Xác nhận số chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân cùng là một người? Cấp lại chứng minh thư nhân dân hay cấp thẻ căn cước công dân? Mất chứng minh nhân dân có được làm thẻ căn cước công dân không? Đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân? Làm thẻ căn cước công dân khi mất chứng minh thư?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân và trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật về quản lý cư trú khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Căn cước công dân là số định danh của mỗi cá nhân, bao gồm các thông tin cơ bản của một người như lai lịch, nhân dạng để phân biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác. Hiện nay, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân thay thể cho chứng minh nhân dân của mỗi cá nhân là công dân Việt Nam, thẻ căn cước công dân có giá trị như chứng minh nhân dân của người được Nhà nước cấp thẻ và có thể thực hiện toàn bộ các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, người có thẻ căn cước công dân có thể sử dụng thay thể cho hộ chiếu để tới các nước mà Việt nam và các nước ngoài có tham gia ký kết điều ước quốc tế với nhau hoặc thỏa thuận quốc tế về việc chấp nhận cho phép người công dân Việt Nam được sử dụng thẻ căn ước công dân thay thế cho hộ chiếu.
Trong thẻ căn cước công dân có bao hàm một dãy số được gọi là số định danh cá nhân, tức là mỗi số sẽ cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại. Mỗi cá nhân chỉ được cấp một dãy số định danh có 12 số từ 0, 1…9, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác toàn bộ thông tin của công dân Việt Nam được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Nay, Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất và được quản lý trên phạm vi toàn quốc.
Thông tin thẻ căn cước công dân bao gồm những nội dung sau:Họ và tên người xin cấp( tên theo khai sinh hoặc tên khác được nhà nước công nhận); Ngày, tháng, năm sinh xin cấp; Giới tính:nam hoặc nữ; Nguyên quán, quê quán đăng ký khai sinh; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch Việt Nam; Tình trạng hôn nhân( độc thân hoặc đã đăng kí kết hôn); Nơi đăng kí thường trú; Nơi ở hiện tại; Nhóm máu( nếu có), 9 số Chứng minh nhân dân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, họ và tên bố ; họ và tên mẹ; quốc tịch của cha, mẹ,Họ và tên vợ; họ và tên chồng hoặc người đại diện hợp pháp; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; ngày tháng năm sinh của cha, mẹ, vợ chông, Chứng minh nhân dân cha, mẹ, vợ chồng, Ảnh chân dung; Đặc điểm nhân dạng; Vân tay bao gồm 10 ngón; ngày, tháng, năm và nơi cấp Chứng minh nhân dân; Nghề nghiệp/ công việc;Trình độ học vấn; Ngày, tháng, năm công dân thông báo mất Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
Thẻ Căn cước công dân gồm hai mặt mặt trước và mặt sau, mặt trước của thẻ bao gồm các thông tin sau: hình Quốc huy nước Việt Nam đang sử dụng; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ép bức ảnh được chụp, mã số định danh được cấp cho mỗi công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch,nguyên quán, quê quán, nơi thường trú. Mặt sau thẻ căn cước công dân bao gồm các thông tin được cơ quan nhà nước mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng ; ngày, tháng, năm cấp thẻ căn cước; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Hồ sơ làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân bao gồm:
-Tờ khai theo mẫu Mẫu CC01
-Chứng minh nhân dân đã được cơ quan nhà nước cấp
-Bản chính Sổ hộ khẩu được cơ quan nhà nước cấp
-Giấy xác nhận mất chứng minh nhân dân do cơ quan thẩm quyền cấp
-Giấy khai sinh hoặc bản trích lục giấy khai sinh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp
-Giấy giới thiệu(nếu có)
Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện như sau:
Bước một: Người xin cấp thẻ làm thủ tục điền vào tờ khai theo mẫu quy định Luật căn cước công dân 2014
Bước hai: Sau khi điền đầy đủ người xin cấp nộp trực tiếp tờ khai tới cán bộ đang tiếp nhận hồ sơ. Sau đó, cán bộ phải kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong Tờ khai mà người xin cấp đã điền vào tờ khai.
Đối với trường hợp thông tin đã đầy đủ và chính xác thì cán bộ thực hiện nhiềm vụ điền lại các thông tin của người xin cấp vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối sẵn với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Mục đích ghi lại để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân xin cấp.
Đối với trường hợp công dân chưa điền đầy đủ có thông tin hoặc thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ hướng dẫn công dân điền thông tin chính xác hoặc bổ sung giấy tờ. Trong trường hợp thông tin có sự thay đổi thì cán bộ yêu cầu xuất trình giấy tờ hợp pháp về những thông tin thay đổi để kiểm tra và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu.
