải thực hiện vào ban ngày. Chỉ riêng đối với trường hợp đặc biệt, không thể trì hoãn được việc hỏi cung nữa thì Điều tra viên mới được phép tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm và phải đi kèm điều kiện phải ghi rõ lý do tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm trong biên bản. Thời gian ban đêm được hiểu là thời điểm từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Kiểm sát viên tiến hành hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Trong trường hợp hồ sơ vụ án chưa thể hiện rõ lời khai của bị can, có dấu hiệu thiếu khách quan, làm thiếu sót thông tin, lọt tội phạm hoặc có dấu hiệu oan sai… Kiểm sát viên có thể trực tiếp hỏi cung bị can đối với những trường hợp cần thiết này. Việc thực hiện quá trình hỏi cung bị can của Kiểm sát viên cũng được tiến hành theo quy định của pháp luật và tuân thủ các nguyên tắc của thủ tục hỏi cung bị can.
Trong toàn bộ quá trình hỏi cung, Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên không được thực hiện hành vi bức cung, mớm cung, dụ cung hoặc có hành vi sử dụng nhục hình đối với bị can, đây là quy định nghiêm cấm tuyệt đối góp phần bảo vệ quyền lợi cho bị can, nếu bất kì cá nhân có thẩm quyền nào vẫn cố tình thực hiện trái lại quy định của pháp luật thì phải bị xử lý kỉ luật hoặc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Toàn bộ quá trình điều tra, hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh. Nếu việc hỏi cung bị can được thực hiện tại địa điểm khác thì phải được ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Nguyên tắc khi hỏi cung bị can:
Quá trình tiến hành hỏi cung bị can phải đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối khách quan, thận trọng; nguyên tắc pháp chế; nguyên tắc đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ, bí mật thông tin. Pháp luật cũng nghiêm cấm người có thẩm quyền sử dụng các hình thức mớm cung, dụ cung, bức cung hoặc nhục hình, các hành vi này có thể dẫn tới hậu quả xấu, bất lợi cho bị can. Nếu Điều tra viên hoặc kiểm sát viên vẫn cố tình thực hiện hành vi này đối với bị can thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trên thực tế, người phạm tội đương nhiên không dễ dàng thừa nhận tội trạng của mình mà hay vòng vo, chối bỏ, có thái độ không hợp tác với cá nhân, cơ quan điều tra dẫn đến việc điều tra gặp nhiều khó khăn, thậm trí đi vào ngõ cụt. Để khắc phục tình trạng này, Điều tra viên cần nắm vững những đặc điểm tâm lý của bị can, hiểu rõ tâm lý của họ, có những phương pháp và chiến thuật hỏi cung khéo léo, vừa kết hợp linh hoạt sự cứng rắn và mềm mỏng, sử dụng những tài liệu đã có để đấu tranh với bị can.
3. Thủ tục tiến hành hỏi cung bị can:
có thể tiến hành tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của bị can, hỏi cung bị can có thể được tiến hành nhiều lần, mỗi lần đều phải lập thành biên bản và tiến hành hỏi cung theo trình tự:
Trước khi tiến hành hỏi cung bị can Điều tra viên phải đọc Quyết định khởi tố bị can và giải thích rõ cho họ biết về quyền và nghĩa vụ của mình, quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch hợp pháp của bị can,
Tiến hành hỏi cung: Người có thẩm quyền tiến hành hỏi cung, đặt ra các câu hỏi và áp dụng những biện pháp nghiệp vụ phù hợp để làm rõ các tình tiết của vụ án. Người có thẩm quyền là Điều tra viên được bổ nhiệm theo pháp luật quy định để điều tra vụ án hình sự. Điều tra viên là người đã trải qua quá trình đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, có đầy đủ năng lực, trình độ và các kỹ năng cần thiết để đưa ra các câu hỏi, lí lẽ khai thác triệt để, đầy đủ, khách quan các tình tiết của vụ án. Khi xét thấy cần thiết, kiểm sát viên cũng có thể tham gia việc hỏi cung bị can. Trường hợp người tiến hành hỏi cung bị can là Kiểm sát viên thì biên bản hỏi cung phải được chuyển cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ an.
