Không trả nợ ngân hàng có bị đi tù không? Người đã mất vẫn còn nợ ngân hàng thì xử lý như thế nào? Xử lý khi chậm trả nợ ngân hàng? Không có khả năng trả nợ ngân hàng thì giải quyết như thế nào?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về các loại nợ ngân hàng quá hạn và hậu quả của việc có dư nợ quá hạn theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật kinh doanh các dịch vụ tài chính khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Vay ngân hàng là một trong những hình thức huy động vốn của cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu sử dụng tiền cho một mục đích nhất định như đầu tư sản xuất, kinh doanh, mua sắm nhà cửa, xe hơi… Về bản chất, việc vay tiền ngân hàng là mối quan hệ dân sự giữa bên vay và bên cho vay. Theo đó, pháp luật tôn trọng mối quan hệ dân sự dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên về thời hạn cho vay, loại tài sản, phương thức thanh toán, số lượng, tiền lãi. Trong đó, thời hạn cho vay là yếu tố được các bên quan tâm hơn cả. Bởi lẽ, khi trong hợp đồng quy định một thời gian nhất định mà bên vay không thanh toán cho bên cho vay, tức là đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Điều này cũng có thể gây ra những rủi ro cho bên cho vay như khả năng khó đòi nợ, mất nguồn vốn quay vòng. Do đó, để giúp bạn nắm cũng kiến thức, hiểu rõ cách phân loại nợ ngân hàng quá hạn và hậu quả của việc dư nợ quá hạn, Luật Dương Gia xin gửi đến bạn bài viết dưới đây:
1. Các loại nợ ngân hàng quá hạn
Như đã nêu trên, khi làm hợp đồng vay ngân hàng các bên sẽ thỏa thuận với nhau về thời hạn thanh toán khoản vay. Khi bên vay không thực hiện đúng theo hợp đồng, đến hạn thanh toán mà bên vay không trả tiền thì khoản tiền vay đó được coi là nợ quá hạn. Nợ quá hạn có thể là nợ một phần tiền gốc/lãi nếu như các bên có cam kết trả dần theo từng đợt hoặc là nợ toàn phần nếu là cam kết trả một lần. Nợ một phần cũng có thể trở thành nợ toàn phần nếu đến từng thời điểm yêu cầu thanh toán mà bên vay không chịu thanh toán. Như vậy, việc xác định khoản nợ đó có quá hạn hay không thì cần xem xét đến thời hạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Căn cứ theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN quy định về cách phân loại nợ ngân hàng quá hạn được phân thành 05 nhóm như sau:
– Thứ nhất, nhóm nợ đủ tiêu chuẩn: Được hiểu là khoản nợ đảm bảo có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi trong khoảng thời gian đúng hạn của hợp đồng vay hoặc có thể quá hạn nhưng không quá 10 ngày mà vẫn có thể thu hồi cả gốc/lãi bị quá hạn; gốc/lãi đúng thời hạn còn lại.
Ngoài ra, đối với khoản nợ trung hạn, dài hạn được khách hàng thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi trong kỳ hạn, được cơ cấu lại tối thiểu trong thời gian 01 năm hoặc đối với khoản nợ ngắn hạn được xác định có khả năng thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn trong thời gian 03 tháng thì cũng được xếp vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.
Như vậy có thể thấy, để được gọi là nhóm nợ tiêu chuẩn thì khoản nợ đó phải được các tổ chức tín dụng đánh giá dựa trên 2 yếu tố: có khả năng thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi; được thanh toán đúng hạn hoặc trong một thời hạn nhất định.
– Thứ hai, nhóm nợ cần chú ý:
+ Là những khoản nợ đã bị quá hạn thanh toán từ 10 ngày đến 90 ngày
+ Khoản nợ mà tổ chức tín dụng phải tiến hành điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ lần đầu
+ Nếu như một khách hàng (cá nhân, tổ chức) mà có nhiều hơn 01 khoản nợ mà có bất kỳ một khoản nợ nào bị chuyển sang nhóm nợ rủi ro cao hơn thì khoản nợ này được xác định là nhóm nợ cần chú ý.
“Cần chú ý” là mức độ rủi ro cao hơn so với nhóm nợ tiêu chuẩn. Đối với những trường hợp thuộc nhóm nợ này, tổ chức tín dụng cần phải theo dõi, đánh giá và tính toán phương án thu hồi nợ phù hợp.
