Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động? Điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động? Danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động? Trình tự thủ tục xin giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động? Bổ sung ngành nghề cho thuê lại lao động?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về điều kiện để doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật doanh nghiệp khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Hiện nay, do nhu cầu thiết yếu từ thị trường kinh doanh, nhiều doanh nghiệp được thành lập, nhưng cũng có thể thấy bên cạnh số lượng các doanh nghiệp tăng lên nhanh là nhược điểm họ không hiểu rõ bản chất pháp lý khi kinh doanh, dễ dẫn đến những sai lầm và tranh chấp trong kinh doanh. Hiểu được vấn đề trên, Dương Gia phân tích những vấn đề pháp lý có thể xảy ra ngoài thực tế, giúp doanh nghiệp tra cứu thông tin nhanh về pháp lý doanh nghiệp mình có thể gặp phải khi kinh doanh, điển hình bài phân tích này là điều kiện để doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động. Để hoạt động ngành nghề cho thuê lại lao động doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện gì hay không?
Trước hết, để hình thành lên hai từ ‘doanh nghiệp’cần phải đi thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, sau đó khi đã hình thành lên doanh nghiệp cần kiểm tra ngành nghề doanh nghiệp chọn kinh doanh là ngành nghề kinh danh có điều kiện hay không? Nếu có điều kiện cần phải làm gì với điều kiện đó?
Bước đầu tiên, thành lập doanh nghiệp:
Một số lưu ý khi thành lập doanh nghiệp:
– Chọn loại hình doanh nghiệp
– Chọn tên doanh nghiệp:
– Chọn ngành nghề doanh nghiệp theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành, với hoạt động cho thuê lại lao động có thể tham khảo những mã sau:
+ 7820: Cung ứng lao động tạm thời
+ 7830: Cung ứng và quản lý nguồn lao động
+ 7810: Hoạt động của các trung tâm, đại lý tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm
– Chọn vốn điều lệ của công ty tương ứng với ngành nghề kinh doanh
– Soạn điều lệ công ty, xây dựng bộ luật riêng của doanh nghiệp
Sau đó, thực hiện việc chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp phù hợp với loại hình doanh nghiệp căn cứ theo Chương IV NĐ 78/2015/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP, nộp trực tiếp hồ sơ qua bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư hoặc nộp gián tiếp qua mạng. Nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố.
Bước tiếp theo, ngành nghề kinh doanh cho thuê lại lao động trên cần đáp ứng những điều kiện gì?
Theo quy định tại phụ lục IV Luật đầu tư 2014 thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, để thực hiện việc hoạt động ngành nghề này, công ty bạn cần phải đáp ứng đủ các điều kiện về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động quy định tại Điều 5 Nghị định 55/2013/NĐ-CP như sau:
– Điều kiện 1: Về vốn pháp định.
Bảo đảm vốn pháp định là 2.000.000.000 đồng, phía doanh nghiệp cho thuê lại lao động cũng phải đặt mức vốn điều lệ không được thấp hơn 2.000.000.000 đồng. Vốn góp đó phải được xác nhận bằng văn bản của các tổ chức tin dụng, ngân hàng nếu góp bằng tiền mặt, nếu vốn góp bằng giá trị quyền sử dung đất, sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật…. thì các thành viên lập
VD: Nếu công ty bạn thành lập có ngành, nghề Kinh doanh cho thuê lại lao động, thì trước tiên vốn Điều lệ cam kết góp vào công ty của các thành viên, cổ đông phải là 2 tỷ đồng, và vốn góp 2 tỷ này phải có văn bản của tổ chức tín dụng, ngân hàng xác nhận là đã có vốn này trong tài khoản.
– Điều kiện 2: Về ký quỹ.
Đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng. Theo đó, doanh nghiệp cần có một khoản tiền trước đó để thực hiện việc ký quỹ với số tiền 2.000.000.000 đồng tại một tổ chức tín dụng để lấy xác nhận đã ký quỹ.
– Điều kiện 3: Điều kiện địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cho thuê
Trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cho thuê phải ổn định và có thời hạn ít nhất từ 02 năm trở lên (Ví dụ: Ông C muốn thành lập công ty cho thuê lại lao động, ông C dự định đặt trụ sở cho doanh nghiệp của ông ở tại nhà ông, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã sử dụng ổn định lâu dài từ năm 1990 đến nay. Địa điểm ông C lựa chọn hoàn toàn phù hợp với điều kiện ổn định và có thời hạn ít nhất từ 02 năm trở lên); nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký kinh doanh thì trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải có giấy tờ hợp lệ (Ví dụ: Vẫn ví dụ trên của ông C, khi ông C chuẩn bị hồ sơ đề nghị Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động ông C cần chuẩn bị giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông C kèm theo hồ sơ để kiểm tra tính pháp lý điều kiện về địa điểm hoạt động), nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 02 năm trở lên.
– Điều kiện 4: Người đứng đầu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện sau.
+ Đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có lý lịch rõ ràng.
