Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới nhất năm 2021. Trường hợp nào được tham gia BHXH tự nguyện? Tham gia BHXH tự nguyện ở đâu theo quy định mới nhất 2021.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Thực tế cho thấy, số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng cao, theo số liệu thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội trong năm 2017 số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 291,000 người. Đây cũng là một dấu hiệu khởi sắc trong quá trình vận động, tuyên truyền người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn nữa. Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Tư vấn các quy định về tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trực tuyến miễn phí: 1900.6568
“Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này”.
Như vậy, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc các đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có nhu cầu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng và hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH có hiệu lực ngày 01/07/2017 có quy định về đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2
“1. Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH, bao gồm:
1.1. Người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01/01/2018; người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01/01/2018 trở đi;
1.2. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
1.3. Người lao động giúp việc gia đình;
1.4. Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
1.5. Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
1.6. Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
1.7. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH;
1.8. Người tham gia khác.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH tự nguyện.”
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là một biện pháp thể hiện tính nhân đạo trong chính sách an sinh xã hội của nhà nước để mọi người có quyền được hưởng lương hưu khi về già. Thực tiễn cho thấy, độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tham gia nhiều là ở trong khoảng 40 – 50 tuổi. Bởi xã hội phát triển thì người lao động đã chú ý và lo nghĩ hơn về cuộc sống của mình khi về già, mặt khác tiềm lực tài chính của những lao động này cũng tốt hơn do không còn phải chi phí nhiều cho việc nuôi dạy con cái và ổn định cuộc sống như lúc còn trẻ. Điều này đã góp phần mở rộng được đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ kinh phí cho người lao động khi về già, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Vì vậy, nhà làm luật cũng có những quy định mở cho các đối tượng không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội giúp cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai.
Bản chất của bảo hiểm xã hội tự nguyện là dựa trên ý chí tự nguyện của người tham gia, không có sự cưỡng ép hay lừa dối tham gia bảo hiểm xã hội, trên cơ sở lựa chọn mức đóng và phương thức đóng sao cho phù hợp với thu nhập của mình. Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều đó cũng có nghĩa rằng, việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hoàn toàn dựa trên nhu cầu và lợi ích của người lao động muốn hưởng bảo hiểm xã hội.
Đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thực tiễn cho thấy, phạm vi mở rộng của bảo hiểm xã hội đang là vấn đề chính phải xử lý khi có tới 71% số người lao động trong toàn xã hội chưa tham gia bảo hiểm xã hội, họ chủ yếu là nông dân và lao động nông thôn, lao động khu vực phi chính thức. Trong khi đó, phần lớn lao động nông thôn đang phải đương đầu với tai nạn lao động, ốm đau, thai sản, rủi ro thất nghiệp với tuổi già không nơi nương tựa mà không được hỗ trợ. Một khảo sát về nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện năm 2017 cho thấy, có tới 35,2% số lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mong muốn tham gia. Đặc biệt, 8,5% số lao động cho biết sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định theo hướng hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành bảo hiểm xã hội.
Điều đó cũng có nghĩa rằng, nhà làm luật cần đưa ra những chính sách mở rộng quyền lợi được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn nữa, từ đó mới có thể tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đồng thời cũng phù hợp với nhu cầu và lợi ích của người muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
- 2 2. Tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cần thủ tục gì?
- 3 3. Muốn đóng bảo hiểm xã hội sau nghỉ việc thì phải làm thế nào?
- 4 4. Tìm hiểu về việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
- 5 5. Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có được xét tuyển đặc cách không?
1. Quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Điều 2 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến đủ 60 tuổi đối với nam và từ đủ 15 tuổi đến đủ 55 tuổi đối với nữ, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
1. Đối tượng áp dụng.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Điều 2 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến đủ 60 tuổi đối với nam và từ đủ 15 tuổi đến đủ 55 tuổi đối với nữ, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng;
2. Cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố;
3. Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
4. Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
5. Người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân;
6. Người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã nhận bảo hiểm xã hội một lần;
7. Người tham gia khác.
Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Mức đóng bảo hiểm xã hội được quy định cụ thể tại Điều 26 Nghị định 190/2007/NĐ-CP cụ thể:
Mức đóng hàng tháng = Tỷ lệ % đóng BHXH tự nguyện x Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Trong đó:
1. Tỷ lệ % đóng BHXH tự nguyện:
– Từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011: bằng 18%;
– Từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013: bằng 20%;
– Từ tháng 01/2014 trở đi: bằng 22%.
2. Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn = Lmin + m x 50.000 (đồng/tháng).
Trong đó:
Lmin: mức lương tối thiểu chung; m = 0, 1, 2, …, n;
Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm được hưởng lương hưu hàng tháng, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp tử tuất một lần.