– Thứ ba, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn
Bao gồm các khoản nợ như sau:
+ Những khoản nợ có thời hạn thanh toán bị quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày
+ Những khoản nợ phải tiến hành điều chỉnh lại thời hạn trả nợ lần đầu trừ những khoản nợ đã được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu đã được phân loại theo nhóm nợ cần chú ý.
+ Trong một số trường hợp, do khách hàng không có đủ khả năng thanh toán tiền lãi theo
+ Khi một khách hàng có nhiều hơn một khoản nợ đối với tổ chức tín dụng và trong các khoản nợ đó có bất kỳ khoản nợ nào bị chuyển sang nhóm nợ có rủi ro cao hơn thì tổ chức tín dụng tùy theo mức độ rủi ro cao hơn sẽ đưa các khỏa nợ còn lại của vào nhóm nợ có mức độ rủi ro tương ứng.
– Thứ tư, nhóm nợ nghi ngờ
Với nhóm này, khả năng thanh toán của khách hàng sẽ đặt ở mức “nghi ngờ”, tức là nghi ngờ cả về khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng thu hồi nợ của tổ chức tín dụng. Đối tượng thuộc nhóm nợ này thường gặp ở các tổ chức, doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng có nguy cơ bị phá sản, gặp khó khăn về kinh tế. Những khoản nợ thuộc nhóm nợ nghi ngờ bao gồm:
+ Khoản nợ có thời hạn thanh toán quá hạn từ 181 đến 360 ngày
+ Khoản nợ phải tiến hành cơ cấu lại thời hạn thanh toán nợ lần đầu nhưng có thời gian quá hạn dưới 90 ngày tính trên thời hạn trả nợ phải cơ cấu lại thời hạn thanh toán lần đầu.
+ Khoản nợ phải tiến hành điều chỉnh lại thời hạn trả nợ đến lần thứ hai
+ Khoản nợ khác được chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn tương ứng đối với khách hàng có nhiều hơn một khoản nợ đối với tổ chức tín dụng.
– Thứ năm, nhóm nợ có khả năng mất vốn
Đây là nhóm nợ có khả năng không thu hồi được nợ cao nhất. Thông thường, trong trường hợp này các tổ chức tín dụng đã xác định việc thu hồi nợ là không thể và coi như bị mất vốn của tổ chức tín dụng bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi. Nhóm nợ có khả năng mất vốn bao gồm:
Luật sư
+ Khoản nợ có thời hạn thanh toán bị quá hạn trên 360 ngày
+ Khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn thanh toán lần đầu nhưng bị quá hạn và phải tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên.
+ Khoản nợ đã được cơ cấu lại lần thứ hai nhưng tiếp tục phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn
+ Khoản nợ dù chưa bị quá hạn hay đã quá hạn nhưng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên
+ Khoản nợ không có khả năng thu hồi bị xếp vào khoản nợ khoanh hoặc khoản nợ chờ xử lý
+ Khoản nợ được tổ chức tín dụng chuyển sang mức độ rủi ro cao hơn tương ứng với nhóm nợ khi khách hàng có số khoản nợ nhiều hơn một khoản nợ.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng từ nhóm nợ 1 đến nhóm nợ 5, các khoản nợ được sắp xếp theo khả năng thanh toán và thu hồi vốn giảm dần. Khi khả năng thanh toán của khách hàng càng thấp thì mức độ rủi ro mất vốn của tổ chức tín dụng càng cao, nghĩa là việc thu hồi vốn là càng thấp. Dựa vào cách phân loại như trên, các tổ chức tín dụng sẽ dễ dàng quản lý các khoản nợ và có biện pháp phù hợp để thu hồi nợ theo từng nhóm.
2. Hậu quả của việc dư nợ quá hạn
Như đã phân tích ở trên, về bản chất việc vay nợ từ các tổ chức tín dụng là mối quan hệ dân sự. Do đó, khi khách hàng chậm thanh toán hay không thanh toán khoản nợ nghĩa là đã vị phạm nghĩa vụ của bên vay và xâm phạm đến quyền của bên cho vay. Pháp luật không quy định cụ thể hậu quả của việc dư nợ quá hạn, tuy nhiên có thể nhận thấy trên thực tế khi xảy ra tình trạng dư nợ quá hạn thì có thể tác động đến nhiều thành phần trong nền kinh tế và để lại những hậu quả đáng tiếc.
