Về chủ thể tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc? Nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc? Tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc?
Để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, thì các cá nhân phải trải qua một kỳ thi sát hạch và đạt được các điều kiện của kỳ thi này đặt ra. Kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc phải được tổ chức theo quy định của pháp luật và được tổ chức bởi chủ thể có năng lực. Hiện nay, quy định về kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc được quy định tại Luật Kiến trúc và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các quy định về kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Kiến trúc năm 2019;
– Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.
1. Về chủ thể tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Về chủ thể tổ chức kỳ thi sát hạch được quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Kiến trúc năm 2019 như sau:
“1. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.”
Như vậy, thì chủ thể tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc chính là các Tổ chức xã hội nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc. Thực tế hiện nay có thể kể đến một số chủ thể tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc bao gồm: Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng); Hội kiến trúc sư Việt Nam; Viện Kiến trúc Quốc gia ; Trường Đại học Xây dựng Miền Trung; Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Trường Đại học Kiến trúc Thành phổ Hồ Chí Minh; Trường Đại học Xây dựng Miền Tây; Trường Đại học Xây dựng Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh,…
Các tổ chức để được tiến hành tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc phải là các tổ chức đáp ứng các tiêu chí được quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật Kiến trúc và tiêu chí tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP. Cụ thể thì các tiêu chí bao gồm:
– Được thành lập theo quy định của pháp luật;
– Có lĩnh vực hoạt động liên quan đến hoạt động kiến trúc;
– Có đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ tổ chức sát hạch.
– Có quyết định công nhận đủ điều kiện thực hiện sát hạch đối với tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc;
– Đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo các nội dung tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 85/2020/NĐ- CP: tiêu chí về khu vực chờ, trang thiết bị như máy tính, bàn ghế, hệ thống đường truyền, máy in kết quả, camera, hệ thống âm thanh, phần mềm sát hạch.
– Cơ sở đào tạo về kiến trúc từ bậc đại học trở lên.
Từ sáu nhóm tiêu chí trên, thì để được tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực của chủ thể, tức phải được thành lập theo quy định pháp luật. Đáp ứng tiêu chí về lĩnh vực hoạt độn và trình độ đào tạo, đây là tiêu chí về nội dung, đánh giá năng lực của tổ chức, tổ chức phải có năng lực trong kiến trúc thì mới có thể đánh giá dựa trên khoa học về trình độ của cá nhân yêu cầu cấp chứng chỉ. Ngoài ra còn là tiêu chí về cơ sở vật chất phục vụ cho việc thi sát hạch. Và tiêu chí thể hiện sự đồng ý của nhà nước để được tổ chức thi sát hạch, đây là tiêu chí quyết định cho việc được tổ chức kỳ thi hay không.
2. Nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc được quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Kiến trúc thì nội dung của sát hạch gồm 4 nội dung như sau:
– Kinh nghiệm nghề nghiệp về kiến trúc: tiêu chí này để kiểm tra về kinh nghiệm của cá nhân đề nghị hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc. Cá nhân phải có kinh nghiệm thực tế trong hoạt động kiến trúc, có kiến thức tích lũy trong quá trình hành nghề kiến trúc trước đó
– Kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề: pháp luật là nền tảng của kiến trúc, bất cứ hoạt động nào trong lĩnh vực kiến trúc cũng phải tuân theo pháp luật, do đó, các cá nhân thi cấp chứng chỉ phải nắm rõ các quy định pháp luật về kiến trúc, để tuân thủ các quy định đó trong quá trình hành nghề.
– Kiến thức chuyên ngành về kiến trúc: đây là tiêu chí về chuyên môn, cá nhân không có chuyên môn về chuyền ngành kiến trúc thì không có ý nghĩa gì. Kiến thức chuyên ngành này thể hiện năng lực, khả năng nhận thức cũng như tư duy của các chủ thể đó. Tiêu chí này có thể thể hiện thông qua việc tốt nghiệp đại học các chuyên ngành, trả lời các câu hỏi chuyên ngành,….
