Gia đình tôi mở cửa hàng ăn, một lần khách vào quán bị mất đồ. Liệu gia đình tôi có bị truy cứu về tội trộm cắp tài sản không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin hỏi luật sư: gia đình tôi kinh doanh ăn uống tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Ngày 8.1.2014 nhà tôi có vài người khách nước Úc vào ăn. Một phụ nữ trong đoàn đi vệ sinh rồi bỏ quên bóp tiền trong nhà vệ sinh. Lúc sau họ đi khỏi quán ăn thì một nhân viên quán tôi nhìn thấy. Cô này khai với mẹ tôi rằng cô chỉ xem qua là bóp tiền chứ không biết bao nhiêu và đưa mẹ tôi xử lí.
Mẹ tôi cũng chỉ thấy trong bóp có nhiều tiền dolars Úc chứ cũng không đếm, mẹ tôi hỏi ba tôi tiền dolars này ở đâu, ba tôi bảo chắc là khách Úc mới nãy tới ăn, kêu tí nữa khách quay lại mình trả. Khi khách quay lại ba mẹ tôi trả tiền thì họ lại nói thiếu 4000 dolars Úc (trong bóp chỉ có 1500 dolars). Sau đó họ gọi công an tới giải quyết, đem ba mẹ tôi và cô nhân viên tới đồn cảnh sát thẩm tra. Họ chia 3 người ra 3 buồng rồi hỏi từng người, ai họ cũng nói là lấy tiền thì trả lại đi. Mà mẹ và ba tôi thì tôi tin chắc là họ không lấy vì họ không có tính tham của, với lại nhà tôi cũng đã trả cho khách nhiều lần rồi (máy ảnh, ipad, điện thoại, tiền đều trả lại người mất cả).
Vậy tôi xin hỏi, trong trường hợp này công an có điều tra mấy người Úc kia không? Vì tôi nghĩ cũng có thể họ gian dối (làm tiền nhà tôi), hoặc nếu công an điều tra ra ngọn ngành là cô nhân viên ăn trộm thì giải quyết ra sao? Ba mẹ tôi có gặp vấn đề gì không? Với lại công an gọi ba mẹ tôi lên điều tra liên tục ảnh hưởng đến buôn bán thì họ có đúng không? Có đền bù thiệt hại không? Trường hợp nếu người Úc kia vu oan gia đình tôi thì giải quyết ra sao? Và có bao giờ những người điều tra dùng biện pháp mạnh như là hành hung người để ép buộc chúng tôi khai ra không? (Như trường hợp ông bị oan 10 năm tù gần đây). Tôi xin luật sư tư vấn giùm tôi và hồi âm sớm. Xin chân thành cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất: Thẩm quyền điều tra.
Tại Khoản 4 Điều 110 BLTTHS 2003 quy định về thẩm quyền điều tra: “ 4…… Cơ quan điều tra cấp huyện, cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện…..”
Tại khoản 1 điều 170 BLTTHS 2003 quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án các cấp quy định: “ 1 Tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án quân sự cấp khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm sau đây:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
- Các tội quy định tại các điều 93,95,96,172,216, 217,218, 219,221,222,223,223,225,226,263,293,294,295, 296,322 và 323 của Bộ luật hình sự”.
Như vậy theo quy định trên thì cơ quan điều tra thành phố Nhà Trang, tỉnh Khánh Hòa có thẩm quyền điều tra vụ việc của bạn và có thẩm quyền điều tra người Úc kia. Cơ quan điều tra sẽ triệu tập người Úc để lấy lời khai, trình bày vụ việc….. Tuy nhiên trong trường hợp này do có yếu tố nước ngoài tức là một bên tham gia vụ việc là người nước ngoài, nhằm đảm bảo cho uy tín, danh dự…. của người nước ngoài nên việc điều tra người Úc cũng có phần được ưu tiên hơn so với công dân Việt Nam.
Thứ 2, về trường hợp giải thiết nữ nhân viên là người ăn trộm 4000 dolars Úc.
Tại điểm e khoản 2, Điều 138 Bộ luật hình sự về tội trộm cắp tài sản quy định: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
e. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng “.
Theo quy định trên thì nếu nữ nhân viên là người ăn trộm 4000 dolars thì sẽ bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự và sẽ chịu mức hình phạt là tù từ hai năm đến bảy năm.
Thứ 3, về trách nhiệm của ba mẹ bạn.
Tại khoản 3 Điều 49 BLTTHS 2003 về Bị can quy định: “ 3. Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định trên thì ba mẹ của bạn phải có mặt tại cơ quan điều tra, viện kiểm sát khi cơ quan điều tra, viện kiểm sát có giấy triệu tập. Trong trường hợp có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền trên nhưng ba mẹ bạn không thể có mặt đúng như giấy triệu tập thì phải có lý do chính đáng và phải có dấu xác nhận của địa phương hoặc cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Nếu không có mặt đúng thời gian triệu tập và không có lý do chính đáng thì thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã.
Cơ quan điều tra triệu tập ba mẹ bạn nhiều lần là không trái pháp luật. Việc triệu tập điều tra là để giúp cho quá trình điều tra được hoàn thành nhanh chóng vì vậy ba mẹ phải có trách nhiệm có mặt tại cơ quan điều tra khi có giấy triệu tập.
Việc cơ quan điều tra triệu tập nhiều lần ba mẹ bạn làm ảnh hưởng tới việc buôn bán của gia đình bạn nhưng cơ quan điều tra không phải bồi thường thiệt hại. Vì đấy là trách nhiệm mà ba mẹ bạn phải làm theo quy định ở trên.
Thứ 4, về trường hợp nếu người Úc kia vu oan gia đình bạn.
Trong trường hợp người Úc là công dân bình thường của nước Úc thì sẽ bị phạt như sau nếu có hành vi vu khống gia đình bạn.
Tại Khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự về tội vu khống quy định: “ 1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ từ ba tháng đến hai năm”.
Như vậy theo quy định trên thì nếu người Úc có hành vi vu oan cho gia đình bạn thì người Úc sẽ phải chịu hình phạt của Bộ luật hình sự quy định về tội vu khống, hình phạt này được áp dụng như đối với công dân Việt Nam khi phạm tội. Mức hình phạt là cải tọa không giam giữ đến hai năm hoặc tù từ ba tháng đến hai năm.
Trong trường hợp Người Úc được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và quyền miễn trừ về lãnh sự.
Tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật hình sự về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định: “ Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vẫn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo con đường ngoại giao”.
Như vậy theo quy định trên người Úc mà thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao, quyền ưu đã và miễn trừ về lãnh sự theo theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế thì được giải quyết theo con đường ngoại giao chứ không áp dụng Bộ luật hình sự của Việt Nam
Thứ 5, về quyền hạn cơ quan điều tra.
Trong phạm vi quyền hạn của mình cơ quan điều tra chỉ có quyền hỏi để lấy lời khai từ bị can, bị cáo, nguyên đơn…. chứ cơ quan điều tra không được sử dụng biện pháp cực hình, bức cung, tra tấn, đánh đập…. để lấy lời khai của bị can, bị cáo,nguyên đơn. Nếu cơ quan điều tra có hành vi như vậy là trái với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên trong thực tế hiện này một số cán bộ cơ quan điều tra đã sử dụng những hành vi bạo lực như đánh, bức cung…. để lấy lời khai. Khi có những hành vi này xảy ra người bị thực hiện hành vi này có quyền tố cáo cơ quan điều tra về hành vi mà cơ quan điều tra đã làm.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Đoàn Thị Huyền