* Đối với khách hàng
Là một nhân tố chính trong các khoản nợ ngân hàng và cũng là người bị ảnh hưởng đầu tiên. Khi không đủ khả năng thanh toán nợ, khách hàng có thể gặp phải những rủi ro như sau:
– Cần biết rằng, các tổ chức tín dụng luôn có một hệ thống để quản lý danh sách khàng hàng vay nợ, do đó khi khách hàng không thanh toán đúng hạn hoặc không thanh toán đầy đủ khoản vay thì có thể ” bị đưa” vào danh sách” nợ xấu” của tổ chức tín dụng, dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn hoặc các khoản vay khác sẽ trở lên khó thực hiện.
– Khi khách hàng vay nợ bằng tài sản đảm bảo thì khi mất khả năng thanh toán, các tổ chức tín dụng hoàn toàn có quyền thu hồi nợ bằng cách lấy đi tài sản đảm bảo đó ví dụ quyền sử dụng đất, xe ô tô…
– Dưới góc độ kinh tế, khi khoản dư nợ quá hạn của khách hàng trở lên quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ chu chuyển dòng vốn của ngân hàng, điều này có thể khiến cho mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng trở lên khó khăn do hiện nay hầu hết các giao dịch đều được thực hiện qua ngân hàng.
* Đối với các tổ chức tín dụng
Hậu quả đầu tiên đối với các tổ chức tín dụng là giảm hoặc mất nguồn vốn. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng kinh doanh và tạo ra lợi nhuận chủ yếu dựa vào các giao dịch liên quan đến dòng tiền. Khi nguồn vốn giảm hoặc mất thì có thể kéo theo những hậu quả khác như:
– Giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn: Dư nợ quá hạn đồng nghĩa với việc đồng vốn của tổ chức tín dụng còn đọng lại mà tổ chức tín dụng chưa biết có khả năng thu hồi hay không (ví dụ dư nợ thuộc nhóm 4, nhóm 5), khiến cho tổ chức tín dụng không thể đưa vốn vào kinh doanh hay lưu thông trên thị trường, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của tổ chức tín dụng, việc sử dụng nguồn vốn không có hiệu quả.
– Uy tín của tổ chức tín dụng bị giảm sút: Khách hàng không thể tiến hành đầu tư vào những tổ chức tín dụng đang có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Bởi lẽ, nghiệp vụ ngân hàng có khoản vay, khoản gửi, khi khoản vay dư nợ quá hạn cao thì khoản gửi của khách hàng cũng có thể bị mất nếu tổ chức tín dụng không thu hồi được khoản nợ. Do đó, tình trạng khách hàng có khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đồng loạt đến để rút tiền sẽ khiến cho tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng khó huy động vốn do mất uy tín.
– Nguy cơ phá sản của các tổ chức tín dụng: Dư nợ quá hạn cao, không có khả năng huy động vốn dẫn đến mức độ cạnh tranh, tham gia thị trường và số vốn của tổ chức tín dụng không còn là những nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng không thể hoạt động. Đó là một trong những lý do tại sao có tình trạng ” mua lại” ngân hàng với giá 0 đồng.
* Đối với nền kinh tế
– Khủng hoảng nền kinh tế và trong hệ thống ngân hàng: Xét ở góc độ vĩ mô, hệ thống ngân hàng là nơi quản lý dòng tiền của một quốc gia. Nếu như có quá nhiều ngân hàng bị dư nợ quá hạn thì dòng tiền quốc gia cũng bị ảnh hưởng và có thể dẫn đến tình trạng lạm phát. Ngoài ra, dư nợ quá hạn có thể khiến cho các quốc gia khác mất tin tưởng vào chính sách tiền tệ của quốc gia này, kéo theo việc mất cơ hội hợp tác, đầu tư nước ngoài, cơ hội vay vốn nước ngoài, thậm chí là ảnh hưởng đến chính sách chính trị, ngoại giao.