Trường hợp với công dân đang công tác tại Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì công dân trách nhiệm xuất trình giấy chứng minh của mình đã được Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp và giấy giới thiệu được thủ trưởng đơn vị cấp cho người xin cấp.
Sau kiểm tra hồ sơ hợp lệ, Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân tiến hành các bước sau:chụp ảnh, lấy vân tay, ghi chú đặc điểm nhận dạng của công dân đang làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân. Tất cả bước trên đều phải trực tiếp tại trụ sở cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cán bộ chụp ảnh thẻ cho người xin cấp phải chính diện lưu ý: đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành; riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt;
Đối với trường hợp người công dân bị mất ngón tay hoặc khèo hoăc dị tật mà cán bộ không lấy được vân tay của công dân được thì sẽ phải ghi cụ thể các nội dung vào vị trí tương ứng của ngón bị khuyết tật.
Trường hợp làm thẻ căn cước công dân cho công dân đang mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các căn bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì việc làm thẻ căn cước phải có người đại diện hợp pháp đi cùng để làm thủ tục thay cho người xin cấp nêu trên. Đối với trường hợp này thì cán bộ vẫn làm đầy đủ các thủ tục như: chụp ảnh, thu thập vân tay của người và cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục
Bước ba: Sau các bước đã nêu trên thì cán bộ có trách nhiệm cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người xin cấp.
Bước bốn: Người làm thủ tục xin cấp có thể yêu cầu Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy
Bước năm: Tới thời gian và địa điểm ghi trong giấy hẹn nhận lại thẻ thì công dân trực tiếp tới làm thủ tục nhận thẻ căn cước công dân; trường hợp công dân xin cấp có thay đổi nơi thường trú hoặc yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác nơi đăng kí theo hộ khẩu thường trú thì công dân phải ghi cụ thể địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai căn cước công dân để tránh trường hợp thẻ đã được cấp nhưng chưa đến tay công dân. Ngoài ra công dân có thể thuê dịch vụ chuyển phát nhanh từ một công ty chuyển phát và phải trả phí dịch vụ chuyển phát theo quy định.
Tính từ thời điểm cơ quan nhà nước nhận đủ hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn bảy ngày làm việc đối với các thành phố, thị xã đối với việc cấp mới hoặc đổi phải trả thẻ người xin cấp; trường hợp xin cấp lại thì cơ quan nhà nước cấp lại không quá mười năm ngày làm việc. Đối với các vùng khu vực khó khăn trong việc đi lại hoặc dân trí thấp như: huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo thì từ thời điểm nhận hồ sơ trong không quá 20 ngày làm việc cấp lại thẻ. Những khu vực còn lại thì viêc cấp sổ trong khoảng thời gian không quá mười năm ngày làm việc.
Mục lục bài viết
- 1 1. Xác nhận số chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân cùng là một người
- 2 2. Cấp lại chứng minh thư nhân dân hay cấp thẻ căn cước công dân?
- 3 3. Mất chứng minh nhân dân có được làm thẻ căn cước công dân không?
- 4 4. Đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân
- 5 5. Làm thẻ căn cước công dân khi mất chứng minh thư
1. Xác nhận số chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân cùng là một người
Tóm tắt câu hỏi:
Em bị mất chứng minh nhân dân, và được làm thẻ căn cước công dân nhưng toàn bộ giấy tờ đều đứng tên theo số chứng minh, khi đi đổi lại giấy tờ theo số thẻ căn cước thì bên ngân hàng yêu cầu giấy xác nhận từ công an (nơi làm thẻ căn cước xác nhận) là thẻ căn cước và số chứng minh đã mất là cùng một người. Nhưng khi em đi làm xác nhận thì bên công an huyện không chịu xác nhận cho. Em muốn hỏi có cách nào giải quyết vấn đề này không?
Luật sư tư vấn:
Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Kể từ ngày 01/01/2016, Luật căn cước công dân 2014 có hiệu lực, chứng minh nhân dân được thay thế bằng thẻ căn cước công dân. Nếu có yêu cầu, công dân Việt Nam có thể cấp thẻ căn cước công dân.
Điều 15 Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định thu, nộp, xử lý chứng minh nhân dân khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân và xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân: Khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thu Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số do công dân nộp, sau đó tiến hành như sau:
* Đối với Chứng minh nhân dân 9 số:
– Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục. Ngay sau khi nhận Chứng minh nhân dân đã cắt góc hoặc sau đó, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan tiến hành cắt góc Chứng minh nhân dân 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân;
– Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.
* Đối với Chứng minh nhân dân 12 số, cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc cho người đến làm thủ tục.
* Trường hợp công dân mất Chứng minh nhân dân 9 số mà làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất cho công dân.