Ví dụ: Với tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện năm 2013 là 20% và mức lương tối thiểu chung hiện tại là 1.050.000 đồng/tháng thì mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng là:
m = 0: Mức đóng = 20% x (1.050.000 + 0 x 50.000) = 210.000.
m = 1: Mức đóng = 20% x (1.050.000 + 1 x 50.000) = 220.000.
m = 2: Mức đóng = 20% x (1.050.000 + 2 x 50.000) = 230.000.
…..
m = 398: Mức đóng = 20% x (1.050.000 + 398 x 50.000) = 4.190.000.
m = 399: Mức đóng = 20% x (1.050.000 + 399 x 50.000) = 4.200.000.
3. Phương thức đóng BHXH tự nguyện:
Theo quy định tại khoản 1 và Khoản 2 Điều 10 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của BHXH Việt Nam về việc ban hành quy định quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì:
“1. Người tham gia đóng hàng tháng, quý hoặc 06 tháng một lần trên cơ sở đăng ký với cơ quan BHXH. Thời điểm đóng là: trong vòng 15 ngày đầu tháng đối với phương thức đóng hàng tháng, trong vòng 45 ngày đầu quý đối với phương thức đóng hàng quý, trong vòng 03 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần.
2. Người tham gia đóng thông qua đại lý thu hoặc đóng trực tiếp cho BHXH huyện nơi cư trú”.
Hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện gồm có:
– Tờ khai tham gia BHXH tự nguyện (mẫu A02-TS) kèm theo 02 ảnh màu 3 x 4 cm (01 ảnh dán trên tờ khai tham gia BHXH, BHYT;
– 01 ảnh lưu cùng hồ sơ tham gia để xây dựng cơ sở dữ liệu), sổ BHXH đối với người đã tham gia BHXH trước đó (Theo Điều 28 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH).
4. Điều kiện hưởng BHXH tự nguyện:
Khoản 1 Điều 70 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng lương hưu:
“1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;
b) Đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
2. Trường hợp nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá năm năm so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì được đóng tiếp cho đến khi đủ hai mươi năm”.
2. Tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cần thủ tục gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Chị Hồ Thanh Xuân làm việc tại một phòng khám tư nhân được 4 năm nhưng phòng khám chưa ký HĐLĐ, chưa đóng BHXH cũng như BHYT cho chị. Luật sư cho tôi hỏi nếu chị Xuân muốn tự đóng BHXH cho mình có được không? Nếu được thì chị phải làm những thủ tục gì, phải đến đâu để được đăng ký đóng BHXH?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, đối với hồ sơ đăng ký lần đầu hoặc đăng ký lại sau thời gian dừng đóng
– Tờ khai tham gia BHXH tự nguyện (mẫu A02-TS);
– Ảnh màu 3×4 cm (02 ảnh- 01 ảnh dán trên tờ khai tham gia BHXH, BHYT; 01 ảnh lưu cùng hồ sơ tham gia để xây dựng cơ sở dữ liệu);
– Sổ BHXH đối với người đã tham gia BHXH trước đó.
Thứ hai, về cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Bộ phận Một cửa – Bảo hiểm xã hội theo địa bàn quản lý.
3. Muốn đóng bảo hiểm xã hội sau nghỉ việc thì phải làm thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi năm nay 46 tuổi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp đến nay thời gian được 18 năm. Nhưng nay tôi muốn nghỉ không tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Vậy xin công ty tư vấn giúp tôi có được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp theo thời gian đã đóng bảo hiểm ở doanh nghiệp không?
Luật sư tư vấn:
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Hiện tại bạn đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp đến nay thời gian được 18 năm. Bạn không tham gia lao động nữa mà muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014
Điều 72. Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí
Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này.
Nếu bạn không tham gia lao động tại doanh nghiệp bạn có quyền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đóng tiếp vào thời gian đóng bảo hiểm tại doanh nghiệp. Mức đóng áp dụng theo quy định của Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 như sau:
“Điều 10. Mức đóng
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội và theo phương thức đóng tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được quy định như sau:
– Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
– Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
4. Tìm hiểu về việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Công ty Luật Dương Gia. Hiện tại em đang làm công việc tư nhân, không có hợp đồng lao động. Ví dụ em muốn tự động đóng Bảo hiểm do em đứng ra tự đóng thì có được không? Và nếu có thì chi phí mỗi tháng em cần phải đóng là bao nhiêu? Rất mong có thể giúp em giải đáp thắc mắc, em xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động tham gia hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, từ ngày 01/01/2018 đối với hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bạn làm công việc tư nhân, không có hợp đồng lao động theo quy định, nếu bạn là công dân Việt Nam và từ đủ 15 tuổi trở lên thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP; là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Phương thức đóng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
+ Hằng tháng;
+ 03 tháng một lần;
+ 06 tháng một lần;
+ 12 tháng một lần;
+ Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định.