– Doanh nghiệp bị tác động: Không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế của một quốc gia có thành tựu hay không chủ yếu dựa vào sự phát triển doanh nghiệp, đây cũng là nguồn thu thuế, giải quyết tình trạng việc làm. Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn về vốn thì một trong những kênh huy động vốn hiệu quả chính là ngân hàng. Nhưng nếu dư nợ quá hạn của ngân hàng cao, ngân hàng cũng không có vốn cho doanh nghiệp vay và doanh nghiệp có thể phải tạm dừng hay chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là hậu quả rất lớn tác động đến nền kinh tế của một quốc gia.
Trên đây là một vài hậu quả chủ yếu của việc dư nợ quá hạn, hiểu rõ những tác động và hậu quả của dư nợ quá hạn, các ngân hàng và tổ chức tín dụng nên có những chính sách phù hợp trong việc quản lý các khoản nợ, giảm các khoản nợ quá hạn ở mức thấp nhất, phân chia nhóm nợ quá hạn một cách hợp lý để theo dõi và thu hồi khoản nợ. Đồng thời, đối với khách hàng khi tiến hành thiết lập các khoản vay nợ tại tổ chức tín dụng cũng nên cân đối về khả năng thanh toán để tránh những rủi ro cho bản thân như mất tài sản bảo đảm hoặc khó tiếp cận nguồn vốn khi cần thiết.
Mục lục bài viết
1. Không trả nợ ngân hàng có bị đi tù không?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi trình bày trường hợp của tôi sau đây. Mong văn phòng luật sư tư vấn giúp tôi :
Tôi có vay tín chấp của một ngân hàng một số tiền khoảng 60 triệu, nhưng do sau khi tôi vay tôi thất nghiệp nên tôi chưa thanh toán khoản tiền vay hàng tháng được. Hiện tại ngân hàng đã gửi thông báo khởi kiện cho tôi.
Kính nhờ văn phòng tư vấn cho tôi một số câu hỏi như sau :
– Hiện tay tôi thất nghiệp tôi có thể nhờ người nhà(cha, mẹ, anh,…)ra tòa và thanh toán giúp tôi khoản tiền đóng hàng tháng không?
– Nếu gia đình tôi không thanh toán được thì khi nào tôi có việc làm tôi sẽ thanh toán hàng tháng cho ngân hàng được không? Và tôi có bị ngồi tù hay không?
Rất mong văn phòng luật sư tư vấn giúp tôi sớm. Thành thật cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì ngân hàng đã gửi thông báo khởi kiện cho bạn, nhưng cũng chưa chắc chắn là đã gửi đơn khởi kiện cho Tòa án chưa. Nếu người thân của bạn đồng ý trả tiền cho Ngân hàng trước khi gửi đơn khởi kiện thì bạn sẽ không bị họ khởi kiện.
Trong trường hợp ngân hàng đã gửi đơn khởi kiện thì nếu Tòa án thụ lý thì Tòa án sẽ gửi thông báo cho bạn về việc khởi kiện đó. Trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì có một khoảng thời gian là chuẩn bị bị xét xử. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự là 4 tháng nếu anh trả nợ được cho ngân hàng thì ngân hàng có thể rút đơn khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Kể cả ngay khi đã mở phiên tòa giải quyết vụ án, nếu anh có thể trả tiền và hai bên thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận. Nếu không trả được ngay thì anh có thể thỏa thuận với bên ngân hàng về phương thức và thời hạn thanh toán, nếu hai bên cùng đồng ý thì cũng có thể yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó. Còn nếu không thì Tòa án sẽ ra bản án quyết định phương thức thực hiện nghĩa vụ.
Anh có thể ủy quyền cho người khác, có đủ năng lực hành vi dân sự là người đại diện để thay anh thực hiện thủ tục tố tụng dân sự.
Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm vô hạn, khi có bản án, quyết định của Tòa án về việc yêu cầu anh thực hiện nghĩa vụ thì bên ngân hàng sẽ yêu cầu Cơ quan thi hành án thực hiện các biện pháp cần thiết để anh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo bản án của Tòa án.
Đây là tranh chấp dân sự, anh không có dấu hiệu lừa dối hay bỏ trốn thì không phải là tội phạm, không phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Người đã mất vẫn còn nợ ngân hàng thì xử lý như thế nào
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi có anh K mất do tai nạn giao thông, chỉ còn một em trai là H. Anh K vay tiền ngân hàng nên thế chấp giấy tờ nhà 1 tỷ. Cho mình hỏi: Anh H có được hưởng tài sản của anh K hay không? Phần nợ của anh K với ngân hàng thì gia đình tôi có phải trả hộ không?