Như vậy, khi bạn bị mất Chứng minh nhân dân, bạn thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân bạn có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất. Nếu cơ quan công an không thực hiện thủ tục này bạn có quyền làm đơn tố cáo gửi trực tiếp người đứng đầu cơ quan bạn thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân yêu cầu trả lời về vấn đề tại sao không cấp cho ban Giấy xác nhận.
2. Cấp lại chứng minh thư nhân dân hay cấp thẻ căn cước công dân?
Tóm tắt câu hỏi:
Năm 1994 em rời quê vào Sài Gòn làm ăn và em bị mất chứng minh. 10 năm sau em về nhà, thì ba em đã bán nhà chuyển đi nơi khác ở. Đồng thời là cắt hộ khẩu em luôn, vì một lý do đơn giản là sợ em vô Sài Gòn làm bậy mà liên lụy gia đình. Giờ em về quê làm lại chứng minh thì không được, em không biết phải như thế nào. Xin luật sư chỉ giúp dùm em với. Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Theo như bạn trình bày, gia đình bạn đã bán nhà ở quê, đồng thời chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Như vậy, bạn phải liên hệ với gia đình hỏi rõ hiện nay hộ khẩu thường trú của bạn ở đâu?
Căn cứ Điều 5 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA quy định đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân như sau:
“1. Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
2. Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.”
Nếu bạn bị mất chứng minh thư nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại chứng minh nhân dân. Thủ tục cấp lại chứng minh thư nhân dân thực hiện theo quy định tại điểm b) Khoản 1 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCAnhư sau:
– Đơn trình bày nêu rõ lý do xin đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân. Trường hợp cấp lại thì đơn phải có xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú.
– Xuất trình hộ khẩu thường trú;
– Chụp ảnh;
– In vân tay hai ngón trỏ;
– Khai tờ khai xin cấp Chứng minh nhân dân;
Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan công an cấp huyện nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú.
Thời hạn giải quyết: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Hiện nay, có nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công theo quy định Luật căn cước công dân 2014. Khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân thì không phải mang theo Sổ hộ khẩu gia đình để cấp thẻ căn cước công dân, chỉ cần điền thông tin vào Tờ khai. Do đó, bạn có thể thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân thay chứng minh thư nhân dân.
3. Mất chứng minh nhân dân có được làm thẻ căn cước công dân không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em có hộ khẩu ở huyện Thạch Thất Hà Nội. Vừa rồi em có đánh rơi ví gồm cả chứng minh nhân dân 9 số. Em muốn biết có thể làm thẻ căn cước tại 44- Phạm Ngọc Thạch – Đống Đa – HN hay không, hay phải về tận huyện Thạch Thất làm ? Em đang làm việc ở Hà Nội. Nếu có thể làm được CCCD ở 44- Phạm Ngọc Thạch – Đống Đa – HN thì em có cần về quê xin giấy xác nhận là đánh rơi CMND không vậy?
Luật sư tư vấn:
Điều 22 Luật Căn cước công dân quy định trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân như sau:
“Điều 22. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân
1. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện như sau:
a) Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;
b) Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.
Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị:
c) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;
d) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;
đ) Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật này; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
2. Trường hợp người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Kể từ ngày 01/01/2016, Luật Căn cước công dân 2014 có hiệu lực, thẻ Căn cước công dân sẽ được thay thế thẻ Chứng minh nhân dân. Vì vậy, để yêu cầu cấp thẻ căn cước, anh có thể yêu cầu cấp mới thẻ Căn cước công dân tại 44 Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội – tức Cơ quan Công an Thành phố có thẩm quyền cấp Căn cước công dân mà không cần về huyện Thạch Thất xin giấy xác nhận mất Chứng minh nhân dân hoặc anh có thể yêu cầu cấp mới thẻ Căn cước công dân tại những Cơ quan theo Điều 26 Luật Căn cước công dân như sau:
“Điều 26. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:
1. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
2. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
3. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
4. Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.”
Tại cơ quan có thẩm quyền cấp căn cước công dân trên, trong trường hợp anh bị mất Chứng minh nhân dân 9 số, anh sẽ phải tiến hành yêu cầu cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất cho công dân, căn cứ theo Khoản 3 Điều 15, Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của luật căn cước công dân như sau:
“Điều 15. Thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân và xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân
3. Trường hợp công dân mất Chứng minh nhân dân 9 số mà làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất cho công dân.”
4. Đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào tư vấn viên. Tôi xin hỏi, CMND của tôi làm từ năm 1979 đến nay chưa làm lại. Giờ tôi muốn đổi thành thẻ căn cước nhưng ngày sinh trong cmnd của tôi là năm 1954 không khớp với hộ khẩu (hộ khẩu làm từ năm 1991 và làm lại năm 2015) là sinh năm 1955. Mà tôi muốn có sự xác nhận chứng minh thư nhân dân và thẻ căn cước là một người để có thể giao dịch ngân hàng, vậy tôi phải làm như thế nào xin được tư vấn ạ!?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về việc bạn muốn cấp đổi chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước công dân, bạn tới cơ quan công an cấp tỉnh để thực hiện thủ tục, do chứng minh thư nhân dân cũ của bạn bị sai về năm sinh so với sổ hộ khẩu nên nếu năm sinh trong chứng minh thư nhân dân là đúng, phù hợp với thông tin trong giấy khai sinh của bạn thì sẽ không ảnh hưởng gì tới việc bạn xin cấp đổi thẻ căn cước công dân. Trước tiên, bạn thực hiện thủ tục cấp đổi sổ hộ khẩu gia đình của bạn sau đó thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước công dân. Nếu thông tin năm sinh trong sổ hộ khẩu là đúng, trên chứng minh thư là sai thì phải làm thủ tục cấp đổi chứng minh thư nhân dân sau đó thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước công dân.
Thứ hai, về việc xin cấp giấy xác nhận, theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Điều Thông tư 11/2016/TT-BCA việc thu thập thông tin trongquá trình cấp đổi thẻ căn cước công dân như sau:
Luật sư tư vấn về thẻ căn cước công dân:1900.6568
“3. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận, cập nhật dữ liệu kết quả phê duyệt cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân để quản lý theo quy định.
b) Trả thẻ Căn cước công dân, cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân (nếu có) cho công dân.
Đối với công dân có đăng ký trả thẻ Căn cước công dân tại địa chỉ theo yêu cầu thì bàn giao thẻ Căn cước công dân và giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân (nếu có) cho đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát để trả cho công dân.
c) Chuyển hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân về tàng thư căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú theo quy định.”
Do bạn cấp đổi từ chứng minh thư sang thẻ căn cước nên khi làm thủ tục cấp đổi bạn sẽ phải nộp lại chứng minh thư để cơ quan cấp thẻ căn cước tiếp nhận và tiến hành cắt góc sau đó trả lại cho bạn. Việc xác nhận chứng minh thư và thẻ căn cước chỉ thực hiện khi bạn làm mất chứng minh thư nhân dân.
Khi bạn làm việc với ngân hàng, bạn vẫn có thể sử dụng chứng minh thư nhân dân bị cắt góc để thực hiện các giao dịch liên quan.
5. Làm thẻ căn cước công dân khi mất chứng minh thư
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi vừa bị mất giấy phép lái xe, chứng minh thư và 1 vài giấy tờ quan trọng khác. Có thể cho tôi hỏi là Nếu tôi vừa muốn xin giấy xác nhận mất chứng minh thưc và vừa muốn làm thẻ căn cước có được không? Việc xin giấy xác nhận mất CMTND có làm việc làm thẻ khó khăn hơn không? Tôi muốn hỏi thêm là xin giấy xác nhận và làm thẻ thì mất tầm bao lâu? Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo điều 38
“Điều 38. Hiệu lực thi hành và quy định về chuyển tiếp
1.Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016
2.Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
3. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật
Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng hết ngày 31 tháng 12 năm 2019″.
Vậy theo quy định của Luật căn cước công dân, chứng minh nhân dân được thay thế bằng thẻ căn cước công dân. Nếu có yêu cầu công dân Việt Nam có thể cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Nếu bạn bị mất Chứng minh thư nhân dân, bạn có thể làm thủ tục cấp mới thẻ căn cước công dân tại cơ quan Công an
Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật căn cước công dân như sau:
“a) Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;
b) Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.
Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị;
c) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;
d) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;
đ) Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật này; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát”.
Tại cơ quan có thẩm quyền cấp căn cước công dân trên, trong trường hợp bạn bị mất chứng minh thư nhân dân, bạn sẽ phải tiến hành yêu cầu cấp giấy xác nhận số chứng minh thư nhân dân đã mất. Căn cứ theo Khoản 3 Điều 15, Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật căn cước công dân như sau:
” Điều 15. Thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân và xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.
3. Trường hợp công dân mất Chứng minh nhân dân 9 số mà làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số Chứng minh thư nhân dân 9 số đã mất cho công dân”.
Như vậy, để làm được thẻ Căn cước công dân bạn cần phải đến cơ quan công an nơi bạn đang cư trú để xác nhận đã mất, xác nhận số chứng minh thư nhân dân. Sau khi được cấp thẻ Căn cước công dân thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ xác nhận cho bạn để bạn thuận lợi hơn khi tham gia các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.
Thời hạn cấp thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:
-Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại
-Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
– Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;