Thừa kế được hiểu cơ bản là việc người hiện đang còn sống được thừa hưởng, kế nhiệm tài sản và quyền sở hữu tài sản của người đã chết để lại. Vậy dưới góc nhìn của pháp luật thì quyền thừa kế là gì? Người có quyền thừa kế theo pháp luật?
Mục lục bài viết
1. Quyền thừa kế là gì?
Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân. Quyền thừa kế được pháp luật các nước trên thới giới công nhận. Quyền thừa kế bao gồm các quyền như sau : quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất, quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo di nguyện của bản thân và quyền được hưởng phần di sản đó theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật của người được hưởng di sản. Do đó các vấn đề liên quan đến quyền thừa kế bao gồm các nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, về đối tượng của quyền thừa kế:
Về đối tượng của quyền thừa kế dưới góc độ pháp luật được hiểu là tài sản thuộc sở hữu của người chết hoặc quyền tài sản của người chết mà người chết là người sử dụng hợp pháp để lại cho người còn sống.
Theo quy định tại Điều 115
Thứ hai, về chủ thể của quyền thừa kế:
Về chủ thể của quyền thừa kế trong trường hợp này bao gồm quyền của người để lại di sản và quyền của người nhận di sản.
Vấn đề thứ nhất đặt ra là quyền thừa kế của người để lại di sản:
Theo Bộ luật dân sự 2015 thì mọi cá nhân đều có quyền định đoạt tài sản của mình thể hiện dưới dạng di chúc trước khi qua đời.Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội … đều có quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Pháp luật Việt Nam bảo về quyền thừa kế của người lập di chúc dưới hai hình thức: thông qua di chúc để lại trước khi qua đời hoặc theo quy định cụ thể của pháp luật trong trường hợp không có di chúc để lại.
Trong trường hợp có di chúc của người qua đời để lại thì việc phân chia di sản phải tuân theo ý nguyện của người lập di chúc đã ghi rõ trong di chúc. Chia cho những ai? Di sản chia là gì? Và chia cho bao nhiêu? Việc phân chia này vừa thể hiện sự tôn trọng di nguyện của người đã khuất vừa là phương thức giải quyết di sản một cách công bằng nhất tránh việc tranh chấp không đáng có xảy ra về sau khi.
Trong trường hợp người đã chết không có di chúc để lại thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo quy định của pháp luật về thừa kế tại Bộ luật dân sự 2015.
Vấn đề thứ hai đặt ra là Quyền thừa kế của người nhận di sản:
Căn cứ vào việc người chết có để lại di chúc hay không thì người nhận di sản cũng được chia thành hai trường hợp: thứ nhất là người nhận di sản theo di chúc và thứ hai là người nhận di sản theo pháp luật. Mọi cá nhân đều có quyền thừa kế và nhận di sản trong trường hợp mình thuộc diện nhận di sản theo pháp luật hoặc nhận di sản theo di chúc.
Trường hợp người nhận di sản theo di chúc thì căn cứ vào quyền thừa kế của họ, họ sẽ được hưởng phần di sản mà người đã chết để lại theo đúng những điều khoản mà di chúc đã ghi lại.
Trường hợp người nhận di sản theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào hàng thừa kế để xác định phần di sản mà họ sẽ nhận được.
Bên cạnh đó người có quyền thừa kế là người nhận di sản cũng có quyền từ chối nhận phần di sản của mình dù là trong trường hợp nhận di sản theo pháp luật hay nhận di sản theo di chúc nếu sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế phù hợp với những điều kiện mà pháp luật đã quy định. Sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế được quy định thời hạn có hiệu lực của sự khước từ, hình thức và thủ tục khước từ quyền hưởng di sản và trường hợp không có quyền từ chối quyền hưởng di sản. Quyền từ chối nhận di sản thừa kế được pháp luật cho phép nếu phù hợp với điều kiện, nguyên tắc, thời hạn theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015.
Từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc z hay theo pháp luật cũng là sự thể hiện quyền thừa kế, ý chí của người được chỉ định thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật đã không nhận thừa kế theo sự định đoạt của người để lại di sản. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản thì việc thể hiện ý chí của người đó có thể xảy ra các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, người được thừa kế chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp thứ hai, người được thừa kế chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc.
Trường hợp thứ ba, người được thừa kế từ chối cả quyền hưởng thừa kế theo di chúc và quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.