Luật sư tư vấn
1. Hưởng thừa kế khi không có di chúc
Khi người chết để lại di sản mà không có di chúc, di sản đó sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 657 “Bộ luật dân sự 2015”:
“1. 1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;…”
Trong trường hợp anh A mất không để lại di chúc thì di sản anh K để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 676 “Bộ luật dân sự 2015”, thứ tự hưởng thừa kế theo hàng như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, nếu anh K vẫn còn vợ, bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi thì di sản của anh được chia cho họ. Anh H thuộc hàng thừa kế thứ hai nên không được hưởng di sản trong trường hợp này.
Nếu những người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã mất hoặc không có thì di sản của anh sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai, bao gồm: ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột và cháu của anh K mà anh là ông nội. Trong trường hợp này, anh H thuộc hàng thừa kế thứ hai và chỉ được hưởng di sản khi những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã mất hoặc không có. Di sản của anh sẽ được chia đều những người thuộc hàng thừa kế thứ hai. Nếu hàng thừa kế thứ hai chỉ còn lại anh H thì anh được hưởng toàn bộ di sản.
2. Xử lý phần nợ ngân hàng của anh K
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 637 “Bộ luật dân sự 2015” về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Như vậy, trước khi chia di sản của anh K, những người hưởng di sản phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của anh K trong phạm vi số di sản anh để lại như tiền công lao động, tiền bồi thường thiệt hại, các khoản nợ…. Về thứ tự ưu tiên thanh toán được quy định tại Điều 683 “Bộ luật dân sự 2015” như sau:
“Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
4. Tiền công lao động;
5. Tiền bồi thường thiệt hại;
6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;
7. Tiền phạt;
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;
9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;
10. Các chi phí khác.”
Như vậy, phần nợ của anh K với ngân hàng sẽ được thanh toán bằng di sản mà anh để lại. Sau khi thanh toán các khoản, còn thừa thì những người thừa kế được hưởng. Nếu phần di sản không đủ để thanh toán nợ thì những người thừa kế không có trách nhiệm trả phần nợ của anh K.
3. Xử lý khi chậm trả nợ ngân hàng?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Vào thời gian này của năm ngoái tôi có vay ở Ngân Hàng Công Tiến-Công Thành-Yên Thành-Nghệ An chỉ với 60 triệu đồng. Tôi đã trả được 10 triệu nên còn 50 triệu nữa. Hiện cũng gần đến ngày đáo hạn. Nhưng do điều kiện hoàn cảnh đang quá khó khăn, thời gian qua làm ăn gặp xui xẻo và chi phí nhiều… chỉ với 50 triệu thôi nhưng tôi chưa có khả năng trả khoản gốc. Vậy xin hỏi bên công ty mình có cách nào giải quyết cho trường hợp này không ạ? Chú ý là tiền lời tôi vẫn nạp cho ngân hàng đều đặn và đúng thời hạn đã hứa với bên ngân hàng. Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Hợp đồng vay tài sản theo Điều 471 “Bộ luật dân sự 2015” là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay được xác định theo Điều 474 “Bộ luật dân sự 2015” như sau:
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, trong trường hợp bạn vay tiền của ngân hàng thì phải có nghĩa vụ trả đúng hạn. Nếu bạn không thực hiện trả đúng hạn nhưng vẫn trả được lãi thì giải quyết theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN. Trong trường hợp, đến thời hạn trả nợ quy định trong hợp đồng vay của ban mà bạn không có khả năng để trả nợ gốc, còn nợ lãi vẫn trả đúng hạn thì theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN như sau:
“1. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, gia hạn trả nợ gốc:
a) Trường hợp khách hàng không trả được nợ gốc đúng kỳ hạn đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và có văn bản đề nghị thì tổ chức tín dụng xem xét cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ.
b) Trường hợp khách hàng không trả nợ hết nợ gốc trong thời hạn cho vay và có văn bản đề nghị gia hạn nợ, thì tổ chức tín dụng xem xét gia hạn nợ. Thời hạn gia hạn nợ đối với cho vay ngắn hạn tối đa bằng 12 tháng, đối với cho vay trung hạn và dài hạn tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Trường hợp khách hàng đề nghị gia hạn nợ quá các thời hạn này do nguyên nhân khách quan và tạo điều kiện cho khách hàng có khả năng trả nợ, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng xem xét quyết định và báo cáo ngay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi thực hiện.”