+ Đã hoạt động và có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 3 năm trở lên. Ví dụ: Ông A đã từng làm cho các doanh nghiệp khác hoạt động về lĩnh vực cho thuê lại lao động, ông A làm việc trong lĩnh vực này được 3 năm rưỡi. Đến nay ông A muốn xin nghỉ việc để tự mình ra ngoài mở công ty riêng cũng hoạt động cho thuê lại lao động và ông A là người đứng đầu của doanh nghiệp khi ông ra mở. Như vậy, ông A đáp ứng được một trong số các điều kiện của người đứng đầu doanh nghiệp cho thuê lại lao động là có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 03 năm trở lên.
+ Trong 3 năm liền kề trước khi trở thành người người đứng đầu doanh nghiệp với ngành nghề hoạt động cho thuê lại lao động, không đứng đầu doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không tái phạm hành vi giả mạo hồ sơ xin cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ xin cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động. Ví dụ: Ông B muốn mở công ty cho hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động vào tháng 12/2018, trước đó ông B đã mở công ty cũng hoạt động về lĩnh vực này, ông B cũng là người đứng đầu của công ty cũ thành lập vào năm 2016. Do doanh nghiệp cũ này của ông B nợ thuế nên công ty của ông đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, theo điều kiện trên ông B không đủ điều kiện làm người đứng đầu của công ty mới mà ông B đang muốn mở vào tháng 12/2018.
Khi doanh nghiệp đáp ứng được những điều kiện trên, doanh nghiệp cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 11
Về trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động:
+ Doanh nghiệp có trách nhiệm gửi trực tiếp, đầy đủ 01 bộ Hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, đồng thời gửi 01 Hồ sơ trên về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Vụ Pháp chế) để tiến hành đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vào sổ theo dõi và có giấy biên nhận trao cho doanh nghiệp, trong giấy biên nhận phải ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ, những văn bản có trong hồ sơ và thời hạn trả lời khi nhân được hồ sơ từ phí doanh nghiệp.
+ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định Hồ sơ và gửi kết quả thẩm định cùng 01 bản sao Hồ sơ của doanh nghiệp về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Vụ Pháp chế) trong thời hạn 30 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ). Nếu hồ sơ không đầy đủ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp yêu cầu bổ sung thông tin hồ sơ còn thiếu trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ từ phía doanh nghiệp.
+ Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ từ phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi lên xem xét, tiến hành việc cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; trường hợp không cấp có văn bản trả lời doanh nghiệp, đồng thời gửi cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi tiến hành thẩm định hồ sơ. Thời gian: trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
+ Trước ngày bắt đầu hoạt động, trong thời gian 10 ngày, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, địa bàn hoạt động về thời gian bắt đầu hoạt động; kèm theo bản sao Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp và danh sách những người quản lý, người giữ các chức danh chủ chốt của doanh nghiệp cho thuê; niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
Trên đây là những phân tích về điều kiện để doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động mới nhất, để đi vào hồ sơ hay những vấn đề pháp lý khác liên quan đến cho thuê lại lao động, mọi người có thể tham khảo thêm một số bài viết khác hoặc liên hệ trực tiếp đến số hotline của Dương Gia.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động
- 2 2. Điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
- 3 3. Danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động
- 4 4. Trình tự thủ tục xin giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
- 5 5. Bổ sung ngành nghề cho thuê lại lao động
1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động được quy định tại Điều 56 Bộ luật lao động:
1. Bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động.
2. Thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động.
3. Ký kết hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của Bộ luật này.
4. Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động.
5. Thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật này; trả tiền lương, tiền lương của ngày nghỉ lễ, nghỉ hằng năm, tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.
6. Lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động, phí cho thuê lại lao động và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
7. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động.
Luật sư
2. Điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang có dự định thành lập công ty chuyên cho thuê lại lao động. Đối với trường hợp của tôi thì có cần xin giấy phép hoạt động kinh doanh về ngành nghề này hay không? Xin cám ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Điều 54 “Bộ luật lao động năm 2019” quy định về doanh nghiệp cho thuê lại lao động như sau:
“1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ và được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động.
2. Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng.
3. Chính phủ quy định việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.”
Như vậy, theo Khoản 1 Điều này, nếu bạn muốn hoạt động thuê lại lao động thì phải thực hiện ký quỹ và cấp giấy phép hoạt động.”
Về điều kiện cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, pháp luật quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 55/2013/NĐ-CP:
“Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng;
2. Bảo đảm vốn pháp định theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
3. Có trụ sở theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;
4. Người đứng đầu doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.”
Do đó, theo quy định này, doanh nghiệp của bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng;
– Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động là 2.000.000.000 đồng. Doanh nghiệp cho thuê phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định trong suốt quá trình hoạt động.
– Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cho thuê phải ổn định và có thời hạn ít nhất từ 02 năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký kinh doanh thì trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 02 năm trở lên.