Kết thúc quá trình hỏi cung: sau khi tiến hành hỏi cung, người có thẩm quyền hỏi cung đọc lại cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc lại toàn bộ thông tin ghi nhận trong quá trình hỏi cung. Trường hợp bị can tự viết lời khai thì bị can và Điều tra viên cùng kí xác nhận vào tờ khai đó. Sau đó, Điều tra viên, bị can và những người khác tham gia hỏi cung (có thể là người bào chữa, người phiên dịch, người đại diện hợp pháp của bị can) thực hiện việc ký xác nhận vào từng trang của biên bản. Trường hợp việc hỏi cung được ghi âm thì sau khi kết thúc hỏi cung, phải phát lại để bị can và điều tra viên cùng nghe và kí xác nhận vào biên bản hỏi cung.
4. Quy định về biên bản hỏi cung bị can:
Mẫu biên bản hỏi cung bị can được quy định rõ ràng, thống nhất theo quy định của Bộ Công an. Biên bản hỏi cung bị can là văn bản có giá trị pháp lý ghi lại toàn bộ quá trình hỏi cung, đây cũng được coi là một trong những nguồn chứng cứ phục vụ cho toàn bộ quá trình điều tra, xét xử. Mẫu biên bản ghi chép về việc hỏi cung bị can là mẫu biên bản được lập ra để ghi chép về việc hỏi cung bị can, có ghi rõ nội dung hỏi đáp của điều tra viên và bị can.
Mỗi lần tiến hành hỏi cung bị can đều bắt buộc phải ghi biên bản hỏi cung bị can, biên bản này phải là bản viết tay, không được đánh máy, việc hỏi cung có thể được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Trong biên bản hỏi cung bị can phải ghi rõ quá trình hỏi cung diễn ra lần thứ mấy, địa điểm, thời gian hỏi cung; thông tin của người tiến hành hỏi cung, bao gồm họ tên và chức vụ của người đó. Ngoài ra, biên bản hỏi cung bị can cũng phải ghi đầy đủ thông tin của bị can trong đó bao gồm những thông tin như: họ tên, tuổi, quê quán, trú quán, nơi ở tạm trú, thường trú, nơi người đó làm việc và điều kiện, hoàn cảnh gia đình, tiền án tiền sự nếu có của bị can…
Từ những điều trên có thể thấy luật pháp đã quy định rất chặt chẽ, cụ thể hóa từng từng trường hợp và đưa thực tiễn vào trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai từ bị cáo. Điều này tạo hiệu quả cao và tối ưu nhất để thu thập được những thông tin xác thực, khách quan giúp cơ quan điều tra đi đến kết luận và xét xử toàn diện và nhanh hơn. Đặc biệt, trường hợp Điều tra viên và người có thẩm quyền tiến hành hỏi cung cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật, nếu thực hiện trái pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, công dân có thể hoàn toàn yên tâm về tính khách quan, minh bạch của thủ tục hỏi cung bị can. Hi vọng rằng những thông tin mà Luật Dương Gia nêu ra có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề hỏi cung bị can quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 .
5. Quy định về việc hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, tôi muốn hỏi vấn đề sau mong luật sư giải đáp giúp tôi. Chủ thế nào có thẩm quyền hỏi cung bị can? Hỏi cung bị can vào thời điểm nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Điều 131 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về việc hỏi cung bị can
1. Việc hỏi cung bị can phải do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.
Trước khi hỏi cung, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Việc này phải được ghi vào biên bản.
Nếu vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can tự viết lời khai của mình.
2. Không hỏi cung vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
3. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể hỏi cung bị can. Việc hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.
4. Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 299 hoặc Điều 298 của Bộ luật hình sự.
Như vậy, thì Điều tra viên sẽ tiến hành hỏi cung bị can và việc hỏi cung sẽ được tiến hành sau khi đã có quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra.
6. Luật sư tư vấn về việc lập biên bản khi hỏi cung bị can:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, tôi muốn hỏi vấn đề sau mong luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi thắc mắc khi hỏi cung bị can thì có bắt buộc phải có biên bản hỏi cung không? Trong biên bản hỏi cung có những nội dung nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về biên bản hỏi cung bị can
1. Biên bản hỏi cung bị can phải được lập theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này.
Mỗi lần hỏi cung đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm Điều tra viên tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.