Trên đây là quy định của pháp luật về mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bạn có thể tham khảo và lựa chọn mức đóng, phương thức đóng cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của bạn.
5. Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có được xét tuyển đặc cách không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi được Trường trung học phổ thông NVC ký hợp đồng giảng dạy trả lương theo tiết dạy từ năm 2011 đến nay (liên tục, trên 36 tháng, hợp đồng được ký theo năm học, trả lương theo tiết dạy). Trong thời gian giảng dạy do Trường trung học phổ thông NVC không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nên tôi tự đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2013 đến nay). Vừa qua tháng 12 năm 2016 Ủy ban nhân dân tỉnh xét đặt cách viên chức, nhưng tôi không thuộc đối tượng xét tuyển do không đóng Bảo hiểm xã hội.
Theo tôi được biết theo Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV về điều kiện xét tuyển đặc cách thì không nêu đến vấn đề đóng bảo hiểm xã hội. Tôi xin hỏi, Ủy ban nhân dân tỉnh áp dụng điều kiện xét tuyển đặc cách như vậy có đúng quy định hay không? Và tôi có đủ điều kiện để xét tuyển đặt cách hay không (tôi có đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2013 đến nay, trên 36 tháng). Đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện có liên quan gì đến xét đặc cách viên chức hay không?
Luật sư tư vấn:
Điều 14
– Một, viên chức đó là người có kinh nghiệm công tác hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển; người đó có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc); Trong thời gian công tác viên chức không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và phải đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
– Hai: người tốt nghiệp loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước, có chuyên ngành được đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm; trường hợp sau khi đã tốt nghiệp mà đã tham gia công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển thì trong quá trình công tác không có hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ
– Ba: Đối tượng là người có tài năng, năng khiếu đặc biệt đã có văn bằng, chứng chỉ hoặc có kỹ năng, năng khiếu phù hợp vớ vị trí việc làm cần tuyển dụng đơn vị sự nghiệp công lập trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và các ngành truyền thông khác.
Như vậy, theo quy định trên, một trong những trường hợp được xét tuyển đặc cách là đối tượng đã có thời gian và kinh nghiệm côgn tác trong thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên. Do đó thời gian 36 tháng này tính căn cứ vào thời gian làm việc thực tế tại đơn vị mà không phải căn cứ vào việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Luật sư
Theo như bạn trình bày thì bạn được Trường trung học phổ thông NVC ký hợp đồng giảng dạy trả lương theo tiết dạy từ năm 2011 đến nay (liên tục, trên 36 tháng, hợp đồng được ký theo năm học, trả lương theo tiết dạy). Trong thời gian giảng dạy do Trường trung học phổ thông NVC không đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc nên bạn tự đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện (đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2013 đến nay). Vừa qua tháng 12 năm 2016 Ủy ban nhân dân tỉnh xét đặc cách viên chức, nhưng bạn không thuộc đối tượng xét tuyển do không đóng Bảo hiểm xã hội. Đối chiếu với quy định trên thì việc đóng bảo hiểm xã hội không phải là điều kiện để được xét tuyển đặc cách hay không cần xem xét trường hợp:
– Nếu Ủy ban nhân dân tỉnh lấy lý do là bạn không tham gia bảo hiểm xã hội để bảo bạn không thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách trong khi bạn đáp ứng tất các điều kiện nêu trên thì Ủy ban nhân dân tỉnh làm như vậy là sai quy định của pháp luật. Nghị định 29/2012/NĐ-CP và Thông tư 14/2012/TT-BNV không có quy định về vấn đề việc viên chức phải đáp ứng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được xét tuyển đặc cách. Trong trường hợp này, bạn có thể làm đơn khiếu nại về hành vi này của Ủy ban nhân dân tỉnh đến cơ quan có thẩm quyền.
– Nếu bạn không đáp ứng được một trong các điều kiện còn lại như: đã từng bị kỷ luật hoặc không được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ được giao,…thì Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định như vậy là có căn cứ.
Trong trường hợp này, để được xét tuyển đặc cách thì bạn phải làm việc liên tục từ đủ 3 năm trở lên. Và trong quá trình công tác, bạn không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra bạn còn phải được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Nếu bạn đã đạt đủ các yêu cầu trên thì bạn hoàn toàn có đủ điều kiện để được xét đặc cách viên chức. Việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện không phải là điều kiện để được xét tuyển đặc cách viên chức.