– Kiến thức về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề: Quy tắc ứng xử nghề nghiệp như một văn bản thể hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân cũng như nêu ra các quy tắc bắt buộc cá nhân phải thực hiện. Để được cấp chứng chỉ hành nghề và hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc thì các cá nhân phải nắm rõ và vận dụng những quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề đã được ban hành.
Việc kiểm tra kiến thức của các cá nhân được thực hiện thông qua kỳ thi bằng các câu hỏi. Tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 85/2020/NĐ- CP quy định về nội dung bộ câu hỏi như sau:
“2. Nội dung Bộ câu hỏi sát hạch với số điểm tối đa là 100 phải phù hợp với khoản 2 Điều 26 Luật Kiến trúc, bao gồm:
a) 10 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp với số điểm tối đa là 40;
b) 05 câu hỏi về kiến thức pháp luật với số điểm tối đa là 20;
c) 05 câu hỏi về kiến thức chuyên môn với số điểm tối đa là 20;
d) 05 câu hỏi về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề với số điểm tối đa là 20.”
Quy định này đã thể hiện rõ cơ cấu đề thi trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ nghề kiến trúc, có sự kết hợp của bốn nội dung cần phải đáp ứng trong nội dung kiểm tra. Và nội dung về kinh nghiệm nghề nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất, thể hiện rõ về vai trò của kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kiến trúc. Bởi kinh nghiệm phải được cá nhân tích lũy qua các quá trình phát triển của bản thân họ, không có một môi trường nào đào tạo chuyên sâu về kinh nghiệm.
3. Tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Về hình thức thi sát hạch thì được tổ chức dưới hình thức trắc nghiệm hoặc vấn đáp. Trong đó hình thức trắc nghiệm được áp dụng cả đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc lần đầu và trường hợp cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề. Riêng đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc lần đầu, thì còn kết hợp giữa thi trắc nghiệm và vấn đáp, trong đó, thi trắc nghiệm trước, nếu cá nhân vượt qua vòng trắc nghiệm thì sẽ tiến hành thi vấn đáp. Nội dung vấn đáp cũng bao gồm 4 nội dung yêu cầu về kiến thức được nêu ở mục trên. Việc tổ chức thi vấn đáp nhằm đánh giá trực tiếp năng lực của các cá nhân đề nghị sát hạch, kiểm tra khả năng phản ứng, hiểu sâu vấn đề của các cá nhân đó. Đồng thời việc thi vấn đáp cũng giúp giảm khả năng gian lận trong thi sát hạch.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 85/2020/NĐ- CP thì cá nhân đạt kết quả sát hạch phải có tổng số điểm từ 70 điểm trở lên, trong đó điểm sát hạch về kiến thức pháp luật phải đạt tối thiểu là 16 điểm; các phần còn lại phải đạt tối thiểu 50% số điểm theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Nghị định, tức tối thiểu 20 điểm về kinh nghiệm nghề nghiệp, 10 điểm về kiến thức chuyên môn và 10 điểm về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề
Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức sát hạch theo định kỳ 06 tháng một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu thực tế tại các địa điểm tổ chức đó.
Để được tham gia kỳ thi sát hạch, thì các cá nhân phải tiến hành hoạt động đăng ký tham gia kỳ thi bằng cách gửi hồ sơ tham gia bao gồm tờ khai thông tin và các văn bản khác theo yêu cầu pháp luật đến chủ thể tổ chức kỳ thi sát hạch. Việc nộp hồ sơ này có thể được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau như nộp online, nộp qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại các tổ chức thi.
Sau khi tổ chức kỳ thi sát hạch, thì các tổ chức, cơ quan tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc có trách nhiệm thông báo kết quả sát hạch cho các cá nhân tham dự sát hạch sau 15 ngày kể từ ngày sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; (điểm a, khoản 7 Điều 25 Nghị định 85/2020/NĐ- CP) để các cá nhân này biết được kết quả của mình. Đối với các cá nhân đạt đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề, thì các tổ chức, cơ quan tổ chức thi sát hạch phải cấp giấy chứng nhận kết quả sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho cá nhân đó.