2. Sau khi hỏi cung, Điều tra viên đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản. Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì Điều tra viên và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó.
Nếu việc hỏi cung được ghi âm thì sau khi hỏi cung, phải phát lại để bị can và Điều tra viên cùng nghe. Biên bản phải ghi lại nội dung việc hỏi cung, bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận.
Trong trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết được quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Người phiên dịch và bị can cùng ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.
3. Khi hỏi cung có mặt người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can thì Điều tra viên phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện hợp pháp cùng ký vào biên bản hỏi cung.
Trong trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì trong biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.
4. Trong trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì phải thực hiện theo quy định của Điều này
Như vậy có thể thấy việc hỏi cung bị can cần phải lập biên bản và nội dung cần thiết sẽ thực hiện theo Điều 132 Bộ luật tố tụng Hình sự.
7. Vai trò của điều tra viên trong hoạt động hỏi cung bị can:
Điều tra là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án. Điều tra là hoạt động có mục đích khám phá sự thật khách quan phục vụ nhu cầu của con người. Trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, điều tra là hoạt động khám phá, phát hiện tội phạm. Hoạt động điều tra được nhìn nhận và quy định khác nhau ở các quốc gia phụ thuộc vào quan điểm chính trị, chính sách hình sự, trình độ và cách thức tổ chức bộ máy phòng, chống tội phạm ở từng nước.
Điều tra viên là người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự nhằm thu thập chứng cứ, chứng minh có tội phạm xảy ra hay không, ai là người thực hiện tội phạm và những tình tiết khác của vụ án.Điều tra viên có vị trí quan trong TTHS, có nhiệm vụ phát hiện, điều tra làm rõ tội phạm và người phạm tội một cách nhanh chóng, chính xác, toàn diện, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Thực chất của hoạt động hỏi cung bị can là cuộc đấu tranh về ý chí và lí trí của điều tra viên và bị can, do đó để hoạt động này đạt hiệu quả cao đòi hỏi điều tra viên phải có trình độ văn hoá pháp luật, nghiệp vụ cao, có kiến thức sâu rộng về xã hội, tâm lí, có kinh nghiệm dày dặn trong công tác hỏi cung và luôn xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của cuộc hỏi cung, những biện pháp, những phương tiện cần sử dụng để đạt được mục đích đề ra.
Là chủ thể của tội phạm, bị can là chủ sở hữu một lượng thông tin tương đối lớn về vụ án, hơn ai hết bị can biết bị can biết rất rõ về toàn bộ quá trình chuẩn bị, những mục đích, những động cơ đã thúc đẩy bị can phạm tội, những công cụ, phương tiện, những phương pháp, thủ đoạn mà bị can sử dụng khi thực hiện hành vi đó, những tài sản chiếm đoạt được, nơi cất giấu chúng… Vì vậy khi hỏi cung bị can, điều tra viên giữ vai trò quan trọng không thể thiểu, bởi điều tra viên phải áp dụng các biện pháp cần thiết, những chiến thuật mà pháp luật cho phép để có thể thu thập tất cả những thông tin mà bị can biết, có liên quan đến vụ án nhằm làm rõ nội dung của vụ án, hành vi phạm tội của bị can, lập hồ sơ để để nghị xử lí đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đối với những vụ án được thực hiện bằng hình thức đồng phạm, khi hỏi cung bị can, điều tra viên có vai trò thu thập những thông tin, tài liệu cần thiết để làm rõ vị trí của từng tên trong việc thực hiện tội phạm, làm cơ sở xác định trách nhiệm của chúng.
Trên cơ sở những vấn đề như: nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, nhân thân, lập kế hoạch hỏi cung bị can, những tài liệum chứng cứ đã thu thập được…điều tra viên cần dự kiến chiến thuật hỏi cung cho phù hợp với tình huống có thể nảy sinh trong quá trình hỏi cung.