Tuy nhiên việc thực hiện quyền năng này của người có quyền hưởng di sản chỉ được pháp luật chấp nhận trong thời hạn là 06 tháng kể từ ngày tiến hành mở thừa kế; nếu quá thời hạn đã nêu trên, người được hưởng di sản mới bày tỏ ý kiến của mình về việc từ chối nhận di sản thì việc từ chối nhận di sản của họ sẽ không được pháp luật chấp nhận và theo đó người hưởng di sản buộc phải chấp nhận việc hưởng phần di sản của mình vì đó là “quyền thừa kế”.
Trên đây là toàn bộ những phân tích cụ thể dựa trên các căn cứ quy định của pháp luật về quyền thừa kế và quy định của pháp luật về các đối tượng được hưởng quyền thừa kế. Hi vọng rằng bài viết này của Luật Dương Gia có thể đem lại những thông tin vô cùng hữu ích cho bạn đọc để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn các kiến thức pháp luật về vấn đề này.
2. Quyền thừa kế của mẹ chồng đối với di sản thừa kế của con trai:
Tóm tắt câu hỏi:
Chồng tôi mất năm 2019, hiện tôi và 2 con gái đang sống trên mảnh đất 500m2 có sổ đỏ mang tên tôi là vợ và chồng tôi là chủ quyền sử dụng đất. Nhưng đến nay mẹ chồng tôi lại muốn bán một nửa số đất đó đi để chia tài sản cho hai cô con gái của bà đã đi lấy chồng. Vậy xin cho tôi hỏi mẹ chồng tôi có quyền bán số đất này không?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, mẹ bạn không có quyền bán ½ diện tích đất nói trên (250m2) bởi lẽ:
Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự về hàng thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, trường hợp của bạn, những người sau đây sẽ là đồng thừa kế ½ diện tích mảnh đất đó: bạn, 2 người con của vợ chồng bạn, mẹ chồng bạn, bố chồng bạn (nếu còn sống). Mỗi người sẽ được hưởng một phần bằng nhau. Giả sử bố chồng bạn không còn sống, thì ½ diện tích mảnh đất thuộc sở hữu của vợ chồng bạn (nay là di sản chồng bạn để lại) sẽ chia thành 4 phần bằng nhau, bạn và 2 con gái của bạn sẽ được hưởng 3 phần, mẹ chồng bạn chỉ được hưởng 1 phần. Điều đó có nghĩa là mẹ bạn chỉ được bán 1 phần diện tích đất thuộc quyền thừa kế của bà.
3. Quyền thừa kế tài sản giữa vợ chồng:
Theo quy định của Bộ luật dân sự, Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung; Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.
Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thoả thuận cử người khác quản lý di sản.
Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế.
Vợ, chồng được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được chồng, vợ lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi vợ, chồng từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật dân sự.
Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác được quy định như sau:
– Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
– Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Toà án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
– Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản
4. Quyền thừa kế đối với bất động sản ở nước ngoài:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Xin luật sư tư vấn giúp em với trường hợp sau: Em có người dì ruột độc thân sống ở campuchia đã hơn 10 năm. Nay vừa mới qua đời. Anh chị em ruột ở việt nam đã qua làm đám tang tại nhà dì ấy ở campuchia. Rồi đưa cốt về việt nam chôn cất. Được biết dì ấy có tài sản là nhà và đất ở campuchia. Xin hỏi luật sư anh chị của dì ấy có thể qua campuchia bán nhà đất của dì ấy được không. Nếu được thì phải làm thế nào. Chân thành cảm ơn luật sư. ?
Luật sư tư vấn:
Trường hợp này, có thể thấy nếu cô của bạn ở Campuchia và đã mất ở đây, có tài sản là nhà và đất ở đây thì nếu không có di chúc việc thừa kế theo pháp luật phải xác định bằng pháp luật nơi người để lại di sản có quốc tịch, do không rõ dì của bạn ở campuchia mang quốc tịch Việt nam hay Campuchia hay mang quốc tịch cả hai nước nên sẽ tùy vào đó để xác định. Đồng thời quyền thừa kế tức là ai có quyền thừa hưởng di sản này sẽ được xác định qua nơi có bất động sản tức là theo pháp luật của campuchia. Trường hợp này phải xét đến việc pháp luật Campuchia có quy định cho phép anh chị của dì bạn được hưởng quyền thừa kế hay không, nếu không thì sẽ không có quyền hưởng, nếu có thì sẽ tiến hành theo trình tự thủ tục mà pháp luật Campuchia quy định để thực hiện quyền này.