Như vậy, khoản nợ của bạn có thể được gia hạn thời gian trả nợ nếu bạn có Văn bản đề nghị gửi tới phía Tổ chức tín dụng mà ở đây là Ngân Hàng Công Tiến-Công Thành-Yên Thành-Nghệ An. Căn cứ vào văn bản đề nghị này và loại vốn vay của bạn, Ngân hàng sẽ xem xét ra quyết định có hay không cho gia hạn nợ và thời hạn gia hạn là bao lâu.
4. Không có khả năng trả nợ ngân hàng thì giải quyết như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Hiện nay em đang bế tắt về vấn đề vay tín chấp xin luật sư hướng dẫn giùm. Khoảng 8 tháng trước em có vay tín chấp của 2 ngân hàng là standar charter và prudentail khoảng 250 triệu và 3 thẻ tín dụng của 3 ngân hàng lớn khác (70 triệu). Lúc vay em đang là kỹ sư và mục đích vay là để sữa nhà cho ba mẹ, mức lương lúc đó khoảng 15 triệu. Em thanh toán hàng tháng rất đúng hạn (10 triệu/tháng) nhưng đến nay do công việc không thuận lợi mức lương của em chỉ còn 7 triệu. Hiện tại em đang bị trễ hạn gần 1 tháng, em không trốn tránh trách nhiệm. Ngân hàng gọi điện em vẫn nghe máy và xin hẹn lại nhưng bên phía ngân hàng không cho mà còn đòi gọi lên công ty em đang làm việc để xử lý. Hiện tại em đang rất mệt và không hoàn thành công việc được giao vì ngân hàng cứ gọi điện hàng ngày. Nếu em bị mất công việc hiện tại và không có khả năng trả nợ thì em sẽ bị kiện nhưng em không biết em sẽ bị gì sau khi kiện nhờ luật sư chỉ dẫn em cách xử lí tình huống này. Em đang có một con nhỏ 8 tháng, ba thì mổ thận 2 lần, mẹ thì bị suyển rất nặng, nếu em bị đi tù chắc nhà em chết hết. Em cũng đã tìm hiểu rất nhiều về thông tin này nhưng vẫn không hiểu được nếu tòa án bắt em trả một lần thì lấy đâu ra tiền mà em trả. Có bắt em vì tội lừa gạt chiếm đoạt tài sản không, thật sự giờ em không biết cách xử lí ra sao cho tốt nhất xin luật sư hướng dẫn cụ thể cho em. Em xin cảm ơn Công ty Luật Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 140 “
– Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhận được từ Ngân hàng sau khi ký hợp đồng vay tín dụng;
– Đã sử dụng tài sản nhận được từ hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Nếu bạn không có các dấu hiệu nêu trên và vẫn có ý thức thực hiện việc trả nợ thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư
Tranh chấp hợp đồng vay tín dụng giữa bạn và các ngân hàng được xác định là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Do đó, khi hai bên không thỏa thuận được với nhau về việc trả nợ, hình thức trả nợ khi bạn quá hạn thanh toán thì ngân hàng có quyền khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để giải quyền. Căn cứ vào thực tế, yêu cầu và khả năng của các bên, Tòa án sẽ ra quyết định về nghĩa vụ trả nợ của bạn đối với Ngân hàng.
Theo quy định tại Điều 6
Theo quyết định/bản án của Tòa án, yêu cầu bạn phải thực hiện trả nợ 1 lần, nếu trong trường hợp bạn không thể trả nợ một lần, nếu bạn có tài sản thì ngân hàng sẽ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản hoặc phong tỏa tài khoản ngân hàng của bạn để khấu trừ vào nghĩa vụ trả nợ. Chỉ trong trường hợp, bạn không có tài sản, không có khả năng trả nợ một lần thì mới được áp dụng trả nợ thành nhiều lần định kỳ do hai bên thỏa thuận hoặc do bên thi hành án dựa vào thu nhập thực tế của bạn để đưa ra mức trả cho mỗi lần chi trả cho phù hợp.