– Người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho thuê phải đáp ứng điều kiện:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng;
+ Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 03 năm trở lên;
+ Trong 03 năm liền kề trước khi đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, không đứng đầu doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không tái phạm hành vi giả mạo hồ sơ xin cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ xin cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
3. Danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động
Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
Việc cho thuê lại lao động nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực trong khoảng thời gian nhất định, thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân hoặc giảm bớt thời giờ làm việc và có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Tuy nhiên, hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định theo quy định của Chính phủ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ Luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Theo đó, có 17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động được quy định cụ thể tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP . Cụ thể, danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động bao gồm:
– Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký.
– Thư ký/Trợ lý hành chính.
– Lễ tân.
– Hướng dẫn du lịch.
– Hỗ trợ bán hàng.
– Hỗ trợ dự án.
– Lập trình hệ thống máy sản xuất.
– Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông.
– Vận hành, kiểm tra, sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất.
– Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy.
– Biên tập tài liệu.
– Vệ sĩ/bảo vệ.
– Tiếp thị, chăm sóc khách hàng qua điện thoại.
– Xử lý các vấn đề tài chính, thuế.
– Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô.
– Scan, vẽ kĩ thuật công nghiệp/ Trang trí nội thất.
– Lái xe.
Theo quy định pháp luật, thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng. Điều 24 Nghị định 55/2013/NĐ-CP còn quy định về 4 trường hợp không được cho thuê lại lao động đó là:
– Doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.
– Doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với bên thuê lại lao động.
– Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế.
– Cho thuê lao động để làm các công việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trừ trường hợp người lao động đó đã sinh sống tại khu vực trên từ đủ 03 năm trở lên; công việc cho thuê lại lao động nằm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
4. Trình tự thủ tục xin giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Xin Luật sư công ty Luật Dương Gia cho tôi hỏi về trường hợp xin cấp giấy phép cho thuê lại lao động. Công ty tôi muốn thực hiện hoạt động này cần đáp ứng những điều kiện gì và thủ tục ra sao ạ?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 55/2013/NĐ-CP, Nghị định quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động đã đề cập đến điều kiện cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
“Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng;
2. Bảo đảm vốn pháp định theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
3. Có trụ sở theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;
4. Người đứng đầu doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này”.
Để thực hiện hoạt động này bạn cần đáp ứng đủ các điều kiện nêu ở trên. Khi có đủ các điều kiện tại Điều 5 thì bạn cần lập một bộ hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
“1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Văn bản chứng minh đủ điều kiện về vốn pháp định theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
c) Giấy chứng nhận việc đã thực hiện ký quỹ theo quy định tại Điều 16 Nghị định này;
d) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp;
đ) Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
e) Giấy chứng minh đủ điều kiện về địa điểm theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại, gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động bao gồm các văn bản quy định tại Điểm a, b, c, đ và e của Khoản 1 Điều này”
5. Bổ sung ngành nghề cho thuê lại lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào! Công ty của tôi là công ty TNHH 2 thành viên, 1 người góp cổ phần là người VN 60% cổ phần, 1 người Giám đốc góp 40% cổ phần. Công ty em chuyên gia công cơ khí và hoàn thiện công trình. Hiện nay, bên em muốn bổ sung thêm ngành nghề đó là cho công ty khác thuê lại Lao động. Vậy xin hỏi luật sư việc này phải thực hiện theo thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Trước hết, công ty bạn muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh đó là cho thuê lại lao động. Theo quy định tại phụ lục IV Luật đầu tư 2014 thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, để thực hiện việc bổ sung ngành nghề này, công ty bạn cần phải đáp ứng đủ các điều kiện về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động quy định tại Điều 5 Nghị định 55/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 5. Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng;
2. Bảo đảm vốn pháp định theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
3. Có trụ sở theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;
4. Người đứng đầu doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Như vậy, sau khi đáp ứng được các điều kiện về cấp giấy phép cho thuê lại lao động như trên thì công ty bạn thực hiện các công việc để bổ sung ngành nghề kinh doanh theo trình tự như sau:
– Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.
– Doanh nghiệp đến nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh
– Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.
– Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ hoặc đăng ký nhận kết quả qua Bưu điện.
Điều 49 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về việc bổ sung, thay đổi, ngành nghề kinh doanh như sau:
“Điều 49. Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh
1. Trường hợp bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung Thông báo bao gồm:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
b) Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;
c) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp,
Kèm theo Thông báo phải có Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty.
2. Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, bổ sung, thay đổi thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
3. Trường hợp hồ sơ thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc.
4. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:19006568
Như vậy, công ty của bạn là công ty TNHH 2 thành viên, công ty bạn muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh thì cần gửi thông báo tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung của hồ sơ sẽ bao gồm:
– Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế).
– Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi.
– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
– Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên.
Sau ghi gửi thông báo tới phòng đăng ký kinh doanh, nếu thông báo là hợp lệ công ty bạn sẽ được tiến hành xác nhận việc bổ sung ngành nghề kinh doanh trong vòng 3 ngày làm việc. Ngoài ra công ty của bạn có thể yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp nếu cần.