8. Hỏi cung bị can trong điều tra vụ án hình sự:
Bị can là người bị nghi ngờ đã thực hiện hành vi phạm tội và đã bị khởi tố về hình sự (có Quyết định khởi tố bị can). Hỏi cung bị can là hoạt động tố tụng hình sự do điều tra viên tiến hành để lấy lời khai của bị can về các tình tiết của hành vi phạm tội mà họ đã tham gia thực hiện để thu thập thông tin chính xác và khách quan làm sáng tỏ những vấn đề cần chứng minh đối với vụ án và bị can. Việc hỏi cung bị can phải tuân theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 như sau:
– Thẩm quyền: Việc hỏi cung phải do Điều tra viên tiến hành, trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành hỏi cung bị can. Điều tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để điều tra vụ án hình sự. Điều tra viên làm việc trong cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều tra viên đã trải qua chương trình đào tạo nên có đủ năng lực, trình độ chuyên môn cũng như các kỹ năng cần thiết để đặt ra những câu hỏi khai thác được đầy đủ, khách quan các tình tiết của vụ án.
– Thời điểm, địa điểm tiến hành: Việc hỏi cung bị can tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can tại trụ sở cơ quan điều tra hoặc nơi ở của bị can. Không được hỏi cung bị can vào ban đêm trừ trường hợp không thể trì hoãn được.
– Những người tham gia cuộc hỏi cung: Ngoài bị can và Điều tra viên, tùy từng trường hợp mà người bào chữa cho bị can, người phiên dịch (bị can không thông thạo tiếng Việt), người đại diện hợp pháp của bị can (bị can là người chưa thành niên).
– Thủ tục tiến hành: Việc hỏi cung bị can có thể tiến hành nhiều lần, mỗi lần đều phải lập thành biên bản và tiến hành hỏi cung theo trình tự, thủ tục sau:
+) Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải đọc Quyết định khởi tố bị can và giải thích rõ cho họ biết các quyền và nghĩa vụ của mình (khi hỏi cung lần sau thì không cần thực hiện thủ tục này); quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, người đại diện hợp pháp của bị can (nếu có những người này tham gia);
+) Tiến hành hỏi cung: Người có thẩm quyền hỏi cung đặt ra các câu hỏi và áp dụng những biện pháp nghiệp vụ để làm rõ các tình tiết của vụ án;
+) Kết thúc hỏi cung: Sau khi hỏi cung, người có thẩm quyền hỏi cung đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Sau đó, Điều tra viên, bị can và những người khác tham gia buổi hỏi cung (người bão chữa, người phiên dịch, người đại diện hợp pháp của bị can) ký xác nhận và từng trang của biên bản.
9. Quy định về ghi âm khi hỏi cung bị can:
Hỏi cung là hoạt động tố tụng hình sự do điều tra viên tiến hành để lấy lời khai của bị can về các tình tiết của hành vi phạm tội mà họ đã tham gia thực hiện để thu thập thông tin chính xác và khách quan làm sáng tỏ những vấn đề cần chứng minh đối với vụ án và bị can.
Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can.
Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ và phải ghi vào biên bản. Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Theo quy định mới tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, dự thảo luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm tiến hành điều tra khác thì chỉ thực hiện theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, để thực hiện quy định này, cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về trình tự, thủ tục bảo quản, sử dụng, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, do phải có thời gian để đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ, cần có lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình.
10. Hỏi cung bị can theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 :
Luật sư tư vấn:
Ngày 27 tháng 11 năm 2015 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật sẽ thay thế cho Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới tiến bộ hơn. Một trong số những điểm mới đáng chú ý là các quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về hỏi cung bị can.
Quy định cụ thể của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về hỏi cung bị can như sau:
“Điều 183. Hỏi cung bị can
1. Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can.
2. Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình.
3. Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
4. Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.
5. Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
6. Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”
So với Bộ luật tố tụng hình sự 2003, quy định về hỏi cung bị can trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có những điểm mới đáng chú ý sau:
– Trước khi hỏi cung Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa cho bị can về thời gian, địa điểm hỏi cung.
– Quy định rõ hơn các trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can. Cụ thể Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.
– Phải ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong các trường hợp:
+) Hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
+) Bị can hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Quy định về hỏi cung bị can nói riêng và những điểm mới khác của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đều là những điểm tiến bộ, hướng dẫn cụ thể hơn nhằm mục đích hạn chế tối đa oan sai và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.